Hé lộ lý do người Việt tăng mua vàng, "vô địch" ASEAN vì "ôm vàng"
An Linh 06/05/2022 3 tháng đầu năm 2022, người dân 4 nước ASEAN gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia chỉ mua 9 tấn vàng. Nhưng cùng thời điểm, người Việt đã mua 19,6 tấn vàng (số liệu của Hội đồng vàng Thế giới - WGC).Người Việt xếp hàng mua vàng. Ảnh: CTV
Đây là con số không ngạc nhiên khi vàng trở thành "của để dành", kênh đầu tư và là nơi trú ẩn lâu nay của người Việt. Tuy nhiên, "ôm vàng" nhiều không tốt cho nền kinh tế trong bối cảnh giá vàng tại Việt Nam cao hơn giá vàng thế giới hơn chục triệu đồng/lượng.
Theo WGC, trong quý I/2022 trong ASEAN, người Thái Lan chỉ mua hơn 2 tấn vàng, giảm 74%, người Indonesia cũng chỉ mua 5 tấn vàng, giảm 10% so với cùng kỳ, trong khi đó người Malaysia cũng chỉ mua chưa đầy 2 tấn vàng.
Người Việt mua vàng nhiều nhất khối ASEAN
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, tiêu thụ vàng của Việt Nam chủ yếu là vàng SJC, dù chênh lệch giá giữa vàng trong nước với giá vàng quốc tế rất cao, trung bình từ 10 triệu đồng/lượng, cao nhất có thời điểm lên đến 18 triệu đồng/lượng nhưng thị trường trong nước vẫn có nhu cầu lớn đối với vàng.
Theo WGC, trong quý I/2022 trong ASEAN, người Thái Lan chỉ mua hơn 2 tấn vàng, giảm 74%, người Indonesia cũng chỉ mua 5 tấn vàng, giảm 10% so với cùng kỳ, trong khi đó người Malaysia cũng chỉ mua chưa đầy 2 tấn vàng.
Người Việt mua vàng nhiều nhất khối ASEAN
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, tiêu thụ vàng của Việt Nam chủ yếu là vàng SJC, dù chênh lệch giá giữa vàng trong nước với giá vàng quốc tế rất cao, trung bình từ 10 triệu đồng/lượng, cao nhất có thời điểm lên đến 18 triệu đồng/lượng nhưng thị trường trong nước vẫn có nhu cầu lớn đối với vàng.
"Lạm phát tâm lý ở ngưỡng kỳ vọng cao, lãi suất ngân hàng thấp, trong khi thị trường chứng khoán khó lường, giá bất động sản cao, sản xuất kinh doanh mới hồi phục sau đại dịch… Rõ ràng bức tranh kinh tế này khó thuyết phục người dân không bỏ tiền vào vàng", ông Hùng nhấn mạnh.
Theo đại diện của Hiệp hội kinh doanh vàng: Tập quán tích trữ vàng của người Việt có truyền thống xa xưa, ngoài là của để dành của mỗi gia đình, vàng còn là kênh trú ẩn, chỗ đầu tư, sinh lời tốt cho nhiều người.
Việc trú ẩn vào vàng thay vì bỏ vốn làm ăn cũng xuất phát từ đặc tính tiết kiệm, giữ của thay vì mạo hiểm kinh doanh hoặc tính toán sinh lời như người dân nhiều nước khác.
Ông Hùng cho rằng, so với các nước Đông Nam Á, người dân Việt Nam tích trữ vàng nhiều nhất, lâu nhất và khó thay đổi được. Chính vì vậy, trong giai đoạn đất nước trải qua dịch Covid-19 không lạ khi một số người ồ ạt đổ tiền mua vàng.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, người mua vàng Việt Nam hiện cũng gặp phải rủi ro rất lớn từ các nhà phát hành vàng khi biên độ giao dịch giá vàng mua vào, bán ra có thời điểm chênh từ 2-3 triệu đồng/lượng, nhất là dịp ngày lễ tết, vía Thần tài hoặc mùa cưới hỏi.
"Người Việt ôm vàng có thể chịu cú sốc giá lớn nếu giá vàng trong nước chịu tác động điều chỉnh của những nhà đầu tư vàng lớn hoặc doanh nghiệp vàng chốt lời. Có thời điểm người có tiền mua vàng nhưng cả năm giá vàng không lên (năm 2018), trong khi đó các kênh đầu tư khác vẫn sinh lời. Nếu người mua vàng, ôm vàng lướt sóng chắc chắn không có lợi bằng các kênh đầu tư khác".
Thực tế, việc bỏ tiền mặt để mua vàng cất trữ, ôm vàng nhiều không có lợi cho nền kinh tế khi lượng tiền trú ẩn, không được chi tiêu hoặc tái đầu tư. Theo ông Nguyễn Thế Hùng, trước đây Hiệp hội Kinh doanh vàng cùng các chuyên gia cũng nghiên cứu, đề xuất phát hành trái phiếu, chứng chỉ vàng, vay vàng trong dân để tái đầu tư nhưng không thành công như mong đợi.
"Nói chung người dân chưa tin và chúng ta chưa thực hiện được việc huy động vàng nếu các tổ chức phát hành trái phiếu, chứng chỉ vàng không đảm bảo được mặt bằng giá và lãi suất cho họ. Ngân hàng hoặc Chính phủ đứng ra phát hành chứng chỉ vàng thì phải có chủ trương, phải có lãi suất. Chưa kể giá vàng trong nước thường cao hơn so với giá thế giới, bị doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn tác động nhiều vào giá thành và nguồn cung thị trường nên cả nhà phát hành trái phiếu, chứng chỉ vàng cũng rủi ro", Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nói.
Ông Hùng cho biết, vàng miếng lên giá, các cảnh báo của cơ quan chức năng hiện nay chỉ là "không khuyến khích", "cảnh báo"… Ngoài ra, không có chế tài gì để ngăn chặn việc người dân ồ ạt mua vàng. Thậm chí nhiều thời điểm thị trường sôi động do tâm lý đám đông, đổ xô mua vàng, khiến rủi ro cực lớn cho chính bản thân họ.
Thực tế, trong các năm 2018-2019, giá vàng ít biến động, tính chu kỳ dài hạn 1 năm, giá vàng chủ yếu đứng giá, trong khi đó các loại tài sản khác như bất động sản, chứng khoán nở rộ. Điều này khiến nhiều người mua vàng chịu thiệt hại nếu đầu tư vào vàng.
Trong thời điểm hiện nay, do lạm phát kỳ vọng cao, những cảnh báo về cung tiền kích thích tăng trưởng, đẩy rủi ro cho người có tiền, trong khi đó thị trường chứng khoán thiếu ổn định, bất động sản tăng giá hàng loạt đã đẩy những người có ý định mua vàng ngày càng quyết tâm tích trữ vàng nhiều hơn.
Thời điểm hiện nay, để mở cửa hàng kinh doanh, khôi phục hoạt động buôn bán hay khởi nghiệp khá rủi ro cho nhiều người, chính vì vậy, luồng tiền vào vàng tăng đột biến là điều khó tránh.
Giải pháp thời gian tới theo ông Hùng cần tăng lãi suất huy động của ngân hàng như giải pháp tốt nhất cho thị trường; ổn định thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán để dẫn dắt vốn vào hoạt động sản xuất, đầu tư. Bên cạnh đó, giải pháp giảm nhiệt nhu cầu vàng trong dân cũng cần được tính toán tổng hoà để đảm bảo cân bằng.
"Không nền kinh tế nào phát triển được nếu tài sản đổ vào kênh trú ẩn quá lớn, kỳ vọng cao khiến bong bóng tài sản này có thể vỡ bất cứ lúc nào. Ngoài ra, việc luồng tiền trú ẩn vào kênh vàng chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng, nếu điều kiện kinh tế ổn định, kênh đầu tư vàng sẽ mất tính hấp dẫn so với tiền gửi ngân hàng và chứng khoán", ông Hùng nhấn mạnh.
Hàng triệu tỷ đồng cất dưới gối: Lấy vàng trong dân chưa bao giờ dễ!
Về huy động vàng trong dân để tái đầu tư, dẫn vốn, ông Hùng cho rằng đã có nhiều giải pháp được tính đến, nhưng khi triển khai gặp rất nhiều khó khăn do tập quán của người dân. Làm thế nào để người dân tin tưởng pháp luật? Phải giữ tiền đồng tiền ổn định, tăng lãi suất huy động và lành mạnh hoá các thị trường vốn mới có thể giảm nhiệt thị trường vàng.
Theo ông Hùng, người dân có tiền mua vàng để tích trữ, làm của để dành hiện khá nhiều, mỗi người mua vài ba chỉ hay vài ba lượng vàng đã khiến lượng vàng trong dân chiếm tỷ trọng rất lớn. Vậy, phải tính toán có cách kéo vàng trong tay người dân ra để đầu tư sinh lời tốt hơn.
Theo ông Hùng, khác với tiền mặt, vàng có biến động giá theo từng thời điểm. Nếu muốn phát hành chứng chỉ vàng thành công, phải làm thoả mãn nhu cầu của người có vàng là khi chuyển đổi thành chứng chỉ, trái phiếu, giá vàng vẫn sát thị trường, có lãi suất và có thanh khoản bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, việc vay vàng để đi đầu tư là giải pháp khá rủi ro, các tổ chức tín dụng đều mong muốn quy giá vàng ở thời điểm bán để xác định lãi suất cố định, nhằm bảo đảm tín dụng của mình. Các kênh tín dụng khó quản lý được giá vàng, nguồn cung và không tác động được vào thị trường nên rủi ro lớn nếu bảo đảm mức giá vàng trên chứng chỉ vàng theo giá thị trường. Thực tế, đây là bài toán chưa bao giờ dễ dàng và khó tìm giải pháp cân bằng lợi ích các bên.
Giải pháp duy nhất hiện nay vẫn phải tăng lãi suất huy động, lành mạnh hoá thị trường vốn để hạn chế đầu cơ tích trữ tài sản, ngăn chặn nguy cơ vỡ bong bóng tài sản, gây tổn hại cho nền kinh tế.
Hết quý I/2022, theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) Việt Nam tiêu thụ gần 19,6 tấn vàng, bằng 1/2 lượng vàng tiêu thụ của cả năm trước. Năm 2021, cũng theo WGC, người Việt cũng tiêu thụ hơn 43 tấn vàng, tăng nhẹ 8% so với năm trước. Nhu cầu mua vàng của người Việt trong năm 2022 được dự báo có thể tăng thêm do biến động giá và kỳ vọng của người dân vào vàng rất lớn, trong khi đó nhiều chỉ số kinh tế được cho là rủi ro cho người có tiền mặt.
Năm 2019, theo khảo sát của WGC đối với hơn 2.000 nhà đầu tư bán lẻ vàng tại Việt Nam, kết quả cho thấy vàng là sản phẩm đầu tư hàng đầu của người Việt Nam, chiếm 68% nhà đầu tư, nhiều hơn bất kỳ sản phẩm đầu tư nào khác.
Ông Andrew Naylor - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của WGC cho rằng: Người Việt sở hữu vàng cao hơn người dân các nước khác vì có xu hướng dự trữ dài hạn, trong khi người tiêu dùng Thái Lan xu hướng ngắn hạn hơn. "Việt Nam đóng vai trò quan trọng trên thị trường vàng toàn cầu. Đây là thị trường vàng lớn nhất Đông Nam Á và nằm trong 10 thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới", đại diện của WGC nêu.
https://danviet.vn/he-lo-ly-do-nguoi-viet-tang-mua-vang-vo-dich-asean-vi-om-vang-20220506085938775.htm
https://danviet.vn/he-lo-ly-do-nguoi-viet-tang-mua-vang-vo-dich-asean-vi-om-vang-20220506085938775.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét