Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Người nông dân cầm súng’ bị y án tử hình

Người nông dân cầm súng’ bị y án tử hình
12/07/2018 - Tòa án Nhân dân cấp cao TPHCM hôm 12/7 giữ nguyên bản án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến, người nông dân đã nổ súng vào nhóm người mang hung khí đến san ủi vườn cây của ông trong một vụ tranh chấp đất đai kéo dài, khiến 3 người chết và 13 người bị thương vào năm 2016 ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Nông dân Đặng Văn Hiến tại phiên tòa phúc thẩm.
Cập nhật thông tin sau phiên xử phúc thẩm, Luật sư Nguyễn Văn Quynh, người bào chữa cho ông Hiến và các nông dân khác, cho VOA biết: “Diễn biến phiên tòa hôm nay và trong bối cảnh vụ án xảy ra, anh Hiến bị tòa cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm hôm nay nhận định là có hành vi theo điểm n, Khoản 1, Điều 93, là tình tiết định khung tăng nặng, là có hành vi côn đồ. Chúng tôi hôm nay hoàn toàn bác bỏ hành vi đó, nhưng không được tòa chấp nhận”.

Vụ nổ súng “giữ đất” của nhóm nông dân xảy ra tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, vào ngày 23/10/2016, khi hơn 30 công nhân công ty Long Sơn vũ trang gậy gộc, khiên chắn, bao đá… đến cưỡng chế đất, san ủi, hủy hoại vườn cây của người dân để thực hiện các dự án nông lâm nghiệp.

Tranh chấp đất đai giữa công ty Long Sơn và nhóm nông dân đã kéo dài từ hơn 8 năm trước, nhưng không được chính quyền xem xét giải quyết.

Đến ngày 23/10/2016, chứng kiến nhóm công nhân của Công ty Long Sơn kéo đến san ủi vườn điều, cà phê, vốn là toàn bộ tài sản của mình, ông Hiến và một số nông dân đã dùng súng tự chế bắn cảnh cáo. Nhưng nhóm công nhân Long Sơn vẫn tiếp tục ném đá, tấn công, khiến các nông dân phải bắn trả.

Trong vụ nổ súng có 3 người chết tại chỗ và 13 người khác bị thương.

Ông Đặng Văn Hiến sau đó đã bỏ trốn, nhưng theo lời khuyên của nhiều người, ông quyết định ra đầu thú để được “hưởng sự khoan hồng của pháp luật”.

Rất đông người đi theo dõi phiên xử phúc thẩm nông dân Đặng Văn Hiến.

Trong phiên xử sơ thẩm hồi đầu năm nay ở Đăk Nông, rất đông người dân đi theo dõi vụ xét xử đã bày tỏ phẫn nộ, gây ra cảnh hỗn loạn sau khi tòa tuyên tử hình ông Hiến và các mức án nặng cho nhóm nông nhân, những người mà theo họ đã bị “dồn đến bước đường cùng” mới phải dùng đến súng.

Tại phiên phúc thẩm ngày 12/7, Hội đồng Xét xử (HĐXX) đã quyết định giảm án cho nông dân Ninh Viết Bình từ 20 năm xuống còn 18 năm, nông dân Hà Văn Trường từ 12 năm xuống 9 năm, Phó Giám đốc Công ty Long Sơn Nghiêm Xuân Thiên Sửu từ 6 năm xuống còn 4 năm, Trưởng quản lý Công ty Long Sơn Phạm Công Thiện từ 4 năm xuống còn 2 năm, ông Đoàn Văn Diện-người bị kết tội Che giấu tội phạm- từ 9 tháng tù giam xuống 9 tháng tù treo.

Nhưng HĐXX nói các chứng cứ luật sư đưa ra đối với trường hợp của ông Hiến là “không mới” và “không có tình tiết giảm nhẹ” nên giữ nguyên mức án tử hình. Luật sư của ông Hiến phủ nhận điều này và nói:

“Không. Rất nhiều, rất nhiều cái mới, nhưng tòa lập luận rằng do tính chất nghiêm trọng của vụ án nên xét thấy mức án mà tòa cấp sơ thẩm tuyên hình phạt cao nhất đối với Hiến là có căn cứ, nên cấp phúc thẩm không chấp nhận những tình tiết mới”.

LS. Quynh dẫn chứng một số tình tiết mới, mà theo ông là “có giá trị giảm nhẹ”, như việc tiếp tục khắc phục hậu quả cho các nạn nhân, và thực tế là chính thân nhân, gia đình của các nạn nhân cũng đã làm đơn xin miễn án tử hình cho ông Hiến.

Vợ ông Đặng Văn Hiến khóc xin tòa xem xét lại bản án của chồng.

Luật sư bào chữa cũng lặp lại quan điểm cho rằng ông Hiến và các nông dân khác đã phạm tội “trong trạng thái tinh thần kích động mạnh”, bị dồn nén lâu và không mang tính chất côn đồ.

“Trong cuộc tranh luận tại phiên phúc thẩm ngày 12/7, Hội đồng Xét xử cũng ghi nhận rất rõ là có sự kích động mạnh về tinh thần”, LS. Quynh cho biết thêm.

Người bào chữa cho ông Hiến nói mức án tử hình đối với ông Hiến là “quá nặng” và “quá nghiêm khắc”, và cho biết ông và gia đình ông Hiến đã quyết định làm đơn ngay để gửi cho Chủ tịch nước xin được ân xá.

Sau vụ nông dân Đoàn Văn Vươn nổ súng, đây là vụ án “nông dân cầm súng” được nhiều người quan tâm nhất, giữa bối cảnh ngày càng có nhiều vụ cưỡng chế đất đai gây bức xúc trên cả nước, dẫn đến hành vi mang tính “bùng nổ” của người dân.

Sau khi ông Hiến bị bắt, người dân ở tiểu khu 1535 đã thay nhau chăm sóc gia đình ông, vốn là hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất, với con trai chưa tròn 2 tuổi ngày ông bị bắt đi. Một người dân nói với báo chí rằng “Nếu chú ấy phải chết, chúng tôi sẽ góp tiền nuôi hai đứa con của chú ấy đến khi trưởng thành”.

Tin cho hay trong phiên tòa phúc thẩm, nhiều người thân của ông Hiến đã khóc và quỳ xuống xin HĐXX xem xét lại bản án, trong khi hàng trăm người vây quanh cửa ra vào phòng xử, buộc các lực lượng chức năng phải đưa bị cáo ra tòa bằng cổng sau.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-nong-dan-cam-sung-bi-y-an-tu-hinh/4479782.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét