Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Bầu cử là Nền tảng của dân chủ

Bài viết rất dài, Blog chỉ trích đăng phần không liên hệ với tình hình bầu cử hiện nay ở Việt Nam
Bầu cử là Nền tảng của dân chủ
Bản chất của một xã hội được gọi là dân chủ hay phi dân chủ, dân chủ giả hiệu hay dân chủ đích thực thể hiện qua cơ chế bầu cử. Bởi vì Bầu cứ là cơ chế thực thi quyền làm chủ của người dân, là lúc người dân thực hiện hành vi quyền làm chủ của mình.
Ở một xã hội dân chủ đích thực, Nhà nước có vai trò trung gian, phi chính trị, không quản trị xã hội bằng cương lĩnh và đường lối mà bằng pháp luật, gọi là nhà nước Pháp quyền. Trong nhà nước Pháp quyền, quyền lực tối thượng là pháp luật. Tổng thống là đại diện cao nhất các lợi ích quốc gia, nhưng người có quyền cao nhất của công cụ quyền lực nhà nước là Chánh án Toà án tối cao. Chánh án Toà tối cao do Tổng thống chỉ định, nhưng độc lập hoàn toàn với Tổng thống. Trong khi tổng thống có thể là đại diện của một đảng chính trị, thì Chánh án bắt buộc phải tuyên thệ phi chính trị.

Xã hội dân sự là xã hội gồm các tổ chức thuần tuý dân sự. Tổ chức dân sự là hội đoàn tự nguyện của các cá nhân hay nhóm cá nhân có chung quyền lợi, hoạt động chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của hội viên không có mục đích vụ lợi, khác về chất với các hội đoàn trong chế độ XHCN.

Trong xã hội dân chủ đích thực, nơi quyền tự do lập hội không bị tước đoạt, mọi người dân, mọi thành phần xã hội đều tự tổ chức thành nhóm, thành hội đoàn để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Bầu cử lập pháp là bầu cử Quốc hội, thực chất là bầu Chính phủ. Vì Chính phủ là bộ máy của lực lượng chính trị hay đảng chính trị chiếm được đa số ghế trong Quốc hội. Chính phủ đứng giữa một bên là Thị trường hay Doanh nghiệp và một bên là Xã hội dân sự, hay là xã hội lao động.

Hội đồng bầu cử Quốc gia trung ương do Chánh án Toà tối cao trực tiếp làm chủ tịch và chỉ định các cấp địa phương trong hệ thống thẩm phán. Hội đồng bầu cử có trách nhiệm tiếp danh sách đăng ký ứng cử của tất cả mọi cá nhân, mọi tổ chức, không hạn chế số lượng, không hạn chế tuổi tác, không có bất cứ một hạn chế nào, nhưng với điều kiện có lượng chữ ký ủng hộ nhất định, do hội đồng quy định. Vì vậy, thông thường các cá nhân hoặc tổ chức nhỏ có quyền lợi gần nhau thường liên danh với nhau.

Bầu cử được tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu kín. Số ghế trong Quốc hội được phân bổ theo tỷ lệ tương ứng với số phiếu thu được từ kết quả bầu cử. Nếu ở vòng một, gọi là vòng tỷ lệ, không có đảng phái nào chiếm đa số phiếu tuyệt đối, sẽ phải tổ chức vòng hai. Ở vòng hai, các đảng phái hay lực lượng chính trị tiếp tục chiến dịch vận động và tìm cách liên minh với các đảng phái khác cùng cánh, tả hoặc hữu, nhằm mục đích dồn phiếu cho nhau. Nếu không tạo được liên minh đủ để chỉ còn hai phe, vòng hai tiếp tục là vòng gọi là vòng loại trực tiếp, tức là lấy hai đảng có số phiếu cao nhất tính từ trên xuống. Vòng ba là vòng cuối, chỉ còn là tranh chấp giưã hai phe. Phe chiếm đa số sẽ đứng ra lập Chính phủ. Nhân sự Chính phủ trong trường hợp phải liên danh, cũng sẽ là sự thương lượng giữa các đảng liên minh theo tỷ lệ tương ứng với số phiếu ở vòng đầu.

Bản chất của một xã hội được gọi là dân chủ hay phi dân chủ, dân chủ giả hiệu hay dân chủ đích thực thể hiện qua cơ chế bầu cử. Bởi vì Bầu cứ là cơ chế thực thi quyền làm chủ của người dân, là lúc người dân thực hiện hành vi quyền làm chủ của mình.

Xã hội là không gian nơi diễn ra các tương tác của các tác nhân xã hội, cụ thể là các hoạt động hai chiều giữa mọi cá nhân, mọi tập hợp các cá nhân, mọi hình thức tổ chức, mọi nghiệp đoàn, mọi đảng phái, tôn giáo… Các tương tác đó có những lúc cùng hướng, nhưng có lúc trở thành xung đột. Công cụ Nhà nước hình thành từ nhu cầu phân xử, hoà giải, và điều chỉnh các xung đột đó. Vì vậy Nhà nước không có bản chất cai trị. Nhà nước chỉ đơn thuần là không gian hình thành các quy ước xã hội, các thoả thuận giưã các tác nhân, nhằm tạo dựng sự đồng thuận của cộng đồng theo xu hướng tiến bộ, tức là thịnh vượng và văn minh.

Thiết chế quyền lực cốt yếu của chế độ là Quốc hội, tức là Đại hội Quốc dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của dân, không phải là tổ chức của bất cứ đảng phái hay lực lượng chính trị nào, không phải là công cụ để “thể chế hoá cương lĩnh chính trị” của bất cứ đảng phái nào.

Cương lĩnh chính trị là mục tiêu hướng tới theo triết lý chính trị của một nhóm cá nhân có chung tư tưởng, một tổ chức, hay một đảng phái. Vì vậy, cương lĩnh chỉ là tài sản của một nhóm cá nhân, một đảng chính trị. Nó là sản phẩm của nhận thức, trong khi nhận thức là một quá trình có tính vận động tự hoàn thiện. Nó có thể là một nhân tố tích cực, nhưng khi đi ngược lại nguyện vọng chung, đi ngược lại xu thế, lại trở thành vật cản của tiến bộ.

Vì vậy, Quốc hội phải do người dân lựa chọn thông qua ứng cử và bầu cử trực tiếp, không thể thông qua hiệp thương của các tổ chức trung gian.

.............

Paris, 18/03/2016
Bùi Quang Vơm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét