Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Phản đối hay 'tha thứ' chủ tịch ĐH Fulbright VN?

Phản đối hay 'tha thứ' chủ tịch ĐH Fulbright?
Chuyện Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam là một cựu chiến binh bị cáo buộc liên quan tới vụ thảm sát trong cuộc chiến Việt Nam đang gây ra tranh cãi về việc, liệu vai trò của ông ở Việt Nam có phù hợp hay không. Quan sát bình luận trên mạng xã hội và truyền thông Việt Nam có thể thấy có hai luồng ý kiến chính, một phản đối vai trò của ông Bob Kerrey, và một cho rằng, nên nhìn xa ra khỏi câu chuyện quá khứ.
Ông Bob Karrey thừa nhận trách nhiệm trong cuộc chiến 
Việt Nam ở buổi họp báo hồi tháng Tư năm 2001 tại New York
Hôm 01/06, trang Zing đăng bài viết của bà Tôn Nữ Thị Ninh với tựa đề: "Lẽ nào nước Mỹ không còn ai khác ngoài Bob Kerrey?". Bài viết của vị cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu và tại Bỉ khẳng định, bà "không phải là người vì quá khứ mà “ghét” hay ác cảm với người Mỹ".

Nhưng bà cho rằng, "không thể nhân danh tương lai mà bỏ qua sự thật đó", bà nhắc tới việc ông Bob Kerrey thừa nhận liên quan tới vụ giết hại ở Thạnh Phong, và "không thể coi việc giữ vị trí lãnh đạo của đại học nhiều tham vọng như ĐH Fulbright là cách sửa sai cho những hành động trong quá khứ."

Tương tự quan điểm của bà Tôn Nữ Thị Ninh, tác giả cuốn sách đoạt giải Pulitzer gần đây, ông Nguyễn Thanh Việt viết trên Facebook cá nhân cũng đặt câu hỏi, "những người phụ trách Đại học Fulbright, lẽ nào lại không thể tìm được ai khác có đủ khả năng dẫn dắt trường.

"Việt Nam muốn tiến về phía trước và Hoa Kỳ muốn đặt quá khứ lại phía sau nhưng không nhất thiết phải xoay quanh một con người."

Tiếp theo, ông nhắc tới mô hình đại học tư nhân, với ông Bob Kerrey từng là chủ tịch của New School, nêu việc nhiệm kỳ của ông Kerrey kết thúc là do không qua được vòng bỏ phiếu tín nhiệm.

"Rất tuyệt nếu Việt Nam có được đại học tư nhân với tiêu chuẩn phương Tây, nhưng người Việt Nam nên nhận thức rằng đi kèm với mô hình này là những việc cho thấy các vấn đề tương tự rộng lớn hơn của tư bản chủ nghĩa dẫn tới việc đặt lợi nhuận trên hết."

'Tha thứ'

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trước cuộc họp về Đại học Fulbright hồi tháng 8/2015

Trang Facebook của Đỗ Minh Thùy, một chuyên gia về thương hiệu và truyền thông nhắc lại bài báo trên tạp chí Time đăng năm 2001, khi chị cùng một nhóm phóng viên về Thạnh Phong, Bến Tre để tìm hiểu về sự việc và nói đã gặp được nhân chính và "nghe bà Lành kể câu chuyện".

"Giờ đây sau 15 năm, báo chí và dư luận Việt Nam nổ ra tranh cãi quanh việc Bob Kerrey được bầu chọn làm Chủ tịch hội đồng tín thác (President of Board of Trustees) của Đại học Fulbright Việt Nam.

"Mới thấy, quá khứ sẽ không bao giờ ngủ yên. Con người mạnh dạn đối mặt với những gì xảy ra trong quá khứ, ngoài việc gửi những lời xin lỗi tới nạn nhân từ đáy lòng và hơn hết là nỗ lực làm việc không ngừng để bù đắp tội lỗi gây ra sẽ là người thanh thản bước tới."

Nhà báo Trương Huy San, còn được biết đến là Ôsin Huy Đức, tác giả cuốn Bên Thắng cuộc kết thúc bài bình luận trên Facebook của ông về vụ việc này bằng lời nhắc, ông Kerrey tới Việt Nam lần này không còn là "đại úy biệt kích".

"Theo tôi, báo chí VN cũng không nên né tránh chuyện ông Bob Kerrey đã từng tham gia "thảm sát phụ nữ trẻ em". Nhưng đừng sử dụng những ngôn từ súng đạn. Bob Kerrey đến VN lần này không phải là lần đầu và ông ấy không còn là "đại úy biệt kích" lăm lăm dao súng nữa."

Ảnh tư liệu về người dân di tản trong cuộc chiến Việt Nam

Ông Lương Hoài Nam, cựu Tổng giám đốc hãng hàng không Jetstar viết trên Facebook rằng ông chọn tha thứ: "Cùng các cựu chiến binh Mỹ John Kerry, John McCain, ông Kerrey đã tích cực vận động bỏ cấm vận kinh tế, cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

"Ở tuổi 74, ông trở lại Việt Nam với một dự án đại học phi lợi nhuận như nỗ lực cuối đời với đất nước nơi mà ông đã từng phạm sai lầm, ta lại đuổi ông đi, tôi cảm thấy không yên tâm với chính bản thân tôi.

"Tôi muốn học cách đối xử với lịch sử ở người Nhật - cách đối xử nhìn từ tương lai, vì tương lai."

Hôm 31/05, ông Bob Kerrey trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt qua email, nói ông đã vận động để thành lập trường này từ đầu thập niên 1990 nhưng nay 'sẵn sàng rút lui'.

Trong thư trả lời nhà báo Nguyễn Hùng , ông Kerrey viết về vị trí của ông ở Đại học Fulbright Việt Nam:

"Chức danh này, tôi tin là hợp lý khi nói, nó to tát hơn ở Việt Nam so với ở Hoa Kỳ nơi chức danh dành cho người đóng vai trò chính trong việc gây quỹ cho Hiệu trưởng.

"Tôi chắc chắn là có nhiều người đủ khả năng để làm chủ tịch và tôi sẽ vui lòng rút lui nếu tôi thấy vị trí của tôi ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trường."

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/06/160601_social_media_bob_kerrey_fulbright

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét