Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

"Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên"

Theo sách thì "Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên" nghĩa là sống chết có số, giàu sang do trời. Sách còn giải thích chữ thiên ở đây có nghĩa là thiên lý, công đạo, chính nghĩa, hoàn toàn không có nghĩa là "ông trời'' trong quan niệm trời ban vận may, phước lộc. Còn Sinh tử hữu mệnh có nghĩa là do cách sống của chúng ta mà chúng ta sẽ tự quyết định vận mệnh của chính mình, do cách sống mà quyết định tới sinh tử của mình. Tôi thì không nghĩ thế. Từ khi bắt đầu đi làm, tức là khoảng 23 tuổi, tôi đã tin vào câu "Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên". Hồi đó tôi hay nói chuyện với anh em cùng cơ quan là con người chúng ta đều có số cả và phú quý tại thiên. Đó là do tôi quan sát thấy rất nhiều việc mình cố gắng mãi không thành, nhưng có nhiều việc chẳng cố gắng nhiều nhặn gì cũng thành. Đành rằng muốn thành cái gì chúng ta đều phải bỏ công sức ra làm, nhưng nếu trời không cho thì cũng đành chịu, có cố bao nhiêu cũng không thể được. Năm 18 tuổi, tôi theo học một lớp vẽ, thấy mình có cố cũng không thể vẽ tử tế được. Năm 20 tuổi, tôi lại theo học một lớp nhạc, cũng lại thất bại. Từ đó tôi rút ra kết luận: "Không phải việc gì người khác làm được thì mình cũng làm được; do đó nếu thấy khả năng mình không làm được thì kiên quyết không làm để khỏi mất thời gian". Sau này có người mời tôi là lãnh đạo một ngân hàng, tiền lương trăm triệu mỗi tháng. Tôi bảo người khác làm thì thuận thiên, vẻ vang, phú quý. Tôi làm thì ngịch thiên, không sớm thì muộn sẽ tra tay vào còng. Thế nên tôi không thể làm được. Nhiều lúc tôi cứ ngạc nhiên là tôi không có năng khiếu ngoại ngữ, chỉ đọc hiểu được chứ nghe và nói rất kém. Vậy mà tôi được đi không dưới 30 nước, thời gian sống ở nước ngoài cũng tới 17 năm. Cái này không phải là do số phận thì là gì ? Riêng về bạn bè, tôi không muốn kết giao nhiều vì sợ mất thời gian. Đối với bạn bè ở nước ngoài, về nước là tôi quên họ luôn dù họ có thư từ thì tôi cũng không trả lời, vì tôi luôn quan niệm sẽ chẳng bao giờ được trở lại nước đó, thì giữ quan hệ chỉ tốn công vô ích. Do vị trí công tác, rất nhiều người biết tôi, và tôi cũng biết họ, nhưng chỉ qua công việc, hết việc là tôi cũng quên họ luôn. Nhiều khi gặp lại, họ chào hỏi tôi rất nhiệt tình, nói chuyện rất vui vẻ..., trong khi tôi không thể nhớ ra họ là ai; rất xấu hổ.
"Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên"
1) "Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên"
Hầu như ai cũng biết câu “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên”, nhưng câu sau đó và toàn bộ câu chuyện này thì có thể không phải ai cũng biết. 
“Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên” - câu này xuất phát từ “Luận ngữ - Nhan Uyên”, từ cuộc đối thoại giữa hai học trò của Khổng Tử là Tư Mã Canh (tự Tử Ngưu) và Tử Hạ.

Tư Mã Canh xuất thân trong giới quý tộc nước Tống, và ba người anh trai của ông, đứng đầu là Tư Mã Hoàn, làm loạn ở nước Tống, Tư Mã Canh kiên quyết phản đối điều này. Sau khi các anh trai thất bại, bị giết hoặc bỏ trốn, Tư Mã Canh thà đơn thân một mình còn hơn nhập cùng đồng bọn với anh trai, nhưng bản thân Tư Mã Canh cũng cảm thấy rất cô đơn.

Một ngày nọ, Tư Mã Canh nhìn thấy các bạn cùng lớp khác nói chuyện vui vẻ với nhau, nghĩ tới hoàn cảnh của chính mình, cảm thấy cô đơn lạ thường, không cầm được đã nói với Tử Hạ: “Nhân giai hữu huynh đệ, ngã độc vô”. Ông nói ý là ai cũng có anh em, chỉ mình ông là không có.

Tử Hạ là một môn sinh đắc ý mà Khổng Tử đã thu nhận vào những năm cuối đời, lúc này Tử Hạ đã khuyên bảo Tư Mã Canh: “Thương văn chi hĩ: 'Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên’. Quân tử kính nhi vô thất, dữ nhân cung nhi hữu lễ, tứ hải chi nội giai huynh đệ dã? Quân tử hà hoạn hồ vô huynh đệ dã”

Ý nghĩa là: Tôi nghe nói: “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên”. Ngày thường, quân tử hành xử thận trọng, không phạm sai lầm; đối xử với người khác một cách cung kính và có lễ nghi, và mọi người khắp nơi đều là anh em! Tại sao bậc quân tử phải lo lắng mình không có anh em?

“Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên” là câu nói mà hầu như ai cũng biết, và câu “người trong bốn bể đều là anh em” cũng rất quen thuộc, nhưng có thể nhiều người chưa biết toàn đối thoại và toàn bộ câu chuyện này.

Trên thực tế, toàn bộ đoạn văn này được nói rất hay, và phía sau đó có ẩn chứa đạo lý sâu xa.

Có người cho rằng “sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên” là quan niệm về số mệnh tương đối tiêu cực, không tích cực như những cách nói hùng hồn thời hiện đại như “mệnh của tôi là ở tại tôi không tại trời” và “nhân định thắng thiên”, nó phản ánh dũng khí chống lại số phận.

Nhưng thực ra không phải vậy, lời nói hùng hồn là điều không đáng tin cậy, chí ít thì con người cũng không thể chi phối được sinh lão bệnh tử của bản thân, cho nên quan điểm thiên mệnh “sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên” rất cụ thể và trí tuệ, chắc chắn không phải là tiêu cực. Con người ta vẫn có thể hăng hái tiến lên để giành lấy điều mình muốn, nhưng đúng là con người không phải muốn đạt được điều gì thì cũng có thể đạt được. Lúc này, phải lạc quan mà chấp nhận. Suy cho cùng, con người ta, ngoài việc không thể làm chủ được sinh lão bệnh tử của mình, mà những điều như phú quý cũng không phải là dựa vào nỗ lực là nhất định có thể đạt được. Hơn nữa, dù có đạt được rồi, cũng không có nghĩa là bạn sẽ không gặp rắc rối, vì vậy quan điểm về Thiên mệnh trong văn hóa truyền thống là vô cùng trí huệ khôn ngoan.

Tử Hạ dùng câu này mở đầu để an ủi Tử Ngưu rất hay và hợp lý! Hãy nói về vế sau.

2) "Người trong bốn bể đều là anh em". 

Mặc dù có rất nhiều tình huống trong cuộc sống mà chúng ta không thể quyết định, nhưng một số trong số đó chúng ta có thể quyết định được, ví như thái độ sống như thế nào, có thể hành động thận trọng, không phạm sai lầm; cách đối đãi với mọi người tôn trọng, có lễ nghĩa, những việc như vậy ta chỉ cần nỗ lực là có thể làm được, và một người như thế ai cũng yêu thích, cảm thấy đáng tin cậy đáng tin cậy. Vậy thì mọi người khắp nơi bốn bề đều có thể là anh em! Bậc quân tử hà tất phải lo lắng rằng mình không có anh em?

Lời khuyên của Tử Hạ cũng rất thực tế và khôn ngoan, mọi người cũng sẽ nói: “Tôi nghèo đến nỗi chỉ còn tiền”, câu này thực ra thông thường để hình dung về một người rất giàu, nhưng đã mất đi sự quan tâm và tin tưởng của những người thân và bạn bè. Một số điều rất quý giá khác trong cuộc sống, thực tế mọi người sẽ cảm thấy rất nghèo. Với thái độ sống và kết giao như Tử Hạ nói thì sẽ có kết quả là năm châu bốn biển đều là anh em, mới là giàu có và hạnh phúc. Qua đó cũng có thể thấy rằng, các nhà Nho thời bấy giờ coi việc quan hệ giữa con người với nhau tốt đẹp như bốn bể đều là anh em, chính là thành công trong cuộc sống, điều này cũng rất ý nghĩa và rất có đạo lý.

Vì vậy, lời nói của Tử Hạ không chỉ có thể an ủi Tử Ngưu, mà còn có thể an ủi mỗi người khi có mất mát, thì hãy bắt đầu từ từng việc nhỏ xung quanh mình, tự tin lấy lại cuộc sống hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét