Phố cổ của Hà Nội qua tranh họa sỹ Bùi Xuân Phái
Có thể chia ra mảng đề tài vẽ phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái ra ba giai đoạn: Từ 1960 đến 1970: Thời kỳ Nâu / Từ 1970 đến 1980: Thời kỳ Ghi xám / Từ 1980 đến 1988: Thời kỳ Lam
Trải qua từng thời kỳ, phố cổ Hà Nội lại được thể hiện bởi những nét riêng khác nhau...Khám phá đầu tiên của họa sỹ Bùi Xuân Phái về phố là bức sơn dầu "Phố Hàng Phèn" (năm 1940), được vẽ trước khi ông vào học trường cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Sau đó bức này được gửi tham dự triển lãm Tokyo - Nhật Bản, và có người mua ngay lập tức.
Giai đoạn khởi đầu 1950 đến 1960: Từ năm 1950-1960, Bùi Xuân Phái chưa định hình rõ phong cách và cũng chưa chuyên sâu hẳn vào một đề tài nào, ông thường có vẽ những bức mang tính thể nghiệm, đột phá theo trường phái hiện đại lúc bấy giờ, tiêu biểu như những bức khỏa thân và tĩnh vật được thể hiện theo trường phái lập thể.
Giai đoạn khởi đầu 1950 đến 1960: Từ năm 1950-1960, Bùi Xuân Phái chưa định hình rõ phong cách và cũng chưa chuyên sâu hẳn vào một đề tài nào, ông thường có vẽ những bức mang tính thể nghiệm, đột phá theo trường phái hiện đại lúc bấy giờ, tiêu biểu như những bức khỏa thân và tĩnh vật được thể hiện theo trường phái lập thể.
Ông cũng có một số bức vẽ phố cổ, được thể hiện kỹ lưỡng và nhiều chi tiết nhưng chưa độc đáo (giai đoạn về sau này là tranh phố của ông luôn được khái quát và lược bỏ đi nhiều chi tiết trong thực tế). Bức "Phố Hàng Thiếc" (sơn dầu), được Bùi Xuân Phái vẽ năm 1952, chữ ký bên góc phải cho thấy lúc đó họa sỹ ký cả họ và tên. Bức này được nhà văn Nguyễn Tuân bày tại phòng khách rất lâu.
Có thể chia ra mảng đề tài vẽ phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái ra ba giai đoạn:
- Từ 1960 đến 1970: Thời kỳ Nâu
- Từ 1970 đến 1980: Thời kỳ Ghi xám
- Từ 1980 đến 1988: Thời kỳ Lam
Thời kỳ Nâu từ 1960 đến 1970: Có thể nói Thời kỳ Nâu mang dấu ấn đặc trưng nhất về phong cách, tinh thần của Bùi Xuân Phái. Những bức vẽ trong thời kỳ này phản ánh khung cảnh của phố cổ Hà Nội nguyên chất nhất, chưa bị sửa sang, cơi nới. Cũng không lấy làm lạ khi phần nhiều những người Hà Nội có tuổi và am hiểu mỹ thuật thường yêu thích thời kỳ này hơn cả, trong khi giới trẻ và người ngoại quốc lại nồng nhiệt yêu thích Thời kỳ Lam.
Tranh ông trong giai đoạn này thường bàng bạc nỗi buồn da diết, cô đơn, hoài cổ, như tiếc nuối một thời tuổi trẻ đã mất, phố thường vắng bóng người qua, các căn nhà có cửa mặt tiền luôn đóng chặt với dáng vẻ trầm mặc, những mái nhà thâm nâu của khu phố cổ im lìm dưới sức nặng của bầu trời xám như dự báo một cơn giông sắp ập xuống. Điều đặc biệt là các ô cửa chỉ được mô tả bằng một vệt mầu thẫm.
Đây là thời kỳ sung sức và cũng khốn khó nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của Bùi Xuân Phái. Tranh ông nhuốm vẻ trầm buồn sâu xa, nét bi ai, sự cô đơn khốn khổ. Tranh tựa như một phương tiện giải tỏa ẩn ức nội tâm cũng như ý thức về sự bất lực của ông trước cuộc đời.
Hiện nay, những bức tranh được các nhà sưu tập đặt giá cao nhất vẫn thuộc về những tác phẩm được vẽ trong Thời kỳ Nâu. Thí dụ như bức "Hà Nội kháng chiến" (vẽ năm 1966) đã được khởi giá là 200.000 USD trên trường quốc tế.
Thời kỳ Ghi xám từ 1970 đến 1980: Không nên hiểu là hễ thấy bức mang tông màu nào là xếp nó vào thời kỳ đó. Thường thì các chuyên gia chỉ cần thoáng nhìn đã biết ngay bức tranh đó được vẽ vào thập niên nào, bởi ngoài gam mầu và bút pháp, người ta còn căn cứ vào cảnh và người trong tranh của ông.
Thời kỳ xám có điểm nổi bật nhất là trên phố không còn người đàn ông mặc áo dài và cầm ô đi trên hè phố nữa. Những người bán dong cũng có trang phục khác, các ô cửa sổ được vẽ kỹ lưỡng và chi tiết hơn, xe bò không được phép đi vào thành phố nữa nên không hiện diện trong tranh ông.
Trong thập niên 70, họa sỹ rơi và cảnh khó khăn, ngặt nghèo cả về kinh tế lẫn tinh thần. Trong nhật ký, ông từng viết: "Cuộc sống nào thấy gì vui? Chỉ thấy kinh khủng và kinh khủng."
Thời kỳ này Bùi Xuân Phái vẽ tranh phố cổ Hà Nội bằng bột mầu, nhiều bức được vẽ trên giấy báo, được thể hiện với gam mầu ghi xám. Phố trong tranh ông đã bớt đi vẻ cô liêu, trầm mặc, nét vẽ tung tẩy, nhẹ nhàng, nhiều bức phố của ông ngả dần theo hướng trừu tượng, nhiều bức mang tính chất thể nghiệm... Đây là giai đoạn hưng phấn và được sáng tác nhiều tranh cùng các đề tài khác trong sự nghiệp của ông
Thời kỳ Lam từ 1980 đến 1988: Tám năm cuối cùng của cuộc đời, tác phẩm của họa sỹ Bùi Xuân Phái được mời đi triển lãm ở nhiều nước, nên công chúng Việt và thế giới biết đến tên tuổi ông nhiều hơn. Lúc này tranh phố của ông mới nhẹ nhõm hơn, xuất hiện những gam mầu ấm của nắng, của tà áo đỏ qua đường...
Giá trị của các phố cổ là giá trị của thời gian lắng đọng ở những mái ngói, những bức tường rêu phong của chúng. Bùi Xuân Phái cũng đã từng nhận xét là trong sự rêu phong cổ kính có "màu thời gian."
Thời gian cũng đã làm cho các bức tranh của ông càng ngày càng có giá trị, từ chỗ mỗi bức chỉ đổi được vài lạng càphê, dăm bao thuốc lá dưới thời bao cấp, đến chỗ mỗi bức là cả một gia tài theo quy luật "giá trị thặng dư của thời gian." Tuy nhiên, thời gian đã làm điều này quá chậm đối với cá nhân Bùi Xuân Phái, hay nói cách khác là ông đã không ở lại trần thế để thụ hưởng thành quả lao động nghệ thuật của mình./.(Thanglonghanoi/Vietnam+)
"Phố Phái" là từ mà người dân yêu Hà Nội thường nghĩ đến tranh về phố cổ của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Hà Nội trong tranh vẫn còn nguyên vẹn nét dung dị đời thường, lặng lẽ và lâu bền trong từng nét bút của ông.
Không còn nhiều những bức ảnh về Hà Nội xưa, tranh của Bùi Xuân Phái là tất cả những gì mà ta còn trọn vẹn nhất, sống động nhất về Hà Nội, về nét đẹp của hồn phố, hồn người…
Sinh ra và lớn lên ở Hà thành, họa sĩ tài ba này đã trở thành một phần máu thịt, một người bạn tri âm trong từng góc phố, mái nhà, từng con đường nhỏ... Ông vẽ tranh không chỉ để tái hiện nét văn hóa "thanh lịch" của người Hà Nội mà còn mang đến cho hậu thế cái nhìn sâu sắc hơn về kiến trúc Hà Nội xưa.
Bùi Xuân Phái vẽ tranh về từng con phố Hà Nội bằng nỗi niềm riêng, bằng tâm tư riêng của một người con của mảnh đất Hà thành. Ông đã sống, đã đi qua những tháng ngày thăng trầm trên mảnh đất thân yêu này, để nghiệm lại cuộc đời và trải hồn mình qua hàng trăm bức tranh về Hà Nội. Thưởng tranh ông, người ta không chỉ thấy một Hà Nội cổ kính từ xa xưa hiện về, người ta còn thấy được tấm lòng của ông gắn liền với từng "mái nhà dưới nắng vàng nghiêng nghiêng hàng dương liễu" (Trần Thụ).
Bằng tình yêu Hà Nội và đam mê nghệ thuật, ông đã đi và vẽ, đi bất cứ lúc nào và vẽ bất cứ nơi đâu. Vì vậy, hơn ai hết, ông là người họa sĩ hiểu Hà Nội và vẽ về Hà Nội một cách toàn diện nhất. Những bức tranh của ông đủ dựng nên một thành phố thật, nhẹ nhàng và yên ắng... Một Hà Nội đời thường, bình dị, buồn nhưng không tẻ nhạt, đẹp một cách giản dị nhưng chứa trong sâu thẳm mỗi người là tình yêu và sức sống mãnh liệt.
Một trong những đặc trưng của kiến trúc phố cổ Hà Nội là nhà cổ. Những ngôi nhà cổ mọc san sát nhau, mái ngói nghiêng, đầy rêu phong, những mảng tường vôi lở, những ô cửa nhỏ đợi chờ, những cột điện đầu ngõ xiêu vẹo, những vỉa hè lát gạch chạy dọc khắp các con phố nhỏ....
Những ngôi nhà cổ này chủ yếu được xây dựng vàp thế kỷ XVIII - XIX, trước đó hầu hết là nhà mái tranh, chỉ có một số nhà giàu có, nhà của Hoa kiều mới lợp mái ngói. Mỗi ngôi nhà đều có sân chung, từng mái ngói lô nhô nối tiếp nhau từ dãy phố này đến dãy phố khác.
Giá trị phong cách kiến trúc nhà ở độc đáo của một Hà Nội cổ là kiểu nhà ống, một phong cách đặc trưng cho đô thị cổ Việt Nam. Nhà ống ở khu phố cổ Hà Nội bé nhỏ và bình dị. Nhà như một cái ống, bề ngang hẹp, chiều dài sâu có khi thông ra một ngõ khác, phố khác. Vì diện tích bề rộng nhô ra mặt phố hẹp nên ông cha ta đã tận dụng bề dài sâu vào trong, sáng tạo một kiểu nhà thích hợp, có nơi bán hàng, nơi ở, nơi thờ phụng, nơi sinh hoạt cá nhân hết sức khoa học. Nhà càng dài càng tạo ra nhiều lớp sử dụng, bên trong có khoảng sân vườn. Sân vườn chỉ chiếm một khoảng nhỏ nhưng là nơi đưa thiên nhiên luồn lách vào trong từng gia đình. Nó làm cho ngôi nhà thông thoáng, sáng sủa, có nắng ấm, gió trời. Nơi đây hiện lên một khoảng trời riêng của gia đình với cây cau, giàn trầu, giếng nước, hòn non bộ, cây cảnh, chậu cá, lồng chim... tách khỏi mặt phố náo nhiệt, giúp tinh thần con người thư giãn, tĩnh tại.
Một đặc điểm nổi bật nữa mà ít ai biết đến trong kiến trúc nhà cổ Hà Nội, đó là những gác xép đầy thú vị trong mỗi ngôi nhà nơi đây. Dường như, mỗi ngôi nhà cổ Hà Nội đều có một gác xép. Gác xép cũng tạo nên một nét văn hóa độc đáo cho cuộc sống đời thường của người dân Hà thành xưa. Trong tâm thức mỗi người Hà Nội đều có một phần hình ảnh của gác xép, gác xép của mỗi gia đình thường để tạo một không gian riêng, rất riêng để ngồi trầm tư, ngắm cảnh phố phường qua ô cửa nhỏ. Có thể họ dùng gác xép để tạo những quán cà phê, quán nước... đơn giản để cho khách ngắm cảnh, ngắm thiên nhiên và hưởng thụ sự mát mẻ trong mùa hè và ấm nóng trong mùa đông. Những ô cửa nhỏ gần mái ấy ta bắt gặp rất nhiều trong mỗi bức tranh của Bùi Xuân Phái, dường như ký ức về mỗi gian gác xép gắn liền với ký ức về Hà Nội trong lòng mỗi con người sống ở đây.
Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân viết: "Hà Nội rất hội họa ở những phố phường xưa. Và có thể nói công bằng, theo cách của nghệ thuật rằng, Bùi Xuân Phái đã phát hiện ra nó. Là người Hà Nội, hình như ông được sinh ra để gắn bó, để cảm hóa chúng ta về một thế giới thể hình và màu sắc của riêng đây. "Phố Phái" là phố của chung tất cả mọi người, ông chỉ là người đầu tiên phát hiện ra nó - người đầu tiên và sau ông, hình như vẫn chưa có ai, dù đã có rất rất nhiều họa sĩ say mê đi tìm vẻ đẹp nơi rêu phong phố cổ".
Cái tên Bùi Xuân Phái gắn liền với những nét vẽ phiêu diêu trên từng con phố Hà Nội. Sẽ không quá lời khi khẳng định rằng, không ai có thể thay vị trí của ông trong mảng tranh phố cổ Hà Nội, bởi lẽ, chưa kể sự tài hoa của ông, mấy ai còn cơ hội chiêm ngưỡng những dãy phố Hà Nội xưa cũ, mái ngói liêu xiêu, nâu trầm đậm màu thời gian để có thể cảm xúc sáng tác như ông ngày xưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét