Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

10 năm lười biếng, 10 điều hối tiếc

10 năm lười biếng, 10 điều hối tiếc
Tận dụng ánh mặt trời, tận dụng làn gió mát trước khi hoa nở rộ. Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta có thể đi một chặng đường dài và thành công trong cuộc sống, nhưng nếu lười biếng, thụ động nằm ngửa cho nước chảy bèo trôi thì 10 năm sau, có hối hận thì mọi chuyện dường như đã quá muộn rồi. 
Dưới đây có lẽ là 10 điều bạn sẽ hối tiếc nhất được cóp nhặt từ trên mạng, và dĩ nhiên trên thế gian này không bao giờ có thuốc chữa bệnh hối tiếc.

1. Lười biếng, thụ động

Bây giờ…

- Người phụ nữ nói: “Em muốn đi học thiết kế! Anh cũng nên thay đổi công việc hiện tại đi”

- Người đàn ông trả lời: “Ai mà tin em có thể trở thành một nhà thiết kế? Anh thấy được như bây giờ là ổn rồi”

10 năm sau…

- Người đàn ông phải thốt lên rằng: “Không ngờ một nhà thiết kế lại có mức lương cao đến vậy!”

Cảm ngộ: Rất nhiều người rơi vào mối quan hệ tiêu cực như vậy là vì họ sợ sự cô đơn. Nhưng sau nhiều năm, chúng ta sẽ nhận ra rằng, thà ở một mình còn hơn sống với người luôn khiến bạn thất vọng, đau đớn và coi thường những nỗ lực của bạn.

2. Không có thời gian ở bên người thân

Bây giờ…

- Mẹ: “Con ơi, con có về nhà ăn tối không? Mẹ đang chuẩn bị nướng bánh”.

- Bạn: “Mẹ ơi, dạo này con bận lắm nên không có thời gian về”.

10 năm sau…

- Bạn: "Mẹ ơi, con xin lỗi, trước giờ con ít về nhà gặp mẹ".

Cảm ngộ: Chúng ta tích cực hoạt động trong cuộc đời và công việc hàng ngày. Nhưng chúng ta thường hiếm khi quan tâm đến những người thân yêu bên cạnh. 

Đáng tiếc là, chúng ta thường không nhận ra mất mát cho đến khi bi kịch ập đến: Con cái ra đi, chúng ta bắt đầu trở nên lẻ bóng, mối lương duyên với bạn đời không còn như xưa, người thân, bạn bè đột nhiên qua đời, mà giờ đây, cha mẹ chúng ta cũng đã ở tuổi gần đất xa trời. 

Sau khi cha mẹ qua đời, phần lớn chúng ta đều nhớ và hối tiếc vì đã không thường xuyên quan tâm đến cha mẹ.

Đối với con cái, nhiều người con thừa nhận cảm thấy hối tiếc vì đã không dành nhiều thời gian hơn cho cha mẹ khi cha mẹ còn trẻ và khỏe. Họ không nhận ra cha mẹ mình đang ngày một già đi. Để rồi khi cha mẹ qua đời, họ hối hận vì đã không gần gũi với cha mẹ mình hơn.

Ngược lại, nhiều bậc phụ huynh cũng hối tiếc vì đã không dành nhiều thời gian hơn cho các con. Họ đã bỏ lỡ cơ hội chứng kiến trọn vẹn từng giai đoạn trưởng thành của con cái. Nhiều người lao đầu vào công việc vì nghĩ rằng đó là mục tiêu và trách nhiệm để cải thiện cuộc sống mà không biết rằng, đối với một đứa trẻ, việc có cha mẹ ở bên quan trọng đến nhường nào.

3. Lãng phí thời gian vào những trò tiêu khiển vô bổ

Bây giờ…

- Bạn: “Tuyệt quá, cuối cùng mình cũng đã lên được cấp Đại Thần rồi!”

10 năm sau…

- Bạn của bạn: “Tôi đã tham gia cuộc thi marathon và tham gia các khóa học Photoshop cùng lúc. Sức khỏe của tôi rất tuyệt và tôi sắp bảo vệ luận án Tiến sĩ. Còn bạn gần đây như thế nào rồi?”

- Bạn: “à, à, tôi…”

Cảm ngộ: Xem TV, trò chuyện trực tuyến, chơi trò chơi điện tử… Tất cả đều tiêu tốn rất nhiều thời gian. Chỉ có dành thời gian cho những điều ý nghĩa hơn mới có thể thay đổi được chất lượng cuộc sống của chúng ta.

4. Lối sống không lành mạnh

Bây giờ…

Ăn uống tuỳ ý, chơi bời tuỳ thích, không chú ý rèn luyện sức khỏe, làm việc không có chừng mực.

10 năm sau…

- Bác sĩ: “Bị đau như thế nào?”

- Bạn: “Bị đau đầu, khó thở và giảm trí nhớ, thưa bác sĩ!”

Cảm ngộ: Khi còn trẻ thì suốt ngày chìm đắm trong đủ thứ cám dỗ, dục vọng, hình thành thói quen xấu, cuối cùng hủy hoại thân thể và sức khoẻ của chính mình. Dù bây giờ chúng ta đang sống rất khoẻ mạnh, nhưng nếu sống không có chừng mực thì trong tương lai, sớm muộn gì chúng ta cũng phải trả giá.

5. Không đi du lịch

Bây giờ…

- Bạn: “Đi Paris đắt quá…”

10 năm sau…

- Bạn: “Mình vẫn phải tiết kiệm để trả các khoản vay mua xe, nên không có tiền để đi du lịch Paris, tiếc quá không thể đi với các bạn được”.

Cảm ngộ: Mọi người thường háo hức tham gia một chuyến du lịch hoặc một chuyến đi xa, nhưng lại ngại vất vả của cuộc hành trình, lo mình đang phải gánh vác trách nhiệm nặng nề của gia đình, lo dành tiền mua xe, mua nhà..., hoặc công việc cản trở, nên nhiều người không bao giờ làm được điều đó. 

Hãy nhớ rằng, điều tuyệt vời trong một chuyến đi không nằm ở tiện nghi hay thoải mái mà là trải nghiệm. Và những thứ được gọi là “quan trọng” hoặc “trách nhiệm” không bao giờ có thể cho chúng ta những trải nghiệm đó. Vì vậy, hãy đóng gói hành lý của bạn và sẵn sàng lên đường.

6. Bận rộn với công việc

Bây giờ...

- Bạn: “Cậu có tham gia một chuyến leo núi với các bạn cùng lớp không?”

- Bạn của bạn: “Mình không rảnh, gần đây mình có một dự án lớn”

10 năm sau…

​​- Bạn: “Thôi đừng gọi cậu ấy nữa, đằng nào cậu ấy cũng không đến”.

Cảm ngộ: Khi một người không có gì khác để theo đuổi, họ thường nghiện công việc. Công việc là quan trọng, nhưng hãy nhớ dành thời gian để thư giãn; nhất là rèn luyện cơ thể.

Nhiều người trong chúng ta thường quá lo lắng về chuyện tiền bạc, về những chi tiêu cho cuộc sống, chúng ta lao đầu vào công việc mà chẳng để cho bản thân một ngày nghỉ ngơi. Để rồi khi nhìn lại, chúng ta hối tiếc vì đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong cuộc sống. Chúng ta bỏ lỡ những chuyến đi du lịch, những mối quan hệ, bỏ lỡ quãng thời gian tuổi trẻ đẹp đẽ nhất mà chúng ta không bao giờ lấy lại được.

7. Bằng lòng với hiện trạng và ngừng học hỏi

Bây giờ…

- Mẹ: “Học một vài ngoại ngữ, chúng sẽ có ích cho con trong tương lai”.

- Bạn: “Tại sao con phải học thêm ngoại ngữ khi con đang là một kỹ sư  giỏi ?”

10 năm sau…

- Ông chủ: “Tôi có một vị trí quản lý trong một công ty con ở nước ngoài. Anh nói tiếng Đức được không?”

- Bạn: (Biết thế thì đã nghe lời mẹ rồi)

Cảm ngộ: Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần bằng cấp là đủ. Vâng, có bằng cấp nghĩa là bạn đã rất giỏi rồi. Nhưng học hỏi liên tục sẽ không chỉ mang lại nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp, mà còn khiến chúng ta tự tin hơn và trở thành một người thú vị.

Rất nhiều người trong chúng ta từng phải nuối tiếc vì đã không học hành đến nơi đến chốn, hoặc không cố gắng theo đuổi chuyên ngành mình yêu thích, mà lại chạy theo những toan tính, bon chen, để rồi hối tiếc. Thực tế, những người dám theo đuổi ước mơ lại chính là những người thành công hơn cả.

8. Miễn cưỡng làm công việc không yêu thích

Bây giờ…

- Bạn: “Tôi quá mệt mỏi với việc làm tài xế này rồi!”

10 năm sau…

- Đồng nghiệp cũ: “Tôi cũng chán nghề lái xe taxi nên đã đi học nấu ăn, bây giờ tôi đang là một đầu bếp chính của nhà hàng”.

- Bạn: (...vẫn là một tài xế ngày ngày mệt mỏi)

Cảm ngộ: Chúng ta thường do dự và không dám nhảy ra khỏi vùng an toàn, vì vậy chúng ta vẫn làm những việc mà chúng ta cảm thấy nhàm chán. Nếu không chấp nhận rủi ro để thay đổi cuộc sống, chúng ta chỉ có thể tiếp tục vùi đầu vào công việc mà mình không hứng thú.


Giống như học vấn, đó là những hối tiếc về việc không dám theo đuổi mơ ước và đam mê, không dám liều mình để thay đổi, vì sợ rủi ro nên đã chọn con đường an toàn, và cuối cùng hối hận vì mọi thứ không như mình mong muốn.

9. Ước mơ nhưng không hành động



Bây giờ…

- Bạn: “Ước mơ của tôi là có một chiếc xe ô tô!”

10 năm sau…

- Bạn: “Ước mơ của tôi là có một chiếc xe ô tô!”. 

Cảm ngộ: Nếu chúng ta không hành động để biến ước mơ của mình thành hiện thực thì mọi thứ sẽ chỉ là viển vông. Nếu chúng ta chỉ muốn đợi cho đến khi mọi thứ sẵn sàng, chờ cơ hội đến để hành động, thì kết quả là chúng ta sẽ không có gì cả.

10. Sự cô đơn và Bản thân

Khi còn trẻ, chúng ta thường hay mắc căn bệnh tự mãn. Chúng ta nghĩ rằng mình biết tất cả mọi thứ và không cần sự giúp đỡ hay lời khuyên từ người thân, bạn bè. Cuối cùng, bạn hối tiếc khi nhận ra không có ai ở bên quan tâm và ủng hộ.

Chúng ta luôn ước rằng mình đã sống vì bản thân nhiều hơn thay vì cố gắng chạy theo những chuẩn mực mà người khác và xã hội đặt ra.

Chúng ta thường không trân trọng những gì mình đang có cho đến khi nó mất đi. Thời gian đã đi qua sẽ không bao giờ lấy lại được. Vì vậy, bạn đừng chần chừ nữa, hãy sống trọn vẹn từng phút giây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét