Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Nguyễn Minh Nhị: Chúng tôi và Hoàng Sa

Nói đến An Giang bao giờ mình cũng xúc động vì đây là nơi đầu tiên ở Miền Tây Nam Bộ mình đến thăm và để lại nhiều ấn tượng tích cực. Hồi đó mới ra trường mình bị bắt theo học lớp đào tạo cán bộ quản lý cao cấp khóa 9 (1984) tại thành phố HCM; học trong 5 tháng, toàn do các giáo sư từ Liên Xô sang dạy. Đến đợt đi thực tập, mình được phân đi cùng đoàn học viên tỉnh An Giang (nếu nhớ không nhầm thì bác Nhị cũng là học viên ở đoàn này). Đến Long Xuyên, Châu Đốc, được thưởng thức đặc sản và thăm các khu di tích, du lịch... đã quá mê, nhưng mình bất ngờ nhất là được nghe lãnh đạo tỉnh kể rất hay, rất thuyết phục về lịch sử tỉnh và của nhiều cá nhân đang là lãnh đạo tỉnh. Khâm phục nhất là nghe các bác nói toàn bộ 7 người lãnh đạo thị trấn Châu Đốc lúc đó đều bị chế độ cũ kết án tử hình vì hoạt động cách mạng nhưng chưa kịp thi hành án thì đất nước thống nhất, và giờ được nhìn thấy họ vẫn vui vẻ, trẻ trung như chưa từng trải qua những ngày tháng tử tội. Từ đó mình rất quý người An Giang. Sau này thỉnh thoảng đến An Giang công tác, chứng kiến cuộc sống ở đó, mình càng quý người dân tỉnh này. Chuyện lịch sử VN quá phức tạp và không minh bạch. Lần đầu về An Giang vì còn quá trẻ nên mình rất tin mọi chuyện chú bác nói, giờ không biết có đúng sự thật không, chắc là đúng vì người Miền Tây rất thật thà. Nhưng dù đúng dù sai thì cũng đã là những kỷ niệm đẹp và dấu ấn không phai trong đời mình.
Chúng tôi và Hoàng Sa
Ảnh bên:Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Kim Dung Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang có gửi cho mình bài viết này. Chỉ tiếc bài viết gửi giữa lúc “trên’ có chỉ đạo không được đưa về Hoàng Sa nữa. Nên mình đành đưa lên Blog để bạn đọc đọc và chia sẻ với tấm lòng một vị quan chức tận tụy vì dân, và sống đàng hoàng, mà mình rất kính trọng. Cảm ơn ông Nguyễn Minh Nhị.

Trưa nay, anh em ngành Vô tuyến điện tỉnh An Giang họp mặt theo thông lệ hàng năm kỷ niệm ngày truyền thống. Trong bàn chúng tôi mạn đàm, không chỉ có những cựu hiệu thính viên năm xưa, sau hòa bình đã chuyển ngành công tác khác nhau, hầu hết đều là cán bộ cốt cán, không ít người làm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban Nhân dân tỉnh hoặc thường vụ Tỉnh ủy nhưng nay đã về hưu. Cũng như thường lệ, năm nay cũng có các anh Nguyễn Hữu Khánh, trưởng Cơ yếu (mật mã) của tỉnh ủy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy và các anh nguyên chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, nguyên giám đốc Công an tỉnh …cũng có mặt vì sự quen biết gắn bó nhau trong công tác từ những năm 1960.

Sự kiện chúng tôi gặp gỡ lại trùng vào thời điểm cách đây 40 năm Trung Quốc đơn phương tấn công xâm lược, chiếm đóng trái phép quần đảo Hòang Sa của Việt Nam lúc bấy giờ do quân lực Việt Nam Cộng hòa đồn trú, sau cái bắt tay trong “bóng tối” giửa Chu Ân Lai và Kít-sing-gơ. Và câu chuyện chúng tôi cũng xoay quanh vấn đề Hoàng Sa, bổng anh Nguyễn Hữu Khánh vổ vai tôi nói: “Tôi muốn gặp báo Tuổi Trẻ cám ơn về loạt bài kể chuyện Hoàng Sa 40 năm trước với sự hy sinh anh dũng của 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa, để đề đạt nguyện vọng qua báo, Nhà nước ta nên công nhận 74 người đã hy sinh giử đảo là Liệt sĩ – anh còn nhấn mạnh – Tối thiểu là Liệt sĩ”!.

Tôi hỏi vặn lại: “Còn có thể phong Anh hùng?”. Anh trả lời ngay: “Tất nhiên rồi!. Ai anh dũng hy sinh vì Tổ quốc chống xâm lược như vậy, như 64 liệt sĩ ở Trường Sa năm 1.988 đều xứng đáng là Anh hùng!”. Tôi nói lại: “Đang có cuộc vận động cá nhân ủng hộ tiền cất nhà cho vợ các anh như Thiếu tá hạm trưởng Ngụy Văn Thà…đang rất nghèo khổ, anh nghĩ sau?”. Anh khoát tay: “Chuyện đó cũng tất nhiên thôi, Nhà nước nên lo, còn ở đây nói chuyện phải vinh danh họ trước”.

Anh còn khen báo Tuổi Trẻ hết lời về chuyện đưa loạt bài nầy. Anh còn “xúi” tôi: “Bảy Nhị quen với báo Tuổi trẻ viết dùm đi!”. Tôi xúc động bất ngờ và nói ngay: “Tôi sẽ viết. Nhưng các anh có cùng quan điểm với anh Út Vũ (ông Khánh) không?”. Tất cả đều đồng tình!. Có anh còn chen vào: “Ở đây là vấn đề Dân Tộc, CHỦ QUYỀN DÂN TỘC!”.

Từ khi biết chi tiết sự kiện cách đây 40 năm, đặc biệt là mổi lần nhìn những tấm ảnh Hoàng sa với nhà ở, bia chủ quyền, kể cả do người Pháp và các chánh quyền kế tiếp xây dựng và cả màu xanh cây Dừa, cây Bàng… trên đảo, lòng tôi sôi lên hận thù, đặc biệt là sự kiện các chiến sĩ giử đảo hy sinh qua loạt bài mà báo đã nêu, càng làm tôi rơi nước mắt. Những lúc như vậy, cháu tôi hỏi: “Sao ngoại khóc?”. Tôi nói lẫn: “Ngoại nhớ Bộ đội giữ đảo, xa nhà!”.

Hôm nay, chúng tôi hiểu nhau hơn và như đồng lòng: Hoàng Sa, Trường sa là máu thịt của dân Việt Nam ta, trong đó có chúng tôi, những người một thời và suốt đời sống là phải phụng sự Tổ quốc cho dù có hy sinh như các Anh hùng, Liệt sĩ Hoàng Sa và Trường sa – 1974, 1988!. Chúng ta nói với nhau và chuyền nhau nói với các thế hệ con cháu rằng: Trung Quốc ngang ngược cưỡng chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 74 liệt sĩ của ta đã mãi mãi nằm lại với đảo.

Ngày nào Hoàng Sa và các đảo Gạ cMa, Ga ven,….. ở Trường Sa còn bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép thì chúng ta còn phải thường trực cảnh giác với Trung Quốc, kể cả khi ta ăn cơm, lúc ta uống nước!. Kỷ niệm 40 năm ngày Hoàng Sa, chúng tôi thành kính thắp nén hương lòng, dâng lên anh linh 74 liệt sĩ đã hy sinh ngày 20/1/1974 dưới làn đạn quân cướp đảo. Chúng tôi, thề xứng đáng với các liệt sĩ Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta!

Nguyễn Minh Nhị
(Blog Kim Dung)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét