Chữ “Đạo” trong nghề nghiệp
14/03/2016 - Một người bình thường rất dễ bị những người có chữ “nhà” phía trước (như nhà văn, nhà báo, nhà điêu khắc, nhà giáo, nhà ảo thuật, nhà khoa học…) “thôi miên” khi họ nói về công việc đang làm, nghề nghiệp đang theo. Dễ gặp nhất, người ta hay nghe những câu như “làm nghề nào ăn nghề nấy”, rồi câu ví “nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà nghèo”…v.v.
Chương trình “Chết cười” bị nhắc nhở ngay sau khi
phát sóng số đầu tiên do những lỗi về nghề nghiệp.
Quan trọng là điểm khởi đầu
Nguyễn Hồng Lam - Thoạt nghe, những câu như thế có vẻ đầy kinh nghiệm nghề nghiệp, đầy hiểu nghề, thấm nghề. Nhưng nghĩ kỷ, khi nói và tin nhưng giáo điều như thế, cả người nói lẫn người nghe đều đang bẫy và tự rơi vào bẫy trái đạo với nghề. Thường, đó chỉ là những câu nói mang tính biện minh cho sự lỗi đạo, trái quy tắc với nghề; hoặc ngụy tín, tự đóng đinh công việc và người làm nghề trong một thực tại cam chịu.
Điều nguy hiểm, sai lầm ấy lại mang tính phổ quát và hầu như để thuyết phục người ta tin là nó đúng, là chuyện nhất định phải xảy ra như thế. Dần dần, chính các “nhà” làm nghề sẽ ngày càng rời xa đạo đức, quy tắc của nghề. Đó là khi nhà báo không nhắm đến việc chuyền tải, cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng cho bạn đọc hay phản biện, đính hướng dư luận theo chiều đúng đắn mà chỉ chăm chăm câu khách, gợi sự tò mò và thỏa mãn thị hiếu thông tin dễ dãi.
Đó cũng là khi nhà văn không xem việc ra đời tác phẩm tâm huyết là hạnh phúc, chỉ mưu cầu sao cho bán được nhiều sách hoặc được nổi danh. Đó cũng là khi người nghệ sĩ bước lên sân khấu không nghĩ đến chuyện phải làm gì để nâng cao chất lượng nghệ thuật, chỉ tìm đủ chiêu trò để thù lao biểu diễn đêm sau cao hơn đêm trước. Khi đó, đạo làm nghề đích thực đã bị rẻ rúng, trở nên xa xỉ và khó kiếm.
Nhà văn viết sách không phải vì yêu thích công việc sáng tạo chữ nghĩa mà viết sách chỉ để bán sách. Tình trạng thừa cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong khi thiếu trầm trọng chuyên gia, nghệ nhân, thợ tay nghề cao của xã hội ta hiện nay là hệ lụy dễ thấy nhất của sai lầm đó.Quan niệm xã hội – vốn đầy cảm thông với những khó khăn vất vả của giới làm chuyên môn –nên rất dễ đồng thuận với những ngộ nhận. Lâu dần, nó quay lại tham gia định hướng xã hội dịch chuyển theo một chiều hướng méo mó. Học sinh chọn nghề không phải vì yêu nghề, muốn theo nghề mà vì nghề mình chọn ra trường dễ xin việc, dễ kiếm tiền.
Rất dễ thấy một hiện tượng như thế này: một gia đình có con em học xong phổ thông nhưng văn không giỏi, toán không thông, ngoại ngữ không rành, thi mãi vẫn không đậu đại học. Vậy là, hoặc phụ huynh sẽ cho con em mình đi học ngoài chính quy để lấy một cái bằng công nghệ thông tin – rất thời thượng, dễ giấu dốt, hoặc có thể họ sẽ gửi thằng bé chỉ có khả năng nấu chín mỗi nồi nước sôi ấy đi học nấu bếp, theo kiểu thôi thì cũng phải có một nghề. Nó khác rất xa với chuyện bằng mọi giá phải học để thành một chuyên gia IT hay một người vì quá đam mê ẩm thực mà từ chối vào đại học để trở thành một người phụ bếp học nghề. Trong trường hợp đó, khả năng tìm đến thành công rõ ràng là không hề tương quan với bằng cấp đạt được. Nhân rộng ra, một xã hội “học đại”, cơ hội phát triển sẽ rất thấp.
Nói như thế để thấy rằng, đạo làm nghề thực ra không phải là điều gì quá to tát, khó hiểu. Nó bắt đầu từ việc rất đơn giản: hiểu đúng nghề định theo, sẽ làm, tôn trọng các quy tắc nghề nghiệp đúng đắn trong tương quan hiểu rõ năng lực bản thân, đi kèm với việc chọn nghề là ước mơ, mục đích chính đáng. Chỉ như vậy, cá nhân mới có cơ hội gắn bó với nghề và thành công; xã hội mới có cơ hội phát triển bền vững, không lệch lạc.
Không tự đặt mình vào vị thế một “nhà” nào cả, người ta sẽ không chịu áp lực của nghề, nhờ đó sẽ yên tâm công việc hơn. Chúng tôi cho rằng, làm bất kỳ nghề gì liên tục, nhẫn nại trong một năm, người ta sẽ có thể sống được với nghề. Nếu theo đuổi cần mẫn 5 năm, chắc chắn người ta sẽ thạo nghề, có những thành quả nhất định đáng hài lòng.
Với 10 năm chuyên tâm, nghề sẽ thành nghiệp, người làm việc bình thường cũng sẽ có sự nghiệp. Và lúc đó, muốn hay không, nếu năng lực không quá tồi, người ta sẽ thành một chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp đang theo đuổi. Và khi đó, muốn hay không, gọi hay không thì trước cái (chính) danh nghề nghiệp, người ta cũng hoàn toàn xứng đáng được xã hội nhìn nhận có thêm một chữ “nhà”.
Vì thế, chúng tôi luôn tin rằng, đạo làm nghề quan trọng nhất luôn nằm ở điểm khởi đầu, nơi hội tụ của ước mơ – năng lực - điều kiện của chính mỗi người.
NSND Kim Cương:Sân khấu không phải nơi kiếm tiền và danh tiếng
Mai Quỳnh Nga (thực hiện)
Mỗi thế hệ nghệ sĩ quan niệm về nghệ thuật khác nhau. Thế hệ tôi chịu ảnh hưởng từ các bậc lão làng trong sân khấu như nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ... Họ dạy chúng tôi rằng làm nghệ thuật không phải để kiếm tiền và danh tiếng. Cái quan trọng là đóng góp được gì cho đời. Má tôi – NSND Bảy Nam – biểu: Sân khấu là một đạo. Đạo đó là gì?
Thưa, đạo dạy làm người. Nghệ sĩ Năm Châu thì nói văn hoa hơn: “Sân khấu là thánh đường và nghệ sĩ là những kỹ sư tâm hồn”. Do vậy, nghệ sĩ chúng tôi ngày xưa rất thận trọng với nghề. Chúng tôi kính Tổ nghiệp đến nỗi không dám nói một câu thất đức. Không ai dám hé răng hay mạnh miệng nói bỏ nghề. Không phải sợ Tổ nghiệp quở phạt, mà với chúng tôi, Tổ là tượng trưng cho nghề. Nghề đem đến cho mình miếng cơm manh áo, gắn bó với mình qua ngày này tháng khác, nơi để mình thể hiện trí tuệ lẫn tâm hồn... nên nói bỏ nghề thì phũ phàng quá. Bây giờ, dù không đi diễn nữa nhưng tôi chỉ dám coi như mình tạm xa sân khấu.
Chính vì trân trọng nghề, trân trọng Tổ mà nghệ sĩ khi đó rất trân trọng cuộc sống của mình. Mình không thể dạy người đời sống đẹp mà bản thân mình lại sống lọc lừa, độc ác... Nghệ sĩ là người đem đến cái đẹp, ca ngợi cái đẹp nên họ phải sống sao cho đẹp, dù biết đó là điều rất khó. Ra đường, nghe một em bé níu áo hứa chắc nịch: “Mẹ con dù nghèo đến mấy con cũng ở với mẹ”, tôi mừng. Vậy là giọt nước mắt của mình trên sân khấu ít ra đã có ích với một con người.
Sau ngày đất nước thống nhất là thời kỳ hưng thịnh của kịch nói. Đó là 20 năm làm nghề hạnh phúc nhất của tôi. Hồi đó, đất nước còn muôn vàn khó khăn, vậy mà đêm nào sân khấu cũng sáng đèn. Giờ thì điều kiện kinh tế của đất nước đã khá hơn, nhưng thử hỏi có bao nhiêu tác phẩm đi vào lòng người như “Đời cô Lựu”, “Lan và Điệp”, “Lá sầu riêng” ... của ngày trước?
Đạo đức làm nghề của nhiều nghệ sĩ xuống cấp, đời sống sân khấu lao đao, văn hóa lai căng kệch cỡm. Người xưa có câu, đại ý: “Làm một thầy thuốc dở thì chết một mạng người/ Làm một lãnh đạo dở thì chết một đất nước/ Làm một nhà văn hóa dở thì chết một thế hệ”. Nghệ sĩ có trách nhiệm đã đành nhưng những người làm quản lý văn hóa cũng không thể vô can.
Có ba yếu tố quan trọng làm nên thành công của một đêm diễn là rạp hát, khán giả và nghệ sĩ. Đất nước phát triển kinh tế nhưng sân khấu lại không được chú trọng đầu tư ngay từ nơi biểu diễn. Nhiều rạp xập xệ, phông màn rách thủng, chuột chạy đêm ngày. Những chỗ đó thì khán giả tử tế ai dám tới, chỉ dành cho khán giả bình dân mua vui. Mà mua vui nên họ làm gì tùy ý. Họ đến sân khấu như họp chợ, cười nói, la hét. Khán giả như vậy, rạp hát như vậy thì nghệ sĩ cũng phải như vậy. Vở diễn hời hợt, nghệ sĩ lắc mông nhảy múa, nhép môi theo bản nhạc đã thu sẵn, chọc cười bằng màn hài nhảm nhí...
Đoàn kịch Kim Cương trước nổi tiếng là đoàn rất kỷ luật, diễn nghiêm túc. Là trưởng đoàn, tôi quan tâm siết sao tới ba yếu tố trên. Khán giả chưa có ý thức khi xem kịch thì mình tập cho họ. Đoàn có 20 người chuyên soát vé, kiểm tra và nhắc nhở tận nơi khi khán giả lớn tiếng, văng tục, xả rác bừa bãi...
Trước khi mở màn, tôi nói: xin quý vị đừng ồn ào để anh em chúng tôi tập trung hết tinh thần phục vụ quý vị. Mình tạo kỷ luật đó hoài nên khán giả đến đoàn dần có thói quen tốt, biết trân trọng nghệ sĩ và nghệ thuật. Sân khấu tuy còn nghèo nàn, đơn sơ, nhưng tôi luôn cố gắng giữ sạch sẽ, thẩm mỹ để đó thực sự là thánh đường mà mình và khán giả thăng hoa.
Không chỉ tạo kỷ luật với khán giả mà với các nghệ sĩ trong đoàn tôi cũng thắt chặt kỷ cương. Nói 8 giờ tập tuồng thì 8 giờ kém 15 tôi đã đến rồi. Mình làm gương như vậy nên mấy anh em khác không dám đến trễ. Về chuyên môn, tôi cũng nắm chặt chẽ, cảnh nào nhạc nhỏ, cảnh nào tắt đèn... nếu sai mình nhắc liền. Một thời gian, ai cũng quen, không dám xuề xòa với đêm diễn.
Nghệ thuật là lao động tâm hồn, do vậy mình phải dồn hết tâm lực thì nắm bắt được tâm hồn khán giả. Mà làm cho khán giả khóc với mình, cười với mình cực khó. Nghệ sĩ không xúc động, thể hiện cảm xúc giả hoặc không thuộc tuồng, không nhập tâm vào nhân vật, tuồng tích chôm chỉa ý tưởng của người khác... thì làm sao khiến cho người ta xúc động được. Tôi nghe nói có nhiều đoàn hát, anh em nghệ sĩ trải chiếu đánh bài. Đến lúc tới vai, người ta nhắc khản cổ thì biểu sắp ra, sắp ra. Kép chính bị mời rượu kiểu làm một li diễn cho sung cũng sẵn sàng uống cạn. Nó phản nghệ thuật. Làm gì họ còn đủ sức dọn mình ra sân khấu, nhập vào nhân vật nữa.
Đòi tăng thù lao rồi mới diễn, đi trễ, diễn hời hợt, đạo ý tưởng... thì trước tiên là mình không trọng mình, kế đến là không trọng đồng nghiệp, sau cùng là không trọng nghề. Nếu đau đáu vì nghề, biết chăm chút cho từng vai diễn dù là vai nhỏ nhất thì không ai chạy show như chạy giặc vậy. Tôi thường nói với các anh em, mỗi đêm hát của chúng ta giống như một trận đánh cuối cùng. Bởi vậy, các anh em phải diễn hết mình, nghiêm túc như sinh tử. Chứ không thể nói với khán giả: bữa nay tôi mệt tôi hát dở, mai tôi hát lại. Muốn người ta trọng mình, trọng sân khấu thì trước tiên mình phải trọng mình, trọng sân khấu cái đã.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu:“Đừng vì lợi mình mà để hại đến nghề”
Hà Quang Minh (thực hiện)
- Chào TS Nguyễn Thị Hậu, là một người dành cả cuộc đời cho khảo cổ và lịch sử, chị có cảm thấy nhớ nghề không kể từ lúc "nghỉ hưu"?
+ TS Nguyễn Thị Hậu: Chào bạn! Thật ra từ lúc nghỉ hưu tôi mới có nhiều thời gian hơn để dành cho nghề (nghiệp) của mình, vì không còn vướng bận công tác quản lý cũng như những việc chuyên môn khác.
- Điều đó có nghĩa là làm nghề thực sự thì không cứ nhất thiết ta phải ở một cương vị nào, miễn là ta còn tâm huyết với nghề?
+ Đúng, khi đã yêu nghề và có trách nhiệm với nghề thì ở cương vị nào cũng có thể làm nghề được. Tuy nhiên cơ chế hành chính nước ta làm cho nhiều nhà khoa học không thể dành hết tâm sức cho nghề nghiệp nếu như phải làm công tác quản lý.
- Vậy thì sẽ là một sự lãng phí khi những người có tâm, lành nghề lại bị đặt vào cương vị làm quản lý? Nhưng nếu họ được làm nghề đúng nghĩa thì chị có nhận thấy là họ cũng không được tạo điều kiện làm nghề cho trọn vẹn với khát vọng của mình?
+ Đây là một mâu thuẫn trong giới nghiên cứu: người làm quản lý mà không hiểu biết, thậm chí không giỏi nghề thì khó có thể tạo điều kiện và giải quyết khó khăn cho công tác nghiên cứu, cho cán bộ nghiên cứu. Có nghĩa là muốn duy trì công việc chuyên môn của mình thì người quản lý - nhà khoa học phải làm việc bằng hai. Còn người quản lý không biết chuyên môn thì khó có thể "vận hành" những quy tắc quy định... rất rắc rối của các bộ, ban, ngành vào trong công việc cụ thể của cơ quan khoa học, chưa kể là khó nhận biết nhân tài, phát minh khoa học để khuyến khích phát triển. Mặt khác, có thể nói hiện nay ở nhiều cơ quan khoa học, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng điều kiện để làm khoa học không quá ngặt nghèo, nhưng để có những công trình lớn thì còn thiếu nhiều yếu tố cả vật chất và tinh thần. Tình trạng này làm cho nhà khoa học làm việc như một "công chức" mà thiếu tinh thần sáng tạo khoa học.
- Nói như cách người ta hay đề cao cái Đạo Làm Nghề, thế thì điều quan trọng nhất phải là sự tự ý thức về năng lực của mình trước khi đảm nhận trách nhiệm quản lý. Nếu mình đủ năng lực để vừa làm nghề, vừa tạo ra môi trường làm nghề cho cán bộ, cấp dưới thì hẵng nhận trách nhiệm nặng nề bằng hai ấy. Điều đó chính là ý thức được cái Đạo làm nghề của mình đúng không?
+ Đấy là một điều "lý tưởng"! Tôi thì cho rằng, Đạo làm nghề đối với bất kỳ nghề nào, đó là Đạo đức nghề nghiệp, tức là những điều cần phải hoặc không được làm trong nghề đó.
- Chị nói đến điều được làm và không được làm trong nghề đó. Việc từ chối một việc quá năng lực của mình cũng thể hiện cái đạo chứ? Nó thể hiện cái tận tâm, sự trong sáng và đạo đức với ngành nghề mình đang phục vụ và theo đuổi?
+ Đúng! Sự tự ý thức về bản thân cực kỳ quan trọng. Từ sự ý thức này mà ta có thể nhận hay từ chối một công việc, vị trí hay một quyền lực nào đó. Cũng không nên cho rằng, tự ý thức chỉ để "từ chối" - theo cách nhìn kiểu phải "khiêm tốn", nếu dám nhận việc mình có thể làm được và làm tốt thì cũng là thể hiện Đạo làm nghề, vì như vậy sẽ có lợi cho xã hội. cho cộng đồng và cho bản thân mình. Tuy nhiên, từ chối hay chấp nhận, trong nhiều trường hợp cũng khó như nhau.
- Đó phải là sự tự ý thức về cả trách nhiệm của mình đối với xã hội, hiểu rằng hành động của mình luôn có tác động nào đó nhất định đối với môi trường xung quanh phải không chị? Bản thân chị cũng là người viết báo, thậm chí có thể coi là một nhà báo đúng nghĩa, chị cảm thấy cái “ý thức đạo làm nghề” của báo chí Việt Nam hôm nay thế nào, nhất là những vụ kiểu như đưa tin về hai đứa trẻ sinh đôi mà ADN khác nhau và dẫn đến hoang mang, mất lòng tin giữa chính những người thân với nhau?
+ Với những tin, bài như bạn dẫn ra, tôi thấy đó là một loại rác làm ô nhiễm môi trường. Loại tin bài bề ngoài như về "khoa học" hay "bảo vệ đạo đức", thậm chí có vẻ vô tư phản ánh hiện tượng xã hội này khác nhưng thực chất nó như những cái bao nylon không thể phân hủy sẽ làm trái đất này nhiễm độc. Hậu quả tinh thần sớm muộn gì thì cũng làm ảnh hưởng đến xã hội, cụ thể đến những hoàn cảnh tương tự.
- Cái đó chúng ta có thể coi là không chỉ vi phạm đạo đức nghề mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức của một con người vốn phải mang đầy đủ trách nhiệm xã hội? Vậy theo chị, giá trị của “Đạo làm nghề” sẽ nằm ở điểm cốt lõi nào, để người hành nghề coi đó là kim chỉ nam hành động. Và riêng bản thân chị, chị có thích khái niệm Đạo làm nghề?
+ Tôi không rõ người bác sĩ có trách nhiệm đã công bố thông tin như thế nào với báo chí để thành một "quả bom" đối với nhiều gia đình có con sinh đôi như vậy; nhưng cả người công bố từ góc độ khoa học và cả người công bố từ góc độ báo chí đều cần tránh làm một việc là cho mình quyền phán xét, lên án đương sự, mà phải hướng đến mục tiêu là thông tin (một hiện tượng) khoa học. Vì vậy mức độ công bố liên quan đến nhân thân phải được hạn chế tối đa, thậm chí chỉ là "phiếm chỉ". Chỉ khi nào đương sự đồng ý mới được phép tiết lộ trường hợp của họ cho báo chí. Vì vậy cách công bố thông tin nếu không xuất phát từ sự nhân văn thì trở thành vô đạo đức trong nghề nghiệp.
Tôi vẫn quan niệm nghề nào cũng có đạo đức của nghề đó, ngoài đạo đức chung của một con người trong xã hội cụ thể. Nhưng dùng khái niệm "đạo làm nghề" thì có gì đấy nghiêm trọng quá. Mà có lẽ đến lúc Đạo này rất có vấn đề nên cần phải nói về nó một cách nghiêm trọng vậy chăng? Đạo (đức) của nghề nằm ở chỗ: không vì kiếm lợi cho bản thân mà làm tổn hại đến nghề, cao hơn, làm xã hội coi thường, khinh rẻ nghề của mình.
- Vậy thì chị có đồng ý là thay vì nói về đạo làm nghề, chúng ta nên phải chuẩn hoá các công việc mình làm dựa trên các khế ước xã hội như các bộ “nguyên tắc ứng xử” của từng nghề nghiệp riêng?
+ Đúng vậy. Ví dụ nghề bảo tàng thì trong quy tắc nghề nghiệp có những điều hạn chế người làm bảo tàng sưu tập đồ cổ cho cá nhân, để tránh việc từ cương vị làm ở bảo tàng mà lại sưu tầm cổ vật cho riêng mình chứ không đưa về bảo tàng, xa hơn là phòng tránh việc có thể tráo đổi cổ vật trong bảo tàng... Nghề nào cũng cần có bộ quy tắc ứng xử, quy tắc nghề nghiệp, nhất là những nghề mà đối tượng trực tiếp là con người.
Ở một xã hội mà hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh (chưa đầy đủ, chưa đồng bộ...) thì việc có bộ quy tắc nghề nghiệp cho mỗi nghề là cần thiết, để tránh việc "lách luật", tránh việc tạo ra "lệ làng", và để khi có sự cố thì có thể có ngay điều khoản để xử lý, trước khi có luật hoặc nếu luật chưa "phủ" hết mọi trường hợp. Nhưng đầu tiên là để đề cao đạo đức công dân trong một môi trường cụ thểnhằm hạn chế con người làm việc xấu, chứ không phải để cho việc xấu tràn làn rồi mới xử phạt.
- Cảm ơn chị đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.
http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/Chu-dao-trong-nghe-nghiep-385148/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét