Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Dân mình tốt quá nên lãnh đạo… hư lâu

Tôi rất quý bác Phạm Văn Đồng, trí tuệ rất cao và cư xử cực kỳ văn hóa. Đối với lớp trẻ bác đúng là một người ông hiền từ, tốt bụng, một người thầy đáng kính, một nhà sư phạm mẫu mực. Gặp bác, dù là đang thành công hay đang chán nản vì thất bại nhưng được nghe bác nói chuyện, giải thích và cười sảng khoái trong mọi hoàn cảnh, thì cán bộ trẻ đều cảm thấy lạc quan hơn, tin tưởng vào năng lực của mình hơn và lại sẵn sàng làm việc tốt hơn. Thời nay chẳng có ai được như bác. Tôi hay so sánh bác với Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc, tôi cũng kính trọng ông này dù ông là người tham gia quyết định đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974.
Dân mình tốt quá nên lãnh đạo… hư lâu
Câu hỏi đặt ra phải phân tích hiểu thấu đáo nguyên nhân trì trệ, phải làm cái gì, làm như thế nào để nội dung thông điệp của Thủ tướng trở thành hiện thực với người nông dân?
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có lần phát biểu “Dân mình tốt quá, tốt lạ lùng. Ta có đền đáp bao nhiêu cũng chưa đủ, chưa đúng, chưa thỏa đáng, bất cứ ai có chức có quyền cũng phải đóng góp thật tương xứng cho dân. Tình hình kinh tế của ta thế này, người ta cực, người ta có nói, có nói nặng một chút cũng phải nghe, để thấy hết cái hư hỏng của mình…

Nhận định trên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến ngày nay vẫn còn mang nguyên tính thời sự. Bản thông điệp đầu năm nay của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có tiếng vang lớn trong xã hội, trăn trở của người dân là làm sao để nó biến thành hiện thực đi vào cuộc sống?

Trong bản Thông điệp đầu năm của Thủ tướng có đoạn rất đáng chú ý khi nói về người nông dân:

“Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhà nước có cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.”

Câu hỏi đặt ra phải phân tích hiểu thấu đáo nguyên nhân trì trệ, phải làm cái gì, làm như thế nào để nội dung thông điệp nói trên trở thành hiện thực với người nông dân?

Bài học kinh nghiệm của các nước

Nông thôn hiện đại bao giờ cũng có khu vực trung tâm có tính thành thị, có các hoạt động công nghiệp (hoặc sản xuất từ A tới Z, hoặc sơ chế), các dịch vụ phục vụ kể cả ngân hàng. Tuy vậy, không nên và không cần dồn dân vào các trung tâm này. Nó sẽ tự phát triển theo nhịp độ phát triển kinh tế. Và tất nhiên nó phải được hoạch định, để giải quyết các vấn đề về môi trường. Trước đây, thời Pháp, huyện là trung tâm. Vậy bây giờ có thể mở rộng hơn không?

Ở Việt Nam vấn đề sản xuất có thể là cá nhân hoặc dưới hình thức gia đình, hay doanh nghiệp tư nhân (có thể gọi là trang trại). Vấn đề mở rộng trang trại quá đáng có thể cũng là đầu mối đưa đến tình trạng người nông dân bị tróc gốc, không có đất cắm dùi. Đây là vấn đề cần suy nghĩ. Tất nhiên, là cần các hợp tác xã nhằm phục vụ người sản xuất (từ dịch vụ giống má, cung cấp vật tư, chế biến, bán ra thị trường).

Để tránh đầu nậu, thì những hợp tác xã này là tự nguyện của những người sản xuất. Qua hợp tác xã có thể đưa vào nhiều hình thức mới như bảo hiểm, bán trước, mua trước v.v. nhằm bảo vệ giá vật tư cũng như giá hàng hóa bán ra. Qua hợp tác xã, khoa học kỹ thuật và các chương trình phù trợ của nhà nước có thể dễ dàng đưa về nông thôn hơn.

Có ý kiến đề xuất đến việc ngân hàng lập trang trại hoặc các doanh nghiệp nông nghiệp. Theo chúng tôi, đây là điều cần cấm chỉ, chắc chắn 100% sẽ bị bọn đầu nậu tài chính lạm dụng. Mới đây, luật Mỹ đã hạn chế tối đa vấn đề này. Luật Việt Nam vẫn còn cho tư do hơn hẳn luật Mỹ trước khi sửa đổi vừa qua.

Mô hình nông nghiệp ở Mỹ chủ yếu là mô hình trang trại tư nhân. Ở Mỹ trang trại tư bản phát triển mạnh (tất nhiên hơn ở Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới), nhưng họ cũng có nhiều hợp tác xã, theo thông lệ chưa đầy 03 người dân Mỹ thì có một người là xã viên hợp tác xã. Mỹ cũng khuyến khích phát triển hợp tác xã để thông qua đó trợ giúp cho người làm nông nghiệp vì theo quy chế WTO, hỗ trợ qua tổ chức sẽ không bị cấm.

Ở Nhật Bản là mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Đài Loan cũng là một tấm gương về gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Việt Nam nên học theo mô hình Nhật Bản và Đài Loan trong tổ chức xây dựng nông nghiệp, nông thôn và cách làm của Đài Loan chú trọng về ngành nghề sau sản xuất lúa gạo và phi nông nghiệp để nâng cao giá trị hạt gạo.

Có chuyên gia nhận định: "Sự đổi mới phải chú trọng vào các ngành nghề sau sản xuất lúa gạo và phi nông nghiệp để nâng cao giá trị hạt gạo, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu nhập cho nông dân. Nhiều nước như Thái Lan, Nhật Bản đã làm rất tốt điều này. Chỉ mỗi hạt gạo nhưng họ đã làm ra được nhiều sản phẩm khác với giá trị thương mại cao hơn là bán gạo thô.


Lãnh thổ Đài Loan có đất đai nông nghiệp manh mún như Việt Nam nhưng mô hình hợp tác xã hiệu quả của họ rất đáng để chúng ta nghiên cứu. Giá trị 01 hecta đất của họ cho ra 18.000 USD mỗi năm, trong khi của VN chỉ khoảng 1.300 USD. Nhờ vậy mà mức sống của nông dân họ cao hơn nông dân VN rất nhiều.

Không thoát khỏi “cái tôi”

Hầu hết những người làm chính sách đều biết tất cả những câu chuyện trên. Họ cũng đã biết mô hình hợp tác xã của Nhật, họ cũng biết rằng hợp tác xã có vai trò hết sức quan trọng trong tổ chức sản xuất, trong việc thực hiện các chính sách của nhà nước đối với nông nghiệp và nông dân, nông thôn. Họ cũng biết vai trò nhạc trưởng của doanh nghiệp, do vậy đã có những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp và nông thôn.

Họ cũng biết cần phải đầu tư vào khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm nên đã có các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và đề án 1956 về đào tạo nghề với việc chi ra hàng nghìn tỉ đồng để thực hiện nó và có rất nhiều ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ cao (ví dụ trường hợp TH True Milk).

Họ cũng có chính sách thúc đẩy liên kết 04 nhà mà thực tế là sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng. Họ cũng hiểu rằng nhà nước phải tạo ra khung pháp lý bảo đảm việc cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp theo chiến lược và quy hoạch, phải xây dựng khung pháp lý để thị trường mua bán quyền sử dụng đất diễn ra lành mạnh, tạo ra những trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn vv…

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ họ không thoát khỏi “cái tôi” trước những cám dỗ bằng tiền và quyền lực khi thực thi nhiệm vụ của họ. Chính vì vậy khi các chính sách ưu đãi được đưa ra thì hoặc là họ lập ra các doanh nghiệp sân sau để móc túi của nhà nước, hoặc là các doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi thì phải “cưa đôi” khoản “trời cho” này.

Lắng nghe và… hành động?

Đối với nông dân, nếu quan chức thực sự vì dân thì họ phải lắng nghe ý kiến của nông dân nhưng ai cũng biết lời nói của nông dân không đi liền với tiền lót tay (vì nông dân làm gì có tiền). Và khi có những chính sách hỗ trợ họ phải thông qua các tổ chức của nông dân, mà cụ thể là hợp tác xã. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn hợp tác xã sẽ phát triển nhưng họ đâu có làm vậy.

Đứng giữa nông dân và doanh nghiệp, bao giờ họ cũng tỏ vẻ lắng nghe cả hai phía nhưng rốt cục họ hành động chỉ theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Ví dụ cụ thể trường hợp thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đang thực hiện thời gian 2011 đến 2013 ở Cà Mau.

Khi năm đầu thực hiện thí điểm bảo hiểm và công ty bảo hiểm có lãi thì không có vấn đề gì, tất cả đều phấn khởi, báo cáo rất hay. Nhưng không may, năm sau tôm chết hàng loạt, doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả nhiều hơn phí thu được nhiều lần.

Họ lập tức kêu trời và… “cậu trời” lập tức hành động bằng cách bỗng dưng tăng phí bảo hiểm một cách chóng mặt. Từ mức 7,42% (Quyết định số 3035/2011/QĐ-BTC ngày 16/12/2011 của Bộ Tài Chính) lên mức 9,72% (Quyết định số 1042/2013/QĐ-BTC ngày 8/5/2013) và lên mức 13,73% (Quyết định số 1725/2013/QĐ-BTC ngày 23/7/2013), đồng thời mức bồi thường thiệt hại cũng được giảm xuống một cách “sốc” từ mức 64% xuống 15% đối với tôm thẻ chân trắng bị dịch bệnh từ 56-58 ngày tuổi và xuống 0% đối với tôm bị dịch bệnh, từ 59 ngày tuổi trở lên so với mức bồi thường từ 16% đến 64% trước đó.

Với việc không bồi thường thiệt hại khi tôm từ 59 ngày tuổi trở lên bị dịch bệnh Bộ Tài chính (và trong chừng mực nào đó có cả trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp & PTNT) đã đặt người nuôi tôm trước tình thế phải bán tôm bị bệnh để thu hồi vốn. Việc làm này đi ngược hẳn lại với Luật An toàn thực phẩm và với quyết tâm hiện nay của các bộ, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp & PTNT trong cuộc chiến với thực phẩm “bẩn”.

Trong cuộc họp về công tác an toàn thực phẩm vừa qua, lãnh đạo Bộ NN còn nhấn mạnh “Cần xử phạt mạnh với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm , coi hành vi sản xuất thực phẩm bẩn là tội ác”.

Ở đây có thể thấy lời nói thì “có gang có thép” nhưng lại không đi đôi với việc làm!

Cần nói thêm rằng trong thời gian này nông dân cũng kêu trời nhưng “cậu trời” không hề mảy may để ý khiến nhiều nông dân khốn đốn khi phải kêu khóc tới 06 tháng vẫn chưa được giải quyết bồi thường thiệt hại.

(Còn nữa)
Tô Văn Trường
(VNN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét