Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Lô cốt & Đổi mới tư duy: Giải mã vài Nghịch lý

Cái Lô cốt & Đổi mới Tư duy: Giải mã vài Nghịch lý
Nguyễn Quang Dy
 Câu chuyện Đinh La Thăng vào Sài Gòn không phải là câu chuyện “Alice in Wonderland” hay “Mít đặc và Biết tuốt tại Bến Lần sau Tầu chạy” mà hồi nhỏ chúng ta hay đọc và nay đã quên. Đây là câu chuyện cực kỳ nghiêm trọng có liên quan đến an ninh quốc gia, chứ không phải chỉ liên quan đến đặc điểm “đáng sống” của một thành phố (như Đà Nẵng hay Sài Gòn). Đừng quên cánh tay dài của Trung Quốc như những cái vòi bạch tuộc tàng hình đang vươn ra khắp nước ta để thao túng, mà “Hòn ngọc Viễn Đông” là một nơi xung yếu. Liệu Đinh La Thăng có làm được nhiệm vụ “bất khả thi” này không, vẫn là một câu hỏi lớn, phụ thuộc không chỉ vào một người mà còn vào nhiều người (và khí số của quốc gia). 
Trong cuộc sống có vô vàn nghịch lý, dễ làm người ta ngộ nhận. Muốn cải cách và phát triển, phải tránh ngộ nhận và đổi mới tư duy. Hãy thử giải mã vài nghịch lý, như những cái lô cốt ảo thường gây ách tắc tư tưởng và cản trở đổi mới tư duy. 


Nghịch lý thứ nhất: những lô cốt thật

Cách đây ít lâu, tôi có xem một bộ phim tài liệu “cây nhà lá vườn” do một ông bạn già (là tướng công an Phạm Chuyên) làm về chủ đề “Lô cốt”. Không hiểu sao ông ấy lại làm bộ phim này khi đang làm giám đốc công an Hà Nội (tuy rất bận). Có lẽ phải “trích ngang” một tí về ông tướng này. Tuy làm giám đốc công an (bạn bè hay gọi thân mật là “Chánh cẩm”) nhưng Phạm Chuyên vẫn thích văn hóa, nghệ thuật, và quan tâm đến giới trí thức.

Có lần ông ấy đã bỏ tiền túi ra làm cho nhạc sỹ Văn Cao một cái toilet, vì thấy ông nhạc sỹ già tội nghiệp này sống trên gác nhưng không có toilet (vô cùng bất tiện lúc ốm đau). Nay ở cõi âm, nếu Văn Cao có thiêng định phù hộ ai trên cõi trần này, thì chắc nghĩ ngay đến Phạm Chuyên. Phạm Chuyên còn chơi thân với đạo diễn Trần Văn Thủy, với một tình bạn chân thành hiếm có (như một nghịch lý). Chắc nhiều người còn nhớ Trần Văn Thủy là tác giả của những bộ phim tài liệu “bom tấn” (như “Hà Nội Trong Mắt Ai” và “Người Tử Tế”) đã từng gây tranh cãi một thời và làm cho tác giả phải “lên bờ xuống ruộng” (nên nổi tiếng?).
Dù có người không thích Phạm Chuyên vì lý do nào đó, nhưng chắc phải thừa nhận rằng ông “Chánh Cẩm” này chịu chơi và là một “good cop” (một người tử tế). Đây là một ngoại lệ “xưa nay hiếm”. Dù làm việc gì, những người tử tế thường sống và hành xử có văn hóa và nhân văn. Không biết có phải vì thế mà Phạm Chuyên đã nổi hứng làm phim “Lô cốt”. Dù đây là một tác phẩm “không chuyên”, nhưng là một ý tưởng độc đáo.     

Nhân đây, cũng xin “trích ngang” một chút về những chiếc “Lô cốt Tây” (người Pháp để lại). Đó là một hình ảnh quen thuộc quanh Hà Nội và nhiều vùng quê Bắc Bộ - quen thuộc đến nỗi người dân không buồn để ý và không chấp nó nữa. Họ hồn nhiên chung sống với nó, như với cái “điếm canh” đơn côi, hay cái “giếng đình” trầm mặc (nay không còn nữa). Trong cuộc cạnh tranh âm thầm đó, những chiếc “Lô cốt” lỳ lợm đã tồn tại một cách bí ẩn (như một nghịch lý). Nó không còn là một hình tượng chiến tranh đáng sợ, vì thời gian đã làm cho sự tồn tại gần như vĩnh cửu của nó trở nên quen thuộc và gần gũi. Hay nói cách khác, người dân Việt Nam đã lặng lẽ hóa giải những cái “Lô cốt Tây”, và hòa giải luôn với người Pháp. 
Những khối bê tông cốt thép vững chắc, như một tác phẩm tạo hình về chiến tranh của các kỹ sư Pháp tài ba (nhưng vô dụng), đã tồn tại hơn 6 thập kỷ. Đó là một bảo tàng ngẫu hứng ngoài trời (như một hệ quả không định trước) để lưu giữ một vật chứng bất đắc dĩ trong màn cuối của bi kịch Pháp-Việt đầy nghịch lý, “vừa yêu vừa ghét” (love hate). Đó là “phòng tuyến Maginot” bất khả xâm phạm được xây dựng công phu quanh Hà Nội, để ngăn chặn một cuộc tấn công quy mô của Việt Minh mà các sỹ quan Pháp ở Paris hay Hà Nội tưởng tượng ra, trong khi chủ lực Việt Minh đánh bại đội quân viễn chính Pháp ở Điện Biên Phủ. 

Trong khi ký ức chiến tranh với người Pháp đã bị ký ức chiến tranh với người Mỹ qua mặt và che khuất, thì cái “Lô cốt Tây” vẫn hiên ngang tồn tại, bất chấp thời gian, thay đổi về khí hậu, với mô hình kinh tế này, hay thể chế chính trị nọ. Nó tồn tại không chỉ trong các tư liệu trưng bày tại bảo tàng, mà còn trong ký ức người Việt. Qua năm tháng, cái “Lô cốt” sần sùi đã bớt xấu xí, đi vào ngôn ngữ và hình ảnh thôn quê, như những mái đình (Phật giáo) và những tháp chuông nhà thờ (công giáo). Sự tồn tại khập khiễng đó là một bức tranh văn hóa đa dạng trong một đất nước độc đảng, đang mắc kẹt giữa ngã ba đường lịch sử. 

Nhưng không hiểu vì sao người quan tâm đến cái “Lô cốt” bí ẩn này lại là một tướng công an (về hưu) mà không phải là một nhà xã hội học đang loay hoay tìm cách lý giải những nghịch lý trong xã hội Việt Nam đầy uẩn khúc, và cũng không phải là một chuyên gia du lịch đang tìm đề tài hấp dẫn khách quốc tế, trong đó có người Pháp, vẫn bị ám ảnh bởi bi kịch chiến tranh tuy đã trôi vào quá khứ, nhưng vẫn để lại những dấu tích không thể xóa được trên mặt đất (như “phần cứng”) và trong ký ức người dân (như “phần mềm”).

Trong khi người ta phá bỏ cái “Hỏa lò” (Maison Centrale) nổi tiếng tại Hà Nội để xây trung tâm thương mại “Hanoi Tower” (tuy vẫn giữ lại một góc để làm lưu niệm) thì chẳng ma nào buồn phá bỏ những cái “Lô cốt Tây” vô danh. Không phải vì có quá nhiều và quá khó để phá bỏ, mà có lẽ vì cái lô cốt đã trở thành trừu tượng hóa (như “phi vật thể”), cũng như cái “Cầu Long Biên” già cỗi đầy thương tích, nhưng vẫn lãng mạn.  

Nhưng thật trớ trêu, trong khi những cái “Lô cốt Tây” ngoài đời lặng lẽ hội nhập với dòng chảy của thời gian như một vật chứng chiến tranh vô hại, thì những cái “Lô cốt Ta” đang đua nhau mọc lên, cả ngoài đời lẫn trong tư duy người Việt, như những vật cản vô hình (và hữu hình) đang làm xấu đi hình ảnh đất nước, và vô hiệu hóa hay cản trở dòng chảy lịch sử và quá trình đổi mới tư duy, như một nghịch lý của xã hội Việt Nam thời chuyển đổi.  

Nghịch lý thứ hai: những lô cốt ảo

Gần đây, tôi có dự một buổi nói chuyện của Gs Chu Hảo và Gs Cao Chi về chủ đề “Tiến hóa hay Tạo hóa” (Evolution or Creation) và “Sóng Hấp dẫn” (Gravitational Waves). Trong khi những phát hiện quan trọng của khoa học genetics đã làm Thuyết Tiến hóa của Darwin không còn đứng vững, thì phát hiện đột phá về “nếp nhăn của không thời gian” (ripples of spacetime) của các nhà khoa học vật lý thiên văn (với các trạm LIGO) đã chứng minh được dự đoán thiên tài của Eeistein về Sóng Hấp dẫn (cách đây một thế kỷ).   
   
Tuy nhiên, những phát hiện khoa học này còn gây tranh cãi. Trong khi đa số vui mừng trước những phát hiện mới và đổi mới tư duy (như một hệ quả), thì một số khác có lẽ hơi buồn. Tuy không thể phủ nhận những phát hiện mới, nhưng họ không muốn thừa nhận những định luật cũ đã sai, vì bị chấp (cái gì đã đúng thì không thể sai). Họ không thích phản biện tư duy cũ, và không muốn thừa nhận thực tế mới. Tóm lại, thay đổi tư duy không hề dễ. Chủ nghĩa giáo điều và bảo thủ là một cái lô cốt ảo có khi còn vững chắc hơn cả cái lô cốt thật.
Đổi mới tư duy rất khó vì nhiều nguyên nhân, trong đó nỗi sợ thay đổi là một tâm thức cố hữu gắn với bản năng gốc con người. Nỗi sợ tiềm ẩn (nguyên thủy) còn được bổ xung bởi nỗi sợ do thực tế cuộc sống (nhân tạo). Vì vậy, muốn thoát khỏi sợ hãi (là tiền đề cho đổi mới tư duy) người ta phải giải phóng cả ý thức lẫn tiềm thức. Muốn đổi mới tư duy và hành động, phải chuyển hóa thái độ tiêu cực thành tích cực, thói quen tĩnh thành động.     

Về ngôn ngữ, có hai từ thông dụng đã ăn sâu vào não trạng người Việt, phản ánh thực tế xã hội  Việt Nam thời chuyển đổi, đó là “ách tắc” và “bất cập”. Nó hiện diện mọi nơi mọi chỗ, từ cải cách hành chính đến chính sách công, từ chống tham nhũng đến quản trị điều hành vĩ mô, từ cải cách kinh tế thị trường đến đổi mới thể chế chính trị. Nhưng không ở đâu “ách tắc” và “bất cập” trong tư duy và hành động lại được phản ánh sinh động như trong giao thông Việt Nam. Những lô cốt trong tâm thức đã biến thành những lô cốt trên đường phố. Tài thật!

Đổi mới tư duy: Giải mã vài nghịch lý

Nghịch lý thoát Trung

Sau sự kiện dàn khoan HD981 (5/2014), thoát Trung đã trở thành một khẩu hiệu quen thuộc, phản ánh tâm trạng và nguyện vọng bức xúc của người Việt. Nhưng làm thế nào để thoát Trung thì vẫn còn nhiều tranh cãi. Trong khi một số người vẫn sợ Trung Quốc, cho mục tiêu thoát Trung là bất khả thi, thì nhiều người khác lại chủ quan và quá khích, muốn đối đầu với Trung Quốc. Cần tránh cả hai thái độ đó. Nhưng dù sao, sự kiện dàn khoan HD981 là một bước ngoặt đã mở ra cơ hội mới để thoát Trung, như một nghịch lý lớn.

Phải sống bên cạnh một nước láng giềng khổng lồ, với quá khứ Bắc thuộc luôn ám ảnh như một lời nguyền lịch sử và địa lý, thì bi kịch của người Việt được nhân lên gấp đôi, thành một “bi kịch kép”: vừa bị chia rẽ và phân liệt bên trong, vừa bị lệ thuộc và áp đặt từ bên ngoài. Muốn thoát khỏi bi kịch kép đó, người Việt không có cách gì khác là phải hòa giải và thoát Trung. Đó là một “mục tiêu kép” vô cùng khó, đòi hỏi dân trí phải cao, lãnh đạo phải có tầm nhìn xa. Nhưng đáng tiếc, hiện nay cả hai thứ đó đều khan hiếm.  

Người dân phản ứng không những đối với hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông, mà còn đối với thái độ khuất phục Trung Quốc của một bộ phận lãnh đạo (với “tư duy Thành Đô”). Thoát Trung không phải chỉ là vấn đề bảo vệ chủ quyền dân tộc, mà còn là vấn đề đổi mới thể chế kinh tế và chính trị, theo kinh tế thị trường và dân chủ hóa. Nói cách khác, thoát Trung là từ bỏ ý thức hệ Mác-Lê và mô hình độc Đảng, là tôn trọng các giá trị cốt lõi về dân chủ và nhân quyền, để xây dựng một quốc gia độc lập và cường thịnh.

Việt Nam bị lệ thuộc quá nhiều vào Trung quốc không phải vì họ quá tài giỏi, mà vì ta quá yếu kém. Trong khi Trung Quốc áp dụng triệt để “Tam chủng Chiến pháp” (đấu tranh bằng tâm lý, pháp lý, và truyền thông), thì Việt Nam vẫn áp dụng triệt để chính sách “Ba không” (không liên minh quân sự với bất kỳ nước nào, không đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, không dựa vào nước này để chống nước kia). Về tâm lý, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi “hội chứng Thành Đô”. Về pháp lý, Việt Nam không dám kiện Trung Quốc (như Philippines). Về truyền thông, Việt Nam không dám tranh cãi, nói ra sự thật. Ví dụ, cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn Bất tử”, mà tướng Lê Mã Lương là chủ biên, đến nay vẫn chưa được phép xuất bản, trong khi sách của Trung Quốc (ca ngợi Đặng Tiểu Bình) được xuất bản vô tội vạ.   

Về đối ngoại, thoát Trung đồng nghĩa với quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ (và đồng minh) để đối trọng với Trung Quốc trong bàn cờ Biển Đông. Khủng hoảng Biển Đông không chỉ là tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam, mà còn là xung đột lợi ích chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ (cùng đồng minh trong và ngoài khu vực), vì vị trí chiến lược của Biển Đông liên quan đến an ninh hàng hải của nhiều nước Châu Á-TBD. Có lẽ vì vậy mà bốn nước (Mỹ, Nhật Bản, Úc, và Ấn Đô) đang bàn nhau lập một liên minh không chính thức để đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông (như “Mini NATO” của Châu Á).

Ngoài việc quân sự hóa 7 đảo mà Trung Quốc đã chiếm tại Hoàng Sa và Trương Sa, để kiểm soát Biển Đông, họ còn kiểm soát nguồn nước sông Mekong như một vũ khí lợi hại để bắt chẹt Việt Nam. Với 12 dự án thủy điện lớn mà họ làm chủ tại thượng nguồn thuộc lãnh thổ Trung quốc, và nhiều dự án thủy điện khác mà họ tham gia tại hạ nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã vô hiệu hóa vai trò Ủy Ban Sông Mekong, biến “lời nguyền Sông Mekong” (như “lưỡi gươm Damocles”) thành hiện thực, đe dọa sự sống còn của đồng bằng Nam Bộ.  

Việc Chính phủ Việt Nam phải gửi công hàm khẩn cho Trung Quốc (10/3/2016) đề nghị xả nước thượng nguồn để cứu đồng bằng Nam Bộ đang bị hạn, là một dẫn chứng về nguy cơ tiềm ẩn này. Nếu không đổi mới tư duy để tìm giải pháp cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp tại đồng bằng sông Mekong, đối phó với nạn hạn hán do nguồn nước sông Mekong và nguy cơ ngập nước biển, thì Việt Nam càng lệ thuộc vào Trung Quốc. Các giải pháp này phải đặt trong chiến lược phát triển tiểu vùng Mekong (Mekong sub-region), theo định hướng phát triển nông nghiệp phi truyền thống (như giảm trồng lúa, tăng nuôi thủy sản) để giảm lệ thuộc vào nguồn nước sông Mekong, và quốc tế hóa vấn đề này, để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.

Tóm lại, thoát Trung là phải thoát khỏi ý thức hệ Mac-Lê lỗi thời đang trói Việt Nam vào Trung Quốc bằng mô hình chính trị độc đảng, là phải thoát khỏi lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về mọi mặt, từ văn hóa tư tưởng, kinh tế thương mại, đến nguồn nước sông Mekong. Riêng nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng 200 lần trong một thập kỷ, tới hơn 50 tỉ USD năm 2015. Nếu không thoát Trung thì TPP và Mỹ cũng không thể cứu đươc Việt Nam.
  
Nghịch lý hòa giải

Hòa giải dân tộc là một nghịch lý lớn, nếu không hóa giải được thì sẽ không thể thoát Trung. Chiến tranh đã kết thúc (30/4/1975), đất nước đã thống nhất (2/7/1976), người Việt đã hòa giải và bình thường hóa được với người Mỹ (1995), nhưng giữa người Việt với nhau lại chưa hòa giải được. Cả hai bên (thắng cuộc và thua cuộc) vẫn chưa hết hận thù nên không thể hòa giải. Trong suốt thời kỳ hậu chiến, giữa cộng đồng người Việt trong nước và ngoài nươc vẫn tồn tại một cuộc chiến tranh lạnh âm ỷ, làm vết thương lòng khó hàn gắn.   

Trong khi bên thắng cuộc hạ nhục bên thua cuộc, bắt họ “cải tạo” nhiều năm, thì bên thua cuộc vẫn tiếp tục cuộc chiến “chống cộng”, dù đã di tản ra nước ngoài. Không phải chỉ những người còn sống, mà cả những người đã chết, trở thành nạn nhân của thù hận. Trong nhiều trường hợp, binh sỹ của cả hai bên đối địch có thể là anh em (hay họ hàng) trong cùng một gia đình. Cực đoan và hận thù như một nghiệp chướng, tồn tại không chỉ giữa hai bên đối địch, mà ngay trong cùng một bên. Họ sẵn sàng tiêu diệt lẫn nhau chỉ vì bất đồng chính kiến, hay xung đột lợi ích. Tại Mỹ, một số nhà báo (gốc Việt) dám nói ra sự thật, đã bị khủng bố và thủ tiêu (“Terror in Little Sài Gòn”). Trong khi “Terror in Little Saigon” là một ví dụ về bạo lực ở hải ngoại, thì blog “Chân dung quyền lực” là một ví dụ về đấu đá ở trong nước. Bản chất của trò chơi quyền lực (game of thrones) thường do lợi ích nhóm chi phối.   

Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến không đáng có, vì cuối cùng Mỹ và Việt Nam lại trở thành đồng minh (và đối tác chiến lược) để ngăn chặn Trung Cộng. Thực ra Việt Nam và Mỹ đã bỏ lỡ một cơ hội hiếm có để bình thường hóa (năm 1978), nên Việt Nam bị xô đẩy vào vòng tay Liên Xô, và cuộc “Chiến tranh Đông Dương lần Thứ ba” với Trung Quốc và Campuchea (trực tiếp), với Mỹ và ASEAN (gián tiếp), làm Việt Nam bị cô lập và chảy máu đến kiệt sức. Nói cách khác, Việt Nam và Mỹ đã mắc mưu Trung Quốc. Đây là cuộc chiến mà bạn trở thành thù, và “kẻ thù của kẻ thù lại là bạn” (“Brother Enemy”, Nayan Chanda). Đó là cái vòng tròn luẩn quẩn độc ác (vicious circle) của chiến tranh, mà Trung Quốc chủ mưu và thủ lợi. Bên thua cuộc thực sự là những người dân vô tội, bị cả hai phía lợi dụng rồi bị bỏ rơi (hay phản bội). Họ là nạn nhân của chiến tranh cũng như thất bại của hòa giải (và bình thường hóa).     

Tuy nước Đức bị chia cắt lâu hơn Việt Nam (45 năm), nhưng sau khi thống nhất (1990) nước Đức đã lớn mạnh hơn nhiều, và trở thành cường quốc đứng đầu Châu Âu. Người Đức khôn ngoan và có tầm nhìn xa, đã vượt qua thù hận và cực đoan, hòa giải được dân tộc và hóa giải được sự khác biệt giữa hai nước Đức, vốn bị chia cắt bởi ý thức hệ và bức tường Berlin. Bên thắng cuộc (Tây Đức) đã không cố chấp và trả thù bên thua cuộc (Đông Đức) mà họ trọng dụng bất cứ ai có tài năng và thiện chí xây dựng đất nước. Họ không quan tâm lắm đến nguồn gốc hay lý lịch. Thủ tướng Angela Merkel là người Đông Đức có lý lịch cộng sản, và phó thủ tướng Philipp Rosler có nguồn gốc là trẻ mồ côi người Việt. Nếu ông Rosler ở lại Việt Nam thì bây giờ ông ấy làm gì? Tại sao người Việt thua kém người Đức? Vì sao câu chuyện thống nhất của hai đất nước cùng bị chia cắt lại có kết cục khác nhau như vậy? Buồn! 

Nghịch lý hai thành phố

Câu chuyện về hai thành phố (the tales of two cities) là câu chuyện bình thường về sự đa dạng trong tính cách con người và đặc thù văn hóa mà Hà Nội và Sài gòn là một ví dụ điển hình. Nhưng câu chuyện không bình thường là quyết định (bất thường) điều động bộ trưởng Đinh La thăng (người Miền Bắc) vào Sài Gòn làm bí thư thành ủy, chứ không phải là Võ Văn Thưởng (người Miền Nam) như mọi người vẫn dự đoán (hay mong đợi).

Thay đổi nhân sự bất thường có thể là cần thiết (như thay máu) nếu vì lý do chính đáng và hợp lòng dân. Nhưng vấn đề không phải là những lý do được công khai, mà còn có những lý do khác không được công khai (nên phải hiểu ngầm). Đó là mối lo Sài Gòn có thể bị “cát cứ”, và đất nước có thể bị phân liệt thành Nam-Bắc, trước những diễn biến khôn lường, có thể làm chính quyền trung ương mất kiểm soát. Câu chuyện về hai thành phố do đó không còn là câu chuyện vui như các thành phố yên bình khác trên thế giới, mà là câu chuyện buồn của một quốc gia đang lâm nguy trước nguy cơ Bắc thuộc và mất hết Biển Đông.

Câu chuyện Đinh La Thăng vào Sài Gòn không phải là câu chuyện “Alice in Wonderland” hay “Mít đặc và Biết tuốt tại Bến Lần sau Tầu chạy” mà hồi nhỏ chúng ta hay đọc và nay đã quên. Đây là câu chuyện cực kỳ nghiêm trọng có liên quan đến an ninh quốc gia, chứ không phải chỉ liên quan đến đặc điểm “đáng sống” của một thành phố (như Đà Nẵng hay Sài Gòn). Đừng quên cánh tay dài của Trung Quốc như những cái vòi bạch tuộc tàng hình đang vươn ra khắp nước ta để thao túng, mà “Hòn ngọc Viễn Đông” là một nơi xung yếu. Liệu Đinh La Thăng có làm được nhiệm vụ “bất khả thi” này không, vẫn là một câu hỏi lớn, phụ thuộc không chỉ vào một người mà còn vào nhiều người (và khí số của quốc gia). 

Nghịch lý chống tham nhũng

Trong hội nghị tổng kết chống tham nhũng tại Sài Gòn (8/3/2016) do Đinh La Thăng và Lê Minh Trí chủ trì, phó giám đốc công an thành phố, thiếu tướng Phan Anh Minh, đã công khai thừa nhận thất bại của công tác chống tham nhũng (như một nghịch lý), “Tôi cũng xin lý giải thêm vì Ban Nội chính yêu cầu Công an TP giải trình là tại sao án tham nhũng được phát hiện do trinh sát là ít, tôi xin nói thẳng không phải là ít mà là không có. Lý do là vì CATP cũng phải chấp hành chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên. Do đó, các án tham nhũng do Công an thành phố phát hiện phải thông qua các vụ án kinh tế khác”.

Nói cách khác, chỉ thị 15-CT/TW của Bộ chính trị ban hành từ 7/7/2007 (dưới thời TBT Nông Đức Mạnh) đã cản trở công tác điều tra của công an khi người phạm tội tham nhũng là đảng viên (vì lý do bảo vệ Đảng”). Nghịch lý này đã tồn tại ít nhất 8 năm qua, trong khi Đảng và Chính phủ không ngừng kêu gọi chống tham nhũng. Câu chuyện này làm tôi nhớ đến truyện “Những người Thích đùa” (của Azit Nezin). Sao giống thế!

Nghịch lý dân chủ & phát triển

Kết thúc Đại hội Đảng XII, TBT đắc cử Nguyễn Phú Trọng có một câu nói bất hủ có thể đi vào lịch sử phát ngôn của lãnh đạo quốc gia, không thua kém câu nói trước đây tại Vĩnh Phú mà nhà báo Nguyến Đắc Kiên đã phản ứng bằng một lá thư ngỏ nổi tiếng gửi cho TBT (26/2/2013). Tại cuộc họp báo sau Đại hội, TBT nói, “Việt Nam dân chủ đến thế này là cùng!” Chắc cánh báo chí hôm đó “mất điện” và cứng họng luôn. Không còn gì để nói! 

Tại Đại hội Đảng, bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã lên tiếng kêu gọi đổi mới thể chế đồng bộ, phản ánh nguyện vọng bức xúc của đa số người Việt Nam, cũng như cộng đồng quốc tế, nhưng Đại hội Đảng vẫn kiên trì “Chủ nghĩa Mác-Lê” và tiếp tục mô hình “Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN”. Có lẽ cái lô cốt ý thức hệ này còn kiên cố hơn cả cái lô cốt bằng bê tông cốt thép. Liệu câu chuyện “đổi mới thể chế” có giống “chống tham nhũng”?  

Kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc dựa trên mô hình “authoritarian resilience” tuy đem lại thành quả kinh tế nhất thời nhưng đã để lại di họa lâu dài như cái bẫy phát triển đầy nguy hiểm. Với chính sách đối nội và đối ngoại cực đoan, Tập Cận Bình đang đưa Trung Quốc đến bờ vực thẳm phá sản, như “hoàng hôn” (twilight) của chế độ cộng sản. Muốn thoát Trung, Việt Nam không nên tiếp tục theo đuôi Trung Quốc (để bị vạ lây).   

Nguyên tắc “Tập trung Dân chủ” (democratic centralism) là một nghịch lý, không thua kém gì mô hình “Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN”. Đó là cái vỏ bọc cho quái vật Frankenstein biến thái, nửa người nửa ngợm rất nguy hiểm, nửa CNTB hoang dã và nửa CNXH thân hữu, đang thao túng cuộc chơi với lòng tham vô đáy, ngăn cản dòng chảy của lịch sử. Nếu không hóa giải được các nghịch lý đó thì Việt Nam không thể thoát Trung, không thể thoát bẫy thu nhập trung bình, sẽ tiếp tục tụt hậu và sa lầy tại ngã ba đường lịch sử.

NQD. 14/3/2016
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 14-3-16
http://www.viet-studies.info/kinhte/NQuangDy_LoCotDoiMoi.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét