Góp lời bàn về thảm họa hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long
"...Chừng nào chúng ta còn khuyến khích một nền nông nghiệp theo lối khai thác nguồn lợi thiên nhiên là chính thì không có nguồn lực nào để đầu tư cho việc hiện đại hóa và phát triển nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả..."Thiên nhiên đã ban tặng cho hành tinh chúng ta một nguồn nước khổng lồ, nhưng đáng tiếc, 98% trong số đó (khoảng 1.400 triệu km3) là nước biển mặn. Phần còn lại đã ít lại bị đóng băng lớn trên hai cực Trái đất và một số vùng rộng lớn trên các núi cao ở khắp các lục địa. Tổng nguồn nước nói chung và nguồn nước ngọt sử dụng được nói riêng như một hằng số trong khi dân số trên thế giới gia tăng không ngừng. Với hai tính cách căn bản của con người là tham lam và tàn ác, loài người không chỉ tiêu diệt lẫn nhau qua hàng ngàn cuộc chiến tranh lớn nhỏ mà còn hủy hoại dần chính môi trường sống của mình.
Nước chỉ là một trong những yếu tố bị sử dụng bừa bãi và gây ô nhiểm nặng nề mà thôi. Nhìn xa hơn trong quá khứ, loài người đã từng sống hàng trăm nghìn năm kể từ khi có con người khôn ngoan trong môi trường “nhiều như nước, rẻ như nước” thì nay, nước đã trở thành một tài nguyên quý hiếm, thậm chí trong tương lai gần sẽ quý hơn dầu mỏ và bởi vậy mà tranh chấp nguồn nước đã dần trở thành các cuộc chiến thật sự. Tình hình này không chỉ xẩy ra trên sông Mekong mà xẩy ra ở hầu khắp các con sông lớn chảy qua nhiều nước, như con sông dài nhất thế giới, sông Nile chảy qua 11 nước châu Phi vẫn thường xuyên xẩy ra các tranh chấp ở mức độ khác nhau, nhưng việc tranh chấp, cướp đoạt nguồn nước trên sông Mekong là một trường hợp rất đặc biệt.
Trời không phụ riêng ai, nhưng Việt Nam chúng ta lại không may mắn là một trong số 14 nước láng giềng của một nước lớn nhưng cực kỳ tham lam tàn bạo và vô trách nhiệm. Một khi họ vô trách nhiệm với cả thần dân của chính họ thì còn trông mong gì vào trách nhiệm của họ đối với các nước láng giềng; trông mong gì vào tình hữu nghị và đồng chí hão huyền. Tham vọng bành trướng là bản chất của các tập đoàn cầm quyền của TQ qua tất cả các triều đại chứ không riêng gì thời đại cộng sản. Nhưng phải đến thời đại cộng sản, với sự giúp sức của người Mỹ mà “công đầu” thuộc về Tổng thống Richard Nixon và ngài cố vấn cực kỳ xảo quyệt Henry Kissinger (từ đầu thập niên 70 của thế kỷ XX), con quái vật Trung Quốc cùng với giấc mộng bá chủ thế giới bị giam cầm hàng ngàn năm trong nghèo nàn và lạc hậu đã trở thành một “cường quốc mới nổi”. Hẵn rất nhiều các cựu quan chức của chính quyền Việt Nam Cộng hòa không thể nào quên được bức điện độc nhất vô nhị của Kissinger chỉ duy nhất một từ “Eureka” gửi về Mỹ trên chuyến bay sau khi ông ta hoàn thành sứ mệnh tiền trạm từ Bắc Kinh trở về Mỹ tháng 7 năm 1972!
Khi “trong tay đã sẵn đồng tiền”, tập đoàn cầm quyền Trung Nam Hải không còn ngần ngại triển khai ồ ạt sức mạnh cứng, sức mạnh mềm để chiếm đất, chiếm biển đảo của các nước có thể chiếm được và dĩ nhiên, họ đã không còn coi Mỹ là một thực thể đáng vì nể gì nhiều trên con đường bành trướng ra biển Đông và biển Hoa Đông. Trong bối cảnh đó, họ chiếm đoạt luôn nguồn nước của hơn một nửa con sông Mekong từ thượng nguồn Tây Tạng qua Thanh Hải cho đến hết địa phận tỉnh Vân Nam bằng hàng chục con đập thủy điện khổng lồ là điều không có gì khó hiểu.
Họ đã làm được điều mà tổ tiên họ chưa thể làm được. Không phải đến bây giờ mà từ hơn 10 năm về trước, họ đã bắt đầu triển khai việc xây dựng các đập thủy điện trên giòng chảy chính của sông Mekong. Dù chiếm hơn quá nửa chiều dài sông Mekong từ phía thượng nguồn, nhưng Trung Quốc lại kiên quyết từ chối tham gia vào Ủy hội Sông Mekong cũng đã quá rõ ý đồ của họ. Tất nhiên việc xây các đập thủy điện trên giòng chính sông Mekong thì họ không cần xin phép các nước tham gia Ủy hội sông Mekong, nhưng về phía chúng ta, cũng giống như việc họ gây tranh chấp rồi “cướp đoạt bằng tình hữu nghị” hoặc bằng lực lượng vũ trang hàng ngàn km2 đất dọc biên giới phía Bắc hay Hoàng Sa và một số đảo thuộc Trường Sa, chúng ta đều im lặng “vì đại cục” thì việc xây các đập bậc thang trên giòng chính sông Mekong dù các nhà khoa học và lãnh đạo, tuy không biết thật chi tiết nhưng không phải chúng ta bây giờ mới biết về những hậu quả có thể gây ra cho vùng hạ lưu sông Mekong mà tồi tệ nhất, rộng lớn nhất là Đồng bằng SCL, nhưng chúng ta không hề có những phân tích, đánh giá và thông báo cho nhân dân biết cũng như không hề chính thức phản đối việc làm vụ lợi và vô trách nhiệm của phía Trung Quốc. Bởi thế mà không nói đến dân mà cả một số nhà khoa học cũng không thể biết và dự báo được một cách đúng đắn tai họa sẽ xẩy ra để phòng tránh có hiệu quả, đỡ bị tổn thất lớn như hiện nay.
Tôi cũng chia xẻ quan điểm của các nhà khoa học nông nghiệp, nhất là các anh chuyên ngành về Thủy Lợi, Thủy Nông rằng không thể đổ lỗi cho các con đập này gây ra tình trạng khô hạn hiện nay mà còn nhiều nguyên nhân khác. Chúng ta đang đối diện với sự biến đổi theo chiều hướng xấu và bất thường của thời tiết, điều này ai cũng biết và đã được cảnh báo từ lâu. Không chỉ có El Nino, La Lina mà còn nhiều biến động phức tạp khác gây ra những đảo lộn không chỉ riêng đối với cây trồng và vật nuôi mà với chính cả cuộc sống con người mà ai ai cũng có thể cảm nhận được một cách rõ ràng bằng sự mệt mỏi, bệnh tật, ốm đau rất phức tạp.
Đó là việc của trời. Tôi cho rằng chúng ta không chỉ phải “sống chung với lũ” mà phải có chiến lược mới cho toàn vùng để có thể “sống chung với biến đổi khí hậu” một cách an toàn và có hiệu quả. Đúng là những tác động của con người trên sông Mekong không phải là nhân tố quyết định gây ra thảm họa cho ĐBCL. Tôi cũng chưa dám nghĩ tới mức độ như anh Nguyễn Hữu Thiện lo ngại rằng ĐBSCL sẽ bị xóa sổ sau 100 năm. Nhưng sự tác động này cũng không “nhẹ nhàng” như một số nhà khoa học của Việt Nam đánh giá mà rõ ràng đã và sẽ còn gây ảnh hưởng rất xấu đối với toàn vùng hạ lưu Mekong, nhất là vùng ĐBCL.
Người ta nói rằng với tổng sản lượng thủy điện có thể khai thác khoảng 60.000 MW mà mới khai thác được gần 20.000 MW, nghĩa là trong con mắt của các nhà quản lý Trung Quốc, “tiềm năng” vẫn còn lớn và kế hoạch xây 14 con đập (chứ không chỉ 6 như hiện nay) là khả thi! Chúng ta thử hình dung tiếp sau 3 con đập lớn là Mạn Loan (Manwan) 1.500 MW, Đại Chiếu Sơn (Dachaosan) 1.350 MW và Cảnh Hồng (Jinghong) 1.350 MW là con đập Tiểu Loan (Xiaowan) với công suất 4.200 MW. Đây là con đập cao nhất thế giới và là con đập lớn thứ hai sau Tam Hiệp với diện tích hồ chứa hơn 190 km2 và sức chứa 15 tỷ m3 nước mà nguồn chính là sông Lan Thương (tên gọi TQ của một nhánh chính sông Mekong) phải mất 4 năm từ năm 2009 mới lấy đủ nước chứa cho hồ!
Hãy chưa nói tới nắng hạn bất thường như năm nay, mà những năm trước, nước sông Mekong đi đâu mà giảm sút? Người Trung Quốc thông báo rằng giòng Lan Thương chỉ chiếm 13,5% lưu lượng nước sông Mekong chảy qua nó nên những con đập ở Vân Nam không ảnh hưởng gì nhiều đến lượng nước về hạ lưu! Đó là một cách nói trí trá thường dùng của người Trung Quốc. Theo Milton Osbome, một chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á có uy tín đã khẳng định trong một cuốn sách nghiên cứu về sông Mekong thì trong mùa khô, lưu lượng nước sông Lan Thương chiếm 40% lưu lượng nước sông Mekong, cao gấp gần 3 lần con số Trung Quốc công bố nhưng không thấy các nhà khoa học Trung Quốc đính chính gì. Dĩ nhiên, Trung Quốc quen thói ăn hiếp các nước nhỏ theo cách của một đại bá, còn các nguồn nước lớn chảy từ Tây Tạng sang Ấn Độ như sông Brahmaputra chảy xuyên qua dãy Hymalaya thì đương nhiên Trung Quốc không dám ngang ngược theo kiểu đối với các quốc gia thuộc Ủy hội sông Mekong, nếu như Trung Quốc không muốn xẩy ra một cuộc chiến về nguồn nước ngay tại địa bàn mà những năm 1959-1962 họ đã từng đánh nhau.
Nhưng đó là cuộc chiến liên quan đến tôn giáo, còn nếu là cuộc chiến về nguồn nước thì ai mà lường hết hậu quả thảm khốc đến đâu nếu như đập Tam Hiệp hay đập nào đó của Trung Quốc bị vỡ? Cổ nhân ta có câu “tham thì thâm”. Đạo trời là thế chứ không phải là một đạo lý nói suông. Chúng ta đừng bao giờ có ảo tưởng trông mong gì vào lòng tốt, vào tình hữu nghị của phía Trung Quốc để kêu gọi, để đề nghị phía Trung Quốc chia xẻ thông tin, điều tiết nước các hồ chứa của Vân Nam giúp chống hạn ở ĐBCL, chừng nào Việt Nam còn là một quốc gia độc lập.
Không chỉ Trung Quốc xây đập trên sông Mekong thuộc lãnh thổ của mình mà họ còn “giúp vốn và chuyên gia” để cả Lào và Campuchia cũng xây các con đập lớn trên sông Mekong thì chẳng ai nói được Trung Quốc vì chính các thành viên của Ủy hội sông Mekong cũng xây đập, thậm chí có những con đập như Sambor của CPC với công suất lên tới 2.600 MW và vốn đầu tư là 5 tỷ đôla. Tất cả các con đập trên giòng chính Mekong không chỉ làm ảnh hưởng đến lưu lượng giòng chảy, đến mùa vụ mà còn giữ lại một nguồn phù sa rất lớn trên các hồ nước, đó là nguồn phù sa chủ yếu kiến tạo nên ĐBSCL trong hàng ngàn năm qua. Theo số liệu đã được công bố thì năm 1990, sông Mekong mang tải khoảng 150-160 triệu tấn phù sa cho toàn châu thổ thì đến năm 2015, con số này chỉ còn 75 triệu tấn!
Chính vì lẽ này mà tôi cũng chia xẻ quan điểm với anh Nguyễn Hữu Thiện rằng “quá trình kiến tạo (ĐBSCL) sẽ bị đảo ngược và nguy cơ ĐBCL bị tan rã” là có thật. Vấn đề không nhẹ nhàng một chút nào. Ở đây chưa bàn đến nguồn lợi thiên nhiên về thủy sản. Thiên tai và nhân họa bên ngoài đã như thế thì chính chúng ta đã và đang tự phá hủy các giồng cát ven biển, khai thác bừa bãi nguồn cát để “đô thị hóa”, để hiện đại hóa kết cấu hạ tầng khu vực, để xây dựng nông thôn mới… không những hàng năm bờ biển cực Nam của tổ quốc không còn được bồi đắp thêm hàng trăm mét ra biển như xưa mà ngược lại, tình trạng sạt lở đất ngày càng trầm trọng, làm mất đi hàng ngàn ha đất mỗi năm, riêng bán đảo Cà Mau mất bình quân 927 ha/năm trong mấy năm gần đây là một vấn đề hết sức đáng quan ngại. Nếu theo số liệu dự báo của Cục quản lý tài nguyên nước thì 50 năm tới, diện tích bị xâm mặn ở mức trên 4 phần ngàn (0,4%) sẽ lên tới 47% diện tích ĐBSCL, còn diện tích bị nhiễm mặn trên 1 phần ngàn sẽ chiếm tới 64% diện tích toàn vùng…
Trở lên là thực trạng đáng buồn mà chúng ta đều rất dễ nhận biết và phải đối diện như một thực tế khách quan không có cách gì chống lại hay có thể “cải tạo thiên nhiên” theo mong muốn của chúng ta mà phải có một sự thay đổi rất căn bản cả về tư duy lẫn hành động. Một cuộc cách mạng thật sự đối với nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là tất yếu bởi vì nền nông nghiệp Việt Nam đã đi lạc hướng và bị trói buộc trong tình trạng trì trệ và lạc hậu quá lâu.
Chúng ta không cần cầu xin ai rủ lòng thương mà chính mình đủ sức để xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, bền vững và hiệu quả trong điều kiện thiên tai và nhân họa có thể khốc liệt hơn tình hình đã nói trên đây. Vấn đề chính yếu ở đây, ngay trước những hậu quả nặng nề này không phải là rút ra bài học nào khác ngoài một thái độ thật sự cầu thị và khoa học. Cứu trợ nhân đạo là việc trước mắt của tất cả các cấp các ngành ngay trong những ngày tháng trước mắt, nhưng không được phép để bà con cô bác ở ĐBSCL phải nhận cứu trợ dài dài do thiên tai và nhân họa. Tuy nhiên cũng giống như đối với tình hình chung của đất nước, chừng nào chúng ta còn khư khư ôm chặt lấy một thứ ý thức hệ đã lỗi thời, một thứ chủ nghĩa đã thất bại trên một nửa thế giới thì không thể nào có được cải cách thể chế chính trị hay thể chế kinh tế để đất nước thoát khỏi con đường mòn bảo thủ trì trệ, để ra khỏi tình trạng ngày càng tụt hậu xa hơn so với các nước ngay trong cộng đồng kinh tế ASEAN.
Trong Nông nghiệp cũng vậy. Chừng nào chúng ta còn giữ lấy “truyền thống” của nền văn minh lúa nước khắp tất cả mọi lúc mọi nơi; chừng nào chúng ta còn kiên trì phát triển một nền nông nghiệp sử dụng rất nhiều nước như nhiều chục năm qua; Chừng nào chúng ta còn khuyến khích một nền nông nghiệp theo lối khai thác nguồn lợi thiên nhiên là chính thì không có nguồn lực nào để đầu tư cho việc hiện đại hóa và phát triển nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả.
Theo tài liệu nghiên cứu về nước trình lên Liên hợp quốc thì số quốc gia và số dân sống trong tình trạng “cực kỳ nghèo về nước” đã tăng nhanh chóng mà kẻ có tội đầu tiên của tình trạng này chính là các nền nông nghiệp sử dụng nhiều nước. Người ta đã tính được rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã sử dụng lượng nước ngọt cao hơn cả Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga và Nhật Bản cộng lại! Tôi không có ý nói chúng ta phải từ bỏ cây lúa nước truyền thống, nhưng không thể cứ đẩy mạnh sản xuất lúa nước ngay cả những tiểu vùng mà chúng ta biết chắc nguy cơ không có nước ngọt là rất cao.
Chúng ta thường nói nhiều về an ninh lương thực, đó cũng là một vấn đề mang tính chiến lược. Nhưng “lương thực” bao gồm những gì và chúng ta cũng không thể gánh vác được trách nhiệm an ninh lương thực cho hàng triệu người tiêu dùng ở nhiều nước khác khi nhất thiết phải đứng thứ nhất thứ nhì về xuất khẩu gạo. Chúng ta đều biết không một nước nào, một hộ nông dân nào làm giàu từ lúa gạo, vậy vì sao chúng ta cứ đầu tư rất tốn kém để “đảm bảo diện tích trồng lúa” ngay cả những vùng mà chúng ta biết chắc là sẽ nhiễm mặn, sẽ rất khô hạn trong tương lai gần. Vậy chúng ta chuyển hướng gì trong môi trường thiên nhiên bất ổn? Không phải chỉ Việt Nam mới bị tình trạng nhiễm mặn và bị mực nước biển dâng tấn công mà rất nhiều nước ở trong tình trạng đó, thậm chí còn nặng nề hơn chúng ta. Vậy họ đã giải quyết thành công bằng cách nào?
Chính vì những lẽ như trên, tôi rất đồng tình với nhiều quan điểm của Giáo sư Võ Tòng Xuân. Trong trạng thái quá bức xúc, có thể GS Võ Tòng Xuân đã quá gay gắt như Tiến sĩ Tô Văn Trường đã nói, nhưng về căn bản, rất cần thiết phải tiến hành một cuộc cách mạng như GS Võ Tòng Xuân kỳ vọng. Còn cuộc cách mạng ấy bắt đầu từ đâu, mang tải những nội dung gì, còn tùy thuộc vào năng lực lãnh đạo của những người có trách nhiệm có chịu ra khỏi bàn giấy để đến với thực tiễn từng vùng, có quy tụ được trí tuệ của các nhà khoa học trong lĩnh vực Nông Lâm Ngư nghiệp hay không.
Đúng là xã hội ta đang có quá nhiều học hàm học vị không do chân tài thực học mà có, nhưng cũng đang có rất đông các nhà khoa học tâm huyết, có thực tài, có hiểu biết sâu sắc thực tiễn, chúng ta có thể tin là sẽ cùng nhau tìm được hướng đi mới cho nền nông nghiệp đất nước trong những năm tới. Vào những năm tháng đất nước ở trong tình trạng cực kỳ khó khăn thiếu thốn những năm cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80, chính nông dân và nông nghiệp đã là lực lượng đi tiên phong trong công cuộc đổi mới để góp phần tạo ra bước ngoặc rất căn bản cho nền kinh tế. Tôi tin rằng một lần nữa, khu vực nông thôn nông nghiệp sẽ tự mình tạo ra được bước đột phá mới, mang tầm vóc của một cuộc cách mạng về thể chế kinh tế. Người Israel không từng kêu ca thiếu nước để phát triển một nền nông nghiệp chất lượng cao, quy mô lớn thì không lý gì chúng ta lại bó tay trước những thử thách của biến đổi khí hậu một khi chúng ta đang còn nhiều nguồn nước hơn họ.
Hà Nội 18/3/2016
Nguyễn Thái Nguyên
Ba Sàm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét