Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Mỹ: Thành phố Detroit xin bảo hộ phá sản

Mỹ: Thành phố Detroit xin bảo hộ phá sản

Biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô một thời đã đệ đơn xin phá sản
NDĐT- Thành phố Detroit của Mỹ, được mệnh danh là Thành phố Ô-tô do ngành công nghiệp xe hơi đã từng có thời phát triển cực kỳ thịnh vượng tại đây, vừa trở thành thành phố lớn nhất của Mỹ từ trước tới nay nộp đơn xin bảo hộ phá sản, với các khoản nợ nần lên tới 18 tỷ USD.
Từng là một biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Mỹ, thành phố Detroit đang phải tìm kiếm sự bảo hộ của tòa án trước các chủ nợ, trong đó bao gồm các nhân viên trong khu vực công cùng với quỹ lương hưu của họ.

Từ nhiều thập kỷ qua, Detroit đã phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới sự sụt giảm của sản lượng công nghiệp. Các ngành dịch vụ công đang trên đà sụp đổ với gần 70 nghìn ngôi nhà bị bỏ hoang. Mặc dù vậy, thị trưởng Detroit, ông Dave Bing đã cam kết sẽ giữ vững hoạt động của các ngành dịch vụ công và sẽ trả đủ tiền lương cho các công chức.

Vào ngày 18-7, ông Kevyn Orr, chuyên gia quản lý các vấn đề khẩn cấp do chính quyền bang Michigan bổ nhiệm, đã yêu cầu tòa án liên bang đưa thành phố này vào tình trạng bảo hộ phá sản. Nếu yêu cầu này được phê chuẩn, ông Orr sẽ được phép thanh lý các tài sản của thành phố để trả nợ cho các chủ nợ và quỹ lương hưu, trợ cấp của thành phố. Từ tháng trước Detroit đã phải ngừng trả các khoản nợ không bảo đảm để giúp cho các hoạt động của thành phố vẫn được tiếp tục trong thời gian ông Orr đàm phán với các chủ nợ.



Cũng trong tháng 6, ông Orr đã đề xuất một thỏa thuận với các chủ nợ để họ chấp nhận 10 xu cho mỗi đô-la mà họ còn bị nợ. Khi đó, ông Orr đã cho rằng nguy cơ mà thành phố phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản là 50-50. Ông cũng nói rằng những khoản nợ dài hạn của thành phố có thể nằm trong khoảng từ 17 tới 20 tỷ USD. Tuy nhiên, hai quỹ trợ cấp đại diện cho các nhân viên đã nghỉ hưu của thành phố đã không chấp nhận kế hoạch này.

Tại một cuộc họp bảo tổ chức ngày 18-7, ông Orr nói rằng việc đệ đơn xin bảo hộ phá sản là “bước đầu tiên hướng tới việc khôi phục lại thành phố”. Còn Thị trưởng Detroit, ông Dave Bing cũng nói rằng người dân thành phố này cần phải có một sự khởi đầu mới. Ông Bing nói: “Tôi thực sự không muốn đi theo hướng này, nhưng giờ đây chúng ta đã ở đây và chúng ta sẽ phải làm những gì tốt nhất”. Ông thị trưởng cũng trấn an người dân Detroit rằng thành phố sẽ vẫn trả lương cho các nhân viên và các dịch vụ công vẫn sẽ hoạt động bình thường bất chấp việc đã đệ đơn xin phá sản.

Tuy nhiên, ông Ed McNeil, nhà đàm phán hàng đầu của một liên minh 33 nghiệp đoàn, đã trả lời hãng tin Reuters rằng động thái của chính quyền thành phố Detroit là nhằm sự thâu tóm quyền lực.

Trong một bức thư gửi kèm theo đơn xin phá sản ngày 18-7, Thống đốc bang Michigan Rick Snyder, một đảng viên Cộng hòa, nói rằng ông đã phê chuẩn yêu cầu của ông Orr về việc đơn xin phá sản theo Chương 9 Luật Phá sản. Thống đốc Snyder cho rằng cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng hiện nay là tái cấu trúc thành phố một cách hợp lý và cho phép nó tự làm mới bản thân nó mà không phải chịu gánh năng của những nghĩa vụ bất khả thi. Ông nói: “Rõ ràng là tình trạng khẩn cấp về tài chính ở Detroit sẽ không thể giải quyết được triệt để nếu không đệ đơn xin phá sản, và đó là lựa chọn hợp lý duy nhất hiện nay”.

Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở Detroit. Người phát ngôn Nhà Trắng, bà Amy Brundage nói: “Trong khi các nhà lãnh đạo ở Michigan và các chủ nợ của thành phố hiểu được rằng họ phải tìm ra được một giải pháp cho thách thức nghiêm trọng về tài chính của Detroit, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục sự hợp tác mạnh mẽ của mình với Detroit khi thành phố này tìm cách hồi phục, tái sinh và duy trì vị thế của nó như một trong những thành phố vĩ đại của nước Mỹ”.

Các nhà phân tích cho biết hiện đang có nhiều lo ngại rằng các doanh nghiệp có thể sẽ ngừng các hoạt động của họ ở Detroit. Tuy nhiên, sau khi thành phố đệ đơn xin phá sản, tập đoàn xe hơi nổi tiếng của Mỹ General Motors tuyên bố rằng họ không nghĩ việc này sẽ gây ra tác động gì lớn tới hoạt động của công ty và hy vọng rằng đó sẽ đánh dấu một “sự khởi đầu mới” đối với Detroit.

Từ lâu nay, Detroit đã phải vật lộn với tình trạng tài chính của mình bởi một số nguyên nhân, trong đó có cả việc dân số suy giảm một cách đáng kể. Từ năm 2000 đến 2010, đã có khoảng 250 nghìn cư dân của thành phố này rời đi nơi khác.

Tỷ lệ tội phạm giết người ở thành phố này đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua và cho đến đầu năm 2013, chỉ có một phần ba số xe cứu thương của thành phố còn có thể hoạt động được. Sự sụt giảm chi phí đầu tư cho hệ thống đèn công cộng và dịch vụ cấp cứu cũng đã gây ra nhiều khó khăn cho ngành cảnh sát của thành phố.

Detroi không phải là thành phố đầu tiên của Mỹ đệ đơn xin bảo hộ phá sản trong những năm gần đây. Tuy nhiên, quy mô của các khoản nợ khiến Detroit phải xin bảo hộ phá sản lớn hơn rất nhiều so với bất cứ vụ việc tương tự nào trước đây tại các thành phố khác. Năm 2012, ba thành phố của bang California là Stockton, Mammoth Lakes và San Bernardino đã thực hiện viện này. Trước đó, năm 2011, thành phố Harrisburg, bang Pennsylvania cũng đã tìm cách đệ đơn xin bảo hộ phá sản nhưng bị phán quyết là bất hợp pháp.

M.T

(Theo BBC, Reuters)

http://www.nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/20804802.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét