Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Bob Kerrey & Đại học Fulbright Việt Nam

Bob Kerrey & Đại học Fulbright
Huy Đức - Sáng qua, trên lề đường phố Bát Đàn, khi tôi đang đọc bài trên Zing về Bob Kerrey thì gặp nhà báo Quoc Phong dẫn một ông tiến sỹ Việt Kiều (qua Mỹ từ 1968) tới ngồi cùng hàng chè chén. Vị giáo sư - từng thiên tả thời sinh viên - kể, mấy đứa con của ông sinh ra ở Mỹ, cũng đang trở nên rất "tả", chúng bức xúc với các "mặt trái của xã hội Mỹ". Nhưng, khi về Việt Nam, theo một dự án, được Trung ương Đoàn đón tiếp "nồng ấm" lại ca ngợi Việt Nam như là một xã hội không có bao nhiêu "mặt trái".

Ông Bob Kerrey
Rồi chúng tôi bàn một chút về "thiên tả". Tôi nói với ông tiến sỹ, Marx không phải không đúng khi chỉ ra những khiếm khuyết của CNTB thời ông. Nhưng Marx và các cộng sự đã không nhận ra rằng, CNTB ngay cả khi "hoang dã" nhất vẫn có thể sinh ra và chứa chấp Marx, những người có thể chỉ ra sai lầm của nó. Marx và các công sự đã sai khi không nhận ra khả năng đón nhận chỉ trích và tự điều chỉnh của mô hình mà các ông ấy sống.

Chính phủ Mỹ cấp học bổng cho hàng nghìn sinh viên VN và tôi chưa từng nghe nói họ đưa ra ràng buộc nào với những người này ngoại trừ việc phải quay về VN phục vụ. Cũng có nhiều du học sinh choáng ngợp với sự "phồn vinh" trong khi cũng có nhiều người trở nên "tả" hơn khi tiếp cận với môi trường đại học Mỹ nơi cả sinh viên và giáo sư thường xuyên chỉ trích chính quyền của mình.

Họ (các giáo sư và sinh viên Mỹ) làm thế vì cho rằng, bổn phận của chính quyền là phải làm tốt, cho nên chính quyền có làm gì đó tốt là đương nhiên - báo chí và trí thức không việc gì phải khen - chỉ khi chính quyền làm sai, chính khách nói bậy thì báo chí và trí thức mới phải ào ào chỉ trích.

Chính Obama khi ở Hà Nội cũng thừa nhận nước Mỹ vẫn còn rất nhiều vấn đề. Những việc làm của Bob Kerrey trong chiến tranh Việt Nam bị báo chí Mỹ điều tra khi ông đang còn là một thượng nghị sỹ có nhiều quyền lực.

Việc làm đó của các nhà báo ở Washinton Post, New York Times... thật đáng ngưỡng mộ. Tôi nghĩ, các nhà báo Việt Nam coi trọng sự thật và đề cao tính minh bạch ngoài việc thông tin các thành quả của đồng nghiệp, nếu thực sự yêu nước, cũng nên làm những cuộc điều tra tương tự về phía chính quyền mình.

Có thể các trí thức, nhà báo khi chỉ trích Mỹ đã tin rằng chính quyền Việt Nam tốt hơn chính quyền của Mỹ. Nhưng theo tôi, nếu muốn VN không xấu đi thì thay vì chỉ chỉ trích Mỹ vẫn phải chỉ ra những cái sai hiện tại và những cái sai trong quá khứ của chính quyền mình. Chỉ có minh bạch mới giúp các chính quyền bớt đi những hành vi mờ ám.

Tôi cũng rất muốn biết vì sao FUV lại chọn một người dễ gây tranh cãi như Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng tín thác. Nhưng tôi nghĩ, ông Thomas J. Vallely - người dành gần ba thập niên giúp Việt Nam và đang dồn hết sức mình cho FUV, vừa được trao giải thưởng Phan Chu Trinh - chắc chắn có lý do khi đưa ra quyết định đó. Tôi nghĩ, các nhà báo thay vì chỉ trích, nên tạo điều kiện cho hai ông nói thêm những cân nhắc của họ khi đưa ra quyết định này.

Lần trở lại mới đây của Bob Kerrey làm tôi nhớ tới sự kiện năm 1998, năm kỷ niệm 30 năm cuộc thảm sát Sơn Mỹ. Khi đó, đài truyền hình CBS đưa Hugh Thompson và Lawrence Colburn - hai phi công Mỹ dùng trực thăng cứu hàng chục người dân Sơn Mỹ khỏi cuộc thảm sát bởi những lính Mỹ khác - tới Quảng Ngãi.

Những người làm phim của chương trình "60 phút", bao gồm cả phóng viên huyền thoại Mike Wallace, muốn có một cuộc gặp giữa hai ông với chính quyền tỉnh. Nhưng Quảng Ngãi từ chối. Đúng lúc đó thì Thủ tướng Phan Văn Khải công cán đến tỉnh này.

Trong giờ ăn trưa, khi có bí thư Võ Đức Huy, tôi kể chuyện đó với Thủ tướng. Ông Phan Văn Khải nói ngay: "Huy, sao lại không tiếp họ; ngay cả những người lính đã bắn vào mình trong cuộc thảm sát đó mà tới đây, muốn gặp, mình cũng sẵn sàng gặp để nghe xem họ muốn nói gì". Tỉnh Quảng Ngãi sau đó đã đưa một phó chủ tịch tiếp Thompson, Colburn và các nhà báo Mỹ (Đương Phạm).

Không phải Thủ tướng Phan Khải quên "tội ác" của họ, tôi nghĩ, ông hiểu, ngay cả những người "đã gây tội ác" bây giờ quay trở lại VN đã ở trong tâm thế khác và đặc biệt là họ không còn mang theo vũ khí.

Theo tôi, báo chí VN cũng không nên né tránh chuyện ông Bob Kerrey đã từng tham gia "thảm sát phụ nữ trẻ em". Nhưng đừng sử dụng những ngôn từ súng đạn. Bob Kerrey đến VN lần này không phải là lần đầu và ông ấy không còn là "đại úy biệt kích" lăm lăm dao súng nữa.

Huy Đức
(FB Trương Huy San)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét