'Cần một năm để có kết luận vụ cá chết'?
Để tìm ra đúng nguyên nhân nào và đúng tất cả các nguyên nhân, thì chúng ta cần phải kết hợp rất nhiều các yếu tố, những phân tích v.v... và với kinh nghiệm của chúng tôi, nó sẽ phân tích có khi đến một năm thì mới tìm ra được đúng yếu tố, nguyên nhân đó - Giáo sư Yoshihiko Yamada
Giáo sư Yoshihiko Yamada là một trong các chuyên gia được Việt Nam mời điều tra độc lập vụ cá chết hàng loạt. Sẽ có thể cần tới một năm trước khi biết được kết luận cuối cùng của sự cố môi trường gây cá chết hàng loạt ở duyên hải miền Trung Việt Nam theo kinh nghiệm quốc tế, một chuyên gia được Việt Nam mời điều tra độc lập nói với truyền thông nhà nước.Hôm 07/5/2016, Giáo sư Yoshihiko Yamada, thuộc Đại học Tokai, Nhật Bản, được kênh truyền hình nhà nước, VTV1, dẫn lời nói:
"Vấn đề hiện nay chúng tôi các nhà khoa học ở trên thế giới và trong lần sang để cùng các nhà khoa học của Việt Nam (điều tra), chúng tôi ai cũng hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của chúng tôi.
"Và cố gắng tìm ra nguyên nhân nhanh chóng tìm ra hiện tượng cá chết là nguyên nhân nào và sau đó cũng cần phải có những thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là môi trường đã an toàn và cá thì đảm bảo cho sức khỏe của người dân, không có vấn đề gì.
"Đó là trách nhiệm đầu tiên, đối sách cấp bách mà chúng tôi cần tìm ra nguyên nhân đó và vấn đề thứ hai như các bạn (Việt Nam) đã biết, đây là một trong những ô nhiễm môi trường mà để tìm kiếm ra nguyên nhân, bây giờ Viện Hàn lâm Khoa học, Công nghệ Việt Nam cũng đã đi theo hai hướng.
"Một là khả năng có thể nguyên nhân là do thủy triều đỏ, hai nữa là cũng có khả năng đó là nguyên nhân do những độc tố hóa học gây ô nhiễm biển.
"Thì để tìm ra đúng nguyên nhân nào và đúng tất cả các nguyên nhân, thì chúng ta cần phải kết hợp rất nhiều các yếu tố, những phân tích v.v... và với kinh nghiệm của chúng tôi, nó sẽ phân tích có khi đến một năm thì mới tìm ra được đúng yếu tố, nguyên nhân đó."
Ông Yoshihiko Yamada cho truyền thông Việt Nam hay ông vừa tham gia một đợt nghiên cứu nguyên nhân kéo dài năm ngày, với một nhóm các chuyên gia quốc tế gồm các nhà khoa học Israel, Đức, Mỹ cùng tham gia với các chuyên gia và nhà khoa học Việt Nam 'tích cực' khảo sát ở hiện trường các khu vực biển để cố gắng tìm nguyên nhân sự cố.
'Đã đủ kết luận'
Trước đó, hôm thứ Năm, 05/5, tại Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ, một nhà chuyên gia hải dương học của Việt Nam từ Nha Trang cho rằng đã có thể đưa ra ngay kết luận về nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt dựa trên bằng chứng khoa học đã điều tra và đã có, mà không nên "để lâu hơn nữa" mới công bố.
"Cá chết là thảm họa môi trường, không nên để lâu nữa. Theo quan điểm của tôi, những cơ sở đấy [chứng cứ khoa học] có thể kết luận được nguyên nhân rồi," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Việt Nam nói.
"... Khoảng hôm 20 [tháng Tư] những kết quả ấy đã được phân tích, được hình thành báo cáo, tôi nghĩ đã đến lúc hội đồng khoa học cấp quốc gia đánh giá và thông báo một cách khách quan.
Cá chết là thảm họa môi trường, không nên để lâu nữa. Theo quan điểm của tôi, những cơ sở đấy [chứng cứ khoa học] có thể kết luận được nguyên nhân rồi - PGS. TS. Nguyễn Tác An
"Nhưng đây là kết quả khoa học, còn công bố ra thông tin thế nào là trách nhiệm của cơ quan công bố thông tin, theo luật pháp của Việt Nam là như vậy."
Cũng hôm 05/5, một chuyên gia công nghệ môi trường Việt Nam khi bình luận về một cơ sở công nghiệp 100% vốn nước ngoài đang bị nghi ngờ có trách nhiệm trong vụ cá chết, nêu quan điểm về sự cố và quan hệ với nhà công nghiệp này.
"Nói chung các cơ sở xả thải lớn, các cơ sở lấy nước làm mát lớn, thì người ta đều có ống dẫn như thế cả, là nó ra ngoài biển," Thạc sỹ Đào Nhật Đình bình luận về công nghệ xả thải của 'nghi can' Formosa, nhà sản xuất thép của Đài Loan, tại Vũng Áng, Hà Tĩnh.
"Và lý do người ta để ngầm vì nếu không thì 1 km rưỡi thì tàu nó va vào, tại sao phải 1 km rưỡi là nó có thải ra và cái xả thải bao giờ nó cũng cao hơn môi trường bên ngoài. Ít nhất nó là nước ngọt xả ra nước mặt, do đó anh phải có cái độ phân tán, khuếch tán ngay lập tức, để cho cá vô tình bơi qua, nó không bị đột ngột mà chết, nó còn bơi ra kịp.
"Đấy là nguyên nhân ống xả thải ngầm ngoài biển. Đấy là một thiết kế công nghiệp khá phổ biến thế giới. Bây giờ người ta có thể tuần hoàn được nước 100%, chưa nước nào làm được 100% nhưng phấn đấu được 40%, ngay nước Mỹ cũng có nhiều ống xả thải nước biển như thế."
'Không đổ xuống biển'
Về khả năng xảy ra ô nhiễm từ nguồn công nghiệp, trong vụ thảm họa môi trường, Thạc sỹ Đào Nhật Đình, người từng tham gia các nghiên cứu của JICA, Nhật Bản tại Việt Nam, bình luận:
"Ô nhiễm công nghiệp, thì cho đến nay chưa đủ để chứng minh là nó chết ngần ấy cá ở khu vực rộng như thế, thí dụ như báo chí nói là 296 tấn chất cực độc của Formosa được mua về.
"Thứ nhất là người ta mua về, người ta dùng như thế nào, chúng ta cũng không biết, thứ hai là trong 296 tấn đó, có khoảng từ 185-190 tấn là chất nung và trợ (giúp) để cho gang khi đúc ra lỏng, tạo độ khuôn bám, thì những chất đó người ta chưa dùng đến.
Tôi nghĩ phải bình đẳng, không có vùng cấm nào trong việc kiểm tra này. Và không thể tin tưởng một cách rất mù quáng, người ta nói như thế nào mình tin như thế. Kinh nghiệm của Formosa đã cho chúng ta một bài học cay đắng như thế nào - Kỹ sư Phạm Chí Cường
"Và đó là chất tẩy rửa, người ta không ai đổ cái đó xuống biển cả," ông Đào Nhật Đình nói với BBC.
Trước đó, hôm 02/5, một chuyên gia đúc và luyện kim Việt Nam trong trao đổi với BBC gọi kinh nghiệm quản lý môi trường công nghiệp Việt Nam qua hàng loạt sự cố môi trường công nghiệp, từ Vedan, Bauxite Tây Nguyên, cho tới vụ cá chết hạng loạt mà ông gọi là một 'bài học cay đắng'.
"Tôi nghĩ phải bình đẳng, không có vùng cấm nào trong việc kiểm tra này. Và không thể tin tưởng một cách rất mù quáng, người ta nói như thế nào mình tin như thế. Kinh nghiệm của Formosa đã cho chúng ta một bài học cay đắng như thế nào...," Kỹ sư Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội khoa học, kỹ thuật đúc - luyện kim Việt Nam nói với BBC.
"Rằng là phải bí mật tìm hiểu thì mới biết rằng là họ (Vedan) đã gian dối trong xả thải ra sông Thị Vải và chỉ có dân phát hiện là cá chết không biết bao nhiều lâu rồi, và rồi rò tìm thế nào đó, thì mới bắt được là họ đã không xử lý mà xả thải trực tiếp ra sông, khi mà không có ai kiểm soát họ, ở đây là đóng gọn trong cái khung hàng rào nhà máy, chúng ta không thể biết được.
"Thì đối với chuyện môi trường, qua kinh nghiệm này, chúng ta phải có quan trắc của riêng Việt Nam, đặt tại Formosa và quan trắc 24/24 giờ, ngoài việc kiểm soát của họ nối mạng với các cơ quan quản lý, kiểm soát của chúng ta (Việt Nam), thì chúng ta có quyền đặt một trạm kiểm soát chuyện đó ở trong khu vực nhà máy Formosa," nguyên Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam nêu quan điểm, trong lúc chính quyền đang điều tra, tìm kiếm nguyên nhân của thảm họa môi trường.
Việt Nam cho hay đã mời các chuyên gia quốc tế vào điều tra nguyên nhân thảm họa môi trường.
(BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét