Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Vì sao người Thụy Sĩ và Đan Mạch hạnh phúc nhất thế giới?

Vì sao người Thụy Sĩ và Đan Mạch hạnh phúc nhất thế giới?
- Thụy Sĩ là một đất nước thanh bình, hiền hòa, phong cảnh thiên nhiên hữu tình với những dãy núi hùng vĩ, những hồ nước thơ mộng và khí hậu ôn hòa. Với diện tích khoảng 41.290 km2 và dân số hơn 7 triệu người, sống tập trung theo 3 vùng nói tiếng Pháp, Đức, Ý và tiếng Rôma. 
Lâu đài Chillon nổi tiếng ở Thụy Sĩ
Thụy Sĩ có những thành phố nổi tiếng gắn liền với lịch sử thế giới như Bern, Geneva, Zurich. Những yếu tố được thống kê dưới đây có thể giải thích phần nào tại sao khi được hỏi, hơn 80% số người Thụy Sĩ đều trả lời họ rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại và một tỉ lệ tương ứng tin tưởng và tương lai tươi sáng phía trước.

- Đan Mạch là một quốc gia thuộc vùng Scandinavia ở Bắc Âu và là thành viên chính của Vương quốc Đan Mạch. Đan Mạch là một quốc gia quân chủ lập hiến với thể chế đại nghị. Đan Mạch có một chính phủ cấp quốc gia và chính quyền địa phương ở 98 khu tự quản. Đan Mạch là thành viên của Liên minh châu Âu từ năm 1973, mặc dù không thuộc khu vực đồng Euro. Đan Mạch là thành viên sáng lập của NATO và OECD.

★ THU NHẬP CỰC CAO

Thu nhập bình quân đầu người của người dân Thụy Sĩ đạt hơn 34 ngàn USD/năm. Đây là mức thu nhập nằm trong tốp đầu thế giới. Có người nói tiền không mua được hạnh phúc nhưng người Thụy Sĩ có thể tự hào rằng nhờ nó mà những mối quan hệ, những cơ hội được tạo ra, họ có điều kiện để chi trả các dịch vụ y tế, du lịch, giáo dục và một môi trường sống cực kỳ trong lành. Với người Thụy Sĩ, đó chính là hạnh phúc.

Tuy nghèo nàn về tài nguyên và không có lợi thế về dân số, nhưng Thụy Sĩ lại có mức phát triển vững mạnh đáng kể trên toàn cầu. Thụy Sĩ có vị trí quan trọng về kinh tế - tài chính và hệ thống Ngân hàng uy tín đặc biệt nổi tiếng nhất trên thế giới. Nhắc đến những chiếc đồng hồ sang trọng và chính xác, những nhà băng có quy mô toàn cầu, những thỏi sô cô la, những nhãn dược phẩm, bảo hiểm uy tín... là người ta nhắc đến Thụy Sĩ. Ngành dịch vụ đóng góp hơn 70% trong tỉ trọng các ngành kinh tế của đất nước tươi đẹp này.

Mỗi năm, Thụy Sĩ tiếp nhận hàng tỉ USD từ khắp các nơi trên thế giới đổ về do sự chuyên nghiệp và tính bảo mật cao của hệ thống ngân hàng nơi đây. Số lợi nhuận thu được từ dịch vụ này là nguồn thu khổng lồ cho đất nước với chỉ hơn 7 triệu dân. Ngoài ra, hệ thống khách sạn, các cơ sở công nghiệp kỹ thuật cao, cần độ chính xác lớn và các sản phẩm từ nông nghiệp hiện đại mang lại cho người dân Thụy Sĩ không chỉ công ăn việc làm mà cả khoản thu nhập kếch sù, điều mà không phải quốc gia Châu Âu nào cũng có được.

Ngoài ra, Thụy Sĩ được đánh giá là một trong những nước an toàn nhất thế giới, tình trạng tham nhũng, tham ô cửa quyền gần như không có, năng lực điều hành của chính phủ cực tốt, môi trường sống vô cùng trong lành và mọi dịch vụ đều ở mức hoàn hảo. Với những điểm này, bạn thử hỏi tại sao người dân Thụy Sĩ lại không tự hào về đất nước mình mà nói mình là người hạnh phúc nhất?

Còn Đan Mạch, với một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hỗn hợp và hệ thống phúc lợi quốc gia lớn, xếp hạng nhất trên thế giới về bình đẳng thu nhập. Theo tạp chí kinh tế Hoa kỳ Forbes, Đan Mạch có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới. Thăm dò Chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2009 xếp Đan Mạch là nước yên bình thứ nhì trên thế giới và là nước ít tham nhũng nhất trên thế giới theo Chỉ số nhận thức tham nhũng 2008.

★ CẢ XÃ HỘI CHUNG LO

Có phải mọi người Đan Mạch đều cảm thấy họ là người hạnh phúc nhất thế giới? Khi ABC News thực hiện cuộc khảo sát ngẫu nhiên với những người Đan Mạch để phân mức độ hạnh phúc của họ theo cấp độ từ 1 đến 10. Kết quả là mức độ hạnh phúc thấp nhất mà họ thu được là ở mức 8, một số ở mức 9 và mức 10. Khi được hỏi họ có tin rằng mình là người hạnh phúc nhất thế giới không thì không ít trong số họ trả lời không tin. Nhưng khi được hỏi họ có phàn nàn gì về cuộc sống không thì họ đều trả lời rằng không.

Người dân Đan Mạch nộp thuế thu nhập cá nhân rất cao, từ 50 đến 70% thu nhập của họ. Đổi lại, chính phủ sẽ lo cho họ toàn bộ các chương trình về giáo dục, y tế, môi trường… và phần lớn trong số đó là dùng cho các chương trình chăm sóc trẻ em và người già. Sự viên mãn của tuổi già và vui tươi của trẻ nhỏ có lẽ là yếu tố quan trọng để những người trong độ tuổi lao động sẵn sàng nộp lại một khoản thu nhập rất lớn của mình bởi suy cho cùng thì số tiền đó cũng được phục vụ cho cha mẹ và con cái họ, xa hơn nữa là cho chính họ khi ở tuổi xế chiều. Người dân Đan Mạch quan niệm, làm việc là để sống chứ không phải sống để làm việc. Vì vậy họ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân của mình vì những ý nghĩa xã hội cao cả hơn.

KHÔNG CÓ PHÂN BIỆT ĐẲNG CẤP XÃ HỘI

Việc nộp thuế cao này cũng mang lại một hiệu quả khác. Ở Đan Mạch, một nhân viên ngân hàng cũng nộp thuế cao như một nghệ sỹ, người dân nơi đây không chọn công việc dựa trên tiêu chí thu nhập hay địa vị xã hội. “Ai cũng có thế mạnh của mình, miễn là công việc được làm tốt”, “một lao công cũng có thể làm hàng xóm với một người thuộc tầng lớp trung lưu và luôn có thể ngẩng cao đầu”, Buettner, một lao công chia sẻ.

Một lao công khác, Jan Dion, đạt được mức hạnh phúc 8 trên 10 của ABC News cho biết, anh không ngại thu nhặt rác để phục vụ cuộc sống, bởi anh chỉ làm việc 5 tiếng mỗi ngày vào buổi sáng. Thời gian còn lại anh ở nhà với gia đình hoặc dạy cô con gái nhỏ chơi bóng. Dion nói không ai lên án sự lựa chọn nghề nghiệp của anh, và anh thực sự yêu thích công việc của mình bởi anh có rất nhiều bạn. Ở một đất nước mà một lao công cũng luôn tự hào và muốn gắn bó lâu dài với nghề nghiệp của mình như thế thì chất lượng công việc ắt hẳn sẽ rất cao. Có lẽ vì vậy mà, ở mọi ngóc ngách từ đường phố đến công viên, các con suối, dòng sông… đều luôn sạch bóng rác. Môi trường trong sạch chính là được tạo ra từ ý thức nghề nghiệp của những người như Buettner, Dion.

Josef Bourbon, một thợ mộc tập sự, cũng rất hạnh phúc với lựa chọn nghề nghiệp của mình. “Tôi nghĩ công việc là để tạo nên một cái gì đó, hãy xem bạn đã làm được gì trong một ngày – bạn có thể biết được mình làm tốt như thế nào”, anh nói. Vào mỗi cuối tuần, anh thích đi câu cá và chơi với thiên thần nhỏ mới sinh của mình. Mọi người sẽ rất ngạc nhiên nếu biết rằng, Bourbon thuộc dòng dõi hoàng tộc, vốn được kết hợp bởi hai dòng máu Tây Ban Nha và Pháp. Bourbon đã lựa chọn để trở thành một thợ mộc tập sự và anh hiếm khi tâm sự về thân phận hoàng tộc của mình với mọi người.

★ CON NGƯỜI THƯƠNG YÊU TIN TƯỞNG LẪN NHAU

Một bí mật hạnh phúc khác của Đan Mạch là có đến 92% người dân nơi đây tham gia một câu lạc bộ xã hội nào đó. Ở đấy họ có thể hát, nhảy múa, hay thậm chí chỉ cười đùa với nhau. Chính phủ tài trợ cho các hoạt động này. Ở Đan Mạch, thậm chí tình bằng hữu cũng được bảo trợ.

Đan Mạch là một xã hội bảo vệ người tiêu dùng với luật lệ rất chặt chẽ. Mọi người có nhiều thứ để quan tâm nhưng mua sắm lại không phải là ưu tiên hàng đầu của họ, mặc dù việc quảng cáo sản phẩm cũng nhan nhản trên khắp các kênh truyền hình. Việc không chọn mua sắm là sở thích biến Đan Mạch trở thành quốc gia hiếm hoi trong OECD coi việc mua sắm chỉ là lãng phí thời gian, họ thích tham gia nhiều hoạt động khác hấp dẫn hơn. Có lẽ đây là yếu tố khiến họ ít gặp phải áp lực về mặt kinh tế, từ đó luôn cảm thấy thanh thản và hạnh phúc, mặc dù họ thuộc nhóm các nước có thu nhập cao nhất thế giới.

Người Đan Mạch rất tin tưởng nhau, và tin tưởng cả chính phủ do mình bầu ra. Trường Đại học Cambridge khi nghiên cứu về Đan Mạch đã kết luận chính hai yếu tố không chuộng mua sắm và niềm tin lẫn nhau đã khiến người Đan Mạch thật sự cảm thấy hạnh phúc hơn những nơi khác.

Ở Đan Mạch, bạn có thể thấy được sự tin tưởng này ở khắp mọi nơi. Rau củ được bày bán không cần giám sát, những bà mẹ để những đứa con mình trên xe đẩy không người trông giữ bên ngoài các quán cà phê, và hầu hết xe đạp không cần phải khóa. Và có lẽ, xe đạp là biểu tượng hạnh phúc nhất của người Đan Mạch. Người dân Đan Mạch hoàn toàn có thể mua bất cứ loại xe hơi nào, nhưng họ chọn xe đạp, bởi nó đơn giản, có tính kinh tế, không có động cơ gây ô nhiễm và đặc biệt lại giúp họ giữ được dáng vóc.

★ Y TẾ VÀ DINH DƯỠNG, CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỰC TỐT

Hàng năm, Thụy Sĩ tiêu tốn khoảng 10% GDP vào chi phí chăm sóc sức khỏe. Số tiền này chủ yếu để đầu tư cho hệ thống trang thiết bị hiện đại và xây dựng cơ sở mới cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ y tế đỉnh cao. Mặc dù bảo hiểm y tế ở Thụy Sĩ rất đắt, và càng ngày càng đắt, nhưng đó thực sự là “đáng đồng tiền bát gạo”.

Chất lượng dịch vụ y tế ở Thụy Sĩ thuộc nhóm tốt nhất thế giới. Nếu bị ốm, bạn có thể chọn bất cứ nơi nào để chữa trị, miễn là bạn có bảo hiểm hoặc có đủ tiền để thanh toán hóa đơn viện phí. Với mức thu nhập được xếp vào hàng “khủng” như trên thì việc này đối với người dân Thụy Sĩ đúng là “tiền không mua được hạnh phúc trừ khi bạn… nghèo”. Ở đây mọi thứ đều rất sòng phẳng, tiền được trả đúng với sản phẩm y tế mà họ nhận. Nếu vì lý do nào đó, bệnh nhân cảm thấy không hài lòng với phong cách phục vụ và trách nhiệm cũng như trình độ của nhân viên y tế, họ có thể chuyển đến bất cứ nơi nào khác bằng cách chuyển ngang bảo hiểm rất thuận tiện, hoặc …khởi kiện nhân viên y tế đó.

Tất cả người dân Đan Mạch, đặc biệt là trẻ em đều có một bác sĩ đa khoa. Nếu con bạn bị ốm, vị bác sĩ này sẽ liên lạc đầu tiên. Bác sĩ đa khoa của con bạn sẽ tư vấn về phòng tránh bệnh tật và đưa ra phương pháp điều trị cho nhiều loại bệnh, để xác định xem bạn có nên dùng một loại hình điều trị khác hay không. Trẻ được kiểm tra y tế phòng bệnh ít nhất chín lần từ khi được năm tuần tuổi đến khi 15 tuổi bởi một chương trình được hoạch định cẩn thận. Bảy trong số những lần kiểm tra này diễn ra trước khi trẻ bắt đầu đến trường.

Ở Đan Mạch, tất cả trẻ em từ 0 đến 18 tuổi đều được chăm sóc răng miệng miễn phí. Chúng đến khám nha sĩ một hoặc hai lần một năm. Trẻ em được dạy cách chăm sóc răng của chúng như thế nào, được điều trị và chỉnh răng khi cần thiết.

Kết quả của chiến lược phòng chống hiệu quả này là tiêu chuẩn sức khỏe răng miệng Đan Mạch nằm trong số những nước cao nhất trên thế giới. Hầu hết trẻ em rất hiếm khi bị sâu răng, mất răng hoặc phải nhổ răng.

Hệ thống cơ sở y tế của Đan Mạch được coi là tốt nhất thế giới. Theo điều tra mới nhất, tại đây có 6 giường bệnh trên 1.000 dân. Bạn có thể tưởng tượng, với dân số 5,5 triệu, việc chen chúc trên giường bệnh ở các cơ sở y tế là gần như không xảy ra. Bên cạnh đó, nhờ khoản ngân sách khổng lồ cho y tế (khoảng 10% GDP) mà chính phủ dành cho, các cơ sở ý tế nơi đây luôn được bổ sung và thay thế các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất của thế giới.

Dinh dưỡng là một trong những điểm nổi bật nhất của Đan Mạch. Hệ thống giám sát dinh dưỡng toàn quốc định kỳ hàng năm trên khắp cả nước nhằm theo dõi những điều kiện về sức khỏe, dinh dưỡng tiêu thụ của người dân để hoạch định chính sách dinh dưỡng có hiệu quả (các chương trình về nông nghiệp, chương trình bữa ăn học đường…). Khẩu phần ăn của học sinh Đan Mạch luôn “chất lượng” bậc nhất, bao gồm sữa, bánh mì cùng nhiều loại thịt cá, rau củ chế biến ngon miệng và thay đổi mỗi ngày.

Đặc biệt, trong khẩu phần hàng ngày không bao giờ thiếu sữa. Trẻ uống sữa như uống nước và tất cả đều miễn phí với chất lượng tốt nhất. Thường thì các trường học chỉ ưa chuộng loại sữa được sản xuất từ chính quốc bởi mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn” trong ngành công nghiệp sữa nước này nổi tiếng thế giới, như tập đoàn sữa Arla.

Bên cạnh lưu ý về khía cạnh dinh dưỡng đầy đủ và cân đối thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không thể thiếu, để cơ quan quản lý y tế theo dõi và hoạch định các chính sách can thiệp về dinh dưỡng một cách kịp thời. Đan Mạch là quốc gia tiên phong trong bảo vệ môi trường, với nền công nghiệp “xanh” bậc nhất thế giới, các sản phẩm sữa trong nước cũng được kiểm soát theo quy trình rất nghiêm ngặt. Nhờ đó mà Arla trở thành tập đoàn sữa duy nhất trên thế giới được chọn lựa để cung cấp cho cơ quan vũ trụ NASA (Mỹ).

Nhờ một hệ thống chăm sóc y tế, dinh dưỡng chuẩn mực như vậy đã thúc đẩy sự phát triển đáng kể mọi mặt, khiến Đan Mạch vươn lên trở thành quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, một thành tựu đáng mơ ước ngay cả với những nước giàu có hàng đầu.

★ THỤY SĨ: HỆ THỐNG GIÁO DỤC HÀNG ĐẦU

Mặc dù dân số Thụy Sĩ chỉ chiếm một phần nhỏ trong dân số thế giới nhưng Thụy Sĩ là chiếc nôi của nhiều luồng tư tưởng lớn và có được nhiều thành tựu trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hàng năm Chính phủ liên bang và các địa phương chi khoảng 18,4% trong tổng số chi ngân sách cho giáo dục và nghiên cứu khoa học.

Thụy Sĩ không có Bộ Giáo dục, mà chính sách giáo dục là do mỗi tỉnh, huyện và cộng đồng cùng quyết định tuỳ thuộc văn hoá dân tộc, môi trường sinh thái đặc thù ở mỗi địa phương. Hiến pháp Thụy Sĩ trao quyền quản lý giáo dục đến 26 tiểu bang tự trị tuy nhiên chính phủ liên bang thành lập hội đồng giáo dục nhằm nắm vững được các hoạt động giáo dục trên toàn quốc.

Hệ giáo dục phổ thông Thụy Sĩ bắt buộc ở mẫu giáo, cấp I, II nên học sinh hoàn toàn được miễn phí, lên hệ PTTH (không bắt buộc) nhưng cũng miễn phí. Nhà nước Thụy Sĩ trang bị cho thế hệ trẻ kiến thức phổ thông rất cơ bản, sát thực tế và tôn trọng sự sáng tạo cá nhân nên mỗi người dân Thụy Sĩ đều có lối tư duy mạch lạc, biết tìm hướng đi gắn kết với phát triển kinh tế của đất nước để từ đó chọn đúng nghề nghiệp tương lai của mình.

Học phí đại học ở đây rất đắt nhưng là “đắt xắt ra miếng”. Chương trình đại học có tính ứng dụng và thực tiễn cao, ngoài ra còn được liên thông với nhiều trường đại học nước ngoài danh tiếng khác. Sinh viên đại học cả trong nước và nước ngoài đều được học chương trình với 50% lý thuyết và 50% thực tế. Các buổi thực tế được liên kết với các cơ sở hàng đầu thế giới về lĩnh vực đó, và đặc biệt, sinh viên thực tập cũng được trả lương rất cao, không thua kém gì một người đi làm trưởng thành. Đó cũng là lý do khiến hàng năm, hàng ngàn sinh viên từ khắp nơi trên thế giới về Thụy Sĩ du học. Đây chắc chắn là điểm khiến người dân Thụy Sĩ thật sự hài lòng về nền giáo dục của đất nước mình.

★ ĐAN MẠCH: KHÔNG CHẤM ĐIỂM CHO HỌC SINH DƯỚI LỚP 8

Giáo dục từ mẫu giáo đến hết trung học cơ sở ở Đan Mạch là hoàn toàn miễn phí trên cơ sở bình đẳng cho tất cả mọi trẻ em. Chương trình này bao gồm lớp mẫu giáo một năm trước chương trình giáo dục cơ bản phổ cập chín năm cộng thêm một năm lớp 10 tùy chọn.

Lớp mẫu giáo pha trộn giữa chơi và học. Trẻ em học bảng chữ cái, hát, chơi và phát triển các kỹ năng vần âm điệu. Mục đích của lớp mẫu giáo là nhằm chuẩn bị cuộc sống học đường hàng ngày cho học sinh. Một số trẻ gặp nhau trong lớp mẫu giáo có thể trở thành bạn học trong lớp 1.

Trường tiểu học và trung học cơ sở thành phố đều là những trường hỗn hợp, nghĩa là tất cả các học sinh học cùng nhau trong cùng một nhóm qua tất cả các lớp, tức là không có việc xếp lớp. Tại đây, học sinh có được những kiến thức cơ bản về toán, ngôn ngữ, các môn học xã hội và khoa học. Trường học cũng tập trung vào việc giúp học sinh quen với nền văn hóa Đan Mạch và giúp chúng có được một sự hiểu biết về các nền văn hóa khác.

Trường học phải chuẩn bị cho trẻ cuộc sống trong một xã hội dựa trên sự tự do, bình đẳng và dân chủ. Điều này đạt được qua việc trao cho chúng uy thế và trách nhiệm và qua việc dạy chúng về các quyền lợi và trách nhiệm. Biểu hiện sinh động của sự bình đẳng và dân chủ này trong hệ thống giáo dục Đan Mạch là học sinh được học cách diễn đạt ý kiến của chính mình. Học sinh có thể lập nên một hội đồng học sinh, hội đồng này được hỏi xin ý kiến khi ban hành các quyết định quan trọng tại trường học.

Một điều vô cùng đặc biệt trong giáo dục Đan Mạch là, trong những năm đầu tiên trong trường tiểu học, công việc của học sinh được đánh giá trong các cuộc hội ý miệng giữa giáo viên và cha mẹ. Không có sự phân loại, kiểm tra hoặc kỳ thi thực tế nào cho đến khi chúng vào lớp 8. Đây có lẽ là khác biệt lớn và cơ bản nhất giúp học sinh Đan Mạch không gặp phải những áp lực thi cử, thành tích từ khi chúng còn quá nhỏ tuổi. Sự tôn trọng phát triển tự nhiên này của Đan Mạch cũng giúp cha mẹ bớt lo lắng về chạy trường, chạy điểm cho con em mình như nhiều nền giáo dục mà chúng ta thường gặp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét