Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

WB thúc giục Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh

Ngân hàng Thế giới thúc giục Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh
Cắt giảm lãi xuất không giúp giải cứu 
lĩnh vực ngân hàng và nền kinh tế Việt Nam
Tại cuộc hội thảo « Tạo thuận lợi Thương Mại, Tạo giá trị và Năng lực Cạnh tranh », hôm nay 04/07/2013, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới và Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế đã công bố một báo cáo đề ra những giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là về xuất khẩu
Báo cáo trên ghi nhận, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng mạnh : 34% năm 2011, 18% năm 2012 và gần 20% trong quý đầu của năm 2013. Thế nhưng, Việt Nam bị xem là chưa thành công trong việc đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu và chuyển dịch lên trên chuỗi giá trị toàn cầu.
Một góc siêu thị Intimex tại Hà Nội, ngày 7/6/2013.
Nhìn chung, các động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hiện tại gần như đã cạn kiệt và Việt Nam phải tìm ra hướng đi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu. Cũng theo báo cáo nói trên, khả năng Việt Nam có thể thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” cũng phụ thuộc vào khả năng xây dựng nền kinh tế cạnh tranh và hiệu quả hơn.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới và Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, như phát triển hạ tầng và dịch vụ giao thông đơn giản hóa các thủ tục pháp quy để giảm thời gian và chi phí và tăng cường độ tin cậy của thương mại qua biên giới. Báo cáo cũng đề nghị thành lập Ủy ban Quốc gia về Tạo thuận lợi thương mại (NCTF) để thực hiện kế hoạch tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại cho Việt Nam.

Trong bài phát biểu tại hội thảo hôm nay, bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng trong việc nâng cao sức cạnh tranh, chính phủ sẽ đóng một vai trò quan trọng. Theo bà Kwakwa, « chính phủ phải hỗ trợ các hoạt động mang lại ảnh hưởng tích cực từ bên ngoài, và có những trợ giúp để thúc đẩy luồng thương mại ». Đồng thời, bà đề nghị chính phủ Việt Nam loại bỏ những yếu tố cản trở, trong đó có việc rút lui dần khỏi những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể đóng vai trò đi đầu.
Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam lưu ý rằng, cần phải có cam kết chính trị từ cấp lãnh đạo, do trong các hoạt động cải cách mà bản báo cáo đề xuất sẽ có những « xung đột lợi ích ». Bà nhấn mạnh : « Nếu không hành động ngay, năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì các nước khác vẫn đang tiếp tục chương trình tạo thuận lợi thương mại của mình. »

Thanh Phương (RFI)

Cắt giảm lãi xuất không giúp giải cứu lĩnh vực ngân hàng và nền kinh tế Việt Nam
Việt Nam, nước Đông Nam Á được nhiều giới đầu tư nước ngoài xem như một mini-Trung Quốc, hôm thứ Năm vừa qua đã thông báo đạt được mức tăng trưởng mạnh trong quý hai năm 2013. Nhưng tiếc rằng việc này chẳng có gì đáng mừng cả.
Cơ quan thống kê của Việt Nam cho biết tổng sản phẩm trong nước đã tăng 5% giữa tháng Tư và tháng Sáu, tăng từ mức 4,9% trong quý đầu tiên của năm 2013. Tuy nhiên, mức tăng trưởng gia tăng so với quý đầu tiên không đồng nghĩa rằng điều kiện cơ bản tại nước này đang được cải thiện.

Ngay cả việc nhìn lại các dữ liệu một cách công bằng thì chúng cho thấy rằng Việt Nam đang trên đà tăng trưởng ở mức khoảng 5% trong năm nay, nghĩa là không có gì thay đổi so với mức tăng trưởng hồi năm ngoái. Các mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn rất nhiều nếu so với mức tăng trưởng trung bình trong hơn hai thập kỷ qua ở mức 7,5% mỗi năm. Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 5,5% trong năm 2013.
Hơn nữa, sự gia tăng trong tỷ lệ tăng trưởng ít nhiều đến từ các trường chính sách nới lỏng tiền tệ.


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm lãi suất cho vay tám lần (bằng cách tích lũy 800 điểm cơ bản) trong hơn một năm qua nhằm thúc đẩy ngân hàng cho vay vốn cũng như thúc đẩy thị trường tiêu dùng sau khi tăng trưởng kinh tế giảm xuống mức 5,03% trong 2012, mức thấp nhất trong 13 năm qua. Tỷ lệ tái cấp vốn hiện tại ở mức 7% và các nhà phân tích tại Standard Chartered cho rằng tỷ lệ này sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản – xuống còn 6,5% – trong quý tiếp theo nếu các nhà hoạch định chính sách cảm thấy thoải mái với chỉ số lạm phát.

Việt Nam đang vật lộn với một loạt các tai ương kinh tế, bao gồm cả tiêu dùng nội địa yếu kém, và lĩnh vực ngân hàng đang là một gánh nặng vì các khoản nợ xấu và phá sản tiếp tục tăng cao kỷ lục. Nhưng chỉ cắt giảm lãi suất sẽ không giải cứu được nền kinh tế. Bằng cách theo đuổi chiến lược kích cầu kinh tế, Việt Nam đã làm trầm trọng thêm các vấn đề mang tính dài hạn. Việc này tương tự như bơm vào đất nước và thị trường một lượng đường rất cao. Nó có thể gây ra một cú sốc, nhưng điều đó sẽ được thay thế bằng thực tế rằng những vấn đề cơ bản vẫn không được giải quyết tận gốc rễ.
Số liệu chính thực hôm thứ Ba tuần trước cho thấy rằng lạm phát tại Việt Nam đang ở mức 6,69% so với cùng kỳ năm vào tháng Sáu, đây là mức gia tăng đầu tiên trong tám tháng qua sau khi chính phủ cắt giảm lãi suất. Chỉ số này tăng từ mức 6,35% trong tháng Năm. Chính phủ đưa ra mục tiêu lạm phát ở khoảng 8% trong năm nay nhưng hy vọng sẽ kềm chế lạm phát ở mức 6-6,5%.
Nguyên nhân chính của sự suy giảm nằm ở lĩnh vực ngân hàng. Như Capital Economics đã chỉ ra trong một bản lưu ý, các khoản nợ xấu đã tăng rất mạnh, và nước này hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng. Tín dụng hiện nay ngày càng tăng và thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP.

Hiện các nhà chức trách đang cố gắng giải quyết những vấn đề liên quan đến hệ thống ngân hàng. Hồi đầu năm nay, chính phủ thông báo sẽ thiết lập một công ty quản lý tài sản nợ để tiếp nhận các khoản nợ xấu từ các ngân hàng yếu kém. “Ngân hàng xấu”, hoặc có tên chính thức là Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam, sẽ là một công ty có vốn 100 phần trăm thuộc nhà nước với mục đích mà theo ngân hàng trung ương, là để “giải quyết các khoản nợ xấu và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý trong nền kinh tế”.

Nhưng câu hỏi chính là nguồn tiền sẽ đến từ đâu, và liệu 500 tỷ đồng (24 triệu USD) có đủ để làm sáng tỏ các khoản nợ xấu trị giá lên hàng trăm nghìn tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng, và làm thế nào để thực hiện các chính sách đó.

Ngân hàng trung ương cho biết Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam sẽ mua lại các khoản nợ xấu với vốn tự có của họ hoặc thông qua “trái phiếu đặc biệt”, mà sẽ không phải trả lãi suất và có thể sử dụng để có được các khoản vay tái cấp vốn từ ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, các kinh tế gia vẫn còn hoài nghi về kế hoạch này. Hiện nay, bí quyết là làm cho tất cả các chính sách trông thật đẹp và hấp dẫn nhất, nhưng đó chỉ là một giải pháp mang tính ngắn hạn.

“Cho đến khi mà lĩnh vực ngân hàng được giải quyết và tín dụng bắt đầu trôi chảy tự do hơn, thì tăng trưởng vẫn còn rất hạn chế”, Gareth Leather – kinh tế gia tại Capital Economics, cho biết trong một bản lưu ý.

Gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2013 từ 5,8% xuống còn 5,2% và nhấn mạnh chính phủ nước này cần chú tâm đến những chương trình cải cách. Đầu tháng này, Ngân hàng HSBC cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay từ 5,5% xuống còn 5,1%.
Trong khi các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế, thì có một số dấu hiệu tốt đáng khích lệ đang diễn ra. Lĩnh vực xuất khẩu đang tiếp tục gia tăng rất tốt. Tổng Cục Thống kê cho biết kim ngạch xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm đã tăng 16,1%, đạt 62,05 tỷ USD so với cùng kỳ một năm trước đó, trong khi nhập khẩu tăng 17,4% lên 63,5 tỷ, dẫn đến thâm hụt thương mại 1,4 tỷ USD.

“Tăng trưởng này không chỉ riêng các mặt hàng hóa cấp thấp như dệt may, mà còn bao gồm cả các lĩnh vực giá trị gia cao hơn, chẳng hạn như lắp ráp các mặt hàng điện tử tiêu dùng”, ông Leather nói, và thêm rằng xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá tốt trong vài năm tới mặc dù khả năng nhu cầu toàn cầu vẫn còn yếu kém.

Moran Zhang, International Business Times
Thanh Ngân chuyển ngữ, CTV Phía Trước
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét