Cục trưởng Văn hóa Cơ sở: "Sự nhạy cảm không phải ở việc sử dụng riêng từ lon"
Hoàng Đan 30/06/2019 Theo bà Hương, trong quảng cáo "Mở lon Việt Nam" của Coca-Cola, sự nhạy cảm không phải ở sử dụng riêng từ "lon" mà trong bối cảnh, nội dung quảng cáo, cách sử dụng cả cụm từ này. “Mở lon Việt Nam” của Coca-Cola Việt Nam đang là đề tài bàn tán xôn xao trên mạng xã hội, sau khi Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có công văn cho rằng việc sử dụng cụm từ này trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.Trả lời báo điện tử Trí Thức Trẻ vào ngày 30/6, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) Ninh Thị Thu Hương tiếp tục nêu rõ, dấu hiệu quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam trong quảng cáo Coca Cola nằm ở cách sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam". Theo bà Hương, về cơ bản, từ "lon" là từ ngữ được dùng trong Tiếng Việt, nhưng nếu nói "lon" thường gắn với tên sản phẩm như lon Coca-Cola hay một nhãn hàng bia, nước ngọt... Còn việc ngắt chữ "lon" không gắn với tên sản phẩm hàng hoá sẽ làm cho người tiêu dùng không có được thông tin rõ ràng về sản phẩm.
Mở lon Việt Nam không phù hợp thuần phong mỹ tục: "Nhiều từ còn trần tục hơn từ lon"
"Trong nội dung quảng cáo này, việc sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam", tức là gắn tên gọi Việt Nam thay cho danh từ tên sản phẩm, hàng hóa.
Việc gắn chữ “lon” như cách của Coca - Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như “ở Việt Nam”, “tại Việt Nam… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ vì tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo, gắn với các slogan một cách thiếu trang trọng như vậy”, bà Hương nêu rõ.
Trước câu hỏi, trong quá trình ban hành các văn bản liên quan đến quảng cáo này của Coca-Cola, Cục có tính đến các phản ứng của dư luận xã hội như hiện nay không? Bà Hương cho hay, việc có ý kiến trái chiều từ dư luận là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, trong quá trình quản lý, Cục đặc biệt quan tâm đến các hành vi quảng cáo có ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, đạo đức, văn hóa dân tộc.
"Cá nhân tôi tin tưởng vào sự đồng thuận của dư luận trong việc cần nghiêm khắc với việc đảm bảo sự tôn nghiêm khi sử dụng tên gọi, biểu tượng đất nước như ở trường hợp này", bà Hương nói.
Trước một số ý kiến cho rằng, hiện nay, có khá nhiều công ty cũng có những tên thương hiệu không dấu khá nhạy cảm, chẳng hạn như chợ lớn (viết không dấu là cholon) hay cholontourist... Vậy, chúng ta có xem xét xử lý tiếp các doanh nghiệp, đơn vị này không?
Bà Hương nhấn mạnh: "Như tôi đã phân tích ở trên, sự nhạy cảm không phải ở việc sử dụng riêng từ "lon" mà trong bối cảnh, nội dung quảng cáo và cách sử dụng cả cụm từ: "mở lon Việt Nam". Vì vậy, việc liên hệ với các tên riêng như đề cập không thuộc trường hợp này".
Lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở thông tin thêm, theo nhiệm vụ quản lý Nhà nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân công, Cục Văn hóa cơ sở ban hành văn bản cấp Cục để xử lý đối với lĩnh vực do mình phụ trách và báo cáo lãnh đạo Bộ.
Chia sẻ thêm về quan điểm của Cục Văn hóa cơ sở, cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo, bà Hương khẳng định, Cục không cấm quảng cáo của Coca- Cola.
Tuy nhiên để đảm bảo thông tin quảng cáo rõ ràng, đầy đủ, doanh nghiệp này cần phải sửa, thêm chữ cho rõ ràng thông điệp, nội dung muốn quảng cáo.
Mặt khác, khi đề nghị các Sở, các Đài Phát thanh- Truyền hình phối hợp chấn chỉnh nội dung này, Cục đã nêu rõ, nếu quảng cáo chưa được phép của Sở mà xuất hiện trên các biển, bảng, băng rôn quảng cáo ngoài trời sẽ yêu cầu tháo dỡ, xử lý.
Trước đó, đại diện Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam đã có thư phúc đáp về công văn của Bộ VHTTDL. Trong đó, công ty này cho biết đã thay đổi nội dung slogan "Mở lon Việt Nam" thành "Cơ hội trúng vàng mỗi ngày".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét