Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

VN cần làm gì để bảo vệ sản xuất nội địa?

VN cần làm gì để bảo vệ sản xuất nội địa?
24 tháng 7 2018 Việt Nam nên coi tình huống chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra là một "tình trạng khẩn cấp" để kịp thời có các biện pháp giúp bảo vệ sản xuất nội địa, một chuyên gia thống kê học từng làm việc cho Liên Hợp Quốc nói với BBC. Các biện pháp khẩn cấp có thể bao gồm từ việc xác định khẩn trương tình trạng phá giá, tuồn hàng đến ra lệnh hoặc luật cấm hay cấm hẳn các công ty trong nước nhập hàng hóa, sản phẩm tương tự của nước ngoài để tái xuất với nhãn của Việt Nam, vẫn theo ý kiến này.
Việt Nam nên coi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 
là một 'tình trạng khẩn cấp', theo TS. Vũ Quang Việt
Cụ thể hơn, Việt Nam cần đặc biệt đề phòng hàng hóa của Trung Quốc tràn vào Việt Nam và hàng hóa của nước này 'đội nhãn mác của Việt Nam' để tránh đòn thuế của Mỹ và các tác động tiêu cực khác, một cựu thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam các nhiệm kỳ trước đây nói với BBC.

Việt Nam cần sửa soạn các động tác thích hợp khi có tình trạng khẩn cấp, các luật thương mại đều cho phép quốc gia bảo vệ thị trường của mình khi đối tác hoặc vi phạm hiệp định của WTO, hoặc trường hợp khẩn cấp bảo vệ sản xuất nội địa, đưa ra các biện pháp tạm thời để tự bảo vệ mình - TS. Vũ Quang Việt

Trong một ý kiến chia sẻ với BBC từ New York, Tiến sỹ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc nêu quan điểm:

"Theo tôi, Việt Nam cần sửa soạn các động tác thích hợp khi có tình trạng khẩn cấp, các luật thương mại đều cho phép quốc gia bảo vệ thị trường của mình khi đối tác hoặc vi phạm hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc trường hợp khẩn cấp bảo vệ sản xuất nội địa, đưa ra các biện pháp tạm thời để tự bảo vệ mình.

"WTO cũng có điều khoản về trường hợp có thể có biện pháp đáp trả trong ba trường hợp khi nước đối tác bán phá giá hàng dư thừa dưới giá bán ở nước của họ, hay nước đối tác bù lỗ sản xuất hoặc nước chủ nhà cần có biện pháp khẩn cấp tạm thời hạn chế nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất nội địa.

"Tất nhiên, các vấn đề tranh chấp khác như bù lỗ sản xuất, phá giá hàng hóa có thể phải thông qua trao đổi giữa hai nước và xét xử của WTO, trừ trường hợp khẩn cấp.

"Tuy nhiên, theo tôi, nếu như có cuộc chiến tranh thương mại Trung Mỹ và nếu như Trung Quốc tuồn hàng sang Việt Nam để tiêu thụ hàng bị ế do không thể xuất sang Mỹ; hoặc do Mỹ đánh thuế nhập khẩu cao hàng hóa có mác Trung Quốc nên cần dùng mác Việt Nam để xuất sang Mỹ, thì đó là tình trạng khẩn cấp cho phép Việt Nam có biện pháp khẩn cấp để bảo vệ sản xuất của nước mình.

"Vấn đề theo tôi là xác định khi nào điều này xảy ra mà thôi."

Biện pháp cụ thể nào?

Trước câu hỏi, nếu 'tình trạng khẩn cấp' được thiết lập, thì các biện pháp cụ thể là gì và nên được tiến hành với cách thức ra sao, chuyên gia kinh tế và thống kê học từ New York cho hay:

"Trước tiên, cần nói rõ là Việt Nam nên coi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là tình trạng khẩn cấp. Trước khi hành động, Việt Nam cần phải báo cho phía cả phía Trung Quốc và WTO lý do và có chứng cớ thống kê đầy đủ.

Việt Nam cần ra lệnh hoặc ra luật cấm hẳn các công ty của Việt Nam, hoặc đăng ký ở Việt Nam, nhập sắt thép hay hàng hóa tương tự để dùng mác hàng Việt Nam xuất sang nước khácTS Vũ Quang Việt

"Việt Nam cần ra lệnh hoặc ra luật cấm hẳn các công ty của Việt Nam, hoặc đăng ký ở Việt Nam, nhập sắt thép hay hàng hóa tương tự để dùng mác hàng Việt Nam xuất sang nước khác. Cần làm rõ là vi phạm có thể bị phạt nặng và đi tù, kể cả đóng cửa hãng. Điều này theo tôi cần biện pháp khẩn cấp.

"Đồng thời, theo tôi Việt Nam cần mau sớm xác định tình trạng phá giá tuồn hàng bằng cách tăng cường công tác thống kê hải quan, nhằm theo dõi đơn giá và lượng từng mặt hàng từng tuần lễ.

"Trong trường hợp nếu biết rõ Trung Quốc giảm giá, thì cần phải đánh thuế nhập tương đương với mức giảm giá. Như vậy ngành thống kê hải quan của Việt Nam phải xem xét kỹ lưỡng hai thứ là lượng từng loại mặt hàng nhập vào và đơn giá của những mặt hàng hàng ấy. Thí dụ, nếu giá giảm 5% và lượng tăng 5% trong một tháng thì phải sẵn sàng hành động.

"Theo tôi, các biện pháp đối sách cần được sửa soạn, công bố một cách rộng rãi và áp dụng trong trường hợp khẩn cấp khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được cho là chính thức xảy ra," Tiến sỹ Vũ Quang Việt nêu quan điểm.

'Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết'

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu và có những diễn biến phức tạp, tiêu cực đến thương mại toàn cầu

Hôm 13/7/2018, bên lề một Hội thảo tư về Việt Nam Học tại Đại học Warsaw Banacha 2, Ba Lan, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam các nhiệm kỳ trước, đưa ra bình luận với BBC:

"Cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay đã bắt đầu và đang diễn biến rất phức tạp và sẽ tác động tiêu cực đến nền thương mại toàn cầu.

"Và trong cuộc chiến tranh thương mại đó chắc chắn sẽ tác động đến Việt Nam vì hiện nay doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm đến 71% tổng xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam phải hết sức chủ động đề phòng và đề xuất ra các phương án để tìm kiếm ra những thị trường thích hợp, tránh 'trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chếtTS. Lê Đăng Doanh

"Và Việt Nam là một nước đã mở rất mạnh, tổng giá trị xuất và nhập khẩu của Việt Nam trên GDP hiện nay đã lên đến 169%, tức là các biến động trên thế giới sẽ tác động rất nhiều đến sự tăng trưởng của Việt Nam.

"Vì vậy Việt Nam cần đề phòng khả năng hàng hóa của Trung Quốc tràn vào thị trường của Việt Nam, và hàng hóa của Trung Quốc lại đội nhãn mác của Việt Nam để bán sang thị trường Hoa Kỳ để tránh đòn thuế của phía Hoa Kỳ và những tác động tiêu cực khác.

"Phía Việt Nam phải hết sức chủ động đề phòng và đề xuất ra các phương án để tìm kiếm ra những thị trường thích hợp, tránh 'trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chết,' Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, người từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) nói với BBC.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-44942022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét