Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Lão nông không bằng và vườn cây 7 quả “độc nhất” Hà Nội

Lão nông không bằng cấp và vườn cây 7 quả “độc nhất” Hà Nội
(Dân trí) - Một lão nông không bằng cấp, không qua trường lớp đào tạo nhưng đã ghép thành công loại cây 5 quả, 7 quả chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán cho thu nhập nửa tỉ đồng mỗi năm. Đó chính là ông Lê Đức Giáp, thôn Bãi, xã Cao Viên (Thanh Oai, Hà Nội), người được dân làng mệnh danh là “vua cây cảnh” ở nơi đây.
Ông Giáp bên vườn cây 5 quả, 7 quả của mình
Chân lấm tay bùn” sáng tạo
Ở tuổi 61, chân tay đã yếu dần nhưng ông Giáp vẫn miệt mài, tỉ mẩn, vẫn khao khát sáng tạo bên vườn cây nhỏ của mình. Ông kể, ông đến với nghề cây cảnh cũng là một cái duyên nợ, ngay từ nhỏ đã gắn bó với nghề làm pháo truyền thống của gia đình. Tuy nhiên sau khi bị nhà nước cấm sản xuất, năm 2001 ông long đong đi làm thuê, chợ búa, buôn hoa quả rồi dừng lại nghiệp trồng cây cảnh.



Thờgian đó vô cùng khó khăn, ông phải vay mượn khắp nơi mới được hơn 30 triệu đồng để xây dựng vườn cam cảnh. Dần dần, vườn cam cảnh của ông trở nên đẹp nhất xã cho thu nhập ổn định, nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm nhưng họ chỉ cho rằng ông ăn may nên mới có vườn cam đẹp như vậy.

Xuất phát từ suy nghĩ: “Năm nào người dân cũng mua đào, quất về chơi Tết mãi rồi cũng chán, tôi muốn tạo ra một cây nhiều loại quả vừa độc đáo lại vừa đem lại không khí ấm áp trong gia đình ngày Tết”. Thêm vào đó, ông muốn chứng minh với những người cho rằng mình ăn may thấy người nông dân dù chân lấm tay bùn nhưng phải có kĩ thuật và sáng tạo mới thành công được.

Năm 2008, ông Giáp bắt đầu nhân giống cây ngũ quả đầu tiên, ban đầu ông chỉ ghép cam, chanh và phật thủ vào gốc cây bưởi chua. Tuy nhiên, ông ghép 3 loại quả này cùng vào thời điểm bưởi ra hoa, đến Tết cây lộn xộn quả chín, quả xanh, quả non nên thất bại thậm chí lỗ hết vốn.

Không nản lòng, năm 2009, ông tiếp tục mua hạt bưởi nhân giống lại. Khi bưởi ươm được 1,5 tháng cao khoảng 30 – 40cm thì đem ra vườn trồng rồi bón phân thúc cây phát triển. Trước Tết khoảng 7 tháng làm cho cây trụi để cây ra hoa nhanh. Theo đó, bởi ghép vào tháng 5; tháng 7, tháng 8 thì ghép cam, quýt, chanh; tháng 9 ghép phật thủ.

Cận cảnh 1 cây 5 quả trong vườn

Ông Giáp cho hay, sở dĩ ông chọn bưởi chua làm gốc chính bởi gốc bưởi có bộ rễ khỏe, chịu được ngập úng tốt. Chọn quả ghép cũng cần chọn các loại quả thuộc họ có múi gần giống với bưởi như cam quýt, chanh, quất…vì chúng có chung thành phần dinh dưỡng nên dễ sống. Việc chăm sóc cây ghép quả cũng khá cầu kỳ, phải thường tưới nước, bón phân, phun thuốc trừ sâu để cây không bị sâu đục thân. Trước tết một tháng thì bắt đầu tháo các mối ghép trên cây và tưới nước để cây có nhiều chồi vào dịp Tết.

Ông kể: “Năm 2009 thành công, tôi mừng quá vì cuối cùng cũng thành hiện thực chứ không chỉ sự ảo tưởng, viển vông như mọi người nói”. Tuy nhiên, ban đầu không ai hỏi mua cây ngũ quả vì chúng quá lạ và mới. Thấy vậy ông Giáp cho làng mượn để trưng Tết cho tiệc chung của cả làng Cao Viên. Nhiều du khách về làng chơi hội thấy đẹp quá đã đặt hàng năm sau mua. Nhân giống thành công, năm 2011, 2012 ông bán được lần lượt 60, 70 cây ngũ quả thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Thấy mô hình hiệu quả, đầu 2013, ông Giáp đã mở rộng vườn ra 15.000 m2 trồng cả cam cảnh, phật thủ và cây ngũ quả. Đầu năm ông trồng gần 130 gốc nhưng do sương muối, ngập úng nên chỉ giữ được gần 100 cây. Đặc biệt, do nhu cầu của khách, năm nay ông Giáp đã thí điểm ghép 5 gốc cây 7 quả và đã thành công. Theo đó cây 7 quả gồm: cam thường, cam V2 Malaysia, phật thủ, bưởi diễn, bòng, quất, quýt.

“Sang năm 2014 tôi sẽ nghiên cứu cho ra loại cây 9 quả đặc biệt chiết ghép thêm cam Nghệ An và chanh đào vì đã có khách đặt trước rồi”, lão nông quả quyết.

Vườn cây 5 quả, 7 quả “độc nhất” Hà Nội vào vụ Tết


Những ngày giáp Tết, vườn cây “độc nhất” của ông Giáp tấp nập người ra vào mua bán từ sáng sớm cho tới khuya. Nhiều du khách cũng tìm đến tham quan, tìm hiểu về vườn cây.

Vừa tiếp khách hàng, ông Giáp hớn hở: “Cả vườn có 100 cây thì nay đã bán được tầm 60 – 70 cây rồi, số còn lại bán đến 25 Tết cũng hết”.


Con trai ông Giáp tất bật chở cây cho khách

Nói rồi ông Giáp nhẩm tính, tính riêng thu nhập từ cây 5 quả, 7 quả mỗi năm gia đình ông thu khoảng 400 – 500 triệu đồng , đó là chưa kể nguồn thu từ cam cảnh và phật thủ. Năm nay, cây 7 quả ông bán được 10 triệu đồng là cao nhất, giá trung bình mỗi cây cũng ở vào 5 – 7 triệu đồng. Khách hàng chủ yếu là ở Hà Nội, Phú Thọ, Hải Bình, Hưng Yên về đây mua. Khách Sài Gòn năm nay tăng đáng kể, cá biệt có một khách ở Campuchia đã về tận vườn để mua cây ngũ quả.

Theo ông Giáp, năm sau ông sẽ mở rộng quy mô lên trồng 200 cây để phục vụ cho đủ thị trường Tết đồng thời cho người con trai cả sang Hòa Bình trồng cây ngũ quả và hướng dẫn bà con bên đó.

Ông bảo, năm tới phải đi học hỏi kinh nghiệm thêm về cách tạo dáng, tạo thế cho hợp phong thủy, đáp ứng nhu cầu của thị trường vì có nhiều khách hàng về thăm vườn thích lắm nhưng lại chê không hợp với phong thủy nhà họ nên không mua.

“Cũng vì không được học hành cẩn thận nên vườn cây vẫn còn nhiều hạn chế việc tạo dáng cây còn xấu, chiết ghép hỏng. Năm tới tôi sẽ cùng nhiều bà con ở đây tiếp tục sáng tạo hơn nữa để xây dựng cây 5 quả, 7 quả trở thành một thương hiệu lớn tương tự như đào, quất cho ngày Tết của người Việt”, ông Giáp miệt mài nói về các dự định trong tương lai khi đã ở cái tuổi 61 của cuộc đời.

Hướng Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét