Việt Nam đang cắt cổ con gà đẻ trứng vàng của mình.
Đất nước này chỉ thấy hai con đường: Một là dân tộc này xuôi tay, cam tâm một cổ hai tròng, làm nô lệ cho tài phiệt nước ngoài và bọn ma cô lãnh đạo. Hai là phản kháng lại, để làm chủ vận mạng của chính cá nhân và đất nước mình.
Không biết khu công nghiệp thuộc Vũng Áng sẽ đóng góp bao nhiêu vào GDP của Việt Nam ? Chưa tính được, vì khu công nghiệp chưa đi vào hoạt động. Chuyện tính được là con gà đẻ trứng vàng "kỹ nghệ du lịch", đang đóng góp hàng năm trên 10% GDP, có thể nay mai sẽ bị nhà nước CSVN cắt cổ làm món "xé phai" cho tập đoàn Formosa nhậu. Đó là chưa nói đến "nồi cơm" của hàng chục ngàn gia đình ngư dân sinh sống trên vùng biển dài trên 250 cây số cũng sẽ bị nhà nước đập bể.Một bài báo trên Pháp Luật ghi lại lời của viên chủ tịch xã thuộc tỉnh Quảng Bình, cho biết là rạng san hô khổng lồ cách bờ biển khoảng 2 hải lý của vùng biển này đã chết. Dĩ nhiên cùng với những sinh vật khác như cá, ốc, vẹm biển... Nhà báo tháp tùng thợ lặn chứng kiến những xác cá, ốc cùng những sinh vật khác được thợ lặn đưa từ đáy biển lên tàu. Theo lời thợ lặn, cá chết sắp lớp dưới đáy biển.
Thông thường, những sinh vật chết dưới biển, xác sẽ không tồn tại được lâu. Những sinh vật sống khác như cá, tôm, cua... sẽ rỉa xác con vật chết. Đó cũng là chu kỳ sinh trưởng và hủy diệt của sinh vật biển.
Kết luận gì ở việc này ?
Khi mà xác cá từ nhiều tuần qua vẫn không bị những sinh vật khác rỉa, có nghĩa là trong vùng biển đó không còn tồn tại sinh vật nào khác. Tức là môi trường biển đã chết.
Những con người sống vào biển rồi cũng sẽ chết, chỉ sớm hay muộn.
Có những cái chết khác nhau. Có những cái chết "cấp tính", do ăn những chất hóa học đọng trong thân thể tôm, cá, cua... nuôi trong khu vực. Có những cái chết dài lâu, do bệnh nan y, gây ra do các tạp chất kim loại nặng. Chu kỳ phân hủy của các tạp chất này từ vài năm đến vài chục năm. Tức là, các thế hệ con cháu, chít chắt... của dân sinh sống trong vùng này đều bị ảnh hưởng. Mà chất thải không chấm dứt. Khi mà khu công nghiệp còn hoạt động thì chất độc vẫn tiếp tục thải ra.
Tức là trong tương lai VN sẽ gánh thêm một gánh nặng, ngoài những người già, trẻ thơ... nay lại thêm một tầng lớp người trẻ mắc bệnh nan y. 100 nhà máy Formosa đóng thuế cũng không đủ trả tiền thuốc thang nhập vào để chữa trị.
Đó là hệ quả của sự thất bại trong chiến lược phát triển của "đỉnh cao trí tuệ".
Người ta "trồng cây gì, nuôi con gì" chỉ thành công khi nào môi trường được tuyệt đối bảo vệ. Ngay trong lúc viết những giòng chữ này, sản phẩm cá, tôm của VN nhập ở các nước Âu, Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan... đồng loạt bị trả về. Lý do là nồng độ thuốc kháng sinh quá cao. Nếu không là sản phẩm bị ô nhiễm. Trong khi tin tức cho biết những bè nuôi cá của dân chết hàng loạt. Khu vực biển miền Trung thì đã biết nguyên nhân. Các bè cá trên sông La Ngà cũng chết hàng loạt.
Cá chết thì người ta đổ thuốc (kháng sinh) trị bệnh cho cá tôm ngừng chết. Rốt cục thì tôm, cá cũng không bán được.
Tầm nhìn không xa hơn thửa ruộng đã khiến việc nuôi con gì, trồng cây gì... trở thành việc quẩn quanh từ 4 thập niên.
Đồng bằng sông Cửu Long vừa bị hạn, vừa bị nhiễm mặn, trong lúc sông Cửu Long cạn giòng. Vì vậy mới lộ ra vô số thảm cảnh. Bây giờ có người khuyến cáo bỏ trồng lúa, chuyển qua nuôi tôm, cua. Nhưng được bao lâu ?
Vấn đề là phải có cái nhìn xa hơn, thế nào để cho tỉ lệ thành phần nông dân, ngư dân... ngày càng ít trong xã hội. Không có một xã hội phát triển nào mà thành phần nông, ngư dân chiếm trên 15% dân số. Ở VN, con sô này vẫn còn cao ngất ngưỡng.
Tức là mọi vấn đề phát triển bềnh vững tụ ở hai bước chân: phát triển kinh tế đồng bộ với cải tổ giáo dục.
Các mô hình phát triển của Nhật, Đài Loan, Hàn quốc, Singapour... là như vậy.
Các nước Hàn, Đài Loan... ban đầu phát triển căn bản đặt ở nghề nông. Sau đó bắt qua kỹ nghệ, nhưng thành công là chủ ở việc đào tạo con người. Mỗi người thanh niên nam nữ, vốn là con cháu của những người nông dân trước kia, khi tốt nghiệp đại học phải có công việc tương ứng cho họ. Tức là các ngành công nghệ, khoa học kỹ thuật... phải được phát triển.
Nếu nhìn về thời VNCH, ta thấy nền tảng công kỹ nghệ hóa chất, dược phẩm, cơ khí, đóng tàu, ngân hàng, dịch vụ... đã được bắt rể vững chắc. Những trường đại học như Phú Thọ, Y khoa, Dược khoa, Luật khoa, Kinh tế, Sư phạm... đã đào tạo ra những chuyên gia sẵn sàng phục vụ để xây dựng đất nước. Lý ra đó là "bàn phóng" để VN phát triển "thành rồng".
Thất bại của VN là đến từ người cộng sản VN. Họ đạp phá, cào bằng tất cả. Họ coi trời bằng vung mà không biết trí tuệ của mình chỉ là ếch ngồi đáy giếng. Đến bây giờ mà vẫn huênh hoang với những chiến thắng, với "rũ bùn đứng dậy sáng lòa"...
Thử nhìn qua Afghanistan. Có dân tộc nào "anh hùng" bằng dân tộc này ? Đánh đuổi thực dân Anh, sau đó đánh đuổi Nga, rồi tấn công Mỹ (New York 11-9), cuối cùng đuổi Mỹ ra khỏi đất nước. Hay là nhìn đám Hồi giáo cực đoan IS. Họ "anh hùng" đâu thua cán binh cộng sản?
Thắng Mỹ rồi thì được cái gì ?
Trong khi những dân tộc Nhật, Đức... là hai dân tộc đã thua Mỹ, thua nhục nhã.
Thế chiến Thứ II đã chôn hai dân tộc này xuống bùn đen. Vậy mà 4 thập niên sau họ đã "đứng dậy sáng lòa".
So sánh VN với Nhật và Đức, hay với Afghanistan, đều đúng, với những tương phản rõ nét.
Tôi cho rằng đến bây giờ đã quá trễ để có thể thay đổi một cái gì đó ở VN, ngoài việc xóa hết làm lại từ đầu.
Tôi dự tính viết góp ý để xây dựng lại Sài Gòn trở thành "Hòn ngọc Viễn đông", như danh nghĩa ngày xưa mà Pháp đã đặt cho thành phố này. Khi nhìn lại thì thấy vô ích. Họ kêu gọi góp ý nhưng ý chưa góp thì họ đã đập phá Sài Gòn như họ muốn rồi.
Bây giờ, hơn một tháng mà kết quả nghiên cứu nước biển Vũng Áng vẫn chưa có. Trong khi đó VN lại im lặng trước đề nghị giúp đỡ của viên chức Liên hiệp quốc.
(............................................)
Đất nước này chỉ thấy hai con đường: Một là dân tộc này xuôi tay, cam tâm một cổ hai tròng, làm nô lệ cho tài phiệt nước ngoài và bọn ma cô lãnh đạo. Hai là phản kháng lại, để làm chủ vận mạng của chính cá nhân và đất nước mình.
Trương Nhân Tuấn
(FB Trương Nhân Tuấn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét