Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

Chuyện đưa liệt sĩ hy sinh ở Vị Xuyên về quê

Lưu lại bài này nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Đất nước thống nhất và còn giữ được đến ngày hôm nay là nhờ những người chiến sĩ, nhất là những thương binh liệt sĩ và gia đình của họ; chúng ta cần luôn luôn ghi nhớ công ơn trời biển của họ. Nhưng đất nước cũng bị tàn phá tan hoang, tài nguyên cạn kiệt, nợ nần chồng chất, đạo đức văn hóa suy đồi... như ngày hôm nay là do bọn quan lại sống vô tình vô nghĩa, không biết tới đạo lý tình người, uống nước nhớ nguồn, chỉ biết cướp và phá đất nước để mưu cầu lợi ích riêng, thậm chí sẵn sàng giết những người phản đối chúng và bán nước cho ngoại bang. Thương nhớ, kính trọng các thương binh liệt sĩ và cũng xót xa vì họ đã hy sinh tất cả mà không biết rằng những kẻ được sống lại đang tàn phá đất nước.
BÍCH HẰNG GIÚP ĐƯA LINH HỒN EM TÔI – LIỆT SĨ PHẠM HỮU TẠO HY SINH TRẬN 12/7/1984 TỪ VỊ XUYÊN VỀ QUÊ
Nhà văn Phạm Viết Đào - Theo đồng đội của em trai tôi kể: Cách đây một hôm, đơn vị bên cạnh vừa chôn cất bốn liệt sĩ hy sinh khi đang ngồi ăn cơm. Pháo Trung Quốc câu sang trúng mâm cơm khiến cho cả bốn đều hy sinh. Đồng đội thu nhặt được thi hài 4 liệt sĩ chỉ còn đủ một bát thịt, chia đều cho bốn ngôi mộ liệt sĩ. Nghe câu chuyện này tôi hiểu được: chắc em trai tôi cũng nằm trong trường hợp như vậy… Trận đánh mà em trai tôi tham gia vào ngày 12/7/1984 là trận đánh tấn công lên cao điểm 772. Trận quyết chiến này nhằm thu hồi lại cao điểm quan trọng đã bị Trung Quốc đánh chiếm từ đầu tháng năm 1984. Trận đánh đã thất bại. Mặc dù cử những sư đoàn tinh nhuệ, thế nhưng đã không thể nào đánh bật được lính Trung Quốc, vì chúng chiếm cứ trên cao và hoả lực quá mạnh. Bộ đội ta cuối cùng đành phải lui và chịu nhiều thương vong. Các anh em công tác tại rạp Lâm Đồng kể với tôi: trận đánh này kết thúc xong, phải mất mười đêm liền, người dân Hà Giang vẫn còn thấy xe chạy chở các liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang tại xã Đạo Đức, Vị Xuyên.

Góc phải là Cao điểm 685 (Lò vôi thế kỷ); Góc trái là cao điểm 772, liền kề cao điểm 1509 (Đồi thịt băm) nơi xảy ra những trận giao tranh ác liệt...


Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết (Cổ Loa-Đông Anh):
Tôi từ Hà Nội lên dạy học ở Hà Giang từ năm 1976, giai đoạn đó tôi thấy bộ đội ta đã lên Hà Giang đông; nhiều con cháu của tôi ở Đông Anh lên và thường qua nhà tôi chơi… Tôi dạy cấp 2 ở thị trấn Việt Lâm huyện Vị Xuyên…

Trước12/7/1984 mấy ngày, tôi thấy cái sân hợp tác xã của Việt Lâm tập kết về hàng trăm xe vận tải chuẩn bị chở quân lên Thanh Thủy, chuẩn bị cho trận 12/7/1984; Có thế nói là khí thế chiến đấu ngất trời, bà con rất tin tưởng, phấn khởi.
Thế nhưng sau 12/7/1984 không khí tang thương não nễ trùm lên cái thị trấn nhỏ tội nghiệp Việt Lâm: Hàng đoàn xe tảilại kéo về tập trung ở Việt Lâm, chiếc thì thủng thùng xăng, chiếc thị bị đạn bắn toác, vỡ nát tứ tung…

Cô giáo Khánh Dần ( gốc Hà Nội, đang sinh sống tại TP Hà Giang):
Sự kiện cao điểm 1509 chiếm lại được rồi lại mất về tay Trung Quốc thời chiến tranh đã làm xao xác bao phen người dân Vị Xuyên. Khi nghe tin bộ đội ta chiếm lại được 1509, gần như cả thị xã Hà Giang đổ ra đường ăn mừng; Bà con hễ thấy bộ đội hành quân lên Thanh Thủy hoặc từ Thanh thủy về là lập tức đổ ra tặng quà mặc dù người dân hồi đó còn nghèo.

Khi nghe tin Cao điểm 1509 lại mất về tay Trung Quốc, cả thị xã Hà Giang lại xao xác lo âu. Bởi từ đỉnh cao 1509, trời quang có thể nhìn thấy rõ toàn bộ thị xã Hà Giang; Nếu Trung Quốc chiếm được cao điểm 1509, dân Hà Giang lãnh đủ vì nó có khả năng khống chế toàn vùng…


Cũng theo chị Khánh Dần, những bộ đội giữ chốt hy sinh giai đoạn đầu khu vực Thanh Thủy thường được đưa về chôn ở km 15, đoạn từ thị xã Hà Giang lên Thanh Thủy. Từ khi có nghĩa trang bộ đội, khu vực bờ sông Lô này, tự nhiên khu vực này nổi lên rất nhiều vàng thu hút người dân Hà Giang tới khai thác. Theo dân đào đãi vàng thì họ nhặt được nhiều mẩu vàng rất to. Thế nhưng sau khi nghĩa trang này dời về km 17 thị trấn Vị Xuyên, vàng cũng tự nhiên cũng lặn mất… Phải chăng hồn thiêng sông núi muốn thu hút, ghi công, nhắc mọi người hãy quan tâm tới phần mộ của những người lính hy sinh vì mảnh đất Vị Xuyên...

Ở cửa Hang Dơi, lính của Đơn vị 313 kể với tôi: khu vực bên Hang Dơi, kia suối Thanh Thủy, thỉnh thoảng những đêm tối trời, những buổi sáng mờ sương, bên này vẫn nghe tiếng lao xao của bộ đội hô xung phong, luyện đội ngũ mặc dù không có ai ở bên đó…

Đơn vị 313 nhiều lần liên hoan vui vẻ, thường nhận thấy những tín hiệu của người âm góp mặt, chung vui; thấy ai đó đụng vào cốc chén, bàn ghế trước mặt mình như muốn chung vui…

Khi xây dựng tuyến đường quốc lộ 2, ông kiến trúc sư người Italia đã đóng góp 2 kỳ tích cho mảnh đất Hà Giang: Xây dựng Đền Đôi Cô ở km 13 từ Hà Giang về Hà Nội. Nhiều truyền thuyết về ngôi đền này; tựu trung xây xong đền, Cầu Má, chiếc cầu quãng 200 m mới xây lên được; Trước đó xây lên là bị sập...

Kỳ tích thức 2: Cho trồng cứ cách 50 m 1 cây gạo, ( hoa mộc miên) từ Vĩnh Tuy lên Thanh Thủy; Hoa gạo đã trở thành một đặc sản của Vị Xuyên về sắc màu đỏ máu mà không một miền đất nào có giống như hoa phượng của Hải Phòng.

Sở dĩ ông kiến trúc sư Italuia này cho trồng cây gạo là do ông bị bệnh trĩ, một thầy lang đia phương mách ông dùng vỏ cây gạo với một vài loại vỏ cây đã giúp ông chữa được bệnh. Để tri ân lại người thầy lang và tri ân cây gạo, ông đã tặng mảnh đất Hà Giang lọa cây quý này...

Thế nhưng, để phục vụ cho chiến trường Vị Xuyên, hàng trăm cây gạo có tuổi đời gần trăm năm, to bốn năm người ôm đã phải chặt sạch để lấy gỗ làm quan tài chôn lính bảo vệ biên cương Vị Xuyên...



Em trai tôi, liệt sĩ Phạm Hữu Tạo, hy sinh đêm ngày 13 rạng sáng ngày 14/6 âm lịch năm 1984 tại mặt trận Vị Xuyên Hà Giang: Giấy báo tử ghi hy sinh ngày 12/7/1984 kèm theo dòng chữ: “Do tính chất trận chiến đấu ác liệt không lấy được thi hài”…Dòng chữ này đã làm mẹ tôi vật vã hàng chục năm trời vì đau đớn và vì thương con…

Đầu năm 1985, tôi đã đánh đường lên tận Hà Giang, tìm đến đơn vị cũ của em trai tôi là đại đội 2, tiểu đoàn 1, trung đoàn 876, Sư đoàn 356 để hỏi cụ thể em trai tôi hy sinh trong hoàn cảnh như thế nào?

Hồi đó, chiến sự vẫn còn ác liệt. Từ Hà Nội tôi bắt xe lên thị xã Hà Giang và đến ở nhờ anh em tại rạp Lâm Đồng, đơn vị cùng ngành điện ảnh, hồi đó tôi công tác tại Fafilm Việt Nam.


Từ rạp Lâm Đồng-Hà Giang, anh em chở tôi lên tìm đơn vị em trai tôi lúc đó đóng quân phía trên dốc Mã Tim, cách thị xã Hà Giang khoảng 2-3 km. Trên đường đi, thỉnh thoảng tôi lại nghe tiếng ùng oàng của pháo Trung Quốc bắn sang. Tôi đến được tận Tiểu đoàn 1 E 876 của em trai tôi, kịp ăn một bữa cơm trưa với đồng đội của em trai tôi, hỏi chuyện trận chiến đấu ác liệt mà em trai tôi đã tham gia mà không về.

Tôi không dám nán lại lâu, vì theo đồng đội của em trai tôi kể: Cách đây một hôm, đơn vị bên cạnh vừa chôn cất bốn liệt sĩ hy sinh khi đang ngồi ăn cơm. Pháo Trung Quốc câu sang trúng mâm cơm khiến cho cả bốn đều hy sinh. Đồng đội thu nhặt được thi hài 4 liệt sĩ chỉ còn đủ một bát thịt, chia đều cho bốn ngôi mộ liệt sĩ. Nghe câu chuyện này tôi hiểu được: chắc em trai tôi cũng nằm trong trường hợp như vậy…

Trận đánh mà em trai tôi tham gia vào ngày 12/7/1984 là trận đánh tấn công lên cao điểm 772. Trận quyết chiến này nhằm thu hồi lại cao điểm quan trọng đã bị Trung Quốc đánh chiếm từ đầu tháng năm 1984.


Trận đánh đã thất bại, phía Việt Nam theo đồng đội của em trai tôi kể lại: có bốn sư đoàn, đưa sáu trung đoàn tham gia chiến dịch này. Sư đoàn 356 cử trung đoàn 876, 149 và 153 tham gia đánh cao điểm 772 và 685; Sư đoàn 312 tấn công cao điểm 1030 (Đông Sơn); Sư đoàn 316 đánh cao điểm 400 ở ngã ba Thanh Thủy.

Mặc dù cử những sư đoàn tinh nhuệ, thế nhưng đã không thể nào đánh bật được lính Trung Quốc, vì chúng chiếm cứ trên cao và hoả lực quá mạnh. Bộ đội ta cuối cùng đành phải lui và chịu nhiều thương vong.

Các anh em công tác tại rạp Lâm Đồng kể với tôi: trận đánh này kết thúc xong, phải mất mười đêm liền, người dân Hà Giang vẫn còn thấy xe chạy chở các liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang tại xã Đạo Đức, Vị Xuyên.

Theo nhiều bạn bè Hà Giang cho biết: Hiện vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa thu hồi được còn nằm rải rác trên các sườn núi Vị Xuyên-Hà Giang. Rải rác quanh vùng là mìn của địch và của ta còn cài lại. Thỉnh thoảng người dân Vị Xuyên đi rừng, vẫn tìm thấy những mảnh hài cốt còn nằm phơi sương giãi nắng trên các giải biên cương phía bắc Vị Xuyên…

Khi tôi đến gặp đồng đội cũ của em trai tôi, tại ngay cái trung đội cũ, đồng đội cũ chứng kiến cảnh em trai tôi hy sinh chỉ còn lại vài ba người… Theo đồng đội em tôi kể lại thì đêm đó, em trai tôi chỉ huy một trung đội đã bò lên bình độ 500, chỉ cách địch khoảng vài trăm mét thì địch đã phát hiện và bị pháo địch bắn chặn ác liệt. Hoả lực mà phía Trung Quốc là là loại súng DKZ, mỗi quả đạn là một quả bom dài khoảng 1,2 m…Tại các cao điềm này, phía Trung Quốc bố trí lực lượng phòng thủ theo thế ỷ dốc: tức là từ cao điểm này câu pháo sang yểm trợ và bào vệ cho các cao điểm bên cạnh nên khá hiệu quả.

Thấy trung đội 1 đi đầu tiến chậm vì hoả lực địch quá mạnh, em trai tôi chỉ huy trung đội 2 bò lên để cõng 1 đồng đội bị thương thì bị trúng cả một quả ĐK…

Theo một đồng đội cũ lúc đó thuộc phiên chế trung đội 3 kể thì: nghe tiếng ĐK nổ đúng vị trí em trai tôi bò lên để cõng đưa 1 đồng đội bị thương xuống, khói súng tan, đồng đội không còn thấy em trai tôi nữa mà chỉ thấy báng của khẩu AK bị tan ra, một chiếc thắt lưng và chiếc mũ cối.

Có thể nói: cả tiểu đoàn 1 của em trai tôi nằm chết dí cách tuyến hào một của địch khoảng vài trăm mét, dưới làn pháo Trung Quốc nã liên tục và không thể nào triển khai trận đánh… Suốt ngày hôm sau ngày 13/7, phía địch vẫn bắn phá dữ dội; còn quân ta thì thấy không thể nào tiến lên được nữa đành phải tìm cách rút lui.

Thuần, cậu lính đồng hương với em trai tôi, người cùng huyện Tân Kỳ, lúc đó là trung đội trưởng còn nán lại tới tối hôm sau khi đồng đội lui hết mới bò xuồng. Thuần kể với tôi: Cả ngày hôm đó Thuần nằm dưới hố đạn tránh pháo, Thuần quan sát nơi em trai tôi trúng ĐK, chỉ thấy còn lại mấy thứ mà tôi đã kể ở trên…

Câu chuyện đau thương của gia đình tôi trước sự hy sinh của em trai tôi cứ găm vào lòng hết thảy mọi người, nhức nhối không thể nguôi ngoai, nhất là đối với mẹ tôi. Cho đến năm 1996, báo chí đưa tin rầm rộ về khả năng ngoại cảm, tìm mộ của Phan Thị Bích Hằng. Tôi chợt nghĩ tới việc tìm phần hài cốt còn sót lại của em trai tôi. Biết đâu, lúc đó em trai tôi bị vùi lấp vào đâu đó, nên đồng đội đã không tìm thấy để đưa về. Tôi và bố tôi đã tìm đến nhà Bích Hằng, lúc đó còn ở C9 Kim Liên.

Số người tìm đến Bích Hằng đông nườm nượp, phải sắp hàng lâu vì mỗi ngày Hằng chỉ có thể giúp được 9-10 người. Theo Hằng dặn, tôi mang đến một tấm ảnh của em trai tôi đã được vẽ truyền thần, Hằng hẹn một tháng sau sẽ cho biết kết quả.

Đúng một tháng sau, vợ chồng tôi đến gặp Bích Hằng. Hằng gọi tôi bằng chú, và cho biết: Đã tìm được em trai tôi, hài cốt không còn, hiện linh hồn em trai tôi đang tá túc tại ngã ba sông Lô-sông Miên, em trai tôi rất mong gia đình lên đưa linh hồn em trai tôi về…

Nghe Hằng nói vậy, tôi cảm ơn và trong lòng còn bán tín bán nghi. Nếu linh hồn em trai tôi còn thì không nhẽ không nhớ được đường về quê sao; người chết thường vẫn có nhiều quyền năng siêu nhiên hơn người sống cơ mà.

Tôi gọi điện hỏi anh chị em ở Sở Văn hoá Thông tin Hà Tuyên (lúc đó chưa tách tỉnh). Anh em cho biết: Ngã ba Sông Lô-Sông Miện nằm ở ngay thị xã Hà Giang. Thời Pháp gọi là Sông Miên, hiện bây giờ dân địa phương gọi là Sông Miện. Bích Hằng chỉ cho tôi biết linh hồn em trai tôi tá túc tại ngã ba sông Lô-sông Miên, hỏi địa điểm này ở đâu thì Hằng không biết…

Nghe anh chị em thông tin như vậy, tôi càng bán tín bán nghi vì tôi biết từ thị xã Hà Giang lên Thanh Thuỷ, nơi em trai tôi hy sinh khoảng trên 20 km. Do đó tôi cũng không thực hiện điều Hằng khuyên và coi thông tin của Hằng chỉ để tham khảo vậy thôi. Tôi nhớ, dạo đó là vào khoảng tháng 7 năm 1996. Sau khi gặp Bích Hằng gia đình tôi gần như không làm gì.

Thế rồi, một sự cố đến với vợ tôi: Từ tháng 8 vợ tôi bị một căn bệnh kỳ lạ. Người tự nhiên, kém ăn, khó ngủ, đến khám các bệnh viện, chụp đo đủ kiểu mà không chẩn đoán ra bệnh gì. Người cứ nẫu ra như chuối chín. Trước đó, tức là trước khi gặp Bích Hằng, vợ tôi vẫn thỉnh thoảng kể với tôi đêm vẫn mơ thấy một người giống tôi về ngồi ở góc giường; tỉnh lại không thấy gì. Vợ tôi nằm mơ thấy như thế rất nhiều lần.

Còn lần này, vợ tôi ốm từ tháng 8 cho đến tháng 10, tôi tìm hết thầy hết thuốc mà không chẩn ra bệnh. Vào một buổi đêm, vợ tôi đánh thức tôi dậy, báo cho tôi một giấc mơ lạ. Vợ tôi mơ thấy một người giống tôi nằm lăn khóc ở chợ, trong mơ vợ tôi nghe có tiếng ai đó vọng về: Chú Tạo, chú Tạo…

Nghe vợ tôi kể, tôi giật mình: Đúng rồi, “mạng” đã kết nối mà mình không biết nên chú Tạo nhắc và trách. Hôm sau tôi lại tìm đến nhà Bích Hằng. Tôi không kể giấc mơ và tình trạng sức khoẻ của vợ tôi mà chỉ nói với Hằng về trường hợp hy sinh của em tôi. Tôi đề nghị Hằng xem lại lần nữa xem sao. Vì tôi đã hỏi kỹ địa danh ngã ba sông Lô-sông Miên cách nơi em trai tôi hy sinh hơn 20 km… Hằng hẹn tôi ba ngày sau sẽ cho biết kết quả.

Ba ngày sau, tôi quay lại, Hằng cho biết: Linh hồn chú Tạo vẫn tha thiết muốn về quê, gia đình nên lên đón về. Tôi hỏi cách thức, thủ tục. Hằng khuyên lên tại cái ngã ba sông Lô-sông Miên, lấy bảy nắm đất (bảy vía) đem về. Ở nhà chuẩn bị các thứ như đón hài cốt một liệt sĩ…

Tôi cùng cậu em ở quê tìm lên Hà Giang theo lời khuyên của Bích Hằng. Chúng tôi tìm đến ngã ba sông Lô-sông Miên; ngã ba này nằm kế cạnh chợ Hà Giang. Có thể đây là nơi hàng tuần mồng một ngày rằm, bà con thường thắp hương nên các liệt sĩ về đây để tìm hưởng những nén nhang, chút lễ tế trong tình cảnh bơ vơ chưa có được gia đình đón về thờ cúng ?

Trước khi làm lễ, để dễ đón linh hồn em trai tôi về, tôi đã đi đến nghĩa trang Vị Xuyên Hà Giang, nơi yên nghỉ của các liệt sĩ trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Tôi đã thắp hương nhờ các liệt sĩ thông tin hộ về việc tôi lên tìm em trai tôi là liệt sĩ Phạm Hữu Tạo, liệt sĩ nào biết, nhờ thông tin hộ để em trai tôi có thể theo tôi về.

Ngoài đến chỗ nghĩa trang, tôi và em trai tôi, còn quyết định lên Thanh Thuỷ, tìm đến Cao điểm 772 để thắp hương và để tìm đón linh hồn em tôi. Từ đồn biên phòng Thanh Thuỷ, theo chỉ dẫn của bộ đội biên phòng, chúng tôi men theo đường mòn dọc suối Thanh Thủy để tìm đến cao điểm 772, nơi em trai tôi hy sinh. Cán bộ đồn biên phòng chỉ dẫn: “Đi dọc theo suối, độ 4-5 km thấy ngọn núi nào cao thì đó là 1509”…

Trên đường đi, thỉnh thoảng lại gặp một vài chàng trai H’Mông xách dao quắm. Tôi và em trai tôi lạnh người: họ mà giơ dao bảo anh em mình đưa máy ảnh cho họ, chắc không thể từ chối. Vừa đi, chúng tôi vừa hỏi người gặp trên đường đi về Cao Điểm 772. Cuối cùng thì anh em tôi cũng tìm tới đến gần chân cao điểm này, chỗ đài hương 468, chứ không còn đủ sức leo lên. Dọc đường, dấu vết chiến hào xưa vẫn còn nguyên. Tôi thắp hương bái vọng và khấn bày tỏ nguyện vọng tìm được linh hồn em trai tôi, để đưa về quê hương khói…

Năm 1985, còn nhớ khi từ Hà Giang về, ra ở bến xe tôi có khấn rằng tôi đã lên tìm em trai tôi, liệt sĩ Phạm Viết Tạo, sau đó quay về Hà Nội. Có lẽ vợ tôi thường nằm mơ thấy em tôi do em tôi chỉ biết đường về tới nhà tôi, hồi đó tôi còn ở Ngã Tư Sở, Hà Nội…

Sau khi thắp hương nhiều nơi bái vọng, tôi và chú út quay về ngã ba sông Lô-sông Miên làm thủ tục để đón linh hồn em tôi về sau hơn mười năm bơ vơ, gia đình vẫn hương khói nhưng không được hưởng. Tôi lấy bảy nắm đất lấy ở ngã ba sông Lô-sông Miên gói ghém cẩn thận và đưa thẳng về quê.


Tôi làm lễ đón linh hồn LS Phạm Hữu Tạo tại ngã ba sông Lô (đục)góc trái; sông Miên góc phải (trong), ở thị xã Hà Giang 1996 để đưa về quê...

Ngã ba sông Lô-sông Miên là điểm hợp lưu của 2 con sông: một con sông đục đó là sông Lô, còn sông Miện lại trong…

Một điều hơi lạ là, khi tôi thắp hương để báo tin việc xin đón linh hồn em tôi thì thấy tự nhiên có chiếc thuyền máy chạy qua, thấy cảnh cúng giữa sông, những người trên thuyền dừng lại xem. Tôi đã chụp ảnh lại…

Tôi đưa bảy nắm đất lấy ở ngã ba sông Lô-sông Miện về nhà tại Tân Kỳ-Nghệ An. Ở nhà, bố mẹ tôi đã chuẩn bị tiểu sành, quả dừa, ít hom dâu và cho vào và liệm như liệm hài cốt để chuẩn bị đưa ra nghĩa trang của huyện.

Đêm hôm đó, độ 10 giờ, mẹ tôi chợt đề nghị: Đưa em tôi về thì phải làm lễ cầu hồn xem chú có về được không hay lạc ở đâu. Mọi người tán thành. Vì ngoài họ hàng anh em còn có hàng xóm láng giềng đến khá đông. Thế là một lễ cầu hồn cho em trai tôi được tổ chức.

Người đứng ra làm chủ tế là ông dượng và ông bố vợ tôi có biết ít chút kinh kệ, các ông không phải là thầy cúng chuyên nghiệp. Còn tôi thì vì đi đường mệt, tôi đi thẳng từ Hà Giang về tận Tân Kỳ, tôi cáo vào nhà ngủ để mẹ tôi và bà con hàng xóm tổ chức lễ cầu hồn cho em trai tôi. Người ngồi đồng là anh trai tôi. Mọi người lấy tấm vải đỏ trùm lên mặt anh tôi, còn ông dượng và bố vợ tôi thay nhau đọc kinh…

Lễ tổ chức tới gần 1 giờ sáng mà vẫn không thấy gì. Chợt ai đó nói: Có khi phải ông Đào ngồi đồng thì hồn mới nhập. Ông Đào đưa về là anh ruột, còn anh trai là anh cùng cha khác mẹ. Mẹ tôi liền vào đánh thức tôi dậy. Ngủ được một giấc, người tôi cũng có phần đỡ mệt. Chiều ý mẹ, tôi ra ngồi đồng thử xem sao. Tôi nhớ lúc tôi ngồi khoảng 1 h 30 gì đó. Tôi ngồi khoảng độ nửa giờ, thấy mẹ tôi cứ thảm thiết đi quanh chiếc tiểu sành: “Nếu con về con phải cho mẹ biết. Hay con còn lạc đi đâu?” Lúc đó tôi cũng thấy mủi lòng định làm một động tác gì đấy giả như em tôi về để mẹ tôi đỡ tủi…

Tôi đang miên man như vậy, trong khi đó ông dượng tôi đang cúng bằng bài “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du, tôi nhớ khi đó dượng tôi đọc tới câu: “Quỷ không đầu ngồi khóc đêm mưa; Mỗi khi thay đổi sơn hà…”

Tôi chợt nghe tiếng huỵch. Mọi người ngơ ngác. Thì ra ông chú tôi từ rất lâu mọi người thấy cứ gật gật, lắc lắc ở trên thềm như ngái ngủ, tự nhiên ông bật mình như lò xo từ trên thềm ra tới giữa sân. Tôi giở mảnh vải đỏ ra thấy ông xoay tít trông rất dẻo. Cái điệu xoay này giống như trong các vở chèo các diễn viên thường biểu diễn. Chú tôi ở quê chưa xem chèo bao giờ.

Các diễn viên chèo khi thể hiện việc nhập đồng dù tài nghệ đến đâu cái sự xoay này vẫn gường gượng. Còn chú tôi lúc đó đã gần 70 tuổi, xoay rất tít và rất dẻo, xoay gần sát đất như con quay. Vừa xoay vừa khóc kể bấy lâu nay đói khát, quần áo cháy hết, nghĩa là rất khổ. Chú cảm ơn anh chị đã đưa được chú về. Mặc dù sau ngày em trai tôi hy sinh, gia đình vẫn làm giỗ và thắp hương nhưng hồn không về được. Lúc đó vợ tôi nhanh trí hỏi được mấy câu, em tôi trả lời rất đúng giọng. Hồn em tôi đã nhập vào ông chú tôi, mặc dù người ngồi đồng là tôi. Lúc đó có khoảng vài chục người chứng kiến…

Hồn nhập vào khoảng 2-3 phút, theo kinh nghiệm nhiều người là liên tiếp hỏi thì sẽ giữ được hồn lại, nhưng mọi người không ai hỏi và cứ chờ em tôi tự kể nên hồn chỉ dừng lại vài phút rồi thăng.

Theo lời em trai tôi, cùng về với em trai tôi có rất nhiều đồng đội theo về. Có nghĩa là vẫn còn rất nhiều linh hồn hiện còn bơ vơ tại Hà Giang, chưa có người thân đón về để hương khói. Khi chưa đón được về thì mọi sự cúng tế đều không hiệu quả…


Đồng đội của em tôi từng tham gia trận 12/7/1984 tới thắp hương nhân giổ 2017; Mẹ tôi đứng giữa.

Sau khi đem được linh hồn em trai tôi về, vợ tôi hoàn toàn khỏi bệnh. Gia đình tôi từ khi rước được linh hồn em tôi về nghĩa trang huyện Tân Kỳ mọi việc riêng tư đều cảm thấy hanh thông, nhiều tai ương đều được hạn chế ở mức thấp nhất.

Tôi kể chuyện mà tôi chứng kiến và xin coi là một nén tâm nhang nhân ngày 27/7. Câu chuyện này tôi kể lại để tưởng niệm linh hồn em trai tôi và những linh hồn của biết bao người lính, hiện còn bơ vơ chưa được người thân đưa về nơi bản quán để phụng thờ hương khói.

Những anh hùng liệt sĩ của đất nước này, thể xác của họ có thể bị vùi lấp, trở về với cát bụi nhưng linh hồn của họ vẫn còn song hành với chúng ta; họ không bao giờ mất nên không một ai được phép quên họ…

Ai cố tình quên họ chắc chắn khó tránh khỏi tai ương…


P.V.Đ

Rút từ biên khảo:
VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG"
Liên hệ chia sẻ với tác giả email: Hoanghtham9@gmail.com
ĐT: 0382598746

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét