Nên cho chợ cóc và chợ vỉa hè tồn tại ở những nơi thích hợp ?
Sáng nay 14/6 mình đi bộ tập thể dục, nhân tiện ghé trụ sở UBND phường Xuân Tảo ủng hộ ít tiền cho Quỹ phòng chống Covid-19. Lúc quay ra, lại thấy cảnh thường xuyên phải chứng kiến là xe ô tô công an đi dẹp các chợ cóc. Từ ngày đại dịch nổ ra, người dân bán hàng dọc các phố cạnh cổng các chợ Xuân La, Xuân Đỉnh và Xuân Tảo đều bị giải tỏa. Các hè phố khác cũng liên tục bị xe công an thường xuyên đi tuần xua đuổi, thậm chí tịch thu hàng hóa... Mất chỗ bán hàng, lại không vào trong chợ bán được vì trong đó hết chỗ trống, bà con bán hàng đang vô cùng khốn khổ. Bị đẩy vào cùng đường, bà con đành đổ xô vào các ngõ ngách hay tìm kiếm các ô đất trống đâu đó trong các khu dân cư để bày hàng bán. Tuy nhiên nào có thể yên; công an rồi cũng phát hiện ra vì công an phải đi tuần tất cả các phố ngõ hàng ngày. Thế là họ lại bị xua đuổi. Kết quả là công an cứ dẹp được chỗ này, người bán lại nhảy như cóc sang chỗ khác. Cuộc chiến hàng rong - công an trước đây đã khốc liệt, trong mùa Covid này càng khốc liệt hơn.
Sáng nay là một trong các cuộc chiến khốc liệt nhất mà mình được chứng kiến. Xe công an chắn trước xe đạp của một người hàng hoa cảnh và kiên quyết xua đuổi. Người bán hoa là một phụ nữ đã già, không mang khẩu trang (có lẽ nói nhiều, nói to làm khẩu trang rơi mất rồi) và đặc biệt là kiên quyết không đi. Không những thế bà còn chỉ thẳng vào mặt chiến sĩ công an vừa giải thích tại sao không thể đi và vừa chửi mắng xa xả, mặc dù có nhiều người đứng xung quanh can ngăn bảo bà thôi.
Lúc mình đi ngang qua, nghe thấy bà nói "chúng tôi đều ngoài 70, 80 tuổi rồi, không ai nuôi, tiền bạc không có, phải tự mình buôn bán kiếm sống, cực khổ khó khăn không kể xiết. Các anh bảo chúng tôi vào chợ, nhưng chợ làm gì còn chỗ cho chúng tôi vào. Nếu các anh bố trí được chỗ cho chúng tôi bán, chúng tôi đồng ý đi ngay. Công an thì nhắc đi nhắc lại là việc đó không phải là trách nhiệm của công an; còn mời các bà bán rong đi chỗ khác thì công an buộc phải làm...
Không biết cuối cùng việc này được kết thúc theo cách nào vì mình không có thói quen la cà, thấy đám đông là tránh xa, nên mình bỏ đi luôn, không chứng kiến đoạn hậu.
Chợ cóc luôn luôn là nơi rất bẩn, nhiều loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, nhưng lại được số đông người Việt ưa thích vì tiện lợi, giá rẻ nên đã và đang tồn tại hàng chục năm nay, ở khắp cả nước chứ không chỉ ở thủ đô. Đến này cũng chưa ai và chưa có biện pháp nào có thể dẹp sạch được. Dẹp chỗ này, người bán lại nhảy sang chỗ khác...
Theo mình, việc cấm ngay lập tức toàn bộ chợ cóc hay buôn bán trên vỉa hè dù là trong mùa Covid là việc chưa nên làm ở Việt Nam, và thực tế có làm cũng không khả thi.
Hiện nay các đô thị lớn đều có mật độ xe máy dày đặc, đa phần không có chỗ đậu xe thuận tiện và hợp lý, giá gửi xe máy khá cao, thường là 5-7-10, thậm chí 15 nghìn đồng một lượt tùy ban ngày hay sau 18h. Trong khi đó thu nhập của người dân rất thấp và thời gian cũng rất eo hẹp vì mỗi ngày họ đều có bao nhiêu việc phải làm. Thế nên họ rất thích chợ cóc.
Ngay cả các chợ được xây mới sạch sẽ và gần nhà cũng không kéo được họ bằng chợ cóc do tâm lý mua có vài lạng thịt hay một bó rau mà vừa phải gửi xe tốn 5-7 nghìn, vừa tốn tiền mất thời gian. Đối với người buôn bán nhỏ, rõ ràng nhà mặt phố hay vỉa hè, chợ cóc vẫn là nơi kinh doanh hiệu quả nhất, hơn hẳn vào chợ hay thuê quầy bán trong các trung tâm thương mại chuyên nghiệp. Tâm lý và thực tế này còn, thì còn có cung và cầu, và do đó còn có chợ cóc.
Tuy nhiên, những lý do trên chưa phải là quan trọng nhất. Quan trọng nhất là chợ có tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập đảm bảo cuộc sống hàng ngày của rất nhiều người lao động nghèo hoặc có việc làm bấp bênh. Nếu nhà nước tạo ra được đủ công ăn việc làm cho người nghèo và có trợ cấp xã hội giúp người thất nghiệp sống được như ở các nước khác, kể cả ở một số nước Đông Nam Á quanh ta, thì việc giải tỏa các chợ cóc và chợ vỉa hè là hợp lý, được người dân đồng tình.
Tuy nhiên, những lý do trên chưa phải là quan trọng nhất. Quan trọng nhất là chợ có tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập đảm bảo cuộc sống hàng ngày của rất nhiều người lao động nghèo hoặc có việc làm bấp bênh. Nếu nhà nước tạo ra được đủ công ăn việc làm cho người nghèo và có trợ cấp xã hội giúp người thất nghiệp sống được như ở các nước khác, kể cả ở một số nước Đông Nam Á quanh ta, thì việc giải tỏa các chợ cóc và chợ vỉa hè là hợp lý, được người dân đồng tình.
Nhưng nếu nhà nước không làm được các điều trên, thì khi đói, người dân sẽ buộc phải vi phạm các quy định của nhà nước, tiếp tục mưu sinh trong các chợ cóc và chợ vỉa hè. Và đây chính là thực tế đang diễn ra. Bản thân tôi đã từng có những năm tháng đói ăn nên tôi hiểu khi đó thì người ta nghĩ gì. Họ chỉ nghĩ đến kiếm được bất cứ cái gì ăn được để bỏ vào mồm, kể cả cướp họ cũng phải làm. Với thực tế này thì 7 phần lỗi thuộc về nhà nước, chỉ 3 phần lỗi thuộc về người vi phạm. Do đó tôi rất thông cảm và thương những người vi phạm bị xử lý.
Trong giai đoạn hiện nay, nhà nước đang áp dụng nhiều biện pháp chống lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, nhưng điều đó không có nghĩa là phải cấm hoàn toàn các chợ cóc và chợ vỉa hè. Chính quyền cần bố trí, sắp xếp và quy định để người bán và người mua tuân thủ đúng quy định 5K là được. Ví dụ cho phép họ bán dọc chiều dài của một số con phố thích hợp, mỗi người bán phải ngồi cách nhau tối thiểu 2-3 mét; người bán và người mua sau khi giao hàng, nhận tiền thì phải khử khuẩn ở tay...
Mình hay mua hàng trong siêu thị. Thực tế ở đó không có ai giám sát nên người mua đứng sát nhau rất nhiều. Một số người mua đeo khẩu trang che mồm hở mũi. Khi thanh toán người mua và nhân viên thu tiền vẫn đứng cạnh nhau và trao tiền cho nhau... Những điều này có khác gì ở các chợ cóc và chợ vỉa hè đâu.
Tóm lại, qua thực tế, mình thấy nhà nước nên có cái nhìn nhân văn hơn với những người nghèo không có nguồn sống. Trong trường hợp chợ cóc và chợ vỉa hè, mình nghĩ nhà nước nên cân nhắc cho tồn tại ở những nơi, những con phố có diện tích đủ rộng và yêu cầu người bán phải thực hiện các biện pháp hạn chế lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 và không cản trở giao thông.
Đừng quá dã man và quá tàn nhẫn với người nghèo như hiện nay nhà nước ạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét