Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến VN và số phận Cá Voi Xanh
Sự tự tin của ExxonMobil khi lên tiếng về mỏ Cá Voi Xanh phát xuất từ sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018, nằm trong chiến lược tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông và sẵn sàng đối đầu với hải quân Trung Quốc. Tân bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper sắp đến Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến giàn khoan của Trung Quốc còn lâu mới chịu kết thúc.
Bộ trưởng Mark Esper.
Mark Esper và Nguyễn Phú TrọngTàu thăm dò địa chất Hải Dương 8, và sau đó là hàng lô hàng lốc phương tiện khai thác dầu như tàu cẩu Lam Kình, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 kéo vào Biển Đông, giễu qua ngay trước mũi Bộ Chính trị Việt Nam, chỉ còn cách bờ biển Việt Nam 4 giờ tàu chạy, và có trời mới biết còn bao nhiêu hình ảnh ngáo ộp nữa sẽ được Bắc Kinh cho trình diễn trong tương lai gần…, đã và sẽ làm tê tái những kẻ vẫn cắm mặt giương cao lá cờ mang tên ‘Mười Sáu Chữ Vàng’ ở Hà Nội.
Tiền trạm cho Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper là Randall Schriver - Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách an ninh khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương. Randall Schriver đã có một cuộc gặp với Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Không biết vô tình hay hữu ý, chuyến tiền trạm này lại trùng với thời gian diễn ra Hội nghị trung ương 11 của đảng cầm quyền ở Việt Nam, khi lần đầu tiên sau hơn 3 tháng ‘ngậm hột thị’, Bí thư quân ủy trung ương Nguyễn Phú Trọng đã dám hé môi về ‘phân tích và dự báo tình hình Biển Đông’, dù vẫn tuyệt đối ngậm miệng trước hai cái tên Bãi Tư Chính và Trung Quốc.
Trong khi đó, những nguồn tin từ ngành dầu khí cho biết sau một thời gian chững lại bởi biến cố dự án khai thác mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ bị Trung Quốc gây sức ép chặn lại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang trở lại nhịp hoạt động bình thường. Những dự án như mỏ Lan Đỏ và mỏ Cá Voi Xanh đang được ‘hô hấp nhân tạo’ và hy vọng sẽ sống sót qua cơn binh lửa.
ExxonMobil cũng bởi thế vẫn còn lý do để trụ lại ở Việt Nam.
Vào năm 2018, kết quả được xem là thành công nhất của người tiền nhiệm của Mark Esper - Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis - với phía Việt Nam là một hàng không mẫu hạm của Mỹ là USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018. Con tàu khổng lồ này mang thông điệp bảo vệ cho ExxonMobil và dự án Cá Voi Xanh.
Vì sao Trung Quốc thèm muốn Cá Voi Xanh?
Người Mỹ có mối quan tâm đặc biệt ở Đà Nẵng, bởi nơi đây rất gần với mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, nằm cách đất liền khoảng 100km, được liên doanh khai thác giữa tập đoàn dầu khí khổng lồ của Mỹ là ExxonMobil với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Mỏ này có trữ lượng khí đốt đến 150 tỷ mét khối và hứa hẹn mang lại doanh thu lên đến 60 tỷ USD, trong đó 2/3 thuộc về ExxonMobil và 1/3 dành cho nền ngân sách đang lâm vào tình trạng hộc rỗng ngoại tệ của chính thể độc tài ở Việt Nam.
Nhưng cũng bởi triển vọng siêu lợi nhuận trên, Cá Voi Xanh đã lọt vào lòng tham và tầm đe dọa của Trung Quốc, cho dù mỏ này hoàn toàn nằm ngoài ‘đường Lưỡi Bò 9 đoạn’ mà Bắc Kinh tự vẽ nhằm gom các mỏ dầu khí của Việt Nam vào trong đó. Động thái Trung Quốc điều giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng lãnh hải Việt Nam vào năm 2014 là một thông điệp rất rõ ràng về việc Bắc Kinh muốn nuốt trọn mỏ Cá Voi Xanh, hoặc chí ít cũng đòi ‘đảng em’ phải ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí’ theo một tỷ lệ ăn chia nào đó - chẳng hạn 60% cho Trung Quốc và phần còn lại cho chủ sở hữu mỏ này…, nếu dự án Cá Voi Xanh không được hỗ trợ bởi hải quân Mỹ.
Thế còn ExxonMobil?
Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố “đường Lưỡi Bò 9 đoạn” chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ cuộc trước áp lực từ Trung Quốc. Nhưng ExxonMobil vẫn tiếp tục thăm dò và tập đoàn này đã phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay là Cá Voi Xanh.
Tuy thế, mọi chuyện đã suýt đổ vỡ vào tháng 11 năm 2017. Khi đó và trùng với thời gian Tổng thống Trump dự Hội nghị thượng đỉnh kinh tế APEC Đà Nẵng, ExxonMobil đã mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho giới chóp bu Việt Nam: Chủ tịch Liam Mallon của Công ty Phát triển ExxonMobil thình lình tuyên bố sẽ hoãn dự án hợp tác với Việt Nam trên biển Đông tới năm 2019, với lời giải thích rất cô đọng: “chúng tôi cần phải đạt được một số thỏa thuận cụ thể” trước khi triển khai đầu tư chính thức.
Khi đó, một số đánh giá đã giả thiết về nguyên nhân chủ yếu và có thể là duy nhất của việc phải hoãn dự án có thể là Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh.
Đến tháng Ba năm 2018 khi xảy ra vụ Repsol - công ty Tây Ban Nha liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng khai thác mỏ Cá Rồng Đỏ ở Bãi Tư Chính - phải lần thứ hai liên tiếp rút khỏi dự án này, giả thiết đã biến thành thực tế được xác nghiệm một cách sống sượng: vẫn là “đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất của Việt Nam” là Trung Quốc đã nhảy bổ vào nhà của giới chóp bu Việt Nam để đòi không được hợp tác với Mỹ mà phải hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí.
Vào tháng Tư năm 2018, lần đầu tiên ExxonMobil đã lên tiếng liên quan đến mỏ Cá Voi Xanh. Tuy không xác nhận về một sức ép của Trung Quốc đối với mỏ dầu khí dồi dào trữ lượng này, ExxonMobil vẫn khẳng định kế hoạch và lộ trình sắp tới - một biểu hiện cho thấy tập đoàn này không mấy lo ngại cho dù Bắc Kinh sẽ làm những động tác nhằm bắt buộc ExxonMobil phải rút khỏi mỏ Cá Voi Xanh như đã khiến Repsol phải rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ.
Sự tự tin của ExxonMobil khi lên tiếng về mỏ Cá Voi Xanh phát xuất từ sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018, nằm trong chiến lược tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông và sẵn sàng đối đầu với hải quân Trung Quốc.
Mark Esper sẽ làm gì?
Vào trung tuần tháng 10 năm 2018 và cùng lúc với thông tin chính thức về chuyến thăm Việt Nam bất ngờ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là James Mattis, Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật cắt đứt đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông, còn Cố vấn An ninh Mỹ là John Bolton đã thẳng thừng tuyên bố “Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không”.
Tuy không đề cập cụ thể Mỹ sẽ hợp tác khai thác với nước nào trong số các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan, nhưng phát ngôn thách thức rất đáng chú ý trên được cho là ám chỉ mỏ Cá Voi Xanh.
Sau khi nổ ra vụ Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương và nhiều tàu hộ vệ gây hấn khu vực Bãi Tư Chính và đe dọa cả vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi nơi có mỏ Cá Voi Xanh, đến lượt Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng vào tháng 8 năm 2019: “Các công ty của Mỹ là những công ty hàng đầu thế giới trong việc khai thác và thăm dò các nguồn hydrocarbon, kể cả ở ngoài khơi và tại Biển Đông” và Mỹ “mạnh mẽ phản đối bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa hay cưỡng chế các quốc gia đối tác phải rút lại sự hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc hay quấy nhiễu những hoạt động hợp tác của họ”. Lời lên tiếng này phát ra trong bối cảnh tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc, sau khi đến mỏ Đá Chữ Thập để tiếp nhiên liệu, đã ‘trở về’ khu vực Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam để quấy phá.
Những hành động bảo vệ công khai trên, cùng với những hoạt động hải quân mang tính thống nhất giữa Mỹ và Việt Nam nhưng không công khai, đã dẫn tới kết quả là ExxonMobil có tương lai tươi hồng hơn hẳn các đối tác nước ngoài khác liên doanh khai thác dầu khí với Việt Nam.
Dù việc triển khai khai thác Cá Voi Xanh của ExxonMobil vẫn phải chịu thách thức bởi một làn sóng đồn đoán về khả năng ExxonMobil sẽ rút khỏi dự án này - có thể do những tranh cãi chưa thể thống nhất giữa tập đoàn này với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho tới nay xác suất ở lại Việt Nam của ExxonMobil vẫn được đánh giá vượt trên 50%, để hầu như chắc chắn sau chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper, Cá Voi Xanh sẽ trở thành một mục, thậm chí thành một tiêu điểm trên bàn nghị sự giữa Donald Trump với Nguyễn Phú Trọng, hoặc với một quan chức cao cấp và đủ thẩm quyền thay cho Trọng, tại Washington trong thời gian tới.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét