Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Tiền giả và vụ đổi tiền năm 1985

Lại Trần Mai: Bài dưới đây viết quá sơ sài về chuyện tiền giả. Có một chuyện mình nhớ mãi, nhưng chưa thấy bác nào kể ra. Hồi bàn kế hoạch đổi tiền năm 1985, có nhiều ý kiến nên lùi thời điểm đổi tiền (tháng 9.1985) vì đã phát sinh nhiều khó khăn mới ngoài dự kiến (sản lượng lương thực đột nhiên mất mùa, Liên Xô không viện trợ tài chính, vật tư như cam kết để giúp Việt Nam đổi tiền, tin Nhà nước chuẩn bị đổi tiền đã bị rò rỉ ra ngoài từ vài tháng trước nên giới đầu cơ đã tranh thủ mua nhiều tài sản tích trữ...). Tuy nhiên có một sức ép bắt buộc phải đổi tiền ngay là hồi đó Trung Quốc liên tục tăng cường chống ta cả về kinh tế lẫn an ninh quốc phòng. Lúc đó toàn bộ tiền lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam là do Trung Quốc in; lợi dụng việc đó, mỗi tuần Trung Quốc in thêm và tuồn vào Việt Nam qua đường biển khoảng 300 triệu đồng (một số tiền giá trị lúc đó cực lớn) để cung cấp cho bọn phản động chân tay hoạt động và đám hoa kiều tư sản mua lại tài sản của đất nước. Tiền giả nhưng hoàn toàn thật vì đều do cùng máy in của Trung Quốc sản xuất đã có tác hại ghê gớm tới nền kinh tế, nhất là phá hoại các chính sách kinh tế của Nhà nước và chuyển nhiều tài sản của đất nước thành tài sản của tư sản hoa kiều, cũng như thành vàng và ngoại tệ để đưa về Trung Quốc.
Rất mong nhiều bác đã tham gia chuẩn bị kế hoạch đổi tiền năm 1985 kể lại vụ này để thấy không phải Nhà nước ta ngu khi quyết định đổi tiền, mà đằng sau quyết định đổi tiền có nhiều chuyện lúc đó không thể nói ra được, nhất là những chuyện liên quan đến anh bạn vàng 4 tốt Trung Quốc.

Tiền giả và tham nhũng phá kinh tế VN

Nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu bắt nhịp trở lại?
Việt Nam đang điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng phù hợp hơn trong lúc vẫn gặp phải các hoạt động phá hoại diễn ra thường xuyên đối với nền kinh tế, từ nạn tiền giả tới tệ biển thủ các nguồn tài chính công.
Đó là quan điểm của nhà quan sát từ Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, trong cuộc trao đổi hôm 22/8/2013 bàn về chủ đề đồng tiền, dòng vốn, giải pháp cho phục hồi kinh tế.
Hôm thứ Năm, tỷ giá giữa USD và VND được nhận định là "bất ngờ tăng mạnh" tới 60 VND từ mức 21.120VND/ một đô-la Mỹ vốn được cho là ổn định trong tuần, theo tờ Kinh tế Việt Nam.

Tờ báo chuyên về kinh tế và tài chính dẫn lời một thành viên trên thị trường tiền tệ nhận định rằng diễn biến tỷ giá này là 'khá bất thường, 'cần tiếp tục theo dõi', có thể 'ngắn hạn' tuy bước đầu có thể gợi ý xác định về 'diễn biến mới của lãi suất' trên liên ngân hàng và nhu cầu ngoại tệ lớn xuất hiện.

Về diễn biến mới đây trên thị trường tiền tệ, trả lời câu hỏi liệu đây có là việc đồng USD thực sự "tăng mạnh" hay là đồng VND mất giá so với Mỹ kim, nếu chỉ nhìn từ một vài biểu hiện bên ngoài, Tiến sỹ Nguyễn Quang A hôm thứ Năm nhận định với BBC:

"Tôi nghĩ thực sự đồng tiền Việt Nam, giá trị thực, chứ không phải là giá trị danh nghĩa, so với đô-la chẳng hạn, thì thực sự là cao chứ không phải là mất giá.

"Cho nên là khả năng phải giảm giá đồng tiền Việt Nam là một chuyện thực tế và tôi nghĩ là cần thiết cho nền kinh tế. Tôi không nghĩ việc đồng Việt Nam từ khoảng từ 20 ngàn mấy chục lên 21.100 trong khoảng thời gian qua là một biến động gì quá lớn và đáng lo ngại cả."

'Từ tiền giả phá hoại'

"Không thể loại trừ việc học những kinh nghiệm xấu của mafia Nga, giới tài phiệt Nga, trong việc móc ngoặc với nhà nước để kiếm chác, trục lợi trong việc mua bán doanh nghiệp, đấu thầu các tài sản của nhà nước, hầm mỏ và đất đai" - TS Nguyễn Quang A

Về biểu hiện phá hoại đối với với tiền tệ Việt Nam, hôm 22/8, tờ Dân Trí phản ánh việc nhà chức trách ở một tỉnh biên giới phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc phát giác và bắt giữ các vụ vận chuyển tiền giả được in ở nước ngoài, bên cạnh đồng đô-la giả.

Tờ báo cho hay hôm thứ Năm, cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an tỉnh Lạng Sơn đã hoàn tất thủ tục truy tố một đối tượng vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam lượng tiền giả là 200 triệu VND khi tìm cách qua cửa khẩu Tân Thanh.

Vẫn tờ này phản ánh, hôm 5/8, một đối tượng khác trong một vụ riêng rẽ, bị công an kinh tế Việt Nam phát giác và bắt giữ khi đang vận chuyển, cũng qua ngả Lạng Sơn, số tiền giả lớn khác có trị giá lên tới 11.000 USD và hơn 68 triệu đồng tiền Việt Nam.

Bình luận về tác hại của nạn tiền giả với nền kinh tế Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói: "Tất nhiên, tiền giả chủ yếu được in, cứ nói thẳng toạc móng heo, ở Trung Quốc đưa sang là chính, là đến 100%, có tác hại rất lớn đối với nền kinh tế và có lẽ là về mặt kinh tế, tuy tôi không có số liệu cụ thể, nhưng về khối lượng, tôi nghĩ rằng tác động ấy không phải là lớn lắm. 
"Nhưng về mặt tâm lý, về mặt niềm tin, lòng tin của người dân vào đồng nội tệ, thì đấy là một sự phá hoại hết sức nguy hiểm."



Tiến sỹ Quang A cho rằng bòn rút công quý và móc ngoặc
của nhóm lợi ích đang phá hoại nền kinh tế hàng ngày
'Tới đánh cắp tài nguyên'

Tuy nhiên một trong những vấn nạn khó nhìn thấy hơn có thể đang làm suy yếu Việt Nam từng ngày là nạn tham nhũng từ 'ăn cắp' tài nguyên, khoáng sản, công sản quốc gia, thông qua lách luật và móc ngoặc giữa các nhóm tài phiệt, đại gia và nhóm lợi ích trong nhà nước và chuyển ra nước ngoài trục lợi, trong khi nền kinh tế quốc nội đang cần các nguồn lực để củng cố, phục hồi.

Tiến sỹ Quang A nói: "Tôi nghĩ rằng chuyện có sự câu kết rất chặt chẽ giữa các thế lực kinh tế mà chủ yếu ở đây là các đại gia, các doanh nghiệp nhà nước lớn, hoặc thậm chí các doanh nghiệp tư nhân lớn, với các thế lực chính trị để làm sao có lợi nhất cho cả đôi bên mà Việt Nam thường gọi là chuyện nhóm lợi ích, đấy là hiện tượng càng ngày càng trầm trọng ở Việt Nam, và đó là cái không ai từ chối cả."

Cựu Viện trưởng Viện IDS đã giải thể nói xã hội Việt Nam vài chục năm gần đây có thể đã xuất hiện một lớp các nhà tài phiệt, đại gia mới lũng đoạn nền kinh tế và làm giàu bất chính thông qua áp dụng các kinh nghiệm xấu về lách luật và làm ăn gian lận từ kinh nghiệm của mafia nước ngoài và móc ngoặc với một bộ phận của giới cầm quyền.

Ông nói: "Tôi có thể nói không thể loại trừ việc học những kinh nghiệm xấu của mafia Nga, giới tài phiệt Nga, trong việc móc ngoặc với nhà nước để kiếm chác, trục lợi trong việc mua bán doanh nghiệp, đấu thầu các tài sản của nhà nước, hầm mỏ và đất đai chẳng hạn. Chuyện đó tôi khẳng định là không thể không có việc học đó và không thể không có ở Việt Nam".

Tiến sỹ Quang A cho rằng mức độ biển thủ tài nguyên, công quỹ, rửa tiền do lách luật, móc ngoặc với nhóm lợi ích và tác hại của chúng ra sao với nền kinh tế khó tính toán hết.

"Cụ thể nó đến mức như thế nào thì nói thật là phải có những tổ chức độc lập, phải có kinh phí để nghiên cứu một cách rất tường tận, lúc đó mới có thể bình luận một cách đầy đủ cơ sở được."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét