Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Đinh La Thăng và “khát vọng số một”

Đinh La Thăng và “khát vọng số một”
1. Đinh La Thăng thuộc một thế hệ lãnh đạo mới. Ngày xưa, khi chủ tịch Hồ Chí Minh 55 tuổi, đọc tuyên ngôn độc lập, từ các bô lão đến các cháu nhi đồng đều thành kính gọi là cụ, cụ Hồ, già Hồ, là cha già dân tộc. Bảy mươi năm sau, Đinh La Thăng 55 tuổi, hành phương Nam, nhậm chức vụ quan trọng nhất của thành phố hơn tám triệu dân, trên phây, các người đẹp đồng thanh gọi “anh Thăng”, vài em tránh tên húy, viết anh #.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng. Nguồn: internet
Trước khi vô Sài Gòn, anh Thăng giận dữ cắt chức tổng giám đốc đường sắt Hà Nội vì mua nhầm 160 toa xe cũ của Trung Quốc, 2/3 trong số đó đã qua 20 năm sử dụng.[1]Trước đó, hình ảnh anh Thăng chỉ mặt vào đám nhà thầu Trung Quốc thực sự làm nức lòng dân chúng Đại Việt. Có đúng thế này không? Trong lịch sử đất nước, 600 năm trước, Nguyễn Trãi dám chỉ mặt mắng vua nhà Minh, rằng “thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng”, và ngày nay, anh Thăng trong những phút giây cuồng nộ đã nhận được hào khí hun đúc của tiền nhân xưa.

Vào sài Gòn, phong cách năng động của Đoàn thanh niên, xông xáo, dân dã, mạnh mẽ,“mần gần bằng được với nói”, hiệu ứng Đinh La lan tỏa khắp nước. Lập đường dây nóng, đắp đường, xây nhà tình nghĩa, dẹp quang nạp xâm lấn vỉa hè của đám đầu gấu cát cứ nhiều năm, truy vấn lãnh đạo huyện Củ Chi, xắn tay áo vớt bèo trên sông… Anh Thăng đích thực là con người của hành động.

2. Tuy nhiên, công đầu trong sự nghiệp của anh Thăng, theo mình, là đã thực sự thổi luồng gió mới vào không khí trầm lắng, tù đọng của nền truyền thông nước nhà.
Báo chí mình thường nhanh nhảu với mấy cái tin nóng thuộc loại người đẹp cán xe, đại gia tậu vợ, “sâu bít” lộ hàng… Những chuyện khác thường rất mù mờ. Có thể tại mấy vai diễn chăng? Lúc nào cũng đỉnh đạc, mọi câu nói đều là những lời vàng ý ngọc lấy từ kinh điển ra, dân An Nam luôn trong trạng thái ngủ ngật. Hay xuất hiện với cái đầu bóng mượt, tỷ tê kể lễ hàn huyên tâm sự khiến văn hóa đậm màu sắc cải lương, đẫm nước mắt. Hay đột ngột đưa ra những thông điệp rất chịu chơi khiến đám nhà báo vừa viết vừa run, không biết ý mấy ảnh trên tuyên huấn muốn tán dzô hay ngó lơ sang chuyện khác.
Túm lại, công lao với anh Thăng với truyền thông là không thể phủ nhận. Tờ Lao động còn công khai cổ xúy: Cứ diễn anh Thăng à! Nếu những động thái đó của anh làm lợi cho dân! Bởi chưng cái mà người dân nói chung muốn thấy là những việc làm cụ thể chứ nói suông thì nghe quen tai lắm rồi![2]
3. Ngày 29 tháng 3 vừa rồi, bên lề kỳ họp Quốc hội, anh Thăng hùng hồn bày tỏ “khát vọng đưa thành phố Hồ Chí Minh trở lại vị trí số 1[3]. Lý do anh đưa ra “Không có gì là không thể! Mình đã có một động lực tinh thần rất lớn, nếu không có yếu tố đó thì làm sao mình thắng được Mỹ. Nửa triệu lính Mỹ với vũ khí hiện đại như vậy làm sao mình thắng được. Sức mạnh tinh thần, sức mạnh đoàn kết đóng vai trò quan trọng.”
Lửa anh Thăng bốc lên ngùn ngụt, lời anh Thăng vang vọng núi sông, khát vọng của anh được báo chí chắp cánh. Thiên hạ phấn khích reo hò ủng hộ. Hỡi Jakata, Manila hãy xem chúng tôi đây! này Bangkok, Seoul hãy đợi đấy! Nào Singapore hẹn ngày lên đài tỷ thí để phân ngôi chủ soái!
Mình vốn lẩn thẩn, vô Gu gồ xợt “xếp hạng thành phố”.
Cái sự xếp hạng của thiên hạ thật rõ ràng, đọc lên là hiểu liền: “Top 10 thành phố đáng sống nhất hành tinh”, “25 thành phố kinh tế quyền lực nhất thế giới”, “30 thành phố không thân thiện nhất trên thế giới”, “thành phố đắt đỏ nhất thế giới”, thành phố du lịch được cảnh báo là nhiều vụ xin đểu, cầm nhầm nhất thế giới[4]
Ấy, đọc những hiệu triệu ruột gan của “tổng tư lệnh” họ Đinh, tự thấy xấu hổ đành phải hỏi một câu hỏi ngu với bàn dân thiên hạ như sau: “thành phố số 1” là như thế nào?
Thưa anh Thăng, phải đặt ra một tiêu chí nào đó rồi mới có thể xếp hạng được chứ? Một thành phố có trăm ngàn tiêu chí để theo đuổi. Ví như thành phố ô nhiễm nhiều nhất, nhiều cây xanh đang nằm trong phương án trảm nhất, thành phố nhiều dự án treo nhất, khoảng cách giàu nghèo lớn nhất, giỏi nói láo nhất, hay ăn cắp nhất, dễ bị trúng độc do thức ăn nhất…
Tiếp tục một câu hỏi ngu khác, anh Thăng nói “Không có gì là không thể!”. Lí luận mà anh Thăng làm điểm tựa là “Mình đã có một động lực tinh thần rất lớn, nếu không có yếu tố đó thì làm sao mình thắng được Mỹ. Nửa triệu lính Mỹ với vũ khí hiện đại như vậy làm sao mình thắng được.”
Như ngu ý của người viết bài này, những “động lực tinh thần” thời chiến khó áp dụng vào thời bình được nếu không nói có thể gây tai họa. Chiến tranh với tinh thần hy sinh đến giọt máu cuối cùng, còn cái lai quần cũng đánh, thề không đội trời chung, nợ máu trả máu… làm sao hữu dụng trong thời hòa bình với những quy luật cơ bản là đa phương hóa, các bên cùng có lợi/ cùng thắng, phát triển bền vững…
4. Bài phỏng vấn anh Thăng có mấy câu kết khiến mình xúc động. Ấy là việc anh Thăng chưa tính chuyện “làm luật Sài Gòn”, theo kiểu luật thủ đô. Cá nhân mình coi đó là một quyết định sáng suốt và nhân văn! Mình biết có gã du đãng kia, người Hà Nội, sống đời mờ ám, tội lỗi nhưng lại được vinh danh là công dân ưu tú. Mình rất khó chịu nhưng phải tôn trọng và chờ đợi sự công chính của “luật thủ đô”.
Quay lại khát vọng số một của anh Thăng, càng thấm thía sự mong mỏi của dân chúng về những chính khách vừa tận hiếu với dân vừa có tầm nhìn xa lại kiên định, lịch lãm.
Khó lắm thay!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét