Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Đập sông Hồng: Không thực tế, tiền đem đổ biển

Xây đập ngăn sông Hồng: Không thực tế, tiền đem đổ biển
Các đập dâng trên sông Hồng chỉ phục vụ được cho một số địa phương ở trung lưu trong vòng 15 ngày, đó là cái nhìn phi khoa học.  Ông Nguyễn Ty Niên, nguyên Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Bộ NN&PTNT) nhận xét như vậy trước đề xuất xây dựng một số đập dâng trên sông Hồng.
Về mùa khô nước sông Hồng ngày càng cạn kiệt. Ảnh: Dân trí
Thiếu cái nhìn tổng thể, khoa học
Là người làm thủy lợi, đê điều hàng chục năm, ông Nguyễn Ty Niên đã đúc rút ra một điều xương máu, đó là con sông Hồng có sức sống và hồn thiêng của nó. Chính vì thế, khi làm bất cứ công trình gì trên sông Hồng đều đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể và phải tuân theo quy luật.

Ông Niên nhắc lại kinh nghiệm lịch sử khi xây dựng công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải: "Trước khi làm Bắc Hưng Hải ít năm, ta đã đào kênh Hưng Thái Ninh có quy mô khá lớn chỉ cách cửa vào sông Bắc Hưng Hải sau này chừng vài trăm mét nhưng nước không chảy vào. Sau này các chuyên gia nước ngoài vào nghiên cứu rất kỹ quy luật của dòng sông để chọn đúng điểm rơi của thế sông làm cho dòng nước chảy vào thuận ít bị bồi lắng nhất. 


"Khi "làm việc" với sông Hồng, phải đảm bảo 4 điểm huyệt trên sông là cống Liên Mạc, cửa Đuống, cảng Vĩnh Tuy và cửa Bắc Hưng Hải. Nếu ảnh hưởng đến các điểm huyệt này là ảnh hưởng đến hàng chục triệu người và trên 40 vạn ha ĐBSH", ông Niên lưu ý.

Một câu chuyện khác cũng được ông Nguyễn Ty Niên kể lại: hệ thống sông Hồng và các chi lưu của nó có một dòng sông chết, đó là sông Đáy có cửa vào tại Hát Môn. Do quy luật vận động của dòng sông, cửa Hát Môn bị bồi lấp nên mùa kiệt không có nước chảy vào.

Các kỹ sư Pháp đã xây đập phân lũ sông Đáy vào những năm 30 của thế kỷ trước vừa ngăn lũ thấp để tạo cho vùng hạ du tiêu được nước mùa mưa, và khi gặp lũ lớn thì phân lũ để bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Tiếc rằng công trình đồ sộ ấy từ khi xây dựng đến nay chưa một lần vận hành thành công.

Sau lũ lịch sử năm 1971, ta đã cải tạo lại công trình này. Rồi ý tưởng làm sống lại dòng sông Đáy đã nung nấu trong nhiều thế hệ thủy lợi. Thời ông Nguyễn Cảnh Dinh làm Bộ trưởng Thủy lợi đã để tâm đến vấn đề này, song vì quy luật bồi lấp của cửa Hát Môn rất phức tạp nên đã có hướng chọn vị trí công trình tiếp nước vào sông Đáy ở thượng nguồn sông Tích tại Bến Mắm, Sơn Tây.

Đến đầu thế kỷ XXI, Bộ NN&PTNT quyết định hệ thống công trình tiếp nước vào sông Đáy có tên là cống Cẩm Đình ngay tại cửa Hát Môn, nơi mà Bộ Thủy lợi trước đây "sợ". Nhiều cán bộ thủy lợi lâu năm cũng đã can ngăn Bộ trưởng, nhưng rồi công trình vẫn được đầu tư với số vốn cả trăm tỷ đồng, nay công trình chưa xong đã thấy hai lưỡi cát bồi chắn trước cống.

Trở lại đề xuất xây 5-7 đập dâng trên sông Hồng, theo ông Niên, nếu thành hiện thực, nó sẽ phá vỡ quy luật tất yếu của sông Hồng.

Ông cho biết, sau khi có thủy điện Hòa Bình, lòng sông Hồng đã bị hạ xuống nhưng thứ làm cho lòng sông Hồng bị xói mạnh, biến chuyển chính là hoạt động khai thác cát hiện nay.

"Con sông luôn vận hành theo quy luật bên lở bên bồi. Việc xây kè hai bên sông Đuống làm con sông mất đi quy luật vận hành tự nhiên. Trước đây, Bộ Thủy lợi cho một bên sông Đuống lở nhưng về sau, khi sáp nhập vào Bộ NN&PTNT, người ta kè cả hai phía cho khỏi lở. Chính điều đó làm cho lòng sông bị xói sâu xuống, đẩy lưu lượng tăng về phía sông Đuống, dẫn đến nguy cơ chuyển dòng.

Một vấn đề khác khi nhìn tổng thể, đó là sau thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động, chỉ có khúc trung lưu (gồm Hà Nội, Sơn Tây, một phần Bắc Ninh, Hải Dương) là thay đổi, trong khi các tỉnh hạ lưu (Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình) lưu lượng về lớn, triều đẩy lên cao, nguồn nước vào thuận. Ngay cả khi có biến đổi khí hậu, không bao giờ các tỉnh hạ lưu kêu thiếu nước vì lưu lượng về rất lớn. Xâm nhập mặn có cái lợi nhưng cũng có cái hại: cái lợi là nó như đập dâng nước lên, khi triều lên thì nước ngọt đẩy vào.

Biến đổi lòng sông hạ thấp chỉ xảy ra một số tỉnh ở vùng trung lưu nhưng chỉ có một thời đoạn rất ngắn. Nhu cầu tăng đầu nước chỉ diễn ra trong vòng 15 ngày chứ không phải suốt cả năm. Trong khi đó, con sông còn phải đảm bảo giao thông và các vấn đề khác. Nếu xây các đập dâng trên sông Hồng, giao thông sẽ như thế nào và khi đóng các đập ở đây, họ nói cứu được các tỉnh trung lưu nhưng 4 tỉnh hạ lưu sẽ như thế nào? Câu hỏi đó vẫn chưa được trả lời", ông Nguyễn Ty Niên phân tích

Về tác động môi trường, sinh thái khi xây đập dâng trên sông Hồng, ông Niên chỉ dẫn ra một câu chuyện nho nhỏ về quy luật dòng sông. Vợ ông quê ở Bát Tràng, mùa tháng 3 bao giờ bên quê cũng gửi cá mòi sang cho vợ chồng ông. Đàn cá mòi đến mùa tháng 2- tháng 3 ngược sông Hồng lên Hà Nội đẻ trứng rồi lại xuôi về. Nếu giờ làm đập dâng chặn dòng chảy tự nhiên của con sông, cá không còn chỗ đẻ, liệu nguồn cá ấy có còn không?

Một vấn đề khác được nguyên Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão đặt ra, đó là các đập dâng này làm trên nền đất và những người làm đề tài nghiên cứu khẳng định rất vững chãi, nhưng liệu họ có đảm bảo khi lũ lớn, con sông sẽ không đổi dòng? Sông Hồng có những khúc rất cạn như ở Hà Nội có lúc mực nước chỉ đạt chưa đến 1m. Nhưng cách Hà Nội mười mấy cây số, Quang Lãng có vực sâu -26m mà Bộ Thủy lợi đổ bao nhiêu đá xuống vẫn không lấp được.

"Khi làm các công trình trên sông, nhất là vùng hạ lưu và trung lưu, phải hiểu quy luật của nó. Tôi không hình dung được khi lũ lớn, ĐBSH sẽ ứng phó thế nào? Người ta đã lấn ra bãi rất nhiều, không còn không gian cho thoát lũ, trong khi Luật Đê điều lại cho lấn chiếm ra lòng sông. Bây giờ tư tưởng mọi người bảo không có lũ lớn nhưng Thái Lan đã có bài học sâu sắc về chuyện này.

Từ năm 1946, vua Thái Lan đã cảnh báo về nguy cơ lũ lớn nhưng không ai tin. Cuối cùng đến năm 2010 Thái Lan có lũ lớn. Bài học con sông Chao Phraya hoàn toàn tương đồng như sông Hồng. Cho nên khi làm các đập dâng trên sông Hồng, về mặt quy luật, nó sẽ gây ra nhiều hậu họa khôn lường. Nó không tôn trọng sức sống của dòng sông, chưa nói đến một công trình như thế sẽ tiêu tốn hàng chục nghìn tỷ đồng để giải quyết cho 15 ngày và một số tỉnh", ông Nguyễn Ty Niên thẳng thắn.

Giải pháp

Nguyên Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão cho rằng, thay vì xây dựng các đập dâng hết sức phản khoa học và tốn kém, có thể xây dựng các trạm bơm lớn để giải quyết vấn đề nước tưới tiêu cho các tỉnh trung lưu.

Ông làm thử bài toán so sánh: Cứ cho rằng Bắc Hưng Hải thiếu 2m nước, có thể làm các trạm bơm và tiến hành bơm nước trong mười mấy ngày. Làm trạm bơm cùng lắm mất 300 tỷ đồng, còn làm đập dâng, dù trước mắt làm 2 đập, thì cũng mất vài chục nghìn tỷ đồng, mà còn bao nhiêu hậu họa xảy ra. Trong khi đó, hiện nay mỗi lần tăng nước, các công trình thủy điện phải xả 2.000m3/s, đầu nước xả với cột nước trung bình 60 thước, đầu nước bơm chỉ 2 thước, lưu lượng bơm cùng lắm 200 m3/s. Nghĩa là lưu lượng bơm chỉ bằng 1/10, mà đầu nước bơm và đầu nước xả cách nhau 30 lần, như thế chỉ cần Nhà nước cho chủ trương nhà máy điện bơm nước không mất tiền là giải quyết được nhu cầu tưới tiêu của các tỉnh trung lưu.

"Điều cần là các trạm bơm lớn cho Liên Mạc, Xuân Quan... đó mới là yêu cầu thực tiễn của sản xuất", ông Niên nhấn mạnh.

Ông cho biết thêm, đập bê tông khối có thể rất thích hợp với ĐBSCL nhưng không có nghĩa là như thế đặt ở đâu cũng trúng.

"Nếu đặt kết cấu đập bê tông khối lên sông Hồng sẽ vô cùng tốn kém trong khi hiệu quả đến đâu chưa thể đánh giá hết, ví dụ những vấn đề môi trường, nó có bồi lấp hay không, lũ lên có cuốn phăng đi không. Mà khi lũ lên, các cây cầu như cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì... có bị văng ra vì những va đập của dòng sông không?

Còn về giao thông, nói làm đập nhỏ, sát lòng sông, giữ mực nước 2m thì cao trình đập chỉ 4m. Khi sông Hồng có lũ lên 5-6m, tàu thuyền đi thế nào? Có va vào các trụ đập ở dưới không? Bởi vậy, nếu Nhà nước duyệt đề tài này, tôi cho rằng sẽ phí tiền", ông Nguyễn Ty Niên một lần nữa khẳng định.

Thành Luân

http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/xay-dap-ngan-song-hong-khong-thuc-te-tien-dem-do-bien-3307444/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét