Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Từ chuyện ông Tuấn nghĩ tới tự diễn biến, tự chuyển hóa

Tự diễn biến, tự chuyển hóa
Nguyễn Tiến Tường - Thấy mọi người mắng nhiếc bộ trưởng Tuấn (sắp vốn là bộ trưởng) gay gắt quá cũng có chút cám cảnh. Ông Tuấn, khi còn thời ít được lòng anh em báo chí. Có lẽ là từ phong cách chuyên quyền, trịch thượng. Hở cái phạt báo, hở cái dọa rút thẻ. Anh em găm cũng có lý. Cái nguy hiểm, là những ngôn thuyết, những sinh hoạt kêu ca, báo cáo đẹp… chính là cái mặt nạ vàng quan chức thi nhau dùng để che đậy sự dối trá lật lọng của mình. Càng giáo điều bao nhiêu, quan chức càng dễ suy đồi bấy nhiêu.

Câu nói nổi tiếng của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn
Nhưng chẳng qua là vì vị trí anh ngồi quản lý trực tiếp báo chí nên gây thù chuốc oán nhiều. Còn với tư cách một quan chức, ông cũng như những vị khác mà thôi. Khái niệm tự diễn biến, tự chuyển hóa, không đâu sinh động hơn bằng quan chức.

Tôi chưa được gặp ông Tuấn, nhưng cũng có nghe nhiều giai thoại. Về mặt con người, ông cũng khá… độc. Uống rượu như nước suối. Ngồi với ai cũng xởi lởi, ít khoảng cách. Nghe bảo, rất thương đồng đội cũ, tạo điều kiện cho anh em, công việc cho thương binh.

Chuyện xưa thật xưa, thấy anh em lãnh đạo một tỉnh khốn khó lâu chưa được bữa ngon. Ông Tuấn giả giọng một lãnh đạo cao cấp gọi điện xuống bảo sắp ghé thăm. Anh em làm heo xong mới biết bị lừa nhưng cũng được bữa đỏ da thắm thịt. Chuyện nghe cảm động. Thấy cũng dân chơi lắm.

Có một nét quý của người cộng sản, phải ghi nhận là nhiệt tình, hào sảng. Nhưng ngày xưa khốn khó, hào sảng với tất cả. Giờ sung sướng hơn thì quên mất nhân dân. Cái nét hào sảng, chỉ khu trú trong phạm vi hẹp, từ đó mà thành ra thân hữu, là bè cánh mưa móc, lợi ích cục bộ.

Nhiều người cứ bảo “thể chế” với cả hệ thống bây giờ nó vậy, mình ngồi vào đó cũng vậy thôi. Nói như vậy cũng chưa đúng. Ai cũng có một quyền khác biệt của mình. Đạo đức thì có biên độ khác nhau.

Ngày xưa gọi một tiếng “thủ trưởng” quyền lực vô song, nhưng họ thật sự không tham lam như bây giờ. Có tư lợi cũng không trâng tráo, công khai và thách thức như bây giờ. Lãnh đạo về hưu, có chiếc xe, được cấp cái nhà… không thấy dân chửi.

Giờ dân không gọi cán bộ nữa, mà gọi quan chức, là có cái lý của nó. Cảm xúc của nhân dân, là vì cán bộ quá giàu, giàu một cách vô lý khi mặt bằng xã hội đang cực thấp. Công trạng thì ít mà quyền lợi sum suê. Quốc gia nghèo, lương quan chức ba đồng ba cọc mà sống xa hoa trụy lạc, không tham nhũng hối lộ thì ở đâu ra?

Cảm xúc tiêu cực của nhân dân, phần nữa là quan chức nói dối không biết ngượng. Đã đặc quyền đặc lợi rồi, còn nêu cao tấm gương cần kiệm, học tập làm theo đủ thứ. Quan chức ngày tham nhũng đêm viết đề án chống tham nhũng thì giống tay ăn cắp miệng la làng. Dân nào cảm tình nổi?

Cái nguy hiểm, là những ngôn thuyết, những sinh hoạt kêu ca, báo cáo đẹp… chính là cái mặt nạ vàng quan chức thi nhau dùng để che đậy sự dối trá lật lọng của mình. Càng giáo điều bao nhiêu, quan chức càng dễ suy đồi bấy nhiêu. Đó là lý do khiến chất lượng đảng viên ngày càng đi xuống. Đảng quen nghe ca tụng, thi thoảng cũng nên lắng nghe những lời ngay thật như vậy.

Cứ nhìn đâu cũng thấy tự diễn biến, tự chuyển hóa thì cũng giống như một người luôn chê kẻ khác xấu mà chẳng bao giờ chịu soi gương!

Nguyễn Tiến Tường
(FB Nguyễn Tiến Tường)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét