Trước thềm năm mới, tản mạn về lòng dân và vận nước
Trần Ngọc Vương
Sông phía Bắc, biển phía Đông / Nếu không dân cũng là không có gìĐó là hai câu thơ của Phan Bội Châu, nhà yêu nước vĩ đại đầu thế kỷ XX, viết để bày tỏ một nhận thức mới về vị trí của người dân trong lịch sử.
“Dân”, trước hết là “cư dân” (habitants), nghĩa là “người ở nơi đó”. Khi loài người đang ở trong thời mông muội, trong từng cá thể lẫn cả cộng đồng đều chưa nảy sinh ý thức “chiếm đoạt từng mảnh trên mặt địa cầu làm tài sản riêng”, vì thế quyền sở hữu đối với đất đai, lãnh thổ…thoạt kỳ thủy, như K.Marx nhận xét, chỉ xuất hiện một cách ngẫu nhiên, đúng ra, như một quán tính đời sống. Loài người thừa kế quán tính này từ loài vật, không chỉ là “rừng nào hổ nấy” mà còn là “rau nào sâu ấy”, điều mà ngày nay người ta gọi là “hệ sinh thái tương thích”.
Nhưng như các công trình nghiên cứu nhân học lịch sử từng chỉ rõ, hầu như không một cộng đồng cư dân nào từ thuở “khai thiên lập địa” cho tới ngày nay chỉ cư trú trên một địa bàn xác định, Ngay khi ở cộng đồng nào đó đã tiến tới trình độ phát triển được một nền kinh tế trồng trọt – một trong những điều kiện và cũng là tiên đề cho lối sống định cư, thì tình trạng du canh du cư vẫn tiếp tục diễn ra, cho dù địa điểm mới không phải, không thể quá xa nơi cư trú cũ. Cũng là kinh tế nông nghiệp, nhưng đối với cư dân lựa chọn lao động chăn nuôi làm nghề nghiệp chính, thì do điều kiện phát triển của vật nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc quy mô lớn, lối sống của họ thiên về du cư. Khi trên mặt đất chưa hình thành các đường biên giới, thì chưa xuất hiện loại “anh hùng nhất khoảnh” – những thủ lĩnh dựa vào sức mạnh cộng đồng để chiếm cứ và thực hành sở hữu hóa một lãnh địa, một vùng lãnh thổ xác định, như vào thời đại sau.
Các cộng đồng cư dân ở mọi nơi trên khắp thế giới đến một trình độ phát triển nhất định lần lượt thiết định nên các hình thức tổ chức xã hội. Lòng yêu nước, hay thậm chí “chủ nghĩa yêu nước”, được mặc định nội dung là phải thể hiện trực tiếp bằng những phát ngôn “thiết tha, rực rỡ”, có tác dụng truyền đạt tình cảm “yêu nước thương nòi” tới những đồng bào mình, cổ vũ, động viên được họ hành động vì non sông đất nước; lòng yêu nước trong hoàn cảnh đất nước có ngoại xâm phải là sự thể hiện một lòng căm thù cao độ, ngùn ngụt, một sự đối kháng “một mất một còn” với kẻ thù ngoại xâm, và trong tuyệt đại đa số trường hợp, còn cần được chứng tỏ bằng hành động cầm vũ khí chiến đấu kiên cường với chúng và bè lũ tay sai bán nước của chúng, chấp nhận hy sinh tính mạng, “quên thân, quên nhà” để “tận trung báo quốc”; khi tồn tại một tổ chức yêu nước được coi là “chân chính nhất”, thì người được coi là yêu nước phải là người sớm gia nhập tổ chức đó, lực lượng đó và hơn thế, còn cần nhanh chóng trở nên là “yếu nhân” trong tổ chức ấy. Lồng ghép thêm nội dung giai cấp, lòng yêu nước của bất cứ ai trong thời cận hiện đại còn cần phải được chứng thực bằng thái độ, tình cảm và hành vi của “đương sự” đối với quần chúng nhân dân, nhất là đối với những người thuộc tầng lớp dưới, những người mang thân phận “dưới đáy”.
Tất cả những đòi hỏi nội dung ấy của lòng yêu nước hay chủ nghĩa yêu nước đương nhiên đều không sai, nhưng đều là những đòi hỏi, yêu cầu đối với những người xứng đáng ở vị trí đặc biệt, đều là những nhà yêu nước lớn, nói cách khác, đều là những tiêu chí đối với những “vĩ nhân, lãnh tụ” hay chí ít, đối với những “yếu nhân”. Hàng triệu người bình thường sống và thể nghiệm một tình cảm yêu nước giản dị hơn, nhưng phong phú hơn, “vô định” hơn về nội hàm.
Khởi thủy của mọi cảm xúc liên quan tới lòng yêu nước là sự kết nối, những liên hệ mang tính tự nhiên của một cá thể cụ thể với một khu vực địa lý và với một cộng đồng thân tộc - huyết tộc. Nói một cách hình ảnh, tình cảm yêu nước trước hết gắn với một “quê hương”, một nơi “chôn nhau cắt rốn”, gắn với một cộng đồng huyết thống mà trước hết là người mẹ, người cha. Vậy nên ở điểm khởi đầu, lòng yêu nước là một loại tình cảm vừa “tự nhiên nhất”, nhưng cũng “nhân bản nhất”, cao cả nhất giữa mọi loại tình cảm. Văn chương nghệ thuật tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều thể hiện một thứ tình cảm yêu nước thông qua những “tác thể” như vậy, và trong ý nghĩa ấy, tình cảm yêu nước là một loại cảm xúc mang tính phổ biến, nghĩa là mang tính “toàn nhân loại”.
Với ý nghĩa ấy, mà I. Ê ren bua đã viết những dòng mở đầu của “thiên tùy bút trữ tình, tráng lệ nhất mọi thời đại”: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh…Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vônga, con sông Vônga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Nhưng điểm khởi đầu ấy vẫn chưa phải là lòng yêu nước hay chủ nghĩa yêu nước. Để hình thành nên thứ tình cảm “được chia sẻ lẫn nhau về cùng một xứ sở, “quê cha đất tổ”, thứ tình cảm củng cố cái đơn nhất trên cơ sở những giá trị chung. Tình cảm ấy dẫn tới chỗ làm bộc lộ ra tình yêu và niềm kiêu hãnh đối với vùng quê cha đất tổ đó.Người yêu nước là người sẵn sàng hy sinh hoặc tranh đấu đến cùng để bảo vệ lợi quyền cho xứ sở”, lịch sử của các vùng đất, các cộng đồng cư dân còn phải kinh qua nhiều nấc, nhiều cung bậc vận động và phát triển để hoàn thiện nội dung của nó.
Tùy thuộc vào diện trường (champ) hoạt động, giao tiếp và quan hệ của từng cá thể mà ở mỗi cá thể như vậy có thể nảy sinh, duy trì, phát triển và hoàn thiện các loại hình tình cảm với quy mô và cường độ khác biệt nhau. Những loại hình tình cảm ấy cũng được phân tầng căn cứ vào nguồn gốc xuất hiện và phạm vi tác động của chúng. Về nguyên lý, những loại tình cảm và cảm xúc nào càng có nguồn gốc tự nhiên sâu xa bao nhiêu thì càng có vị trí, vai trò chi phối đời sống cảm xúc của chủ thể to lớn bấy nhiêu. Trong mọi thứ tình cảm, tình mẫu tử vì thế mới được coi là thiêng liêng nhất, bền vững nhất, mọi cơ chế thuộc về xã hội và tác động của chúng khó gây “sự cố” làm đảo lộn và thay thế loại tình cảm này.
Cũng là “tự nhiên nhất”, xúc động giới tính thì tồn tại phổ biến ở mọi cá thể bình thường trong độ trưởng thành, nhưng tình yêu nam nữ, với tính chất là đỉnh cao và kết tinh của những xúc động giới tính, từ góc nhìn khác, cũng là một trong những thứ tình cảm gây xúc động dai dẳng, mãnh liệt, bất trị nhất, vậy mà cho tới nay vẫn chưa hẳn được mọi người đồng thanh là chắc chắn hiện hữu trong không ít những quan hệ đôi lứa!
Trong quá trình tiến hóa lịch sử, con người với tư cách là một cá thể đơn biệt vốn vẫn chẳng phải “được sinh ra từ không khí”, mà phải gắn bó trực tiếp đương nhiên với ít nhất hai cá thể khác. Khởi đi từ những tình cảm “nguyên thủy” trong khung khổ một gia đình hạt nhân, mà các lý thuyết chính trị - xã hội hay tôn giáo - triết học từ thời cổ đại đã kiến tạo nên những luận đề đầu tiên của các hệ thống lý thuyết nhằm nhìn nhận, giải thích, xét đoán, điều hành, quản lý và cai trị xã hội. Sự xuất hiện theo trình tự kế tục lẫn nhau của các cộng đồng người từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, từ chủ yếu mang tính chất tự nhiên đến chỗ ngày càng đậm đặc những thuộc tính xã hội - lịch sử cũng đã làm nảy sinh một cách tuần tự những loại xúc cảm hướng tới các cộng đồng, bao gồm cả việc hướng tới cả toàn thể lẫn “phân nhánh” nhằm vào các thành tố riêng biệt của các cộng đồng từ nhỏ đến lớn đó. Trong lịch sử tâm lý tộc người ở nhiều nền văn hóa Âu – Mỹ, niềm hoài hương (nostalgie) là một loại tình cảm cộng đồng đặc biệt, nằm ở vị trí trung gian nhưng lại có sự ổn cố khá lâu bền, thậm chí trở thành cố hữu, siêu cá thể và liên thế hệ.
Lòng yêu nước, hay “duy lý” hơn, chủ nghĩa yêu nước, là một “công đoạn”, một trạng thái tình cảm đặc thù, hướng vào một dạng cộng đồng đặc thù mang tính chuyển tiếp như thế.. Có thể kiểm chứng nhận định đó khi quan sát văn chương của các cộng đồng, các quần thể người có lối sống du cư, hay các cộng đồng người, vì trình độ tiến hóa chưa đạt tới hay do sự trớ trêu của những tình huống lịch sử tạo ra, phải tồn tại trong trạng thái “vô tổ quốc” lâu dài. Từ giác độ khác, lại có thể quan sát thấy tình trạng nhiều những cá thể sống với những cảm xúc phức tạp, khi họ có từ hai “tổ quốc” trở lên để hướng tới về mặt tình cảm.
Để nghiên cứu thành công đề tài chủ nghĩa yêu nước trong lịch sử các quốc gia - dân tộc vừa như một đề tài mang tính lý luận vừa như một bình diện quan trọng của lịch sử tinh thần, giới nghiên cứu còn phải đầu tư nhiều công sức từ việc kiến tạo lý thuyết, mô tả các nền lịch sử tư tưởng chính yếu và điển hình từng hàm chứa nội dung ấy, vừa phải so sánh chúng với nhau. Với những nền lịch sử tư tưởng mà phạm vi tác động chủ yếu là những cộng đồng tồn tại ở trạng thái “tiền quốc gia”, đương nhiên cả từ góc độ lý thuyết lẫn góc độ thực tiễn, trên tọa độ chủ nghĩa yêu nước mà xét, không thể đặt đẳng lập với các nền văn học có lịch sử quốc gia - dân tộc từng tồn tại lâu dài, từng có sự phát triển của loại hình cộng đồng này qua một lịch sử thăng trầm và phức tạp. Việt Nam may mắn là một quốc gia như vây. Tình cảm yêu nước hay “chủ nghĩa yêu nước” trong đời sống tinh thần của các cộng đồng đã phát triển tới quy mô đế chế đương nhiên không hề giống với loại tình cảm đó, biệt sắc tư tưởng đó trong đời sống tinh thần của các cộng đồng có cách thức tồn tại “khiêm tốn, giản dị” hơn: “chủ nghĩa yêu nước kiểu đế chế” (patriotism imperial) là cả một hệ vấn đề hết sức phức tạp, không thể tiếp nhận và bình luận theo hướng tích cực một chiều.
Trong truyền thống Đông Á, giữa các học thuyết – tôn giáo khác nhau có sự hình dung khác nhau về mối quan hệ giữa nhà nước – bộ phận cầm quyền và cư dân. Trên những nét đại thể, có thể nói là Phật giáo không hình thành rõ những luận điểm về mối quan hệ giữa dân và nước. Chủ trương hướng tới một xã hội “tiểu quốc quả dân” (nước nhỏ dân ít) cai trị bằng một nền chính trị “vô vi” cũng không cho phép tư tưởng Lão Trang có được một sự hình dung phong phú, đa dạng về mối quan hệ giữa người dân và cộng đồng quốc gia – dân tộc. Chỉ Nho giáo và Pháp gia là có hệ thống khi trình bày một lý luận chính trị - xã hội, đủ sức trở thành hệ tư tưởng. Điểm chung nhất giữa Pháp gia và Nho giáo là cùng độc tôn ngôi vua chuyên chế, coi đó là quyền lực trần thế tối cao, là đại diện cho cả thần quyền thay Trời trị dân, quản lý Thiên hạ. Trong nền học vấn truyền thống bởi nhiều lý do khác nhau Nho giáo được truyền bá rộng rãi nhất và phần lớn những ý tưởng về mối quan hệ giữa bộ ba Vua – Dân – Nước trở thành công thức thuộc “nằm lòng” là xuất phát từ kinh điển Nho giáo.
Cả Khổng Tử, Mạnh Tử và các bậc triết Nho khác đều mặc nhiên thừa nhận địa vị “bất khả tư nghị” (không được bàn luận) về địa vị tối thượng của ngôi vua chuyên chế. Nhưng ở giai đoạn hình thành, Nho giáo còn “chừa chỗ” cho dân, cho họ có những quyền nhất định. Theo Khổng Tử và Mạnh Tử, để được thay trời trị dân, người cầm quyền phải có Đức, thậm chí là những “Đức lớn” (Đại Đức). Tuy ngôi vua là do Trời chọn, nhưng “Trời không thân riêng ai, chỉ giúp người có Đức”. Khi người cầm quyền, mà tột cùng là Vua Thiên tử, không thể hiện đủ năng lực và Đức hạnh, thì Trời sẽ bày tỏ cho người cầm quyền đó những dấu hiệu trách phạt (“ trưng, triệu”), nếu người cầm quyền không tỏ ra hối lỗi, mức độ “cảnh cáo” sẽ được thể hiện ra ở mức cao hơn: những tai họa quy mô lớn, như dịch bệnh, mất mùa, thiên tai…Nếu người cầm quyền vẫn chưa tỉnh ngộ, thì sẽ xảy ra loạn lạc, “cách mạng”. Nhưng “cách mạng”. theo nguyên nghĩa của kinh điển Nho gia, là việc Trời đổi Mệnh, thay người, thay dòng họ cầm quyền, chứ không phải là sử dụng biện pháp lật đổ của sức mạnh quần chúng. Nhà nho, đặc biệt là Mạnh Tử, thể hiện một tinh thần thân dân quyết liệt, tuy đó không phải là tư tưởng dân chủ. Không phải nhà nho đề cao con người bình thường, (thứ nhân, thất phu thất phụ) nhưng với tư cách là một nguyên khối, dân trong nhãn quan Nho gia là một thực thể hồn hậu, bí ẩn, trong nhiều tình huống họ có thể bày tỏ cả “ý trời”. Chính vì vây, từ rất sớm, các triều đại chuyên chế đã cho những ông quan (bài quan) về các địa phương, sưu tầm ca dao, dân ca, làm hình thành nên những bộ vựng tập văn học dân gian nổi tiếng. Kinh Thi là một sản phẩm như vậy. Mục đích việc sưu tầm Thi là để “đạo đạt dân tình, bổ sát thời chính” (thấu tỏ được lòng dân, bổ khuyết cho nền chính trị đương thời).
Trên thực tế, các ông vua chuyên chế, nhất là vua sáng nghiệp, biết rất rõ rằng họ phải trả giá như thế nào để có được Thiên hạ. Hán Cao tổ, một người xuất thân hèn kém và tính tình lỗ mãng, đã không ngần ngại mắng thẳng vào mặt vị đại diện cho “quần Nho” đang tha thiết khuyên ông theo đuổi nền “văn trị” : “Nãi ông mã thượng nhi đắc thiên hạ, an sự Thi, Thư?” – Ông mày đây ngồi trên lưng ngựa mà được thiên hạ, liên quan gì tới Thi, Thư. Cũng không thấy có ông vua chuyên chế nào khi lâm vào những bước đường cùng đã được “Mệnh Trời” che đỡ, cứu vớt thành công cả, nếu đó không phải là những “thế lực trần gian” và công sức của những bề tôi mẫn cán, sự hy sinh của thuộc hạ dưới quyền. Nhưng về mặt tư tưởng, mọi chế độ chuyên chế đều cần có những lý thuyết để giải thích, biện chính và làm điểm tựa tinh thần cho tính chính đáng của quyền lực mà họ đang nắm giữ! Khi đang cầm giữ quyền lực, mọi triều đình chuyên chế đều tìm hết mọi phương cách để tô vẽ cho triều đại của họ, và khi quyền lực đó đã bị đánh đổ, triều đại mới thay thế, thì như một quy luật, triều đại mới này lại ra sức tố cáo, phủ định tiếp tục cái triều đại cũ ấy, giết chế nó một lần nữa trong ý thức, trong tinh thần dân chúng.
Từ lâu, trong nhận thức về triết học lịch sử, nhiều nhà triết học và nhà tư tưởng đã khẳng định rằng quần chúng nhân dân là chủ thể quan trọng nhất làm nên lịch sử. Trong tinh thần hào hứng của hoặc một thứ chủ nghĩa dân túy, hoặc nương theo đà của những ngọn sóng cách mạng được tạo nên bởi một lực lượng quần chúng đông đảo được giải phóng, không ít người đã hồn nhiên và thành thực tin tưởng, giải thích mệnh đề đó một cách duy cảm, rằng tất cả các thành tựu của các nền văn minh, mọi di sản tinh thần và vật chất của nhân loại có được đều là nhờ “bàn tay, khối óc” thậm chí “máu mỡ” của nhân dân, của quần chúng. Nhân dân trở thành đối tượng của sự ngợi ca, sự khẳng định vô điều kiện. Tuy nhiên, khi tôi bắt đầu ngồi vào máy gõ những dòng đầu tiên của bài viết này, thì một thông tin buồn, cực buồn trên báo chí đã khiến tôi ngập ngừng mãi, cơ hồ không tiếp tục suy nghĩ được nữa: ở Thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai, khi một chiếc xe chở bia bị nạn lật nghiêng, hàng nghìn két, thùng bia đổ xuống đường, thì hầu như ngay lập tức, rất nhiều người đang tham gia giao thông , không ai bảo ai, đã lao vào “hôi của” , bất chấp lời cầu xin, khóc lóc của người lái xe bất hạnh kia, thậm chí, có báo còn đưa tin rằng khi người lái xe níu tay một số người van xin, anh này còn bị đánh. Hàng trăm người giành giật nhau tìm chút lợi cỏn con trên nỗi bất hạnh của đồng bào, đồng loại mình! Thực chất đây là hành vi ăn cướp, vì “hôi” phải được sự đồng ý của người chủ! Dĩ nhiên, đa số người tham gia vụ “hôi của” này là người đã trưởng thành. Ôi, “nhân dân” đã ra nông nỗi này sao?
Tôi hiểu, rằng nhận thức về vai trò của nhân dân làm nên lịch sử cần phải được thích nghĩa theo một tinh thần toàn diện hơn, chu diên hơn lối tuyên truyền dân túy, mỵ dân. Tất cả mọi sự kiện, biến cố trong lịch sử, kể cả những biến cố thảm họa do con người tạo ra, hỏi có biến cố nào không được tạo nên bởi những lực lượng xã hội nào đó đi tiên phong, và không bao giờ vắng mặt cái gọi là lực lượng quần chúng của họ! Lịch sử cần được hiểu, được tính tới cả ở tất cả các mặt âm bản của nó, những tai ách và tổn thất, những sự suy thoái và thất bại… và như vậy, quần chúng nhân dân há không chịu trách nhiệm, há rằng họ “vô can” trước các biến cố âm tính này?
Một nhận thức thấu triệt, tỉnh táo và toàn diện về vai trò của nhân dân đối với lịch sử , hơn bao giờ hết, cần phải được xác lập ở những thời điểm mang tính bước ngoặt của các trạng thái xã hội. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Phải, Khổng Tử từng khẳng định như vậy, nhưng cũng cần nhớ thêm rằng, là một nhà tư tưởng quân chủ kiên định, Khổng Tử không thể tưởng tượng đến một mô hình tổ chức xã hội không có vua, không có một vị “quốc chủ”. Thức nhận đó ở ông mạnh mẽ đến nỗi khi vào triều, đi qua trước ngai vua, dù là ngai trống, Khổng Tử cũng “biến sắc mặt, run rẩy sợ hãi”. Nguyễn Trãi cũng từng nói rằng cả một thời gian dài ông mang tâm sự của một Khổng Tử khi rơi vào tình thế đã ba tháng không có vua để thờ, một Mạnh Tử bề tôi cô đơn lo hoạn nạn không có vua bên cạnh! (“Trọng Ni tam nguyệt vô quân niệm; Mạnh Tử cô thần lự hoạn tâm”).
Trong thiết chế dân chủ, một trong những nỗ lực “tập làm quen” của nhiều người là tự làm chủ, tự quyết và tự trở thành. Mọi chính đảng nhân danh dân chủ và cách mạng đều có bổn phận thực hành dân chủ và hơn thế nữa, rèn luyện cho quần chúng “của mình” thực hành dân chủ. Nếu không có được một định hướng quyết liệt để mọi người dân hiểu dần ra và từng bước làm theo những yêu cầu dân chủ, thì “nhân dân” lại tự phát rơi trở lại tình trạng vô chính phủ, lại băn khoăn vô định, lại bị các thế lực khác lôi kéo, như đã từng xảy ra không cưỡng lại được trong lịch sử!
Ở thời đại ngày nay, khi thực thể xã hội quan trọng nhất chi phối đời sống của tuyệt đại đa số người dân vẫn là các quốc gia - dân tộc hoặc quốc gia - đa dân tộc, khi nội hàm của khái niệm “cosmopolis” (công dân toàn cầu) chỉ mới liên quan tới một tỷ lệ rất hạn chế những người đang sống trên trái đất, thì quần chúng nhân dân vẫn là chủ thể tối hậu làm ra lịch sử của các quốc gia – dân tộc ấy, nói cách khác, vẫn là người cuối cùng quyết định “vận nước”. Vấn đề vô cùng to lớn đặt ra đối với mọi chủ thể cầm quyền ở các quốc gia - dân tộc chính là việc tổ chức sức mạnh của khối quần chúng ấy như thế nào cho hữu hiệu. Mà tổ chức quần chúng hữu hiệu chính là làm cho họ thấy được một cách minh bạch nhất có thể, rằng đi theo chủ thể quyền lực ấy, thì lợi ích thực sự, hạnh phúc thực sự của họ được đảm bảo như thế nào?
Làng Võng cuối năm Quý Tỵ
T.N.V
Các cộng đồng cư dân ở mọi nơi trên khắp thế giới đến một trình độ phát triển nhất định lần lượt thiết định nên các hình thức tổ chức xã hội. Lòng yêu nước, hay thậm chí “chủ nghĩa yêu nước”, được mặc định nội dung là phải thể hiện trực tiếp bằng những phát ngôn “thiết tha, rực rỡ”, có tác dụng truyền đạt tình cảm “yêu nước thương nòi” tới những đồng bào mình, cổ vũ, động viên được họ hành động vì non sông đất nước; lòng yêu nước trong hoàn cảnh đất nước có ngoại xâm phải là sự thể hiện một lòng căm thù cao độ, ngùn ngụt, một sự đối kháng “một mất một còn” với kẻ thù ngoại xâm, và trong tuyệt đại đa số trường hợp, còn cần được chứng tỏ bằng hành động cầm vũ khí chiến đấu kiên cường với chúng và bè lũ tay sai bán nước của chúng, chấp nhận hy sinh tính mạng, “quên thân, quên nhà” để “tận trung báo quốc”; khi tồn tại một tổ chức yêu nước được coi là “chân chính nhất”, thì người được coi là yêu nước phải là người sớm gia nhập tổ chức đó, lực lượng đó và hơn thế, còn cần nhanh chóng trở nên là “yếu nhân” trong tổ chức ấy. Lồng ghép thêm nội dung giai cấp, lòng yêu nước của bất cứ ai trong thời cận hiện đại còn cần phải được chứng thực bằng thái độ, tình cảm và hành vi của “đương sự” đối với quần chúng nhân dân, nhất là đối với những người thuộc tầng lớp dưới, những người mang thân phận “dưới đáy”.
Tất cả những đòi hỏi nội dung ấy của lòng yêu nước hay chủ nghĩa yêu nước đương nhiên đều không sai, nhưng đều là những đòi hỏi, yêu cầu đối với những người xứng đáng ở vị trí đặc biệt, đều là những nhà yêu nước lớn, nói cách khác, đều là những tiêu chí đối với những “vĩ nhân, lãnh tụ” hay chí ít, đối với những “yếu nhân”. Hàng triệu người bình thường sống và thể nghiệm một tình cảm yêu nước giản dị hơn, nhưng phong phú hơn, “vô định” hơn về nội hàm.
Khởi thủy của mọi cảm xúc liên quan tới lòng yêu nước là sự kết nối, những liên hệ mang tính tự nhiên của một cá thể cụ thể với một khu vực địa lý và với một cộng đồng thân tộc - huyết tộc. Nói một cách hình ảnh, tình cảm yêu nước trước hết gắn với một “quê hương”, một nơi “chôn nhau cắt rốn”, gắn với một cộng đồng huyết thống mà trước hết là người mẹ, người cha. Vậy nên ở điểm khởi đầu, lòng yêu nước là một loại tình cảm vừa “tự nhiên nhất”, nhưng cũng “nhân bản nhất”, cao cả nhất giữa mọi loại tình cảm. Văn chương nghệ thuật tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều thể hiện một thứ tình cảm yêu nước thông qua những “tác thể” như vậy, và trong ý nghĩa ấy, tình cảm yêu nước là một loại cảm xúc mang tính phổ biến, nghĩa là mang tính “toàn nhân loại”.
Với ý nghĩa ấy, mà I. Ê ren bua đã viết những dòng mở đầu của “thiên tùy bút trữ tình, tráng lệ nhất mọi thời đại”: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh…Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vônga, con sông Vônga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Nhưng điểm khởi đầu ấy vẫn chưa phải là lòng yêu nước hay chủ nghĩa yêu nước. Để hình thành nên thứ tình cảm “được chia sẻ lẫn nhau về cùng một xứ sở, “quê cha đất tổ”, thứ tình cảm củng cố cái đơn nhất trên cơ sở những giá trị chung. Tình cảm ấy dẫn tới chỗ làm bộc lộ ra tình yêu và niềm kiêu hãnh đối với vùng quê cha đất tổ đó.Người yêu nước là người sẵn sàng hy sinh hoặc tranh đấu đến cùng để bảo vệ lợi quyền cho xứ sở”, lịch sử của các vùng đất, các cộng đồng cư dân còn phải kinh qua nhiều nấc, nhiều cung bậc vận động và phát triển để hoàn thiện nội dung của nó.
Tùy thuộc vào diện trường (champ) hoạt động, giao tiếp và quan hệ của từng cá thể mà ở mỗi cá thể như vậy có thể nảy sinh, duy trì, phát triển và hoàn thiện các loại hình tình cảm với quy mô và cường độ khác biệt nhau. Những loại hình tình cảm ấy cũng được phân tầng căn cứ vào nguồn gốc xuất hiện và phạm vi tác động của chúng. Về nguyên lý, những loại tình cảm và cảm xúc nào càng có nguồn gốc tự nhiên sâu xa bao nhiêu thì càng có vị trí, vai trò chi phối đời sống cảm xúc của chủ thể to lớn bấy nhiêu. Trong mọi thứ tình cảm, tình mẫu tử vì thế mới được coi là thiêng liêng nhất, bền vững nhất, mọi cơ chế thuộc về xã hội và tác động của chúng khó gây “sự cố” làm đảo lộn và thay thế loại tình cảm này.
Cũng là “tự nhiên nhất”, xúc động giới tính thì tồn tại phổ biến ở mọi cá thể bình thường trong độ trưởng thành, nhưng tình yêu nam nữ, với tính chất là đỉnh cao và kết tinh của những xúc động giới tính, từ góc nhìn khác, cũng là một trong những thứ tình cảm gây xúc động dai dẳng, mãnh liệt, bất trị nhất, vậy mà cho tới nay vẫn chưa hẳn được mọi người đồng thanh là chắc chắn hiện hữu trong không ít những quan hệ đôi lứa!
Trong quá trình tiến hóa lịch sử, con người với tư cách là một cá thể đơn biệt vốn vẫn chẳng phải “được sinh ra từ không khí”, mà phải gắn bó trực tiếp đương nhiên với ít nhất hai cá thể khác. Khởi đi từ những tình cảm “nguyên thủy” trong khung khổ một gia đình hạt nhân, mà các lý thuyết chính trị - xã hội hay tôn giáo - triết học từ thời cổ đại đã kiến tạo nên những luận đề đầu tiên của các hệ thống lý thuyết nhằm nhìn nhận, giải thích, xét đoán, điều hành, quản lý và cai trị xã hội. Sự xuất hiện theo trình tự kế tục lẫn nhau của các cộng đồng người từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, từ chủ yếu mang tính chất tự nhiên đến chỗ ngày càng đậm đặc những thuộc tính xã hội - lịch sử cũng đã làm nảy sinh một cách tuần tự những loại xúc cảm hướng tới các cộng đồng, bao gồm cả việc hướng tới cả toàn thể lẫn “phân nhánh” nhằm vào các thành tố riêng biệt của các cộng đồng từ nhỏ đến lớn đó. Trong lịch sử tâm lý tộc người ở nhiều nền văn hóa Âu – Mỹ, niềm hoài hương (nostalgie) là một loại tình cảm cộng đồng đặc biệt, nằm ở vị trí trung gian nhưng lại có sự ổn cố khá lâu bền, thậm chí trở thành cố hữu, siêu cá thể và liên thế hệ.
Lòng yêu nước, hay “duy lý” hơn, chủ nghĩa yêu nước, là một “công đoạn”, một trạng thái tình cảm đặc thù, hướng vào một dạng cộng đồng đặc thù mang tính chuyển tiếp như thế.. Có thể kiểm chứng nhận định đó khi quan sát văn chương của các cộng đồng, các quần thể người có lối sống du cư, hay các cộng đồng người, vì trình độ tiến hóa chưa đạt tới hay do sự trớ trêu của những tình huống lịch sử tạo ra, phải tồn tại trong trạng thái “vô tổ quốc” lâu dài. Từ giác độ khác, lại có thể quan sát thấy tình trạng nhiều những cá thể sống với những cảm xúc phức tạp, khi họ có từ hai “tổ quốc” trở lên để hướng tới về mặt tình cảm.
Để nghiên cứu thành công đề tài chủ nghĩa yêu nước trong lịch sử các quốc gia - dân tộc vừa như một đề tài mang tính lý luận vừa như một bình diện quan trọng của lịch sử tinh thần, giới nghiên cứu còn phải đầu tư nhiều công sức từ việc kiến tạo lý thuyết, mô tả các nền lịch sử tư tưởng chính yếu và điển hình từng hàm chứa nội dung ấy, vừa phải so sánh chúng với nhau. Với những nền lịch sử tư tưởng mà phạm vi tác động chủ yếu là những cộng đồng tồn tại ở trạng thái “tiền quốc gia”, đương nhiên cả từ góc độ lý thuyết lẫn góc độ thực tiễn, trên tọa độ chủ nghĩa yêu nước mà xét, không thể đặt đẳng lập với các nền văn học có lịch sử quốc gia - dân tộc từng tồn tại lâu dài, từng có sự phát triển của loại hình cộng đồng này qua một lịch sử thăng trầm và phức tạp. Việt Nam may mắn là một quốc gia như vây. Tình cảm yêu nước hay “chủ nghĩa yêu nước” trong đời sống tinh thần của các cộng đồng đã phát triển tới quy mô đế chế đương nhiên không hề giống với loại tình cảm đó, biệt sắc tư tưởng đó trong đời sống tinh thần của các cộng đồng có cách thức tồn tại “khiêm tốn, giản dị” hơn: “chủ nghĩa yêu nước kiểu đế chế” (patriotism imperial) là cả một hệ vấn đề hết sức phức tạp, không thể tiếp nhận và bình luận theo hướng tích cực một chiều.
Trong truyền thống Đông Á, giữa các học thuyết – tôn giáo khác nhau có sự hình dung khác nhau về mối quan hệ giữa nhà nước – bộ phận cầm quyền và cư dân. Trên những nét đại thể, có thể nói là Phật giáo không hình thành rõ những luận điểm về mối quan hệ giữa dân và nước. Chủ trương hướng tới một xã hội “tiểu quốc quả dân” (nước nhỏ dân ít) cai trị bằng một nền chính trị “vô vi” cũng không cho phép tư tưởng Lão Trang có được một sự hình dung phong phú, đa dạng về mối quan hệ giữa người dân và cộng đồng quốc gia – dân tộc. Chỉ Nho giáo và Pháp gia là có hệ thống khi trình bày một lý luận chính trị - xã hội, đủ sức trở thành hệ tư tưởng. Điểm chung nhất giữa Pháp gia và Nho giáo là cùng độc tôn ngôi vua chuyên chế, coi đó là quyền lực trần thế tối cao, là đại diện cho cả thần quyền thay Trời trị dân, quản lý Thiên hạ. Trong nền học vấn truyền thống bởi nhiều lý do khác nhau Nho giáo được truyền bá rộng rãi nhất và phần lớn những ý tưởng về mối quan hệ giữa bộ ba Vua – Dân – Nước trở thành công thức thuộc “nằm lòng” là xuất phát từ kinh điển Nho giáo.
Cả Khổng Tử, Mạnh Tử và các bậc triết Nho khác đều mặc nhiên thừa nhận địa vị “bất khả tư nghị” (không được bàn luận) về địa vị tối thượng của ngôi vua chuyên chế. Nhưng ở giai đoạn hình thành, Nho giáo còn “chừa chỗ” cho dân, cho họ có những quyền nhất định. Theo Khổng Tử và Mạnh Tử, để được thay trời trị dân, người cầm quyền phải có Đức, thậm chí là những “Đức lớn” (Đại Đức). Tuy ngôi vua là do Trời chọn, nhưng “Trời không thân riêng ai, chỉ giúp người có Đức”. Khi người cầm quyền, mà tột cùng là Vua Thiên tử, không thể hiện đủ năng lực và Đức hạnh, thì Trời sẽ bày tỏ cho người cầm quyền đó những dấu hiệu trách phạt (“ trưng, triệu”), nếu người cầm quyền không tỏ ra hối lỗi, mức độ “cảnh cáo” sẽ được thể hiện ra ở mức cao hơn: những tai họa quy mô lớn, như dịch bệnh, mất mùa, thiên tai…Nếu người cầm quyền vẫn chưa tỉnh ngộ, thì sẽ xảy ra loạn lạc, “cách mạng”. Nhưng “cách mạng”. theo nguyên nghĩa của kinh điển Nho gia, là việc Trời đổi Mệnh, thay người, thay dòng họ cầm quyền, chứ không phải là sử dụng biện pháp lật đổ của sức mạnh quần chúng. Nhà nho, đặc biệt là Mạnh Tử, thể hiện một tinh thần thân dân quyết liệt, tuy đó không phải là tư tưởng dân chủ. Không phải nhà nho đề cao con người bình thường, (thứ nhân, thất phu thất phụ) nhưng với tư cách là một nguyên khối, dân trong nhãn quan Nho gia là một thực thể hồn hậu, bí ẩn, trong nhiều tình huống họ có thể bày tỏ cả “ý trời”. Chính vì vây, từ rất sớm, các triều đại chuyên chế đã cho những ông quan (bài quan) về các địa phương, sưu tầm ca dao, dân ca, làm hình thành nên những bộ vựng tập văn học dân gian nổi tiếng. Kinh Thi là một sản phẩm như vậy. Mục đích việc sưu tầm Thi là để “đạo đạt dân tình, bổ sát thời chính” (thấu tỏ được lòng dân, bổ khuyết cho nền chính trị đương thời).
Trên thực tế, các ông vua chuyên chế, nhất là vua sáng nghiệp, biết rất rõ rằng họ phải trả giá như thế nào để có được Thiên hạ. Hán Cao tổ, một người xuất thân hèn kém và tính tình lỗ mãng, đã không ngần ngại mắng thẳng vào mặt vị đại diện cho “quần Nho” đang tha thiết khuyên ông theo đuổi nền “văn trị” : “Nãi ông mã thượng nhi đắc thiên hạ, an sự Thi, Thư?” – Ông mày đây ngồi trên lưng ngựa mà được thiên hạ, liên quan gì tới Thi, Thư. Cũng không thấy có ông vua chuyên chế nào khi lâm vào những bước đường cùng đã được “Mệnh Trời” che đỡ, cứu vớt thành công cả, nếu đó không phải là những “thế lực trần gian” và công sức của những bề tôi mẫn cán, sự hy sinh của thuộc hạ dưới quyền. Nhưng về mặt tư tưởng, mọi chế độ chuyên chế đều cần có những lý thuyết để giải thích, biện chính và làm điểm tựa tinh thần cho tính chính đáng của quyền lực mà họ đang nắm giữ! Khi đang cầm giữ quyền lực, mọi triều đình chuyên chế đều tìm hết mọi phương cách để tô vẽ cho triều đại của họ, và khi quyền lực đó đã bị đánh đổ, triều đại mới thay thế, thì như một quy luật, triều đại mới này lại ra sức tố cáo, phủ định tiếp tục cái triều đại cũ ấy, giết chế nó một lần nữa trong ý thức, trong tinh thần dân chúng.
Từ lâu, trong nhận thức về triết học lịch sử, nhiều nhà triết học và nhà tư tưởng đã khẳng định rằng quần chúng nhân dân là chủ thể quan trọng nhất làm nên lịch sử. Trong tinh thần hào hứng của hoặc một thứ chủ nghĩa dân túy, hoặc nương theo đà của những ngọn sóng cách mạng được tạo nên bởi một lực lượng quần chúng đông đảo được giải phóng, không ít người đã hồn nhiên và thành thực tin tưởng, giải thích mệnh đề đó một cách duy cảm, rằng tất cả các thành tựu của các nền văn minh, mọi di sản tinh thần và vật chất của nhân loại có được đều là nhờ “bàn tay, khối óc” thậm chí “máu mỡ” của nhân dân, của quần chúng. Nhân dân trở thành đối tượng của sự ngợi ca, sự khẳng định vô điều kiện. Tuy nhiên, khi tôi bắt đầu ngồi vào máy gõ những dòng đầu tiên của bài viết này, thì một thông tin buồn, cực buồn trên báo chí đã khiến tôi ngập ngừng mãi, cơ hồ không tiếp tục suy nghĩ được nữa: ở Thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai, khi một chiếc xe chở bia bị nạn lật nghiêng, hàng nghìn két, thùng bia đổ xuống đường, thì hầu như ngay lập tức, rất nhiều người đang tham gia giao thông , không ai bảo ai, đã lao vào “hôi của” , bất chấp lời cầu xin, khóc lóc của người lái xe bất hạnh kia, thậm chí, có báo còn đưa tin rằng khi người lái xe níu tay một số người van xin, anh này còn bị đánh. Hàng trăm người giành giật nhau tìm chút lợi cỏn con trên nỗi bất hạnh của đồng bào, đồng loại mình! Thực chất đây là hành vi ăn cướp, vì “hôi” phải được sự đồng ý của người chủ! Dĩ nhiên, đa số người tham gia vụ “hôi của” này là người đã trưởng thành. Ôi, “nhân dân” đã ra nông nỗi này sao?
Tôi hiểu, rằng nhận thức về vai trò của nhân dân làm nên lịch sử cần phải được thích nghĩa theo một tinh thần toàn diện hơn, chu diên hơn lối tuyên truyền dân túy, mỵ dân. Tất cả mọi sự kiện, biến cố trong lịch sử, kể cả những biến cố thảm họa do con người tạo ra, hỏi có biến cố nào không được tạo nên bởi những lực lượng xã hội nào đó đi tiên phong, và không bao giờ vắng mặt cái gọi là lực lượng quần chúng của họ! Lịch sử cần được hiểu, được tính tới cả ở tất cả các mặt âm bản của nó, những tai ách và tổn thất, những sự suy thoái và thất bại… và như vậy, quần chúng nhân dân há không chịu trách nhiệm, há rằng họ “vô can” trước các biến cố âm tính này?
Một nhận thức thấu triệt, tỉnh táo và toàn diện về vai trò của nhân dân đối với lịch sử , hơn bao giờ hết, cần phải được xác lập ở những thời điểm mang tính bước ngoặt của các trạng thái xã hội. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Phải, Khổng Tử từng khẳng định như vậy, nhưng cũng cần nhớ thêm rằng, là một nhà tư tưởng quân chủ kiên định, Khổng Tử không thể tưởng tượng đến một mô hình tổ chức xã hội không có vua, không có một vị “quốc chủ”. Thức nhận đó ở ông mạnh mẽ đến nỗi khi vào triều, đi qua trước ngai vua, dù là ngai trống, Khổng Tử cũng “biến sắc mặt, run rẩy sợ hãi”. Nguyễn Trãi cũng từng nói rằng cả một thời gian dài ông mang tâm sự của một Khổng Tử khi rơi vào tình thế đã ba tháng không có vua để thờ, một Mạnh Tử bề tôi cô đơn lo hoạn nạn không có vua bên cạnh! (“Trọng Ni tam nguyệt vô quân niệm; Mạnh Tử cô thần lự hoạn tâm”).
Trong thiết chế dân chủ, một trong những nỗ lực “tập làm quen” của nhiều người là tự làm chủ, tự quyết và tự trở thành. Mọi chính đảng nhân danh dân chủ và cách mạng đều có bổn phận thực hành dân chủ và hơn thế nữa, rèn luyện cho quần chúng “của mình” thực hành dân chủ. Nếu không có được một định hướng quyết liệt để mọi người dân hiểu dần ra và từng bước làm theo những yêu cầu dân chủ, thì “nhân dân” lại tự phát rơi trở lại tình trạng vô chính phủ, lại băn khoăn vô định, lại bị các thế lực khác lôi kéo, như đã từng xảy ra không cưỡng lại được trong lịch sử!
Ở thời đại ngày nay, khi thực thể xã hội quan trọng nhất chi phối đời sống của tuyệt đại đa số người dân vẫn là các quốc gia - dân tộc hoặc quốc gia - đa dân tộc, khi nội hàm của khái niệm “cosmopolis” (công dân toàn cầu) chỉ mới liên quan tới một tỷ lệ rất hạn chế những người đang sống trên trái đất, thì quần chúng nhân dân vẫn là chủ thể tối hậu làm ra lịch sử của các quốc gia – dân tộc ấy, nói cách khác, vẫn là người cuối cùng quyết định “vận nước”. Vấn đề vô cùng to lớn đặt ra đối với mọi chủ thể cầm quyền ở các quốc gia - dân tộc chính là việc tổ chức sức mạnh của khối quần chúng ấy như thế nào cho hữu hiệu. Mà tổ chức quần chúng hữu hiệu chính là làm cho họ thấy được một cách minh bạch nhất có thể, rằng đi theo chủ thể quyền lực ấy, thì lợi ích thực sự, hạnh phúc thực sự của họ được đảm bảo như thế nào?
Làng Võng cuối năm Quý Tỵ
T.N.V
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét