Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Bắc Kinh đã thiết kế xong vùng ADIZ trên Biển Đông

Bắc Kinh đã thiết kế xong vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông
Biển Đông: Vì hung hăng, Trung Quốc sắp mất thêm «bạn» Malaysia ?
Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay 01/06/2016 đã trích dẫn nhiều nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã hoàn chỉnh phương án thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, nhưng sẽ chỉ tuyên bố áp dụng trong trường hợp bị Mỹ lấn lướt. Việc tiết lộ nguồn tin đáng ngại này được cho là nhằm gây thêm sức ép trên Hoa Kỳ vào lúc sắp mở ra cuộc đối thoại chiến lược thường niên gọi là « 2+2 » giữa Bắc Kinh và Washington.
Bắc Kinh đã thiết kế xong vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông Hai chiếc F/A-18 Super Hornets và hai SU-30MKM/Flanker H của Malaysia,bay phía trên chiến hạm USS Carl Vinson của Mỹ trong cuộc tập trận tại Biển Đông ngày 10/05/2015.
Theo báo South China Morning Post, các nguồn tin phù hợp từ giới có liên hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc và từ một chuyên san quốc phòng có uy tín tại Canada đều đã thẩm định rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, hai năm sau khi tuyên bố một vùng tương tự trên Biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ Trung Quốc thì thời điểm Bắc Kinh công khai tuyên bố vùng nhận dạng đó còn tùy thuộc vào tình hình an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Mỹ và quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh với các láng giềng.

Theo nguồn tin trên : « Nếu quân đội Mỹ tiếp tục có hành động khiêu khích nhằm thách thức chủ quyền Trung Quốc trong khu vực thì đó chính là cơ hội tốt để Bắc Kinh tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông ».

Bao trùm Hoàng Sa và 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa


Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Trung Quốc tự công bố trên Biển Hoa Đông.. wikipedia

Chuyên san quốc phòng Hán Hòa (tên tiếng Anh là Kanwa Defense Review), trụ sở Canada, cho biết nhiều thông tin cụ thể về quy mô vùng phòng không trên Biển Đông mà Bắc Kinh đã thiết kế, và thời điểm thông báo chính thức là một quyết định chính trị.

Theo Kanwa, vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc sẽ dựa vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) quanh đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, và quanh 7 đảo nhân tạo vừa được Trung Quốc bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Nghê Nhạc Hùng (Ni Lexiong), chuyên gia bình luận quân sự ở Thượng Hải, nói 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa đã tạo nền tảng để Trung Quốc lập vùng phòng không trên Biển Đông.

Theo ông Trương Nghị Hoằng (Andrei Chang), tổng biên tập chuyên san Kanwa : « Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông của Trung Quốc sẽ chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Malaysia »,

Nhật báo Hồng Kông đã đặt câu hỏi cho bộ Quốc Phòng Trung Quốc về vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông và đã được trả lời bằng văn bản rằng việc ban bố một vùng phòng không là «quyền của một quốc gia có chủ quyền».

Về thời điểm thiết lập một vùng như vậy, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cũng xác định rằng điều đó tùy thuộc vào vấn đề « liệu Trung Quốc có phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh từ trên không hay không và mức độ đe dọa an toàn trên không thế nào ».

Giới quan sát đã nêu bật thái độ tiền hậu bất nhất của Trung Quốc. Theo báo mạng Philippines Rappler, nếu Bắc Kinh tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, thì đó sẽ là một sự quay ngoắt hoàn toàn với tuyên bố của bộ Ngoại Giao Trung Quốc năm 2014, theo đó Bắc Kinh không cần đến vùng phòng không tại Biển Đông.

Hoa Kỳ đã nhiều lần cho biết là sẽ không bao giờ công nhận một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.
Gần đây nhất, vào tháng Ba vừa qua, ông Robert Work, thứ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã lại nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ không công nhận một vùng cấm tương tự trên Biển Đông như đã từng không công nhận vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông.

Trung Quốc từng thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông vào tháng 11/2013, bao trùm lên cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có tranh chấp với Nhật Bản. Động thái này đã bị cả Mỹ, Nhật Bản lẫn Hàn Quốc cực lực phản đối.

*** 
Biển Đông: Vì hung hăng, Trung Quốc sắp mất thêm «bạn» Malaysia ?


Hai chiếc F/A-18 Super Hornets và hai SU-30MKM/Flanker H của Malaysia,bay phía trên chiến hạm USS Carl Vinson của Mỹ trong cuộc tập trận tại Biển Đông ngày 10/05/2015.. LT. JONATHAN PFAFF / US NAVY / AFP

Trước việc Trung Quốc ra oai tại Biển Đông, Malaysia đang cân nhắc phản ứng cứng rắn hơn. Trong một phóng sự công bố hôm nay, 01/06/2016, hãng tin Anh Reuters đã đưa ra nhận định như trên về chuyển biến gần đây trong chính sách Biển Đông của Kuala Lumpur, từ một thái độ nhẫn nhịn đang ngày càng có dấu hiệu cứng rắn hơn trước các động thái hung hăng áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hãng tin Anh đã nêu bật một sự cố xẩy ra hồi tháng Ba vừa qua tại khu vực bãi cạn South Luconia, nằm ở phía nam Biển Đông, hiện do Malaysia quản lý nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Một hôm, khi đang tuần tra trong khu vực, một chiếc tàu của lực lượng tuần duyên Malaysia đã đột nhiên thấy một chiếc tàu lớn lao thẳng về phía họ với tốc độ cao và hụ còi inh ỏi. Khi tiến gần đến nơi, chiếc tàu lạ đã bẻ lái ngoặt sang hướng khác, để lộ dòng chữ « Cảnh Sát Biển Trung Quốc » trên thân tàu.

Theo một quan chức thuộc Cơ Quan Thực Thi Hàng Hải Malaysia (MMEA), họ đã phát hiện tàu cảnh sát biển Trung Quốc nhiều lần xung quanh khu vực bãi cạn South Luconia, ngoài khơi thị trấn giàu dầu mỏ Miri thuộc bang Sarawak của Malaysia, thế nhưng hôm đó hành động lao tàu như vậy « chẳng khác gì một mưu toan tấn công, có thể là để hù dọa ». Viên chức này xin giấu tên, nhưng đã cho hãng Reuters xem một đoạn video ghi lại sự cố chưa hề được báo cáo đó.

Hành động hung hăng kể trên của tàu hải cảnh Trung Quốc xẩy ra vào lúc dư luận Malaysia đang hết sức quan ngại trước vụ hàng trăm tàu cá Trung Quốc xuất biện trong khu vực South Luconia, có tàu hải cảnh Trung Quốc đi theo bảo vệ.

Chính trong bối cảnh đó mà nhiều tiếng nói đã vang lên đòi chính quyền Malaysia phải có phản ứng dứt khoát hơn đối với hành vi coi thường Malaysia của Trung Quốc, và từ bỏ thái độ nhẫn nhịn vốn có để khỏi đụng chạm một đối tác thương mại và một nhà đầu tư lớn.

Liên tiếp trong hai năm 2013 và 2014, Hải Quân Trung Quốc đã hai lần kéo đến tập trận ngay tại bãi cạn James Shoal mà Malaysia tuyên bố chủ quyền, cách bờ biển bang Sarawak không đầy 50 hải lý. Thế nhưng Kuala Lumpur đã công khai giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của hành vi khiêu khích đó. Cũng như vậy, Malaysia cũng đã làm ngơ trước vụ ngư dân Malaysia ở cảng Miri, bang Sarawak bị lực lượng võ trang trên tàu Cảnh Sát Biển Trung Quốc hiếp đáp.

Thế nhưng, sau vụ 100 tàu cá Trung Quốc tại bãi cạn South Luconia tháng Ba vừa qua, Malaysia như đã thay đổi thái độ. Theo hãng Reuters, một viên tướng cấp cao của Malaysia đã cho rằng Kuala Lumpur bây giờ cần phải đứng lên chống lại những hành vi xâm nhập hải phận Malaysia do Trung Quốc tiến hành. Để trấn an dân tình, chính quyền Kuala Lumpur còn loan báo cho triển khai tàu Hải Quân đến khu vực, và trong một động thái hiếm hoi, cho triệu mời đại sứ Trung Quốc lên để đòi giải thích rõ vụ việc.

Vấn đề là Bắc Kinh vẫn phớt lờ phản đối của Kuala Lumpur. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc không hề nhận lỗi, với luận điệu cố hữu là tàu cá của họ chỉ đánh bắt bình thường ở « các vùng biển liên quan ».

Phải chăng thái độ « ngoan cố » của Trung Quốc đã khiến Malaysia nổi giận ? Chỉ biết là một vài tuần sau đó, Malaysia đã công bố kế hoạch thiết lập một căn cứ hải quân tiền phương gần Bintulu, phía Nam của Miri. Theo bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia, cơ sở đó sẽ có trực thăng, máy bay do thám không người lái và một lực lượng đặc nhiệm, có nhiệm vụ bảo vệ tài sản dầu mỏ và khí đốt phong phú của đất nước.

Kuala Lumpur đã giải thích đó là để đối phó với nguy cơ tấn công của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, đang hoạt động tại miền Nam Philippines, tức là cách đấy hàng trăm cây số về phía Đông Bắc. Nhưng theo Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, ông không hề tin rằng Daech là mục tiêu, hàm ý rằng hành vi trên Biển Đông của Trung Quốc mới là đích nhắm thực sự.

Trọng Nghĩa
RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét