Ngân hàng Việt Nam gửi 2.5 tỉ đôla “ế” ra nước ngoài
Tính đến đầu tháng 7, các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã gửi 2.5 tỉ đô la vào các ngân hàng nước ngoài vì không tìm được nơi để cho vay.
Nhân viên một ngân hàng thương mại ở Hà Nội đếm các tờ 100 đô la Mỹ. Các ngân hàng không thể cho vay số tiền đang ôm, nên đã phải mua đô la rồi đem gửi ở ngân hàng nước ngoài kiếm lời, phản ảnh tình trạng kinh tế bế tắc của Việt Nam hiện nay. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
|
Đó là thông tin mới nhất liên quan tới tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng thương mại ở Việt Nam, gián tiếp minh họa nền kinh tế không có gì sáng sủa. Thông tin này do ông Lê Xuân Nghĩa, cựu Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia công bố trong một hội thảo diễn ra tuần trước.
Tháng trước, Tổng cục Thống kê của Việt Nam công bố hàng loạt chỉ số thống kê của sáu tháng đầu năm để cả quyết, tình hình kinh tế vĩ mô đang được cải thiện. Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia kinh tế và báo giới lại cùng cho rằng, niềm tin vào sự hồi phục kinh tế cả trong doanh giới lẫn công chúng Việt Nam đang tiếp tục suy giảm.
Cũng tháng 7, Ngân hàng HSBC công bố, trong hai tháng 5 và 6, chỉ số mua hàng của giới quản trị (PMI), sụt giảm đáng ngại, điều đó cho thấy doanh giới cũng vẫn hạn chế đầu tư.
Chuyện các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đem 2.5 tỉ đô la đi gửi các ngân hàng nước ngoài vì không tìm được nơi để cho vay được xem là một bằng chứng minh họa cho sự phản bác tuyên bố của Tổng cục Thống kê về “tình hình kinh tế vĩ mô đang được cải thiện”.
Theo một số chuyên gia kinh tế, ngoài việc ngần ngại đầu tư, khu vực xuất khẩu vốn được phép vay ngoại tệ và vẫn được xem là “đầu kéo tổng cầu của nền kinh tế” cũng càng lúc càng bi đát nên không có nhu cầu vay vốn khiến các ngân hàng thừa mứa ngoại tệ.
Khác với Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê Sài Gòn nhận định, lĩnh vực tín dụng không có chuyển biến đáng kể. Cơ quan này cho rằng các doanh nghiệp không muốn vay vốn vì lượng hàng tồn kho cao do “đầu ra” khó khăn. Cá nhân cũng hạn chế vay tiền do việc làm thu hẹp, thu nhập giảm.
Tiền “ế” nên các ngân hàng thương mại dùng tiền đồng mua ngoại tệ để gửi cho các ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước nhận định, đây chính là nguyên nhân khiến giá đô la tại Việt Nam tăng trong hai tháng 6 và 7.
Một số lãnh đạo ngân hàng thương mại than rằng, dẫu lãi suất cho vay đã giảm từ 18%/năm – 19%/năm xuống còn 9%/năm – 10%/năm, thậm chí giảm xuống chỉ còn 7%/năm nếu vay để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng “tăng trưởng tín dụng” của họ vẫn âm. Nhiều “khách hàng tốt” vẫn lắc đầu bởi… không có nhu cầu!
Chẳng riêng doanh nghiệp mà hệ thống ngân hàng thương mại cũng đang bế tắc vì kinh tế suy thoái. Trước đây, nếu tiền bị ứ, những ngân hàng này có thể gửi vốn cho thị trường liên ngân hàng để hưởng lãi suất 4%/năm – 5%/năm nhưng hiện nay, lối thoát này coi như đã tắc vì lãi suất tụt giảm chỉ còn từ 1%/năm – 1.5%/năm.
Tờ Sài Gòn Tiếp thị kể rằng, do doanh nghiệp chê vốn, gần đây, tuần nào các ngân hàng cũng giới thiệu những “gói cho vay tiêu dùng” kiểu mới, với đủ hình thức ưu đãi nhưng việc cho vay tiêu dùng vẫn không khả quan. Viên Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á than rằng, dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm hơn một nửa so với năm trước nhưng vẫn khó “khơi thông dòng chảy”, khách hàng vẫn chưa muốn vay tiền mua nhà.
Cũng theo mô tả của Sài Gòn Tiếp Thị, đã xuất hiện tình trạng các ngân hành tranh nhau giảm lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay của một số ngân hàng hiện chỉ còn 5%/năm – 6%/năm.
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét