Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Những lời gan ruột của Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư

Hoan hô Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam đã mời Bộ trưởng KHĐT đến dự và Bộ trưởng đã phát biểu rất hay. Đúng là những tâm tư, gan ruột của vô số người và vô số người đã phát biểu rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng rất ít nhà lãnh đạo cấp Bộ trở lên dám nói thẳng như thế: "Đất nước sẽ vỡ nợ, sẽ phát triển bằng gì, bằng in tiền à ?". Thật là một cái tát thẳng cánh vào mặt những kẻ cầm chịch quốc gia trong những năm qua. Có lẽ giờ cũng đã đến lúc thế cùng lực kiệt, họ đã buộc phải thừa nhận thực tế và không nóng mặt khi nghe Bộ trưởng KHĐT tố ra như vậy, nhất là khi ông tỏ thái độ bất cần, mất chức cũng vui lòng.
Chỉ tiếc rằng những điều Bộ trưởng nói dân ai cũng biết và nhiều người dám nói, dám viết, báo chí cũng dám đăng... nhưng toàn những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ KHĐT và trong phạm vi kinh tế. Điều này làm tôi nhớ lại Giáo sư Viện sĩ Đào Thế Tuấn đã từng giải thích với tôi (năm 1984) tại sao ông bỏ nông nghiệp, chuyển sang làm chính sách phát triển, đại ý: "Làm chính sách nông nghiệp trong bối cảnh chính sách kinh tế, xã hội sai lầm khổng lồ thế này thì bản thân nông nghiệp sẽ không thể phát triển được. Chỉ có thay đổi từ gốc, từ thể chế, từ sở hữu, từ thành phần kinh tế, từ quyền lực lãnh đạo quốc gia thuộc về ai, từ phân chia quyền lực giữa hành pháp, tư pháp, lập pháp để giám sát được nhau... thì đất nước mới có cơ phát triển được, nhờ đó nông nghiệp mới đi lên được".
Nhớ lại những lần Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam họp với Chính phủ, đường đường là cơ quan to nhất nước (Đảng CSVN cũng chỉ là một thành viên của Mặt trận TQVN), nhưng lãnh đạo Mặt trận (toàn các cụ già trong đó có nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng) quỵ lụy xin xỏ Chính phủ từng đồng vốn, từng chuyện vụn vặt nọ kia, nhiều lúc nghĩ sao họ không thấy nhục nhỉ.

Những lời gan ruột của Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư
Sáng 13/1/2014, tại Hội nghị lần thứ 7 Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã nói những lời gan ruột liên quan đến vấn đề phân bổ đầu tư cho các địa phương, cảnh báo vỡ nợ nếu tiếp tục đầu tư như hiện tại. Theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng quá nhiều đặc quyền, đặc lợi... 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư cảnh báo nếu tiếp diễn tình trạng tham nhũng đất nước sẽ chết nhanh chóng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư cảnh báo nếu tiếp diễn tình trạng tham nhũng đất nước sẽ chết nhanh chóng.
Để thế này đất nước sẽ vỡ nợ
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, kiểm soát đầu tư công là rất cần thiết, bởi vừa đầu tư quá mức lại vừa không hiệu quả.
“Mới làm Bộ trưởng 3 ngày thì tôi triệu tập cuộc họp để xây dựng một chỉ thị thay đổi toàn diện vấn đề đầu tư công, vì nếu tiếp tục để thế này thì đất nước sẽ vỡ nợ. Nếu cứ tiếp tục như thế thì tôi không dám công bố với các vị số nợ là bao nhiêu. Nợ của những dự án đang dở dang vô cùng lớn, đã đến lúc cần thay đổi mặc dù các địa phương, bộ, ngành rất khó chịu” - ông Vinh nói.
Là người có “thâm niên” lãnh đạo địa phương, ông Vinh nói “TƯ phân bổ thế nào, địa phương chạy chọt thế nào tôi biết hết”.

Vì “quá hiểu” nên khi làm Bộ trưởng, ông Bùi Quang Vinh đã cho xây dựng và sau đó Thủ tướng ban hành chỉ thị 1792 có thể coi là “cứu cánh cho nguy cơ vỡ nợ của Việt Nam”. Chỉ thị này không cho phép bộ trưởng và chủ tịch tỉnh được ký một công trình nào nếu như không biết có bao nhiêu tiền và không biết nguồn tiền được lấy từ đâu ra. Người ký phải chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự nếu tính toán sai.
Theo ông Vinh, chỉ thị này được viết chỉ trong một tháng nhưng là cuộc chiến trong Bộ KH-ĐT. Có người bảo Bộ trưởng lấy đá ghè chân mình, các địa phương sẽ “gạch cổ” Bộ trưởng trước, rồi Chính phủ có thể không đồng ý. Làm thế này công khai, minh bạch quá thì không ai đến Bộ KH-ĐT nữa.
Trước đó, Bộ trưởng Vinh cũng từng kiến nghị "ít tiền, không làm nhiều nữa”. Theo Bộ trưởng, phải lựa chắc chắn công trình cần làm và “làm tới nơi tới chốn”, có đủ tiền chuẩn bị đầu tư cho địa phương, các bộ ngành nghiên cứu chuẩn bị đầu tư.
Nếu đó là nhóm công trình đặc biệt quan trọng (như công trình nhóm A có số vốn lên tới 2-3 chục nghìn tỉ đồng) phải trình QH đánh giá khả thi, bao giờ quyết định 100% cần làm thì mới làm…
Mỗi tỉnh hàng năm nên dự trù vốn đầu tư công, trình danh mục dự án và có báo cáo cụ thể về tính khả thi cụ thể từ sự cần thiết, tổng vốn chi và khả năng chuẩn bị vốn, hạ tầng kỹ thuật cơ sở thực hiện, hiệu quả kinh tế - xã hội để trình cơ quan thẩm quyền xét duyệt.
Nếu tiền của địa phương thì địa phương tự quyết do Sở KH-ĐT thẩm định, nếu dự tính sử dụng tiền của Trung ương thì Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT thẩm định và báo cáo Thủ tướng.
“Tôi nói rằng đất nước này cần công khai minh bạch và không được có tham nhũng, bởi vì đó là những thứ làm cho đất nước này 'chết' nhanh chóng nhất. Công việc này vô cùng khó khăn, động chạm đến rất nhiều người vì làm họ mất rất nhiều quyền. Nhưng phải làm, nếu QH, Chính phủ bỏ phiếu bất tín nhiệm tôi tôi cũng vui vẻ vì không có gì để mất”, ông Vinh nói.
"Không để mấy ông DNNN chiếm hết tất cả"
Liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Vinh bày tỏ “chắc chắn phải đổi mới theo hướng thị trường hóa”. Theo đó, không áp đặt những ý muốn chủ quan mà phải tuân theo quy luật thị trường, mọi thành phần kinh tế đều phải được tiếp cận nguồn lực của đất nước một cách công bằng, bình đẳng. 

Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh: Chắc chắn phải đổi mới theo hướng thị trường hóa
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh: Chắc chắn phải đổi mới theo hướng thị trường hóa
“Đó là quy chế để làm ra thể chế. Không phải cứ phân bổ để mấy ông DNNN chiếm hết tất cả. Các quặng apatit do tổng công ty Hóa chất quản lý, không ai được động đến. Rất nhiều DN tư nhân gặp tôi bảo tôi làm tốt hơn, cho tôi quản cái mỏ này, tôi bảo: “Tôi bó tay, không thể làm được”. 
Dầu khí do ông dầu khí giữ, điện ông điện giữ... Ông giữ hết nhưng chắc gì ông đã làm tốt hơn? Tiếp cận nguồn lực phải công bằng, ai làm tốt nhất sẽ được làm để mang lại lợi ích cho đất nước”, ông Vinh thẳng thắn.
Về việc cổ phần hóa, cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, ông Vinh cho biết, đến thời điểm này tất cả đã xong phương án cổ phần hóa. 
Thủ tướng cũng đã quyết liệt yêu cầu từ nay đến 2015 các tập đoàn, DNNN phải cơ bản thoái vốn, cơ cấu lại. Trong cuộc họp mới đây với bên giao thông, Thủ tướng đã chỉ đạo nếu chủ tịch, TGĐ các tập đoàn, DNNN không chịu triển khai điều này sẽ cho nghỉ hết.
Tăng trưởng chỉ nhờ khai thác tài nguyên 
Để chứng minh nền kinh tế Việt Nam mới chỉ tăng trưởng chủ yếu trên bề rộng mà chưa tăng trưởng bền vững, ông Bùi Quang Vinh dẫn ra một loạt con số:
Lao động của VN thời kỳ 2006-2011 đóng góp khoảng 25,81% vào tăng trưởng GDP, yếu tố vốn đóng góp 57,54%, còn TFP chỉ đóng góp 16,95%. Thậm chí có thời kỳ TFP đóng góp rất thấp. Năm 2008, lao động tác động đến tăng trưởng là 26,03%, vốn tới 87,87%% nhưng TFP chỉ có 13,6%.
Thực tế trên cho thấy nếu muốn tăng trưởng thì VN phải đổ vốn ra. Vì thế, năm 2008 VN đã đổ ra một lượng vốn khổng lồ (cả tín dụng lẫn đầu tư) nên tốc độ tăng trưởng cao song đến 2010 phải lĩnh hậu quả là lạm phát lên tới 18,13%.
Sự đóng góp rất hạn chế của yếu tố TFP cho thấy việc tăng trưởng hoàn toàn không do năng suất, hiệu quả của thể chế, khoa học công nghệ, quản trị mà chủ yếu phụ thuộc vào tăng quy mô nguồn vốn, số lượng lao động và lượng tài nguyên thiên nhiên được khai thác.
“Nhưng đến một ngày nào đó chúng ta sẽ hết tất cả dầu khí, không còn than hay quặng nữa. Lúc đó Việt Nam phát triển bằng gì? Sẽ in tiền à?”, Bộ trưởng KH-ĐT đặt câu hỏi.
Ông Vinh đồng thời đưa ra những thông tin đáng ngại: Đến 2020 VN sẽ phải nhập khẩu toàn bộ than nếu không khai thác than ở ĐB sông Hồng bởi than Quảng Ninh sắp hết. Nhưng nếu khai thác than ở ĐB sông Hồng thì chứa đầy rủi ro. Dầu khí đang giảm dần từ 20 xuống 18 rồi 17 triệu tấn/năm.
Trong vấn đề tăng trưởng bền vững, Bộ trưởng Vinh chú trọng đặc biệt đến nguồn lực con người vì tài nguyên thiên nhiên sớm muộn sẽ cạn kiệt. Nhiều nước dựa vào tài nguyên con người nhưng đã phát triển rực rỡ như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trước đó, trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã thừa nhận sự thật của nền kinh tế trong những năm vừa qua dựa nhiều vào yếu tố tài nguyên cũng như yếu tố vốn. 
“Có nghĩa là nền kinh tế của chúng ta dựa quá nhiều vào tài nguyên và vốn như vậy sức cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng rất thấp”, ông Vinh khẳng định.
Chưa khẳng định chắc chắn thống kê GDP chính xác
Trước đó, liên quan đến con số thống kê tăng trưởng GDP, Bộ trưởng từng cho biết, các con số thống kê do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố, về cơ bản chấp nhận được còn nói chính xác hoàn toàn thì chưa dám khẳng định. Vì nó phụ thuộc vào đối tượng chúng ta điều tra.
Bộ trưởng Vinh cho rằng: Ở nước ngoài pháp lệnh thống kê, pháp lệnh về thuế được người dân chấp hành nghiêm túc. Nhưng ở Việt Nam thì không phải như vậy, nhiều khi điều tra viên xuống gặp cơ sở khó và trả lời cũng không chính xác. Những mẫu thống kê có cách tính khoa học nhưng đầu vào không phải lúc nào cũng chính xác. “Cho nên chúng ta không nên tuyệt đối hóa, nhưng có phương pháp khoa học để loại trừ rủi ro này và có những căn cứ để tin cậy được”, Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Vinh, các Bộ, ngành hiện không có bộ phận thống kê riêng nên chủ yếu dựa vào các cơ sở, địa phương báo cáo lên. Điều này sẽ sai số nhiều và độ chính xác sẽ thấp hơn, ngay cả cách tính GDP của địa phương đã khác trung ương rất nhiều.
Hà Anh (Tổng hợp)
(Đất Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét