Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Thụy Sĩ: Từ lính đánh thuê đến trung tâm tài chính

Kinh tế Thụy Sĩ: Từ lính đánh thuê đến trung tâm tài chính
Thụy Sĩ trở thành một nước giàu có bậc nhất thế giới với xuất phát điểm chỉ có nguồn tài nguyên ít ỏi, thậm chí không có biển. Thành tích này là bài học sáng giá cho kinh tế Việt Nam, vốn được biết đến là nơi rừng vàng biển bạc.
Trụ sở Ngân hàng TW Thụy Sĩ
Ngày nay, khi nhắc đến Thụy Sĩ, nhiều người sẽ liên tưởng đến thỏi chocolate ngọt ngào, chiếc đồng sang trọng, khu du lịch tuyệt đẹp nằm trên ngọn núi phủ tuyết hay hệ thống ngân hàng nắm giữ khoản tiền khổng lồ của ông chủ lớn… và là một trong những nơi đáng sống nhất trên thế giới, theo bình chọn của các tạp chí danh tiếng.

Nhưng xuất phát điểm của Thụy Sĩ chỉ là một vùng đất nghèo khó. Harold James - Giáo sư chuyên ngành Kinh tế Quốc tế tại trường Woodrow Wilson miêu tả rằng, thời Trung cổ, Thụy Sĩ chỉ là một cộng đồng hẻo lánh được bao bọc giữa các dãy núi, ngăn cách với phần còn lại của châu Âu. Ngành xuất khẩu duy nhất thời bấy giờ chính là những binh lính đánh thuê trong quân đội thuộc các quốc gia khác nhau, với những gia đình nghèo khó thường gửi gắm con cái làm nô bộc trong những gia tộc giàu có tại Đức và nhiều nơi khác. Dấu vết của thời kỳ này đến nay vẫn còn nhìn thấy qua hình ảnh đội vệ binh bảo vệ Giáo hoàng và anh ninh của Vatican - đội quân lâu đời nhất trên thế giới. Họ đều là người Thụy Sĩ.
Vệ binh Thụy Sĩ, đội quân lâu đời nhất trên thế giới là biểu hiện
 cho một thời khó khăn của đất nước này. Ảnh: Strangemilitary

Tuy nhiên, từ nửa cuối thế kỷ XIX, Thụy Sĩ bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ, khiến cả thế giới ngạc nhiên. Từ một đất nước nghèo, nơi đây đã trở mảnh đất lý tưởng với GDP năm 2012 đạt hơn 600 tỷ USD, tương đương thu nhập bình quân đầu người trên 75.000 USD, cao hơn cả Mỹ (50.000 USD), Pháp và Đức (43.000 USD) hay Anh (41.000 USD). James Breiding - cựu phóng viên tạp chí Economist hé mở về sự thần kỳ của nền kinh tế này thông qua cuốn sách Swiss Made - Chuyện chưa từng kể về những thành công phi thường của đất nước Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ rất ít tài nguyên, song họ lại biết cách sử dụng hơn các quốc gia khác. Với những vùng đồng cỏ cao nguyên rộng lớn, từ xa xưa người Thụy Sĩ đã nuôi bò, nuôi dê, biến đây trở thành lợi thế so sánh cho quốc gia này. Nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào, giá rẻ, Thụy Sĩ thành công trong việc xây dựng ngành công nghiệp thực phẩm với sữa, pho mát, chocolate. Tính riêng chocolate, với những tên tuổi như Philippe Suchard, Daniel Peter, Rodolphe Lint…, đến năm 1990, một phần ba sản lượng chocolate xuất khẩu trên thế giới đã thuộc về Thụy Sĩ, khiến đây trở thành lĩnh vực thu hút nhiều nhân công và giao lưu thương mại lớn nhất.

Thụy Sĩ cũng tự hào với dãy Anpơ hùng vĩ quanh năm phủ tuyết, một địa điểm lý tưởng cho những du khách trên khắp thế giới muốn chinh phục cảnh núi non. “Mọi người sẽ sẵn sàng trả tiền chỉ để ngắm nhìn đất nước họ”, James Breiding nhận định. Và người Thụy Sĩ đã nắm bắt thời cơ này đưa ngành du lịch trở thành mũi nhọn. Theo dữ liệu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), năm 2013 ước ngành du lịch cũng như chi tiêu của du khách đem lại cho Thụy Sĩ khoảng 48 tỷ USD, đóng góp 7,8% GDP. Ngành du lịch cũng góp phần tạo ra 650.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp trong năm 2011, chiếm 10,5% tổng việc làm mới của Thụy Sĩ.

Đặc biệt, việc ngày càng nhiều du khách quốc tế đến Thụy Sĩ cũng góp phần thắt chặt mối quan hệ cộng sinh giữa dịch vụ du lịch với các ngân hàng tư nhân nơi đây, biến Thụy Sĩ trở thành một trung tâm tài chính của thế giới và là nơi tập trung nhiều cơ sở của tổ chức quốc tế. Báo cáo của Hiệp hội ngân hàng Thụy Sĩ cho thấy, các tổ chức tài chính tại Thụy Sĩ quản lý khối tài sản lên tới 59,4 tỷ france Thụy Sĩ (61,8 tỷ USD), chiếm 10,3% GDP, thu hút 195.000 lao động, chiếm 5,7% tổng số việc làm tại đất nước này và đóng góp 12-15% tổng nguồn thu thuế. Với một đồng tiền ổn định và hệ thống đáng tin cậy bậc nhất thế giới, các ngân hàng Thụy Sĩ thường được giới giàu có trên thế giới “chọn mặt gửi vàng”.
Thụy Sĩ ngày nay giàu có và nổi tiếng với hệ thống tài chính khổng lồ. Ảnh: AP

Không chỉ vậy, Thụy Sĩ còn nổi tiếng với ngành công nghiệp đồng hồ tạo ra những sản phẩm tinh xảo, chính xác, làm nên đẳng cấp cho những người sở hữu. Với mức thuế suất 16% so với 24% của Mỹ, 35% của Đức và 36% của Pháp, Thụy Sĩ cũng được nhiều công ty đa quốc gia hùng mạnh trên thế giới ưu ái đầu tư. Đặc biệt, quốc gia này có tỷ lệ bằng sáng chế, tỷ lệ số người đoạt giải Nobel trên đầu người cao nhất thế giới, được xếp hạng là quốc gia có hệ thống giáo dục tốt nhất.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, một người gắn bó với ngành ngoại giao hàng chục năm và nhiều lần đặt chân đến Thụy Sĩ đã dùng bốn cụm từ “rất tươi đẹp, sạch vô cùng, yên bình và giàu có” để nói lên sự trân trọng của ông với quốc gia này. Song, như nhiều người khác quan tâm đến sự phát triển kỳ diệu của Thụy Sĩ, vị chuyên gia này suy ngẫm “tại sao đất nước Thụy Sĩ vốn chẳng có gì cả nhưng lại giàu có như vậy?”. Và câu trả lời của ông cũng phần nào trùng với ý tưởng của tác giả Swiss Made, đó là Thụy Sĩ biết tận dụng nguồn tài nguyên của mình, như đất đai, đồng cỏ để phát triển ngành nông nghiệp, họ cũng tạo nên được ngành du lịch nổi tiếng thế giới từ những hạt tuyến trắng xóa trên dãy Anpơ.

“Thụy Sĩ xây dựng được một cơ cấu kinh tế rất nhiệu quả, gồm dịch vụ, những ngành đòi hỏi trí tuệ, công nghệ cao”, nguyên Phó Thủ tướng nhận định. Từ đó, ông cho rằng Thụy Sĩ là tấm gương rất đáng để Việt Nam học tập. “Họ không có gì nhưng lại có tất cả, trong khi ta có tất cả nhưng lại chẳng có gì”, ông bày tỏ.

Việt Nam vốn đi lên từ một nước nông nghiệp, nhưng đến nay đóng góp của ngành này trong GDP ngày càng giảm. Việt Nam cũng có biển, sông, núi trải dài đất nước với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, song ngành dịch vụ du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Rút ra bài học, vị nguyên Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần chọn rõ ràng những lĩnh vực mũi nhọn để theo đuổi, thay vì hiện tại đưa ra nhiều mũi nhọn đột phá nhưng chưa thực sự rõ lắm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực. Một trong những điều làm nên thành công của Thụy Sĩ ngày nay chính là Chính phủ và mỗi doanh nghiệp rất quan tâm đến đào tạo nghề và những sáng kiến công nghệ. Ông Jian Peng Fu - Tổng giám đốc ABB Việt Nam, một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Thụy Sĩ tiết lộ, bí quyết thành công hơn 100 năm qua chính là theo đuổi sự sáng tạo. Mỗi năm công ty này đầu tư 5% doanh thu cho công tác nghiên cứu phát triển, riêng năm 2012 số tiền này lên tới 2 tỷ USD. ABB cũng đầu tư vào 70 trường đại học trên thế giới để cùng nghiên cứu về robot, điện và tự động hóa.

Bộ máy quản lý của Thụy Sĩ cũng rất hiệu quả dù quy mô nhỏ bé. Nhớ lại cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sĩ, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan không dấu sự ngạc nhiên khi biết nơi tiếp đón là một căn phòng nhỏ trong trạm bưu điện. Sau đó, tìm hiểu ông mới hay các quan chức Thụy Sĩ đi các địa phương chỉ được ở nhà bưu điện chứ không ở khách sạn. "Đây là điều Việt Nam nên học tập", ông chia sẻ.

Trong chính sách đối ngoại, Thụy Sĩ sống giữa các nước lớn (Đức, Pháp, Italia) nhưng cách ứng xử của họ lại khiến cả thế giới phải tôn trọng. "Họ theo đuổi chính sách trung lập tích cực, biến đất nước trở thành tụ điểm toàn cầu", vị này cho hay. Nhưng với Việt Nam, nhà ngoại giao Vũ Khoan nhận xét chúng ta có quan hệ rộng rãi với quốc tế nhưng lại chưa có cơ quan quốc tế nào chọn làm nơi đặt trụ sở.

"Có lẽ nên biến Việt Nam thành điểm đến của những tổ chức quốc tế. Thay vì bỏ tiền để đi nơi khác thì hãy thu tiền về Việt Nam", ông nhắn nhủ.

Ông Andrej Motyl - đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam nhận định, trong quá trình đi lên thành đất nước thịnh vượng như ngày này, Thụy Sĩ cũng gặp nhiều vấp váp nhưng đây cũng là bài học cho những quốc gia khác. "Hãy nhìn dài hạn và biết tận dụng những lợi thế hiện có", vị đại sứ trao đổi.

'Thụy Sĩ sẵn sàng hỗ trợ ngân hàng Việt Nam'
'Singapore sắp thành Thụy Sĩ của châu Á'
Phương Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét