Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

‘Thiên đường mại dâm’ của châu Âu

‘Thiên đường mại dâm’ của châu Âu
Ước tính, hiện cả nước Đức có khoảng 3.000 nhà thổ. Tại Berlin có 500 hay thậm chí là “thành phố đại học” Osnabrück cũng có tới 70 chiếc… hàng ngày phục vụ cho khoảng 1 triệu khách làng chơi.
(Bên trong một nhà thổ ở Berlin - Ảnh minh họa)
Nhà thổ mọc nhanh như nấm
Kể từ khi chính thức được hợp pháp hóa vào năm 2002, “ngành công nghiệp nhà thổ” Đức đã bùng nổ với tốc độ chóng mặt nhưng giờ đây, những nhà lập pháp Đức đã bắt đầu cảm thấy vô cùng hối hận và xấu hổ khi người ta gọi nước này là một cái nhà thổ khổng lồ của châu Âu.

Theo những con số thống kê không chính thức, hiện nay nước Đức đang có khoảng 400 nghìn lao động tình dục và khoảng 3000 nhà thổ nằm rải rác khắp các thành phố, thị trấn. Nếu như trước đây, mỗi khi muốn “giải trí” người ta phải tìm đến Hamburg với con phố Reeperbahn nổi tiếng nhưng ngày nay, nhà thổ mọc lên khắp nơi. Tại thủ đô Berlin, ước tính có khoảng 500 nhà thổ và ngay cả một thành phố nhỏ được mệnh danh là “thành phố của các trường đại học” Osnabrück cũng có tới 70 nhà thổ lớn nhỏ các loại.

Tại Cologne, ông chủ của nhà thổ The Pascha cho biết, trung bình mỗi ngày họ phục vụ khoảng 800 khách làng chơi. The Pascha nằm trong một tòa nhà 12 tầng, mở cửa 24h mỗi ngày với 126 phòng và đủ các loại dịch vụ đi kèm. Có khoảng 150 người phụ nữ làm việc ở nhà thổ này và khoảng 90 nhân viên phục vụ nữa hỗ trợ họ. Đây được coi là nhà thổ lớn nhất nước Đức.

Mỗi ngày, ước tính có khoảng một triệu khách làng chơi tìm đến Đức để thỏa mãn nhu cầu. Đa số họ là những người đàn ông nghèo của những nước láng giềng như Romania, Ukraine… Người ta rỉ tai nhau rằng nếu muốn mua dâm, hãy đến Đức vì ở đó giá cả rất rẻ, hợp pháp và các dịch vụ đi kèm khá phong phú, sạch sẽ. Danh tiếng này đã thu hút cả những người đàn ông Hà Lan, quốc gia xưa nay vốn đã khá nổi tiếng là thoải mái với mại dâm… Trung bình, mỗi năm ngành công nghiệp nhà thổ mang về cho nước Đức khoảng 16 tỷ USD.

Tiếp tục ‘mở’ hay lại cấm?

Nhưng tiền không thể khiến cho các chính trị gia Đức hết đau đầu. Những cuộc đối đầu liên miên giữa các đảng phái, các tổ chức bảo vệ phụ nữ, các tổ chức nhân quyền, giới nhà thờ quanh vấn đề có nên cấm ngành kinh doanh mại dâm lại hay không?

Hơn một thập kỷ trước, người Đức cho rằng việc hợp pháp hóa mại dâm sẽ giúp đưa ngành kinh doanh này ra ánh sáng thay vì hoạt động ngầm để dễ dàng quản lý, để ngăn chặn nạn lạm dụng tình dục, để bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ… Nhưng đến giờ này, tất cả những mục tiêu đó đều đã thất bại.

Theo luật, những phụ nữ làm nghề mãi dâm được pháp luật bảo vệ, được quyền yêu cầu chủ sử dụng lao động trả đủ lương, được đóng bảo hiểm… nhưng hầu như chẳng có mấy ai được hưởng những quyền lợi đó. Hơn 10 năm sau, điều kiện làm việc của các cô gái hành nghề vẫn tồi tệ và khủng khiếp như xưa, hầu hết đều làm việc mà không có hợp đồng lao động, không đăng ký hành nghề, không được khám bệnh định kỳ và vẫn thường xuyên bị những kẻ ma cô, chăn dắt hành hạ.



Thêm vào đó, nước Đức còn được “khuyến mại” thêm nạn buôn người. Theo thống kê của Văn phòng liên bang về điều tra tội phạm, con số nạn nhân của các vụ buôn người bất hợp pháp vào Đức để hành nghề mại dâm được cứu thoát trong năm 2011 là 987 người, hầu hết là các cô gái đến từ những quốc gia Đông Âu cũ và Văn phòng này tin rằng đó mới chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng.

Những thực trạng này đã trở thành ngòi nổ cho một phong trào đòi hủy bỏ Luật kinh doanh mại dâm. Theo bà Alice Schwarzer, một tác giả của những cuốn sách bán rất chạy về nạn lạm dụng tình dục và phụ nữ, đồng thời là một trong những nhà lãnh đạo của phong trào này, việc hợp pháp hóa mại dâm thực chất là một sự vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người và nó cần phải được nghiêm cấm giống như ở Thụy Điển hay mới đây là Pháp.

Alice Schwarzer khẳng định, bộ luật mà Đức ban hành năm 2002 chỉ bảo vệ những tên ma cô chứ không thể bảo vệ những cô gái lao động tình dục, thậm chí còn làm cho đời sống của họ tồi tệ hơn rất nhiều. Cũng theo nhà hoạt động này, các cô gái đang làm việc ở những nhà thổ Đức đã bị biến thành những kẻ nô lệ, bị mua đi bán lại và bị đối xử như những con vật mà pháp luật không làm gì được để giúp họ.

"90% số phụ nữ làm việc trong các nhà thổ Đức là nạn nhân của nghề buôn bán phụ nữ từ các nước nghèo", Alice Schwarzer viết trong cuốn sách mới nhất của bà có tiêu đề “Mại dâm: Vụ scandal của nước Đức”. Cuốn sách này ngay sau khi xuất bản đã thồi bùng ngọn lửa đấu tranh đòi cấm ngành kinh doanh thân xác phụ nữ. Alice Schwarzer đã thuyết phục được 100 nghệ sỹ, chính trị gia nổi tiếng nhất nước Đức ký tên vào bản kiến nghị gửi lên Quốc hội nước này.

Theo điều tra của Alice Schwarzer, những phụ nữ nước ngoài bị bán sang Đức làm gái mại dâm hiện đang có một cuộc sống không khác gì nô lệ. Hộ chiếu của họ bị tịch thu, phần lớn thu nhập bị những tay ma cô chăn dắt và chủ chứa ăn chặn, bị ép buộc phải làm việc bất kể ngày đêm. Những cô gái trong các nhà thổ ở Pussy Club (Stuttgart) cho biết, họ thường xuyên bị bắt phải tiếp tới 60 khách một ngày. Họ bị ép buộc phải quan hệ tập thể hay phải “phục vụ” nhiều người đàn ông cùng một lúc.

The Pascha - Nhà thổ lớn nhất nước Đức, trung bình
 mỗi ngày họ phục vụ khoảng 800 khách làng chơi

Tranh cãi

Tuy nhiên, Schwarzer đã đụng phải một thế lực không hề “dễ chơi”. Những cô gái mại dâm dù biết là khổ cực nhưng vì mưu sinh nên họ đành chấp nhận và quyết định không đứng về phía Schwarzer trong cuộc chiến này. Cùng với sự kích động và bảo kê của giới kinh doanh nhà chứa, của những người đã khởi thảo ra bộ luật năm 2002… những cuộc biểu tình đã nổ ra để phản đối phong trào do Schwarzer khơi mào. Họ la ó, chế nhạo những nỗ lực nhằm xóa bỏ việc kinh doanh mại dâm hợp pháp với tấm biểu ngữ: “Nghề nghiệp của chúng tôi thuộc về quyền quyết định của chúng tôi” hay “Chúng tôi không cần các vị cứu vớt”. Một vị “chức sắc” còn khẳng định trên tờ Die Tageszeitung rằng họ đã đi phỏng vấn các cô gái làm việc ở nhà thổ và được biết: "Hơn 90% nói với chúng tôi là họ đã biết rằng họ được đưa sang Đức là để làm gái mại dâm”.

Những nhóm ủng hộ mại dâm cáo buộc những người như Alice Schwarzer vi phạm quyền thực hiện ý chí tự do của riêng mình. Mariam Lau, một nhà bình luận của tờ tuần báo Die Zeit, đồng thời là một trong những người ủng hộ cải cách pháp luật hiện nay cho rằng lý lẽ của các nhóm ủng hộ mại dâm là việc các bộ luật nghiêm cấm mại dâm chưa bao giờ có hiệu quả và rằng làm như vậy sẽ chỉ chuyển gái mại dâm vào tay bọn tội phạm và buộc ngành công nghiệp trở lại hoạt động ngầm với nhiều hơn những tội ác bị che giấu.

Dù sao thì các nhà làm luật Đức cũng phải thừa nhận những mặt trái của đạo luật 2002 và họ đang tìm cách sửa chữa. Một số phương án đã được đề xuất như: Phạt nặng nếu mua dâm của những cô gái là nạn nhân của buôn người (làm việc không có giấy phép) tức là đẩy trách nhiệm này về phía những người mua dâm, việc giống như Pháp vừa chính thức áp dụng. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để một khách mua dâm có thể biết được cô gái mà họ gặp ở nhà thổ có phải là nạn nhân của một vụ bắt cóc hay buôn người nào đó không? Một đề xuất khác là sửa đổi luật và cho phép cảnh sát có thể kiểm tra các nhà thổ bất kỳ lúc nào mà không cần phải có lệnh bắt hay khám xét; gái mại dâm bắt buộc phải đăng ký hành nghề (luật hiện nay không bắt buộc).

Nhưng các nhóm hoạt động đại diện cho những “lao động trong nhà thổ” khẳng định các biện pháp này là không cần thiết và phản tác dụng. Họ cho rằng bộ luật ra đời năm 2002 là một hướng đi đúng và đó mới chỉ là bước đi đầu tiên.


Một nhóm các nhà hoạt động đấu tranh đòi bãi bỏ luật cho phép mại dâm hợp pháp.

Christiane Howe, một chuyên gia xã hội học ở Berlin nêu ý kiến: Vấn đề là chúng ta phải có một bộ luật lao động mới đủ sức đảm bảo được mọi quyền của họ (người bán dâm). “Những tiêu chuẩn của ngành công nghiệp tình dục phải như tiêu chuẩn của khách sạn, nhà hàng… Phải áp dụng được tất cả những biện pháp này mới mong có thể ngăn chặn được nạn buôn người, cưỡng hiếp và ngược đãi. Đồng thời, những cô gái dám dũng cảm tố giác thủ phạm buôn người và bị ép buộc làm việc trong nhà thổ phải được cấp quy chế tị nạn tại Đức thay vì lập tức bị trục xuất về nước như hiện nay”, Christiane Howe nói.

Trước sức ép của xã hội, có vẻ như chính phủ của bà Merkel cũng đã phải hành động nhưng đến nay, tất cả những gì họ làm chỉ là: Nâng độ tuổi tối thiểu của lao động trong các nhà thổ từ 18 lên 21 tuổi. Nhưng thay đổi ít hay thay đổi nhiều không phải là vấn đề của Đức hay của cả châu Âu: Hãy nhìn vào New Zealand để học lấy bài học của chính mình.

Hiện tại, New Zealand được coi là quốc gia cho phép mại dâm hoạt động hợp pháp và là quốc gia quản lý ngành này tốt nhất thế giới. Nhưng kết quả ra sao? Đã 10 năm kể từ khi Đạo luật Cải cách mại dâm được ban hành, đến nay người dân New Zealand đã đủ thấm thía và cho rằng đó là một quyết định “không có trí não”.

Lê Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét