Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Giải pháp nào cho ngập mặn và thiếu lũ?

Giải pháp nào cho ngập mặn và thiếu lũ?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA - "Chúng tôi cũng đã kiến nghị dành chỗ nào trồng lúa mà không chắc ăn, vẫn bấp bênh thì thôi bỏ hẳn đất trồng lúa. Chuyển qua nuôi trồng thủy sản như nuôi tôm hay nuôi cá nước lợ chằng hạn thì sẽ hợp lý hơn mình cứ ráng mà trồng lúa. Trồng lúa bây giờ cái giá thành nó cao lên trong khi đó giá bán lại thấp, lúc đó hiệu quả kinh tế không lớn. Tôi nghĩ đó là giải pháp tương đối hợp lý hơn vì lúc đó mình có thể lấy phần nước mặn để nuôi tôm chẳng hạn".
Một cánh đồng lúa bị hạn hán ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng hôm 2/3/2016. Sáng ngày 7 tháng 3 năm 2016 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi làm việc tại địa phương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã được báo cáo tình hình ngập mặn, hạn hán và thiếu lũ nghiêm trọng ngày càng gay gắt và có chiều hướng xấu hơn. Nguyên nhân từ hiện tượng El Nino và nước từ thượng nguồn sông Mekong đã cạn do đầu nguồn đóng lại các đập ngăn nước. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Anh Tuấn, thuộc Viện nghiên cứu khí hậu Đại học Cần Thơ về giải pháp và cách đối phó với vấn đề cực kỳ nghiêm trọng này.

Mặc Lâm: Thưa TS xin ông cho biết tình hình thiếu lũ nghiêm trọng trong năm nay ảnh hưởng cụ thể tới đời sống người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ra sao?
TS Lê Anh Tuấn: Liên quan tới mùa lũ năm 2015 thì lũ rất thấp nên mấy tỉnh đầu nguồn thì người dân nhất là dân nghèo họ bắt cá trên sông thì nguồn thu nhập của họ giảm rõ rệt. Có những người không còn thu nhập nào nữa, như bắt cá linh chẳng hạn thì năm vừa rồi gần như họ treo lưới lên, họ không còn thu nhập trong những mùa như trước được. Còn những người đi làm lao động, đi làm thuê cho mấy ông chuyên bắt cá thì nguồn cá giảm ảnh hưởng rất lớn tới họ và họ phải chuyển qua những ngành khác.
Mặc Lâm: Nguồn nước giảm phải chăng do ảnh hưởng El Nino hay từ việc ngăn dòng chảy đầu nguồn của Lào và Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam như vậy thưa TS?
TS Lê Anh Tuấn: Thật ra nguồn nước nó giảm năm rồi và năm nay là do bị tác động bởi hiện tượng El Nino mà đặc biệt El Nino kỳ này nó diễn ra khắc nghiệt hơn là những kỳ trước. Thứ nhất nó đến sớm thứ hai là cường độ nó mạnh hơn. Nó làm cho nguồn nước mưa ít lại và lũ giảm đi.
Những đập đầu nguồn chắc chắn sẽ có ảnh hưởng bởi vì khi thiếu nước như vậy thì những hồ chứa thuộc một phần của Trung Quốc và một phần của Lào họ tìm cách giữ nước lại trong các hồ chứa để dành trong các đợt khô hạn sắp tới. Bởi vì không có nước thì sẽ không có điện nên có bao nhiêu nước trong mùa mưa thì họ cố gắng họ giữ càng nhiều càng tốt. Điều đó làm cho tình trạng lũ khó khăn hơn nữa. Chưa kể một số quốc gia như Thái Lan hay phía đầu nguồn của Trung Quốc họ chuyển nước qua các vùng khô hạn của họ làm cho hạ lưu càng ngày càng thiếu nước
Mặc Lâm: Vừa rồi Thái Lan lại nắn dòng chảy của sông Mekong vào sâu trong vùng đông bắc của xứ này, liệu việc làm này ảnh hưởng tới Việt Nam ra sao và trên pháp lý thì Thái Lan có vi phạm các cam kết của Ủy hội sông Mekong hay không?
TS Lê Anh Tuấn: Thực ra nếu căn cứ trong tình hình sông Mekong thì chuyện vừa rồi Thái Lan có lấy nước trên sông nhánh và số nước ấy trong vùng khô hạn vẫn nằm trong sông Mekong nên về mặt luật thì Thái Lan chỉ làm động tác chính là họ thông báo cho mình chưa hẳn là họ vi phạm. Nhưng điều này cảnh báo cho những vùng hạ lưu sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều trừ trường hợp trong mùa khô mà họ chuyển nước sông Mekong đi qua một lưu vực khác thì lúc đó mình mới có thể phản đối được.
Mặc Lâm: Đã có 5 tỉnh tuyên bố hạn hán và ngập mặn là Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp và Cà Mau theo TS đối phó với ngập mặn và hạn hán trong tình trạng nhiều tỉnh cùng lúc như vậy thì vấn đề tài chánh có phải là ưu tiên hàng đầu? Theo ông thì giải pháp nào có vẻ khả thi nhất?
TS Lê Anh Tuấn: Hiện nay vấn đề chống mặn rất khó. Chống mặn thì phải có nước ngọt thì mình mới chống được. Bây giờ các tỉnh đều công bố xâm nhập mặn thuộc loại thiên tai rồi và chính phủ phải tài trợ tiền cho các tỉnh đó chi trợ nguồn nước từ vùng trên đi xuống. Để giải quyết vấn đề chính là nước sinh hoạt thì ưu tiên còn nước mà cho canh tác thì rất khó. Vùng nào bị nhiễm mặn ít hơn thì tìm nguồn nước gần nơi đó để đối phó còn vùng nào mặn quá thì bỏ luôn.
Bây giờ hầu hết các tỉnh ven biển bị nhiễm mặn thì một là phải chở nước về từ vùng khác bổ xung vô đó. Hai là phải tăng chi phí xử lý nước mặn lên. Tất nhiên khi tăng lên thì các công ty lo chuyện cấp nước sẽ chịu phí tổn thì họ cũng sẽ tăng giá bán nước được.
Thật ra bây giờ nhà nước cũng có tài trợ tiền nhưng tôi không biết số tiền đó được phân chia cách nào. Tôi không rõ lắm nhưng chắc chắn người nông dân ở những vùng như vậy thì họ gặp khó khăn không có cách nào tránh khỏi.
Tuy nhiên chúng tôi cũng đã kiến nghị dành chỗ nào trồng lúa mà không chắc ăn, vẫn bấp bênh thì thôi bỏ hẳn đất trồng lúa. Chuyển qua nuôi trồng thủy sản như nuôi tôm hay nuôi cá nước lợ chằng hạn thì sẽ hợp lý hơn mình cứ ráng mà trồng lúa. Trồng lúa bây giờ cái giá thành nó cao lên trong khi đó giá bán lại thấp, lúc đó hiệu quả kinh tế không lớn. Hiện nay tôi đang kiến nghị những vùng như vậy, chỗ nào trồng lúa mà không hiệu quả nữa thì thôi mạnh dạn bỏ, chuyển đổi đất lúa thành ra đất thủy sản. Tôi nghĩ đó là giải pháp tương đối hợp lý hơn vì lúc đó mình có thể lấy phần nước mặn để nuôi tôm chẳng hạn.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Tiến sĩ.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-cope-salty-submerge-lack-of-flood-ml-03082016110919.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét