Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Trung Quốc: Dân mạng phản ứng Luật buộc con thăm cha mẹ

Dân mạng phản ứng dữ dội Luật buộc con thăm cha mẹ
TTO - Hôm nay 1-7, luật buộc con cái đến thăm cha mẹ bắt đầu có hiệu lực tại Trung Quốc. Luật này đã vấp phải sự phản ứng của cộng đồng mạng tại Trung Quốc.
Dân số Trung Quốc ngày càng già đi do chính sách một con Ảnh: AFP
Thời Báo Hoàn Cầu đưa tin luật mới buộc con cái ở xa phải thường xuyên đến thăm cha mẹ già. Ước tính hơn 14% dân số Trung Quốc, tương đương 194 triệu người, đã trên 60 tuổi. Nhiều người già phải sống trong cảnh cô đơn do con cái làm việc ở xa.
Chính quyền Bắc Kinh cho biết luật mới sẽ làm giảm thiểu tình trạng người già phải sống cô đơn trong những “chiếc tổ trống rỗng”. Trong thời gian qua, dư luận Trung Quốc cũng dậy sóng vì truyền thông đăng tải các vụ con cái đối xử với cha mẹ một cách tàn nhẫn.
Năm ngoái, một nông dân ở tỉnh Giang Tô bị lên án dữ dội vì để người mẹ già 100 tuổi phải sống trong một chuồng lợn. Theo Nhật báo Thượng Hải, luật mới còn cho phép cha mẹ đưa con cái ra tòa nếu tỏ ra bất hiếu.

Tuy nhiên Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời giáo sư Xia Xueluan thuộc Viện Xã hội học của ĐH Bắc Kinh nhận định luật mới vẫn còn nhiều điểm không rõ ràng. Ví dụ mỗi năm con cái phải đến thăm cha mẹ bao nhiêu lần thì mới là đúng luật.

“Luật cần phải đưa ra những quy định và biện pháp rõ ràng hơn. Phiên bản hiện tại chỉ giống như lời nhắc nhở con cái cần phải có hiếu với cha mẹ hơn là một luật có tính chất bắt buộc” - giáo sư Xia Xueluan nhận định.

Trên trang Sina Weibo, trang mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, nhiều blogger đã chỉ trích luật mới một cách dữ dội. “Một đất nước phải ra luật yêu cầu con cái có hiếu với cha mẹ ư? Đúng là một nỗi sỉ nhục” - một blogger bức xúc.

Một cư dân mạng khác chỉ trích: “Chính phủ dùng luật mới để bảo vệ người già nhưng trên thực tế lại đổ hết tội lỗi lên đầu con cái họ. Lẽ ra chính phủ cần phải tính đến vấn đề này khi đưa ra chính sách một con”. Giới chuyên gia xã hội Trung Quốc cũng đánh giá chính sách một con của Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng dân số già nhanh như hiện nay.

NGUYỆT PHƯƠNG

Luật mới có hiệu lực của Trung Quốc buộc con cái phải thường hỏi cha mẹ nếu không muốn bị kiện.

Luật Bảo vệ Quyền và Lợi ích của Người cao tuổi, bắt đầu được thực thi từ ngày 1/7, yêu cầu những người con phải tới thăm hoặc giữ liên hệ với bố mẹ giữa lúc Trung Quốc cố gắng chăm sóc cho dân số đang già đi.

Hiện có khoảng hơn 180 triệu người Trung Quốc ở tuổi ngoài 60, trong đó một triệu người ngoài tuổi 80.

Luật sửa đổi sẽ không mang lại nhiều thay đổi vì trên thực tế có cha mẹ già đã kiện con để đòi sự hỗ trợ về tình cảm.

Luật không nói rõ chuyện con cái phải thăm cha mẹ thường xuyên tới mức nào sẽ bị phạt như thế nào nếu không thực hiện.

Nâng cao ý thứcMột trong những người soạn thảo ra luật, giáo sư luật Tiêu Kim Minh của Đại học Sơn Đông nói mục tiêu là để nâng cao ý thức của người dân:

"Cái chính là cần nhấn mạnh về chuyện người già có quyền được trợ giúp tình cảm... chúng tôi muốn nhấn mạnh nhu cầu này."

Bà Vương Di, năm nay 57 tuổi và sống ở Thượng Hải nói luật mới "tốt hơn là không có thay đổi gì".

Bà làm nghề quét dọn trong khi hai con trai của bà làm việc ở Quảng Đông, cách xa nhà vài trăm cây số.

Một năm bà chỉ gặp hai con một lần.



"Người Trung Quốc chúng tôi nuôi trẻ con để chúng trông nom chúng tôi khi về già"
"Thế là quá ít," bà Vương Di nói. "Tôi nghĩ hai lần thì tốt hơn. Người Trung Quốc chúng tôi nuôi trẻ con để chúng trông nom chúng tôi khi về già."

Quốc hội Trung Quốc đã sửa luật hồi cuối năm ngoái sau khi xảy ra tình trạng nhiều cha mẹ bị con cái bỏ rơi.

Theo những sửa đổi luật, con cái có cha mẹ hơn 60 tuổi phải đảm bảo nhu cầu vật chất và tinh thần của phụ huynh được đáp ứng.

Giáo sư Tiêu nói trước khi Luật Bảo vệ Quyền và Lợi ích của Người cao tuổi được sửa đổi, một số cha mẹ đã kiện con cái đòi hỗ trợ về tình cảm.

Ông nói các thẩm phán thường tìm cách mang lại thỏa thuận để con cái thăm cha mẹ thường xuyên hơn.

Các vụ xử cũng thường không đề cập tới vấn đề tài chính.

Bà Trương Diệp, giảng viên đại học 36 tuổi ở tỉnh Giang Tô nói luật sửa đổi "không hợp lý" và tạo quá nhiều sức ép cho những người phải đi xa để tìm việc và có cuộc sống độc lập.

Số người già ở Trung Quốc sẽ tiến tới con số 500 triệu trong hơn 50 năm nữa và chính quyền có vẻ muốn các công dân góp phần chăm sóc người già nhằm giảm bớt gánh nặng cho chính quyền.

Báo chí Trung Quốc cũng nói đến đạo hiếu là một phần truyền thống văn hóa nước này khi đề cập tới các quy định về người già.

(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét