Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Đánh thức tâm huyết nghiên cứu khoa học như thế nào?

Trong bài này GS Tuấn chỉ bàn về chuyện kiếm tiền nuôi người nghiên cứu khoa học. Nhưng theo tôi, tiền quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất. Quan trọng nhất là những kết quả nghiên cứu khoa học dù tốt vẫn không được công nhận, khen ngợi và đưa vào thực tiễn nên không động viên tâm huyết của người nghiên cứu. Về kiến nghị cơ chế chính sách, dù nghiên cứu hay đến mấy, báo cáo cấp có thẩm quyền thì họ cũng ít khi quan tâm vì không phù hợp với quyền lợi của họ. Về giải pháp kinh tế kỹ thuật cho doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp đều thấy dành thời gian chạy chọt, đút lót kiếm dự án rồi làm lăng nhăng thì hiệu quả hơn nhiều so với cố gắng đổi mới quản lý, áp dụng giải pháp kinh tế kỹ thuật mới... Do đó, khi nào đất nước còn chưa thấy nhu cầu phải phát triển dựa trên tiến bộ kỹ thuật, tiến bộ quản lý thì sẽ chưa thể đánh thức tâm huyết nghiên cứu khoa học.
Đánh thức tâm huyết nghiên cứu khoa học ?
Nguyễn Văn Tuấn, Tuấn's blog
Tại sao nghiên cứu khoa học ở nước ta thua kém các nước trong vùng? Tại sao các đại học Việt Nam quá kém về nghiên cứu khoa học? Theo ý kiến của Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn ĐHQG HN Lâm Bá Nam thì “Lý do quan trọng khiến nghiên cứu khoa học trong trường ĐH chưa nở rộ chính là do các giảng viên - cán bộ khoa học thiếu tâm huyết …” 

Làm sao loại được những kẻ lừa đảo ra 
khỏi giới làm khoa học chân chính?
Tôi muốn tin là ý kiến này đúng, nhưng tôi sợ có phần đơn giản quá. Nếu quả thật giảng viên thiếu tâm huyết, thì vấn đề thực sự là tại sao họ thiếu tâm huyết? Có phải vì lo chạy việc “cơm áo gạo tiền” đã hụt hơi, thì nói gì đến chuyện nghiên cứu khoa học. Có thực mới vực được đạo. Làm sao bảo người ta có tâm huyết làm nghiên cứu khoa học (một lĩnh vực xa xỉ đối với một số người) trong khi cuộc sống quá chật vật?


Nói thẳng ra, đối với nhiều người cây đa cây đề, làm nghiên cứu là một cách “đánh quả”, chứ chẳng phải vì mục tiêu khoa học cao cả nào hết.

Kèm theo đây là một lá thư của một bạn trẻ gửi cho một diễn đàn khoa học giải thích tại sao giảng viên trẻ không có cơ hội làm nghiên cứu khoa học (chứ không hẳn là không có tâm huyết). Bạn đọc này muốn dấu tên (vì lí do việc làm) nên tôi không có đề tên trong email.

Tôi thử tưởng tượng một bác sĩ muốn làm nghiên cứu phục vụ cho việc điều trị và mở rộng kiến thức chuyên ngành. Việc đầu tiên là chị ta (hay anh ta) phải lên kế hoạch làm gì, làm ở đâu, làm như thế nào, làm với ai, kinh phí bao nhiêu, v.v… Làm nghiên cứu thực nghiệm đòi hỏi phải có kinh phí. Do đó, việc đầu tiên vẫn là “tiền đâu”? Bệnh viện và trường đại học không có ngân sách cho nghiên cứu khoa học, do đó gõ cửa hai nơi này chỉ tốn thì giờ và công sức.

Nguồn kế tiếp là Sở khoa học và công nghệ (KHCN), nhưng thủ tục khác rắc rối, rườm rà, và đòi hỏi thời gian. Hãy cho là có thời gian để chuẩn bị đơn xin tài trợ, vấn đề kế tiếp đặt ra: ai là người sẽ duyệt đề cương nghiên cứu? Những nghiên cứu khoa học chuyên sâu đòi hỏi chuyên gia chuyên sâu mới có thể hiểu và đánh giá đúng giá trị của công trình nghiên cứu. Các chuyên gia này [nói theo người Mĩ] phải có “track record”, tức là phải từng có công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tập san khoa học quốc tế, hay nói ngắn gọn là “có tên có tuổi”. 

Nhưng ở nước ta, rất thiếu những chuyên gia có track record. Trong bối cảnh thiếu chuyên gia có track record, Sở KHCN đành phải sử dụng người địa phương không có kiến thức chuyên sâu duyệt xét đề cương nghiên cứu. Vì không quen với đề tài và thiếu kiến thức chuyên ngành, cho nên các chuyên gia này có thể quyết định sai, bác bỏ đề cương nghiên cứu. Một lần thất bại có thể còn chịu được, nhưng đến lần thứ 2, thứ 3 thì “nhất quá tam”, người có hăng hái làm nghiên cứu đi nữa cũng đành bỏ cuộc và bất cần đến nghiên cứu khoa học. Điều này có thể dẫn đến một hệ quả không công bằng cho người muốn làm nghiên cứu. Thế là đất nước thiệt thòi.

Con đường kế tiếp là xin kinh phí từ Bộ, nhưng thủ tục chẳng những rườm rà hơn, mà xác suất thành công thì gần như là con số 0. Hầu như không một bác sĩ trẻ nào nghĩ đến chuyện xin kinh phí từ Bộ, bởi vì họ cho rằng ở “ngoài đó”, người ta chỉ dành kinh phí cho người quen biết, cho những “cây đa cây đề”, cho những người có danh xưng “sĩ” và “sư” trước tên họ mà thôi. Mà cho dù có can đảm nộp đơn xin tài trợ đi nữa, thì các bác sĩ trẻ cũng không tin là đơn của họ được duyệt xét một cách công bằng, đơn giản vì thiếu chuyên gia có trình độ chuyên sâu, và tình trạng bè phái. Ngay cả những “cây đa cây đề” cũng rất rất hiếm người có “track record” thì nói gì đến chuyện duyệt xét đề cương khoa học cho công bằng.

Đó là chưa kể đến những tiêu cực, “lăng nhăng” đằng sau những đề án nghiên cứu. Nói thẳng ra, đối với nhiều người cây đa cây đề, làm nghiên cứu là một cách “đánh quả”, chứ chẳng phải vì mục tiêu khoa học cao cả nào hết. Theo Ts Phạm Bích San, trong bài “Tham nhũng trong khoa học biến hóa khôn lường” thì “Trong nhiều trường hợp quan chức lấn sân sang nghiên cứu khoa học, không vì mục đích khoa học mà vì mục đích cá nhân, người ta đánh giá rằng mức độ thất thoát có thể lên đến 40% tổng kinh phí cho mỗi đề tài nghiên cứu khoa học.” Kinh khủng! Thất thoát đến 40%! Nếu mỗi năm Nhà nước chi ra 200 triệu USD cho nghiên cứu khoa học, con số này có nghĩa là 80 triệu USD rơi vào tay những người tham nhũng dưới danh hiệu “nghiên cứu khoa học”! Kinh khủng!

Nếu mỗi năm Nhà nước chi ra 200 triệu USD cho nghiên cứu khoa học, con số này có nghĩa là 80 triệu USD rơi vào tay những người tham nhũng dưới danh hiệu “nghiên cứu khoa học”! Kinh khủng!
Câu chuyện tưởng tượng trên đây thật ra không là tưởng tượng chút nào, mà đã và đang xảy ra trong thực tế. Vấn đề do đó là tổ chức cung cấp kinh phí cho nghiên cứu vẫn còn quá hạn chế và tập trung. Tôi cho rằng cách tổ chức và phân tầng kiểu đề án cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh thành, v.v… là một cơ chế chẳng những mang tính vô lí, mà còn dã man, dã man ở chỗ nó tiêu diệt tài năng của biết bao nhiêu người trẻ muốn làm khoa học, nó kiềm hãm tài năng ở những vùng sâu xa. 

Thật vậy, nếu một bác sĩ ở vùng sâu xa những có ý tưởng nghiên cứu mà chỉ có ở địa phương anh mới là nơi lí tưởng để tiến hành, thì anh ta sẽ không có cơ hội làm bởi vì anh ta chỉ là một bác sĩ địa phương! Tôi chưa thấy nước nào trên thế giới có cách phân tầng công trình nghiên cứu quái gở như ở nước ta. Do đó, tôi nghĩ việc đầu tiên là nên xóa bỏ ngay cái cơ chế phân cấp nghiên cứu và ngân sách nghiên cứu theo kiểu bao cấp như Nhà nước, Bộ, tỉnh thành.

Kinh nghiệm ở Mĩ và các nước tiên tiến, người ta chỉ cần vài cơ quan quản lí ngân sách nghiên cứu khoa học do chính giới khoa học luân phiên quản lí. Mọi người dân và chuyên gia, bất kể ở địa phương nào, bất kể cấp nào, đều có quyền nộp đề cương nghiên cứu, và đề cương sẽ được duyệt xét theo các tiêu chuẩn được công bố minh bạch trên internet.

===

“From: Sent: Wednesday, April 29, 2009 2:57 AM Subject: Re: Thao luan khoa hoc

Vừa rồi em có đọc một số bài bình luận của các anh chị về chất lượng nghiên cứu ở Việt nam, nhất là bài của anh Tuấn ở trên báo Tia Sáng. Theo em lý do của tình trạng trên cũng còn có thể từ một vài nguyên nhân như sau:

Thông thường mấy năm đầu một bạn trẻ mới ra trường về làm ở một đơn vị nghiên cứu thì họ không được tham gia nghiên cứu nhiều, họ cũng không có background về nghiên cứu, họ thường chỉ là người chạy việc (công văn, giấy tờ, khảo sát, điều tra...)

Sau vài năm nếu may mắn được đi học nước ngoài thì lúc này họ mới được học hành nghiêm túc về phương pháp nghiên cứu, làm thực nghiệm, viết bài... Khi trở về nước, nhiều người cũng rất tâm huyết, thích làm nghiên cứu thì họ lại gặp nhiều trở ngại từ môi trường:

- Có một số chuyên ngành hẹp chỉ có kinh phí cho triển khai, hay làm theo dự án, chứ khó có kinh phí cho những nghiên cứu xuất phát từ những ý tưởng cá nhân

- Người ta hay phân vùng khoa học cho từng người, mỗi người phụ trách một lãnh vực (thực chất là phân kinh phí lĩnh vực triển khai và nghiên cứu), những người khác muốn làm một lĩnh vực của ai đó cũng khó vì nó đã thuộc sự sở hữu của một vài đối tượng dù là họ có năng động xin kinh phí bên ngoài thì cũng bị cản trở như đi nói xấu sau lưng làm người ta nản lòng.

- Cơ chế làm việc cản trở đôi khi không phải do cán bộ lãnh đạo mà còn do chính những nhóm làm việc ngang tầm do không có tiêu chuẩn rõ ràng, khách quan để đánh giá, người tốt kẻ xấu lẫn lộn, người ta dùng dư luận để điều khiển lẫn nhau.

- Chưa thấy được benefit của công bố quốc tế, trong khi đó làm dự án đơn giản và dễ dàng hơn nên người ta nghiêng về làm dự án hơn.

- Cuối cùng sau khi làm việc một thời gian thấy mệt mỏi khó khăn, môi trường công sở đầy đố kỵ, ghen ghét (cội nguồn từ tiêu chuẩn đánh giá không rõ ràng) thì người ta bỏ ra ngoài làm ở các tổ chức NGO, suy cho cùng thì cơm áo gạo tiền cũng quan trọng, nếu trong nhà nước không được sử dụng thì ra ngoài làm.

Cho nên trong những năm gần đây có rất nhiều người trẻ tuổi sau khi được đào tạo về, họ làm trong các cơ quan của nhà nước một thời gian đã bỏ ra ngoài làm, nhiều bạn của em cũng đã ra ngoài làm rồi. Họ chán nản vì không được đánh giá công bằng, vì môi trường làm việc trì trệ, đầy sự đố kỵ. Khi nào tiêu chuẩn bài báo quốc tế được đưa vào tiêu chuẩn bầu bán thay cho các tiêu chuẩn khác như đảng viên... thì mới giữ chân được những người trẻ có năng lực và thúc đẩy họ tích cực nghiên cứu và công bố quốc tế. Tình trạng chung của các cơ quan công sở nhà nước đều như vậy.

Những người không đi học nước ngoài thì họ càng ít quan tâm đến bài báo hơn, trừ phi nếu nó trở thành tiêu chuẩn tốt nghiệp PhD hay đánh giá kết quả đề tài.

Em thiết nghĩ ngoài việc hỗ trợ cho những nhóm nghiên cứu những cơ hội nghiên cứu, trong trường hợp có thể thì Quĩ nên tăng cường ảnh hưởng của mình tác động tới chính sách khoa học của nhà nước như những kiến nghị của anh Tuấn trong bài đăng trên báo Tia Sáng ... thì đó sẽ là những nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển của khoa học nước nhà.

Xin anh đừng để tên và địa chỉ email của em khi forward email này cho nhóm.

Chúc anh mạnh khoẻ.

Kính thư”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét