Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

Tìm chủ nhân tương lai của nền văn học Việt

Đọc bài dưới đây mình có mấy nhận xét. Một là không hiểu ai đã nói đến cụm từ "chủ nhân tương lai của văn học nước nhà", phải chăng là ông Chủ tịch Hội nhà văn Nguyễn Quang Thiều ? Nếu ông Thiều gọi những cây bút dưới 35 tuổi là chủ nhân tương lai của văn học nước nhà, thì chẳng khác nào ông tự nhận ông là chủ nhân của nền văn học hiện nay. Tôi cho rằng văn học là tự do sáng tác theo đủ thể loại và cảm xúc, các nhà văn không cần có ai làm chủ nhân của họ. Nền văn học của chúng ta từ ngày lập nước 1945 đến nay không ngóc đầu dậy được vì có quá nhiều chủ nhân và những ông chủ này luôn luôn áp đặt các nhà văn phải viết đúng theo ý họ. Vì không biết câu nói trên là sai nên tác giả bài báo này cũng dùng tít sai "Tìm chủ nhân tương lai của nền văn học Việt". Văn học Việt tự do làm gì có chủ nhân mà tìm. Hai là, bài báo đưa tin "tham dự hội nghị có ông Trần Thanh Lâm, Phó ban Tuyên giáo Trung ương; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng đông đảo lãnh đạo bộ, ban, ngành". Như vậy, tên của ông Phó ban Tuyên giáo Trung ương được xướng lên trước tên của ngài Phó thủ tướng; phải chăng tác giả ngầm cho chúng ta biết chủ nhân của nền văn học Việt chính là Ban Tuyên giáo Trung ương hay ông Lâm ? Trần Thanh Lâm nguyên là giáo viên Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nam, đã từng kinh qua các chức vụ Phó chánh Văn phòng T.Ư Đoàn kiêm Thư ký Bí thư thứ nhất T.Ư. Đoàn; sau nhờ làm thư ký cho lãnh đạo mà được đưa lên làm Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư. Đoàn; tháng 2.2017, Lâm được điều động, bổ nhiệm giữ chức phó vụ trưởng rồi vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản thuộc Ban Tuyên giáo T.Ư... Đọc tiểu sử là hiểu ông Lâm rồi. Ba là, số người viết  văn trẻ rất đông đảo, nhưng số nhà văn dưới 40 tuổi chỉ chiếm 4% hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tỷ lệ này đã duy trì nhiều năm nay. Đây đúng là thông tin buồn; 4% thì coi như bằng 0. Vì lẽ gì mà các nhà văn già không chấp nhận kết nạp các nhà văn dưới 40 tuổi vào Hội ? Chẳng lẽ Hội nhà văn là một nhóm đặc quyền đặc lợi như ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội 3-4 khóa, từng reo lên: Nhà nước vẫn nuôi chúng ta. Hay chẳng lẽ các ông sợ đám trẻ có cái danh "Hội viên Hội nhà văn" và khi đó các ông cũng như chính quyền không kiểm soát được ngòi bút của họ ?
Tìm chủ nhân tương lai của nền văn học Việt
Đỗ Thu - 18/6/2022 "Tương lai của nền văn học Việt Nam phụ thuộc vào sự dấn thân của các nhà văn trẻ trên con đường sáng tạo của mình”, ông Nguyễn Quang Thiều nói tại khai mạc hội nghị nhà văn trẻ. Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X khai mạc sáng 18/6 tại Đà Nẵng. Hội nghị do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, có sự tham gia của 138 đại biểu từ mọi vùng miền Tổ quốc. Đây là những cây bút dưới 35 tuổi, chủ nhân tương lai của văn học nước nhà.

Ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tại hội nghị sáng 18/6 tại Đà Nẵng. Ảnh: T.Đ.

Thông điệp về cái đẹp và lẽ phải

Tham dự hội nghị có ông Trần Thanh Lâm, Phó ban Tuyên giáo Trung ương; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng đông đảo lãnh đạo bộ, ban, ngành.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư động viên và quà tặng tới hai đại biểu đặc biệt. Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi quà tặng các đại biểu tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói về vai trò và sứ mệnh của nhà văn trẻ: “Con đường sáng tạo của các nhà văn trẻ nằm dưới chân họ. Trái tim họ, trí tuệ họ sẽ quyết định những bước đi của họ. Và tương lai của nền văn học Việt Nam phụ thuộc vào sự dấn thân của các nhà văn trẻ trên con đường sáng tạo của mình”.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?” được chọn làm chủ đề của hội nghị. Câu hỏi tưởng thông thường ấy phải được vang lên trong mỗi nhà văn khi họ cầm bút ở bất cứ không gian nào và với bất cứ điều kiện nào. “Nếu chúng ta rời bỏ câu hỏi ấy nghĩa là chúng ta rời bỏ sứ mệnh của nhà văn, rời bỏ bản chất của văn học trong toàn bộ lịch sử phát triển nhân văn của nó”.

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn, các nhà văn trẻ hôm nay được tiếp xúc với những nền văn học và văn hóa phong phú khác biệt hơn các thế hệ nhà văn đi trước, có nhiều điều kiện công bố tác phẩm. Nhưng ở thời đại nào, điều mang tính sống còn của mọi nhà văn và mọi nền văn học đều là lương tri.

“Nếu mỗi trang viết của nhà văn không chứa đựng lương tri của con người và của dân tộc mình thì những gì họ viết ra lại trở thành sự phản bội chính nghệ thuật mà họ theo đuổi. Lương tri của nhà văn chính là làm ra vẻ đẹp của ngôn từ, làm ra tư tưởng sâu sắc của đời sống và phải luôn luôn quả cảm đấu tranh cho lẽ phải”, ông Thiều nói.

Đặt niềm tin ở thế hệ trẻ, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều mong muốn thế hệ tác giả mới xác định con đường của nhà văn, gửi thông điệp về cái đẹp và lẽ phải.


Hội nghị là dịp lắng nghe tiếng nói của những cây bút trẻ từ mọi miền đất nước. Ảnh: T.T.

Nhận diện thế hệ viết trẻ

Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ X là dịp để nhận diện lực lượng sáng tác văn chương hiện nay. Nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết quá trình chuẩn bị cho hội nghị, Hội Nhà văn đã điểm danh đội ngũ viết trẻ tuổi từ 35 trở xuống. Trong đó, tác giả độ tuổi 20-30 chiếm đa số, là những người đang viết đều, viết khỏe. Họ đang làm những công việc khác nhau nhưng đều có đóng góp vào bức tranh văn chương đương thời.

Nhà văn Vũ Đức Anh, 28 tuổi, đã có 4 tiểu thuyết; Huỳnh Lê Triều Phú, 25 tuổi, xuất bản 9 đầu sách gồm thơ, truyện ngắn, tùy bút, khảo cứu; Phạm Minh Quân, 28 tuổi, có 5 đầu sách dịch; Nguyễn Bình, 20 tuổi, sinh viên đang học Thiên văn học ở Mỹ đã dịch kiệt tác Truyện Kiều sang tiếng Anh và được những nhà văn, dịch giả tên tuổi của Mỹ đánh giá cao; Trang Nguyễn, 21 tuổi, viết tác phẩm Chang hoang dã - Gấu được Nhà xuất bản Pan Macmillan của Anh mua bản quyền toàn cầu và sau đó bán bản quyền cuốn sách này sang Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ…

Trong Hội Nhà văn Việt Nam cũng có những cây bút dưới 35 tuổi đạt được thành tựu quan trọng: Đinh Phương với 6 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, đoạt giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2021, giải nhì cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ quân đội; Lý Hữu Lương, 4 tập sách gồm thơ, trường ca, bút ký, đoạt Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2021; Văn Thành Lê, 13 đầu sách gồm tập truyện ngắn, tản văn, thơ, chân dung văn học; Lữ Thị Mai 33 tuổi, 10 đầu sách bao gồm thơ, trường ca, truyện ngắn, tản văn…

Tuy người viết đông đảo, tỷ lệ hội viên trẻ trong Hội Nhà văn Việt Nam chưa cao. Số nhà văn dưới 40 tuổi chỉ chiếm 4% hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tỷ lệ này đã duy trì nhiều năm nay.

Tìm kiếm tiếng nói mới, cây bút trẻ, bồi dưỡng và khuyến khích lớp trẻ là nhiệm vụ mà Hội Nhà văn Việt Nam đang thực thi. Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X là một trong những hoạt động mà Hội Nhà văn đồng hành với những chủ nhân tương lai của nền văn học nước nhà.

https://zingnews.vn/tim-chu-nhan-tuong-lai-cua-nen-van-hoc-viet-post1327440.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét