Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

(1) Nhận xét về 1 bài viết cũ của TS Phan Minh Ngọc: Biến động của tỷ giá thực ảnh hưởng tới nền kinh tế như thế nào ?

Trong 2 tuần gần đây, có khoảng 10 bạn đọc viết thư hỏi tôi một số vấn đề kinh tế vĩ mô và mô hình hóa kinh tế, từ mô hình tân cổ điển với ICOR là hạt nhân tới tài chính, tiền tệ, thành lập công ty mua bán nợ, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong cạnh tranh toàn cầu và mô hình kim cương của Michael Porter... Quả thực tôi cũng khá bận với công việc hàng ngày, kiến thức đã hạn hẹp, lại rơi rụng mất nhiều do đã lâu không làm nghiên cứu và tiếp xúc với số liệu Việt Nam. Do đó đến nay vẫn chưa viết thư trả lời được. Tôi viết mấy dòng này cám ơn sự quan tâm của các bạn và đồng thời mong các bạn thông cảm về bất cập này.
Vài nhận xét về 1 bài viết cũ của TS Phan Minh Ngọc
Cách đây mấy hôm, có bạn đọc đã viết phản biện trên Blog này đồng thời đã viết email hỏi tôi về một bài viết trước đây của TS Phan Minh Ngọc, người tôi đã có dịp được gặp mặt, trao đổi vài vấn đề liên quan đến kinh tế VN, đặc biệt là người tôi rất tôn trọng vì có nhiều bài viết rất hay, sắc sảo, không ngại đụng chạm. Đến nay tôi cũng chỉ duy nhất đăng ký kết nối, làm thành viên của 1 Blog, đó là Blog của TS Ngọc. 
Tôi viết phần phản biện này để trả lời bạn đọc chứ không phải để phê phán TS Ngọc, mục đích là để giúp các bạn trẻ học thêm phương pháp nghiên cứu kinh tế, từ truy tìm số liệu đến xây dựng các công thức tính toán, rồi tính toán và phân tích kết quả... sao cho càng chính xác càng tốt; có như vậy các kết luận phân tích mới đảm bảo tính khoa học (tức là phản ánh đúng sự thật, đúng chân lý) và các chính sách đề xuất tiếp theo mới thực sự có ích cho nền kinh tế.
Dưới đây là bài viết của TS Ngọc cách đây đã 7 năm và tiếp đó là phần phản biện của tôi.  Phản biện của tôi chỉ tập trung vào câu hỏi bạn đọc đề ra: Biến động của tỷ giá thực ảnh hưởng tới nền kinh tế như thế nào ? và gửi tiết kiệm bằng VND hay USD có lợi hơn ? Riêng câu hỏi sau, tôi sẽ có 1 bài viết riêng.
Tiến sĩ Phan Minh Ngọc
Việt Báo (Theo VietNamNet) 
Thứ năm, 27 Tháng bảy 2006 
Một kiến giải đáng chú ý của TS Phan Minh Ngọc (Đại học Kyushu, Nhật Bản) về những biến động tỷ giá và lãi suất trên thị trường tiền tệ thời gian qua.
"Theo dõi báo chí trong giai đoạn bắt đầu xảy ra cơn sốt Đôla (hồi đầu tháng 5 vừa qua), rồi theo đó là lãi suất cả ngoại tệ và nội tệ rục rịch tăng, tôi ngạc nhiên vì có quá nhiều bài viết và ý kiến bàn về nguyên nhân và dự đoán xu hướng diễn biến của tỷ giá và lãi suất, mà đa phần là xoay quanh/dựa vào những phát biểu của quan chức Ngân hàng Nhà nước. Ở bài viết này, tôi muốn trình bày những luận điểm của mình về một số vấn đề liên quan đến tỷ giá và lãi suất.

Thứ nhất, tại sao lại xảy ra cơn sốt đô la vừa qua, và tại sao tỷ giá lại rục rịch tăng lên hiện nay? Có thể nói ngay nguyên nhân chính nằm ở việc tiền đồng (VND) đã lên giá so với USD trên thực tế trong thời gian qua.

Trước tiên, hãy xem mức lạm phát ở Việt Nam và Mỹ trong thời gian 2002- 2005. Mức lạm phát ở Việt Nam lần lượt là -1,71%; - 0,43%; 3,83%; 3,1%; 7,8%; và 8,23%. Mức lạm phát của Mỹ lần lượt là 3,4%; 2,8%; 1,6%; 2,3%; - 0,1%, và 3,5%.

Như vậy, mức trượt giá gộp năm 2005 so với 2000 của Việt Nam là 24,36%; và của Mỹ là 10.48%. Chênh lệch về lạm phát tính gộp của 2 nước là 13,88%.

Trong thời kỳ này, tỷ giá danh nghĩa của VND/USD chỉ tăng có 9.6% (mức tỷ giá vào cuối năm 2000 là 14.514 so với 15.908 năm 2005). Theo công thức tính tỷ giá thực tế, tỷ giá thực tế của VND/USD đã giảm đi 4,28% vào cuối năm 2005 so với 2000.

Nói cách khác, VND thực tế đã lên giá 4,28% so với USD trong vòng 5 năm.


Tỷ giá thực tế giảm (tức VND tăng giá) thì hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn và hàng xuất khẩu trở nên đắt hơn một cách tương đối, do đó sẽ làm tăng thâm hụt thương mại, gây áp lực phá giá lên VND. Nếu tỷ giá danh nghĩa vào cuối năm 2005 là 15.910 thì thị trường kỳ vọng VND phải bị phá giá xuống mức 15.910 x 4,28% + 15.910 = 16.591.

Đây là mức mà lẽ ra Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh ngay từ cuối năm 2005. Nhưng rất tiếc là cho đến tận bây giờ, tỷ giá danh nghĩa mới đang quanh quẩn con số 16.000. Điều này chỉ ra một thực tế là phải chăng tỷ giá danh nghĩa đã bị “ém” cho đến tận bây giờ, cho dù có thể có lý do để làm việc “ém” này?

Như vậy, không khó hiểu tại sao lại nổ ra cơn sốt Đôla vừa qua (mà Ngân hàng Nhà nước một mực cho rằng là do tâm lý đầu cơ), và tại sao tỷ giá danh nghĩa luôn trên đà rục rịch tăng trong mấy tháng gần đây. Và điều này sẽ còn tiếp diễn cho đến khi mức tăng/giảm tỷ giá thực tế tiến tới 0 như trong công thức trên. Từ nguyên nhân có tính cơ sở này, có thể bác bỏ toàn bộ những giải thích lòng vòng, ngụy biện khác.

Vấn đề thứ hai, hiện nay, gửi tiết kiệm bằng VND hay USD có lợi hơn? Câu trả lời cũng rất đơn giản và rõ ràng.

Lãi suất danh nghĩa cho các loại kỳ hạn tiền gửi của VND luôn được duy trì cao hơn của USD chừng 3-4,5% ở các ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Dựa vào điều này, một số tác giả và kể cả các quan chức ngân hàng nhận định rằng gửi tiết kiệm bằng VND có lợi hơn vì lãi suất cao hơn.

Đây cũng là một quan niệm hết sức sai lầm. Ví dụ, năm 2005 đem gửi 1.590.000 VND vào ngân hàng thương mại với lãi suất là 7%/năm (lãi suất giả định) thì sẽ được hưởng 111.300 VND tiền lãi vào năm 2006. Nếu đem 100 USD (tương đương 1.590.000 VND, với giả thiết tỷ giá là 15.900 VND/USD) gửi với lãi suất là 3%/năm (lãi suất giả định) thì sẽ chỉ được hưởng 3 USD tiền lãi, tương đương với 48.000 VND năm 2006 (với giả thiết tỷ giá là 16.000), đúng là thấp hơn nhiều so với gửi bằng VND.

Tuy nhiên, cần chú ý là con số tiền lãi trên chỉ là lãi danh nghĩa, vì sau 1 năm, với lạm phát của Việt Nam là 8,23% và của Mỹ là 3,5%, thì số lãi thực thu được tính bằng VND chỉ còn 111.300 - 111.300*8,23% = 102.140 VND, và tính bằng USD là 3 - 3*3,5% = 2,89 USD. Tổng số vốn và lãi ròng thu được từ khoản tiết kiệm bằng VND sau một năm là: 1.590.00 - 1.590.000*8,23% + 102.140 = 1.561.583 VND.

Con số tương ứng cho khoản đầu tư bằng USD là: 100 - 100*3,5% + 2.89 = 99.37 USD, hay tương đương với 99.39*16.000 = 1.589.920 VND, và tức là lớn hơn con số thu được nếu gửi bằng VND (lưu ý rằng tôi sử dụng mức tỷ giá giả thiết trong năm 2006 chỉ là 16.000, là mức khá thấp so với thực tế, để tiện bề so sánh). Bạn đọc có thể dựa vào cách tính này để tự kiểm chứng các mức thu ròng trong các khoản tiền gửi tiết kiệm của mình.

Vấn đề thứ ba, tại sao lãi suất tiết kiệm VND lại rục rịch tăng? Cũng hoàn toàn không khó hiểu nếu biết lý do mang tính cơ sở của nó, và có liên quan đến vấn đề trên.

Như trên đã nói, chênh lệch tổng thu ròng vốn và lãi tiền gửi tính theo 2 đồng tiền trong thời gian qua đã ở mức âm và dự đoán sẽ tiếp tục ở mức âm hơn nữa trong thời gian tới vì lạm phát của Việt Nam sẽ có nhiều khả năng cao hơn Mỹ, và vì đặc biệt khi Mỹ tiếp tục nâng lãi suất làm cho khoảng cách lãi suất USD trong nước với của Mỹ càng tăng lên.

Nếu có chút hiểu biết, người gửi tiền tiết kiệm bằng VND sẽ đòi hỏi ngân hàng thương mại phải nâng lãi suất VND lên tương ứng sao cho ít nhất là tổng vốn và lãi ròng thu được khi đến hạn phải ít nhất là bằng với khoản thu từ gửi tiết kiệm bằng USD.

Dưới áp lực này, ngân hàng thương mại buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất VND (chưa kể lãi suất USD sao cho theo kịp với biến động của lãi suất ở Mỹ), nếu không thì người gửi tiết kiệm sẽ rút VND ra, chuyển sang gửi tiết kiệm bằng USD, vừa bảo toàn vốn, vừa có lãi ròng cao hơn, hoặc đem USD của mình đầu tư đâu đó, kể cả mang ra nước ngoài (tình trạng capital flight).

Trên đây là những nguyên nhân mà theo tôi mang tính cơ sở để giải thích cho những biến động vừa qua trên thị trường tiền tệ và ngoại hối. Tôi rất sẵn lòng tranh luận thêm với, và học hỏi từ, bạn đọc để làm sáng tỏ thêm những vấn đề này, tránh những hiểu lầm đáng tiếc gây hại cho quyết định đầu tư của công chúng."

Công thức tính tỷ giá thực tế:

Tỷ giá thực tế = (Tỷ giá danh nghĩa x Giá hàng ngoại) : Giá hàng nội

Logarit hóa 2 vế và qua vài biến đổi đơn giản, ta có:

% tăng/giảm tỷ giá thực tế = % tăng/ giảm tỷ giá danh nghĩa - % chênh lệch lạm phát

(Theo Thời báo Kinh tế VN), Việt Báo (Theo_VietNamNet)
Nguồn: http://vietbao.vn/Kinh-te/Nguyen-nhan-dich-thuc-cua-bien-dong-ty-gia-va-lai-suat/20595685/90/

Phản biện của chủ Blog

1. Những lý thuyết chung về "Biến động của tỷ giá thực ảnh hưởng tới nền kinh tế như thế nào", tôi đã có một bài viết cách đây 19 năm (năm 1994) trên tạp chí Ngân hàng, có chụp lại và đưa lên Blog này. Mời bạn xem ở đây.
Ngoài ra, trong một số bài nghiên cứu khác, tôi cũng đề cập tới vấn đề này, như trong bài này hay bài này.

2. Trong bài của mình, TS Ngọc xem xét mức lạm phát ở Việt Nam và Mỹ trong thời gian 2002- 2005. Thực ra theo thông tin tôi nhớ, đó là số liệu của giai đoạn 2000-2005 chứ không phải của giai đoạn 2002-2005; do đó trong các nghiên cứu trong bài, cần hiểu năm gốc để so sánh và tạo các chuỗi số là năm 1999.

3. Theo số liệu của mình, TS Ngọc đã tính ra biến động chỉ số giá tiêu dùng của VN và Mỹ giai đoạn 2000-2005 lần lượt là 24.36% và 10.48%. Tuy nhiên, vẫn với số liệu nêu trong bài của TS Ngọc, nếu sử dụng đúng công thức tính chỉ số giá thay đổi liên tiếp qua các năm (giá năm sau bằng giá năm trước nhân với mức độ biến động giá trong năm) thì kết quả sẽ khác (xem bảng dưới).
VN US VN US
1999 100 100
2000 -1.71 3.4 98.29 103.40
2001 -0.43 2.8 97.87 106.30
2002 3.83 1.6 101.62 108.00
2003 3.1 2.3 104.77 110.48
2004 7.8 -0.1 112.94 110.37
2005 8.23 3.5 122.23 114.23

Theo đó, so với năm gốc 1999, chỉ số giá tiêu dùng của VN tăng 22,23%, còn chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 14,23%.

Theo TS Ngọc, trong thời kỳ này, tỷ giá danh nghĩa của VND/USD chỉ tăng có 9.6% (mức tỷ giá vào cuối năm 2000 là 14.514 so với 15.908 năm 2005). Do vậy, theo công thức tính tỷ giá thực tế, TS Ngọc tính được tỷ giá thực tế của VND/USD đã giảm đi 4,28% vào cuối năm 2005 so với 2000.

Trước khi tính toán, nên kiểm tra lại các thông tin về lạm phát ở VN và Mỹ nêu trên có đúng không, tôi không có thời gian để làm việc này nên dưới đây sẽ dùng thông tin của TS Ngọc. (theo tôi nhớ thì lạm phát (giá tiêu dùng) năm 2002 là 4%, năm 2003 là 3%, năm 2004 là 9,5% và năm 2005 là 8,4%; cần phải lấy số đúng trước khi thực hiện các tính toán). 
Ngoài ra, để tính toán chính xác, các bạn nên tìm kiếm, sử dụng thông tin từ các nguồn chính thức. Ví dụ khi lấy số liệu giá tiêu dùng hay tỷ giá của VN phải căn cứ vào công bố của Tổng cục Thống kê (không nên lấy số liệu của Ngân hàng Nhà nước vì số của NHNN chỉ là số dùng nội bộ và thường bị điều chỉnh); hoặc giá tiêu dùng của Mỹ nên lấy theo "The Economics and Statistics Administration (ESA)"... Trong trường hợp không có thì mới phải lấy từ các nguồn khác, nhưng cũng nên biết thứ tự ưu tiên sử dụng nguồn. Ví dụ số liệu về lĩnh vực nào nên lấy từ chính cơ quan hàng đầu về lĩnh vực đó, như số liệu về lao động nên lấy từ nguồn Tổ chức lao động thế giới; số liệu về tài chính, tiền tệ nên lấy từ International Financial Statistics (IFS) và 1 cuốn thống kê Tài chính chính phủ (tôi quên mất tên) của IMF... Hoặc nên biết nguồn số liệu của Ngân hàng Thế giới có độ chính xác cao hơn, nhưng lại được ban hành chậm hơn so với của Quỹ Tiền tệ Quốc tế; khi đó nên ưu tiên sử dụng số của Ngân hàng Thế giới, nếu thiếu mới bổ sung thêm số của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

4. Khi bạn đã sử dụng các số từ năm 2000 trở đi thì phải dùng năm 1999 làm năm gốc (100%) để tính tốc độ phá giá tỷ giá danh nghĩa (cũng như chỉ số giá) chứ không phải dùng năm 2000 làm năm gốc, tức là phải lấy tỷ giá năm 2005 chia cho tỷ giá năm 1999.
Do vậy, TS Ngọc chia tỷ giá năm 2005 cho tỷ giá năm 2000 là không đúng. Nếu tính đúng thì tốc độ phá giá tỷ giá danh nghĩa sẽ không phải là 9,6% như tác giả tính toán.

5. Công thức tính tỷ giá thực tế của tác giả về cơ bản là đúng, từ công thức này, tác giả đã tính ra tốc độ (mức độ) lên giá của tỷ giá thực qua 6 năm 2000-2005 (so với năm gốc là năm 1999) như sau:
% tăng/giảm tỷ giá thực tế = % tăng/ giảm tỷ giá danh nghĩa - % chênh lệch lạm phát
 hay:                 -4,28% = 9,6 - 13,88%

Nhưng thực ra, công thức tính tỷ giá thực như trên chỉ là để ước tính cho nhanh, còn để làm chính sách kinh tế, việc tính toán tỷ giá thực phức tạp hơn rất nhiều. Mà chúng ta đều biết, để làm chính sách kinh tế thì cần tính toán các chỉ tiêu càng chính xác càng tốt, nên cố gắng tính toán chính xác tối đa trong điều kiện thông tin, năng lực, thời gian... có thể có.

Tại sao vậy, tại vì việc đánh giá cao nội tệ có ảnh hưởng rất lớn tới phát triển kinh tế (xem 1 số bài viết khác của tôi trong Blog này, ví dụ như ở đây hay ở đây). Thậm chí có những chuyên gia quốc tế cho rằng tỷ giá thực của một nền kinh tế mở, đồng tiền chuyển đổi quốc tế được... bị đánh giá cao 10% và kéo dài chỉ 1 đến 2 năm cũng đủ để nền kinh tế đó sụp đổ vì đầu cơ (dựa trên dự báo khả năng chính phủ phải phá giá mạnh tỷ giá danh nghĩa) và một lượng vốn rất lớn trong nước sẽ chạy ra nước ngoài. 

Vai trò của tỷ giá thực cũng nhạy cảm không kém vai trò của thâm hụt ngân sách hay lạm phát, những chỉ tiêu này khi công bố với tính toán sai số chút ít đều sẽ ảnh hưởng ngay đến xây dựng các chính sách kinh tế ngắn hạn cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội đang diễn ra. Rất "may" là nền kinh tế nước ta đang theo "định hướng XHCN" tức là bị quản lý hành chính quá nhiều, và đặc biệt là nội tệ VNĐ chưa phải là đồng tiền chuyển đổi quốc tế được (và do đó chưa bị đầu cơ quốc tế lũng đoạn) nên ảnh hưởng của biến động tỷ giá thực tới nền kinh tế bị hạn chế rất nhiều.

Có hai cách tính tỷ giá thực.

Cách 1 rất khoa học, đã được tôi mô tả sơ lược trong 1 số bài viết nháp còn giữ lại được và lưu trong Blog này. Đề nghị xem ở đâyở đây, hoặc theo các đường liên kết dưới đây:
http://toithichdoc.blogspot.ch/2013/02/tra-loi-ban-oc-ve-ty-gia-thuc.html
http://toithichdoc.blogspot.ch/2012/08/ban-ve-ty-gia-thuc-va-muc-o-pha-gia-ong.html

Cách 2, được dùng khi cần làm nhanh để góp ý khi xây dựng chính sách ngắn hạn. Dù vậy, vẫn phải đảm bảo một độ chính xác nhất định. Công thức tính toán như sau:

Tỷ giá thực = (Tỷ giá danh nghĩa x Giá hàng ngoại) : Giá hàng nội

Ở đây, giá hàng ngoại trước đây chúng tôi thường sử dụng chỉ số giá trung bình của các nước bạn hàng của ta chứ không sử dụng chỉ số giá của nền kinh tế Mỹ vì quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa ta và Mỹ rất ít. Gần đây vai trò của Mỹ đối với nền kinh tế nước ta đã tăng lên khá mạnh (mặc dù vẫn chưa chiếm tới 20% trong tổng quan hệ của ta với toàn thế giới) nhưng để ước tính nhanh, cũng có thể sử dụng chỉ số giá của nền kinh tế Mỹ như TS Ngọc đã làm (nhưng áp dụng với số liệu giai đoạn 2000-2005 thì không nên vì lúc đó quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa ta và Mỹ còn ít). Nếu sử dụng chỉ số giá của nền kinh tế Mỹ và số liệu tính toán của TS Ngọc, ta có:

Tỷ giá thực = (Tỷ giá danh nghĩa x Giá tiêu dùng tại Mỹ) : Giá tiêu dùng tại VN
= 109.6% * 110.48% /124.36% = 97.37%

Như vậy, theo tính toán này, tỷ giá thực của USD so với VND đã giảm đi 2,63% vào cuối năm 2005 so với cuối năm 1999. Nói cách khác, đồng tiền VN thực tế đã lên giá 2,63% so với đồng USD sau 6 năm 2000-2005. Kết quả này khác khá xa so với tính toán đơn giản hóa của TS Ngọc (với kết quả VND thực tế đã lên giá 4,28% so với USD trong vòng 6 năm).
Còn nếu sử dụng số liệu tính toán của tôi nêu trong bảng trên (chỉ số giá tiêu dùng của VN tăng 22,23%, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 14,23%), cũng tính trên cơ sở số gốc của TS Ngọc, thì ta có:

Tỷ giá thực = (Tỷ giá danh nghĩa x Giá tiêu dùng tại Mỹ) : Giá tiêu dùng tại VN
= 109.6% * 114.23% /122.23% = 102.43%

Trong trường hợp này, đồng tiền VN không những không bị đánh giá cao so với đồng đô la Mỹ mà ngược lại, nó bị mất giá tới 2,43% so với đồng đô la Mỹ.

6. Các kết luận của TS Ngọc nêu trong bài viết trên có hợp lý không ?

Với mức độ lên giá 2,63% theo tính toán của tôi (với nền số liệu gốc của TS Ngọc) hay 4,28% theo tính toán của TS Ngọc (chưa bàn đến việc nếu tính đúng thì VNĐ bị mất giá 2,43% chứ không phải là lên giá), liệu có thể chấp nhận kết luận nêu trong bài của TS Ngọc được không ?

Đặc biệt TS Ngọc cho rằng "không khó hiểu tại sao lại nổ ra cơn sốt Đôla vừa qua (mà Ngân hàng Nhà nước một mực cho rằng là do tâm lý đầu cơ), và tại sao tỷ giá danh nghĩa luôn trên đà rục rịch tăng trong mấy tháng gần đây. Và điều này sẽ còn tiếp diễn cho đến khi mức tăng/giảm tỷ giá thực tế tiến tới 0 như trong công thức trên. Từ nguyên nhân có tính cơ sở này, có thể bác bỏ toàn bộ những giải thích lòng vòng, ngụy biện khác".

Tôi cho rằng không thể dễ dàng kết luận như vậy được. Có nhiều vấn đề đặt ra, trong đó nổi bật là:

6.1) Năm 1999 có phải là năm VN có tỷ giá thực cân bằng không hay chính tỷ giá thực tại năm đó cũng đang bị đánh giá cao (hoặc bị đánh giá thấp) ?
Khi nghiên cứu, chúng tôi cho rằng ở nước ta có hai thời điểm có thể coi là có tỷ giá tương đối cân bằng, đó là năm 1992 và năm 2001 khi đó nhiều chỉ tiêu kinh tế đi vào thế ổn định, tạo thành bản lề sau một giai đoạn tăng trưởng sốc và chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới, ổn định tiếp theo. 
Đặc biệt cán cân thương mại (xuất nhập khẩu hàng hóa và cả dịch vụ) tại các thời điểm đó tương đối cân bằng... Lưu ý  cán cân thương mại là một tiêu chuẩn rất quan trọng để xác định tỷ giá thực cân bằng đối với các nước đang phát triển vì khi có sự cân bằng giữa xuất và nhập thì cũng tương đương với có sự cân bằng về giá quốc tế (tính theo ngoại tệ nhân với tỷ giá) so với giá trong nước, tức là tại năm đó tỷ giá thực bằng 100%.
Lưu ý năm 1999 nền kinh tế nước ta có tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất kể từ năm 1989 tới nay (4,8%) và là năm nền kinh tế vẫn đầy khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn diện kinh tế, tài chính và tiền tệ châu Á (1997-1999); do đó không thể chọn làm năm có tỷ giá thực cân bằng được.

6.2) Mức độ nội tệ lên giá 2,63% hay 4,28% là cao hay thấp ?

Thực ra nếu chỉ căn cứ vào sự lên giá của tỷ giá thực 5% hay 10%, nhất là chỉ so với 1 loại ngoại tệ duy nhất là USD, để kết luận nó làm nền kinh tế rối loạn và cần điều chỉnh tỷ giá ngay thì chưa phải.

Theo tôi, nếu nội tệ lên giá 5-10% chỉ trong vòng 1-2 năm thì sẽ rất nguy hiểm đối với nền kinh tế. Chúng ta đều chứng kiến trong những năm lạm phát cao, dù NHNN đều phá giá tỷ giá danh nghĩa để hạn chế tốc độ lên giá của nội tệ so với ngoại tệ, song nội tệ vẫn lên giá mạnh so với ngoại tệ và làm cho hệ thống kinh tế trở lên rối loạn (như năm 2008 hay 2011 khi lạm phát lên tới 19,9% và 18,1%).

Tuy nhiên, nếu mức độ lên giá trên diễn ra đều đều trong thời gian dài, ví dụ ở đây là 6 năm, cùng lúc nền kinh tế vẫn tăng trưởng nhanh (7-7,5%/năm) thì ảnh hưởng của nó không đáng kể và chuyện nội tệ lên giá là bình thường, thậm chí mức độ lên giá đó vẫn là thấp. Đó là vì năng suất lao động của nền kinh tế tăng nhanh đã đủ bù đắp lại toàn bộ sự lên giá của nội tệ.

Thực tế đã diễn ra  ở các nước đều cho thấy, khi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn đáng kể so với Mỹ thì giá trị các đồng tiền các nước đó đều tăng so với đồng đô la, dẫn tới thu nhập đầu người của họ quy đổi sang đô la Mỹ tăng lên rất nhanh trong khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đó thấp hơn nhiều. Trước đây 400 yên Nhật mới đổi được 1 USD, còn khoảng gần hai thập kỷ nay, chỉ cần 100 yên là đổi được 1 USD; hoặc tương tự với Won Hàn Quốc hay đồng nhân dân tệ Trung Quốc. Nếu các bạn xem lại thu nhập đầu người tính theo USD của những nước này từ năm 1960 đến nay thì sẽ thấy rất rõ điều đó. Ví dụ có một số số liệu trong bài lưu này: xem ở đây.
Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý nền kinh tế nước ta có quan hệ với rất nhiều nền kinh tế khác nên vai trò của các đồng tiền khác như Euro, Nhân dân tệ, Yên Nhật (vốn ODA của Nhật rất nhiều) cũng rất quan trọng. Đồng tiền VN có thể lên giá so với USD, nhưng như chúng ta đều biết USD lại mất giá rất nhiều so với các đồng tiền khác, tức là các đồng tiền khác cũng lên giá khá mạnh so với USD. Do đó tính chung cho cả giỏ ngoại tệ chưa chắc VNĐ đã lên giá so với cả giỏ.

6.3) Nội tệ lên giá đều đều so với 6 năm trước có làm nổ ra cơn sốt đô la tại một thời điểm không ?

Câu trả lời là Có và Không.

Có khi cùng thời điểm đó có xảy ra một vài biến cố kinh tế, chính trị, xã hội đặc biệt nào đó làm dân chúng hốt hoảng; khi đó họ đột nhiên nhìn lại tình hình lên giá của nội tệ và nhớ ra nội tệ đang bị đánh giá cao. Cùng lúc, các nhà đầu tư, đầu cơ quốc tế lo sợ trước các biến cố kinh tế, chính trị, xã hội mới phát sinh, vội vàng di chuyển tài sản về nước. Khi kinh tế có biểu hiện rối loạn, báo chí, truyền hình lập tức nghĩ đến vai trò của tỷ giá và dùng nó để giải thích tình trạng khó khăn. Giới đầu cơ, nhóm lợi ích nắm được thông tin từ chính phủ nhân cơ hội cũng tìm cách đục nước béo cò... Thế là phát sinh khủng hoảng tỷ giá và các cơn  sốt đô la.

Không trong trường hợp nền kinh tế và xã hội vẫn hoạt động bình thường. Thực tế đồng nội tệ của ta liên tục bị đánh giá cao song trong nhiều năm, ví dụ giai đoạn 2000-2006 theo tính toán của TS Ngọc, hệ thống kinh tế và xã hội nước ta vẫn ổn định (hơi trì trệ) chứ có sao. Những cơn sốt USD thời điểm thường là do nhu cầu kinh tế đối ngoại đột nhiên tăng cao hoặc do một nhóm lợi ích đầu cơ như NHNN nhận định chứ hoàn toàn không phải do nội tệ lên giá.

Đặc biệt, đừng nên hy vọng có thể chọn 1 mốc tỷ giá thực cân bằng rồi tìm cách phá giá... để đưa tỷ giá thực những năm sau về đúng mức đó, tức là mất cân đối tỷ giá thực tiến tới 0 như TS Ngọc nhận định. Đặc trưng kinh tế - xã hội, năng suất lao động xã hội... mỗi năm một khác nên tỷ giá thực cân bằng tại thời điểm đó cũng khác đi. Do đó, đừng bao giờ máy móc chỉ thông qua tính toán đơn giản 1 tỷ giá thực cân bằng rồi từ đó khuyến nghị chính sách ngay.

6.4) Nếu theo tính toán đúng như tôi đã làm ở trên, giá trị thực của đồng tiền VN không những không bị đánh giá cao so với đồng đô la Mỹ mà ngược lại, VNĐ còn bị mất giá trị thực (tỷ giá thực) tới 2,43% so với đồng đô la Mỹ.

Đặc biệt, trong tính toán của mình, TS Ngọc xác định VN đồng đã mất giá danh nghĩa 9,6% trong giai đoạn 2001-2005 (vì lấy tỷ giá năm 2005 chia cho năm 2000) nên nếu tính thêm mức độ phá giá danh nghĩa VNĐ của năm 2000 so với năm 1999 là 3,4%, thì mức độ phá giá danh nghĩa VNĐ so với USD trong 6 năm 2000-2005 là 13,33% (109,6%*103,4%=113,33%), làm cho tỷ giá thực của VNĐ bị mất giá tới 5,91% so với đồng đô la Mỹ (113,33% * 114,23% /122,23%=105,91%).

Trong trường hợp này, rõ ràng không thể dùng chuyện đồng tiền VN lên giá để giải thích hiện tượng sốt đô la nhất thời của nền kinh tế, và càng không thể yêu cầu NHNN phải khẩn trương phá giá nội tệ để lập lại cân bằng tỷ giá thực nhằm ngăn chặn các cơn sốt đầu tư, hỗ trợ xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu như TS Ngọc đề xuất.

7. Kết luận.

Để kết luận, tôi lại xin nhắc lại mục đích của phản biện này là để giúp các bạn trẻ học thêm phương pháp nghiên cứu kinh tế sao cho các kết quả nghiên cứu của mình càng chính xác càng tốt; có như vậy các kết luận phân tích mới đảm bảo tính khoa học (tức là phản ánh đúng sự thật, đúng chân lý) và các chính sách đề xuất tiếp theo mới thực sự có ích cho nền kinh tế.

Các phân tích trong phản biện này đã minh chứng rất rõ điều đó: Cùng một nguồn thông tin ban đầu của TS Ngọc, nếu cách phân tích, sử dụng khác nhau thì có thể đi tới rất nhiều kết quả khác nhau, dẫn tới các chính sách khuyến nghị đưa ra cũng sẽ rất khác nhau; khác nhau không chỉ từ liều lượng áp dụng chính sách mà cả loại chính sách nên dùng.

Cụ thể với số liệu của mình, TS Ngọc dùng phương pháp xấp xỉ nên tính được tỷ giá thực tế của USD/VNĐ đã giảm đi 4,28% vào cuối năm 2005 so với 1999, từ đó khuyến nghị chính sách và dự báo...

Trong khi đó nếu dùng đúng công thức của nó, tôi tính ra tỷ giá thực của USD so với VND đã giảm đi 2,63% vào cuối năm 2005 so với cuối năm 1999. Sự khác nhau giữa mức 4,28% và 2,63% sẽ tạo ra các chính sách kinh tế khác hẳn nhau (phá giá hay không phá giá, phá giá đến mức độ nào...); giống như trường hợp tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP là 4,28% và 2,63% vậy.

Hơn nữa, nếu cũng sử dụng chính các số liệu gốc của TS Ngọc, nhưng tính toán cẩn thận hơn một chút như tôi đã làm trong bảng để xác định đúng mức độ tăng giá sau 6 năm ở VN và ở Mỹ (lần lượt là 22,23% và 14,23%) rồi mới đưa vào công thức tính tỷ giá thực, thì kết quả còn đáng ngạc nhiên hơn: đồng tiền VN không những không bị đánh giá cao so với đồng đô la Mỹ mà ngược lại, nó bị mất giá tới 2,43% so với đồng đô la Mỹ. Rõ ràng trong trường hợp này, hoàn toàn không thể nói đến chuyện phải phá giá tiền Việt.

Đặc biệt, nếu làm đúng nhất có thể với nguồn số liệu gốc và phương pháp của TS Ngoc, thì cần bổ sung mức độ phá giá danh nghĩa VNĐ của năm 2000 so với năm 1999 là 3,4%, khi đó VNĐ bị mất giá thực tới 5,91% so với đồng đô la Mỹ chứ không chỉ 2,43% như nêu trên.

Cuối cùng, cần phải nhắc lại là tất cả các kết quả trên đều chỉ là ước lượng nhanh tỷ giá thực. Thực tế không ai có thể tính đúng tỷ giá thực vì theo định nghĩa, đấy là một khái niệm rất trìu tượng, nhưng có thể tính được giá trị xấp xỉ của nó theo phương pháp 1 tôi nêu trong bài. Để làm chính sách, nhất thiết phải tính toán tỷ giá thực theo phương pháp này vì như thế kết quả mới đáng tin cậy. Xin nhắc lại, chính sách tỷ giá cực kỳ nhạy cảm đối với nền kinh tế và là chính sách thuộc loại khó nhất trong tất cả các chính sách của Chính phủ; do đó, trước khi có bất kỳ quyết định nào liên quan đến tỷ giá, đều phải có đầy đủ thông tin cần thiết và phân tích, mô phỏng, dự báo trước ảnh hưởng của nó một cách rất khoa học, cẩn thận.


(xin lỗi bạn đọc vì sắp xếp phông nền bài này lộn xộn; trong bản viết thì tốt nhưng khi đăng lên thì lộn xộn, để điều chỉnh lại như ý cần nhiều thời gian quá nên tôi không làm).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét