Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Xử lý nợ xấu bằng nguồn tiền nào?

Xử lý nợ xấu bằng nguồn tiền nào?
Tư Hoàng lược ghi
TS Lê Xuân Nghĩa. Ảnh TL SGT Online.
(TBKTSG Online) - Bên lề khoá đào tạo về quản lý nợ xấu do Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh (BDI) phối hợp với Trường Đào tạo Ngân hàng Thụy sĩ Á châu (SABS) tổ chức ngày 5-7, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng BDI, trao đổi với báo chí tiến trình xử lý nợ xấu ở Việt Nam.
Thưa ông, sau khi Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) thành lập, quy trình xử lý nợ xấu sẽ được vận hành như thế nào?
- Việt Nam về cơ bản cũng đang đi theo hướng một mô hình xử lý nợ xấu bằng nguồn tài chính hỗn hợp từ ngân sách và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nợ xấu trong xây dựng cơ bản (như Nhà nước nợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nợ ngân hàng, và doanh nghiệp nhà nước) sẽ do Bộ Tài chính xử lý. Phần còn lại sẽ được xử lý bằng Công ty quản lý tài sản thuộc NHNN, bằng dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại (NHTM) hoặc có thể bằng nguồn tái cấp vốn của NHNN trong những trường hợp cần thiết (ví dụ: NHTM nhỏ, yếu thanh khoản).
Như vậy, về bản chất cách thức xử lý nợ xấu của Việt Nam không khác mấy so với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, có thể có những khác biệt nhất định về kĩ thuật, phụ thược vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.


Ví dụ: Nghị đinh 53/2013/NĐ_CP quy định Công ty VAMC có thể mua nợ xấu từ các NHTM theo giá thị trường và giá ghi sổ. NHNN cũng sẽ áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý các giao dịch mua nợ xấu theo giá ghi sổ và thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt bằng việc bắt buộc thiết lập dự phòng rủi ro 20% hàng năm
Ông có thể giải thích rõ hơn khái niệm mua nợ xấu theo giá ghi sổ?
- Mua theo giá ghi sổ là để giải quyết nhanh tiến trình mua bán nợ, tránh tình trạng các NHTM chần chừ, mặc cả trong việc bán nợ xấu và tiếp tục đóng băng tín dụng, Công ty mua bán nợ (AMC) sẽ áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý nghiệp vụ này bằng việc bắt buộc thiết lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt như một hình thức chiết khấu đặc biệt, đồng thời bảo toàn vốn của mình sau 5 năm. Trái phiếu đặc biệt được coi là một tài sản tài chính của các NHTM được sử dụng để thế chấp vay vốn tại NHNN thông qua nghiệp vụ thị trường mở. NHNN quy định cụ thể mức cho vay tái cấp vốn so với mệnh giá của trái phiếu đặc biệt, Thủ tướng Chính  phủ quyết định mức lãi suất cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt trong từng thời kỳ.
- Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của quốc tế trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?
Vấn đề quan trọng trong kinh nghiệm quốc tế là nguồn tiền xử lý nợ xấu. Từ đó, người ta mới hình thành các mô hình xử lý nợ. Các nước có 3 lựa chọn cơ bản về nguồn tiền.
Thứ nhất là từ ngân hàng trung ương, bao gồm tiền dự trữ bắt buộc, dự trữ ngoại lệ, và tái cấp vốn trực tiếp. Với nguồn tài chính này ngân hàng trung ương có thể mua tài sản xấu của các NHTM, tài trợ trực tiếp thanh khoản để NHTM xử lý nợ xấu, hoặc thông qua AMC trực thuộc ngân hàng trung ương. Thụy Điển đã xây dựng mô hình này năm 1992. Bằng mô hình này, chính phủ vừa xử lý nợ xấu vừa đề phòng lạm phát, nên thời gian thường phải kéo dài 3 - 5 năm, và tăng trưởng kinh tế ở mức trung bình, thị trường bất động sản cũng hồi phục từ từ tùy thuộc vào tiến độ xử lý nợ và phá băng tín dụng
Thứ hai, nguồn tiền từ ngân sách, bao gồm tiền bán bớt các tài sản của nhà nước (doanh nghiệp nhà nước); vay nợ bên ngoài hoặc vay nợ trong nước bằng trái phiếu chính phủ. Bằng cách này, nợ xấu có thể được xử lý khá nhanh 2 - 3 năm; lạm phát được kiểm soát tốt hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức cao trong một thời gian ngắn; thị trường bất động sản cũng sẽ phục hồi vững chắc hơn, nhờ phá băng tín dụng nhanh và tổng cầu phục hồi ổn định.
Thứ ba là các nguồn hỗn hợp cả từ ngân hàng trung ương và ngân sách. Cách thức này sẽ cho một kết quả trung dung giữa hai mô hình trên và thường dễ tạo được đồng thuận chính trị hơn, nhưng cũng đòi hỏi sự phối hợp chính sách tài chính và tiền tệ nhịp nhàng hơn.
Hầu hết các nước đều áp dụng mô hình thứ 3 (hỗn hợp) và kết quả khá tốt, đặc biệt là Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính lần này. Việc lựa chọn mô hình hỗn hợp cũng do những áp lực chính trị từ phía các quốc hội là cơ quan kiểm soát chi tiêu ngân sách vốn liên quan mật thiết chính sách thuế và vay nợ của chính phủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét