Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

100 năm nữa con người sẽ thế nào?

100 năm nữa con người sẽ thế nào?
(PetroTimes) - Tương lai con người sẽ thế nào trong khoảng 60-100 năm nữa, tuổi thọ kéo dài tới bao nhiêu? Ước mơ trường sinh bất lão bao giờ thành hiện thực? Đàn ông sẽ được ghép tử cung để sinh em bé…? Các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu vẫn đang ngày đêm nghiên cứu, tiên đoán về những thay đổi trong tương lai của loài người.
Năm 2013, ông Jiroemon Kimura - người Nhật (sinh ngày 19/4/1897) 
được Kỷ lục Guinness công nhận là người cao tuổi nhất thế giới
Con người sẽ sống bao nhiêu tuổi?
So với trước kia, tuổi thọ con người đã có sự khác biệt đến kinh ngạc. Vào đầu thế kỷ XX, tức là những năm 1900, tuổi thọ của con người đạt 50-60 tuổi. Hiện nay, theo thống kê, tuổi thọ của con người đạt vào khoảng 75-80 tuổi. Cho đến nay, nhiều người thọ qua 100, 110 tuổi. Theo sách kỷ lục Guinness 122 tuổi 164 ngày của bà Jeanne Calment hiện đang giữ mức kỷ lục.

Các quốc gia có tuổi thọ cao nhất là Nhật Bản, Thụy Sỹ, Australia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Pháp, Canada, Na Uy, Anh, Mỹ và có cả Việt Nam (tuổi thọ trung bình người Việt Nam là 74 tuổi).

Viện Hàn lâm khoa học Pháp đưa ra trong quyển “Au-delà de nos limites biologiques” (Vượt qua giới hạn sinh học) trong khoảng 60-100 năm nữa tuổi thọ con người là 150 tuổi. Năm 2010, một nhóm nghiên cứu của Đại học Boston(Mỹ) đã phân tích gen của hơn 800 cụ già trên 100 tuổi và xác định được 130 gen can thiệp vào tiến trình làm chậm lão hóa. Khi xác định được bộ gen này, họ thử nghiệm và phát hiện ra rằng ở các cụ từ 108 tuổi trở lên, có đến 85% loại gen này. 

Nhưng kết quả nhiều hứa hẹn này chưa thể nói lên điều then chốt: Con người sẽ sống lâu nhưng trong tình trạng như thế nào? Bởi thực tế, điều quan trọng nhất không phải là ngồi tính toán xem chúng ta sống lâu đến thế nào? Thay vào đó, chúng ta hãy thực hiện một lối sống lành mạnh, giảm bệnh tật, giảm thừa thãi dinh dưỡng, giảm ăn thực phẩm động vật… Chỉ cần vậy thì chúng ta sẽ kéo dài được tuổi thọ của mình. Bởi có một quy luật luôn đúng: Người sống thọ nhất là người sống trong lành nhất.

Con người có thể bất tử không?


Các nhà khoa học đang dần giải mã được những bí ẩn của sự lão hóa… Thông qua nghiên cứu di truyền, các nhà khoa học đang hy vọng sẽ tạo ra phản xạ cho hệ thống miễn dịch của cơ thể tiêu diệt được các tế bào ung thư và tinh chỉnh ADN để ngăn chặn lão hóa của các tế bào khỏe mạnh.

Một số phòng thí nghiệm trên thế giới đang tiến hành thay thế những cơ quan bị hỏng của con người bằng công nghệ tế bào gốc. Mới đây, trong tháng 7-2013, tin vui đã có khi các nhà khoa học Nhật Bản tuyên bố, họ đã phát triển thành công gan thu nhỏ đầu tiên từ tế bào da của con người.

Cùng với tiến bộ trên, các nhà khoa học còn sử dụng công nghệ in 3D để hỗ trợ sản xuất ra các cơ quan mới cho cơ thể người theo yêu cầu. Đến nay, họ đã in ra được một bộ tim chuột theo hình ba chiều và có thể đập nhịp như quả tim bình thường. Thậm chí một số nhà khoa học còn tìm cách chữa lão hóa cho chính những cơ quan nội tạng này.

Đặc biệt, các nhà khoa học còn đang tập trung giải mã phần bí ẩn của ADN, được gọi là telomere, có thể giúp nhiễm sắc thể không bị lão hóa. Nhưng khi các tế bào cơ thể phân chia nhiều lần trong nhiều năm sống lại dẫn tới tình trạng telomere bị sờn đi, kéo theo các tế bào phân chia kém đi và quá trình lão hóa sẽ diễn ra nhanh. Giới khoa học tin rằng, nếu tìm ra cách nào đó ngăn quá trình thoái hóa của telomere thì có thể ngăn chặn quá trình lão hóa.

Triệu phú người Nga Dmitry Itskov, tin rằng con người sẽ trở nên bất tử trong vòng 3 thập niên tới. Còn Giám đốc kỹ thuật Google Ray Kurzweil đoán rằng, con người sẽ bất tử theo cách “hợp nhất với máy tính” để lưu những ý nghĩ cũng như trải nghiệm của mình lên đó.

Dù ý tưởng muốn sống bất tử như hai nhân vật trên không hiếm nhưng từ quan điểm đạo đức có người cho rằng, tuổi thọ hữu hạn cho con người là điều cần thiết. Vì con người bất tử sẽ dẫn tới sự quá tải cho hành tinh và những ảnh hưởng khôn lường về văn hóa.

Nhưng cảnh báo đó vẫn không dập tắt được khao khát tìm ra con đường bất tử cho loài người. Năm 1988, một sinh viên đã vô tình phát hiện ra một sinh vật biển bí ẩn có thể bất tử đó là loài sứa biển Benjamin Button. Đến nay, các nhà khoa học vẫn đang “nóng lòng” muốn tìm ra lời giải về loài sinh vật này cũng như các loài bọt biển và giun giúp, với hy vọng đem lại sự bất tử cho con người.

Nhà sinh vật học biển Shin Kubota rất hào hứng: “Một khi chúng tôi xác định được cách cải lão hoàn đồng của những con sứa, chúng tôi sẽ đạt tới những điều kỳ diệu. Đó chính là đem lại sự bất tử cho con người”.

Đàn ông sẽ… sinh được em bé?


Nghe như một điều không tưởng. Nhưng đó lại là giấc mơ của không ít cánh mày râu đã đeo đuổi từ những năm 2000. Có tới 38% đàn ông được Cơ quan thăm dò IPSOS phỏng vấn đã thú nhận họ thích có mang một đứa trẻ nếu khoa học có thể làm được điều kỳ diệu này.

Nhà sinh học và triết học Henri Atlan đã tiên đoán trong 50 năm nữa, loài người sẽ chế tạo được tử cung và lá nhau nhân tạo. Nhưng ông quan ngại về nguy cơ biến mất mối liên hệ máu thịt giữa mẹ và em bé, có thể dẫn đến việc bỏ rơi con, thậm chí xem con là công cụ của mình. Để giúp đàn ông có mang, các nhà khoa học chỉ cần cấy tử cung nhân tạo vào bụng ông bố.

Thomas Beatie - một phụ nữ người Mỹ chuyển giới thành đàn ông nhưng vẫn còn giữ lại tử cung, đã hạ sinh 3 đứa trẻ từ năm 2008.

Bác sĩ Tobias Pottek tại Bệnh viện Asklepios West ở Hamburg, Đức cho biết: “Ngay cả khi một phụ nữ muốn sống như một người đàn ông, dùng kích thích tố để nuôi râu nhưng còn buồng trứng và tử cung thì cũng vẫn có thể mang thai được”.

Thomas Beatie (một phụ nữ Mỹ chuyển giới nhưng giữ 
lại tử cung) đã trở thành người đàn ông đầu tiên sinh con

Ghép não người có khả thi?

Tiến sĩ Robert White, giáo sư giải phẫu thần kinh thuộc Đại học Case Western Reserve ở Ohio, Mỹ tin rằng, hoạt động cấy ghép não người sẽ được thực hiện trong tương lai.

Năm 2001, Tiến sĩ Robert White đã thành công khi ghép bộ não một con khỉ cho đồng loại của nó, dù con này chỉ sống được vài ngày. Dư luận bàng hoàng và bàn tán xôn xao. Nhưng trong thực tế thí nghiệm hứa hẹn nhất lại là ghép vỏ não bằng tế bào gốc nuôi cấy. Kết quả rất khả quan với chuột và gà mái. Với con gà mái, người ta cấy tế bào não của con chim cút. Kết quả là gà mái biết gáy như chim cút. Kỹ thuật này hứa hẹn những tiến bộ lớn trong việc chữa trị các bệnh về tổn hại não như alzheimer, parkinson, động kinh hay AVC...

Hiện nhiều cuộc thí nghiệm cấy ghép não đã thành công trên động vật bậc cao như khỉ. Não của loài này được giữ lại trong hộp sọ trước khi cấy ghép vào con khỉ mới. Nhưng thật không may, tủy sống bị cắt đứt khi thực hiện ca phẫu thuật trên con người, não bộ chuyển giao không kiểm soát được hệ thần kinh trên cơ thể, vấn đề miễn dịch và loại bỏ mô cấy ghép cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét