Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

(2) Nhà nước và tư bản trong bộ Tư bản của Mác

Nhà nước và tư bản trong trình bày của bộ Tư bản
PGS Trần Hải Hạc
Hình thái nhà nước và những hình thái của nhà nước
Jon Elster (1940-)
Bắt đầu từ Hệ tư tưởng Đức, người ta tìm thấy trong những văn bản của Marx hai loại phân tích về nhà nước mà nhiều nhà bình luận cho là tương phản. Theo Maurice Barbier, Marx có một lý thuyết “lai tạp” về nhà nước với, một mặt, là nhà nước “công cụ của giai cấp thống trị về mặt kinh tế” và, mặt khác, là nhà nước “độc lập với các giai cấp và đứng trên toàn thể xã hội”: hai quan niệm này, Marx “đặt kề nhau” mà không quan tâm dung hòa hay làm cho chúng ăn khớp trong một lý thuyết khái quát về nhà nước.[40] Đối với Jon Elster, đó là hai lý thuyết nối tiếp nhau: Marx đầu tiên tán thành quan niệm “công cụ” về nhà nước, nhưng từ bỏ nó vào khoảng năm 1850 để phân tích “tính độc lập của nhà nước” trên cơ sở của thế cân bằng giữa các giai cấp xã hội, và phân tích này phải được xem là “lý thuyết khái quát về nhà nước hiện đại của Marx”.[41] Chúng ta hãy xem xét những văn bản qui chiếu.
Từ Phê phán triết học pháp quyền của Hegel cho đến Hệ tư tưởng Đức, nhà nước hiện đại được Marx trình bày theo một mệnh đề kép nhằm xác định bản chất của nó và đặc trưng hình thái của nó. Bản chất của nhà nước hiện đại là một nhà nước giai cấp, đó là quan hệ xã hội qua đó giai cấp tư sản xác lập sự thống trị của nó. Hình thái của nhà nước hiện đại là một nhà nước của công dân tự do và bình đẳng, đó là hình thái dân chủ. Khi phân tích nhà nước, Marx không vận dụng lô-gích công cụ mà một lô-gích hình thái. Sự lý thuyết hóa nhà nước của ông chỉ trở thành “duy công cụ” khi người ta qui nó một cách đơn phương vào định nghĩa bản chất của nhà nước giai cấp, không kể đến hình thái đặc thù của nó là nhà nước công dân, không quan tâm đến hình thái dân chủ của nó.
Ắt không thể chỉ nhận xét rằng nhà nước hiện đại có nội dung giai cấp như thế này và hình thức dân chủ như thế kia, mà còn phải giải thích vì sao nội dung này mang hình thức đó. Marx lý giải điều này khi làm rõ những điều kiện xã hội trong đó xảy ra sự tách biệt giữa nhà nước hiện đại và xã hội dân sự. Như chúng ta đã thấy ở trên, đó là sự giải thể của những xã hội mang tính chất cộng đồng mà quan hệ sản xuất có tính “trực tiếp” chính trị, ở đây quan hệ bóc lột đồng hóa với quan hệ thống trị chính trị. Chỉ khi nào quan hệ sở hữu được giải phóng khỏi những ràng buộc cộng đồng thì “nhà nước mới tồn tại riêng biệt bên cạnh xã hội dân sự và ở ngoài nó”. [1846, tr. 73] Cùng lúc, đó là sự tan rã của xã hội đẳng cấp đưa đến hình thành những con người cá nhân độc lập, chính thức tự do và bình đẳng, mà hình thái đại diện chính trị chỉ có thể là hình thức dân chủ. Như vậy, tính đại diện dân chủ “là một sản phẩm hoàn toàn đặc thù của xã hội tư sản hiện đại, và không thể tách nó ra khỏi xã hội này, cũng như không thể tách con người cá nhân đơn độc hiện đại ra khỏi xã hội đó”. [1846, tr. 192]
Mặt khác, để khẳng định sự thống trị của mình, giai cấp tư sản phải có khả năng biểu hiện lợi ích riêng của nó như là “lợi ích phổ quát” và biểu hiện tư tưởng của nó như là tư tưởng “duy nhất hợp lý, duy nhất có giá trị phổ quát”. Tính chất phổ quát này tất nhiên là tưởng tượng, nhưng đó là điều kiện về hình thức của nhà nước hiện đại, theo nghĩa không có hình thức dân chủ thì nhà nước hiện đại không thể tồn tại và sự thống trị chính trị của giai cấp tư sản không thể thực hiện. Đó là điều mà Barbier không hiểu khi ông đối lập sự phụ thuộc của nhà nước hiện đại vào giai cấp thống trị và sự độc lập của nó đối với xã hội dân sự: đã là “nhà nước của một giai cấp cá biệt”, nhà nước hiện đại “không thể cho rằng nó là hiện thân của lợi ích chung của xã hội”.[42] Rõ ràng, có sự nhầm lẫn giữa hai vấn đề cũng là hai cấp độ phân tích nhà nước hiện đại: nội dung giai cấp của nó và hình thức đặc thù của nó.
Người ta còn tìm thấy ở Marx một loạt văn bản khác bàn về sự độc lập của nhà nước hiện đại đối với các giai cấp xã hội, đặc biệt đối với giai cấp thống trị. Hệ tư tưởng Đức phân tích chế độ quân chủ chuyên chế của Phổ và, khái quát hơn, trường hợp của các nước chưa có giai cấp tư sản thống trị: “Sự độc lập của nhà nước chỉ tồn tại ngày hôm nay ở các nước trong đó (…) không có thành phần dân chúng nào có khả năng thống trị thành phần kia” [1846, tr. 74]. Sau đó, Ngày 18 tháng Sương mù của Louis Bonaparte  Cuộc nội chiến ở Pháp 1871 mở rộng phân tích về sự độc lập của nhà nước đối với các giai cấp đến các chế độ theo chủ nghĩa Bonaparte ở Pháp và Phổ, và khái quát hơn đến các xã hội tư bản phát triển trong đó các giai cấp ở trong thế cân bằng: “Thực ra, đó là hình thái cai trị duy nhất có thể có trong thời kỳ giai cấp tư sản đã mất – nhưng giai cấp công nhân chưa có được – khả năng cai trị quốc gia”. [1871, tr. 62]. Tuy nhiên, không thể – như là Elster –  đối lập các văn bản về tính độc lập của nhà nước trong các chế độ theo chủ nghĩa Bonaparte này với các văn bản xác định nhà nước hiện đại như hình thái đặc thù của nhà nước giai cấp, bởi đó là hai cấp độ phân tích nhà nước hiện đại khác nhau. Những văn bản về chủ nghĩa Bonaparte không nói đến khái niệm chung của nhà nước hiện đại mà bàn về một hình thái đặc biệt về chế độ chính trị: các văn bản này không thuộc phạm vi phân tích hình thái nhà nước hiện đại như là quan hệ xã hội, mà thuộc phm vi phân tích những hình thái của nhà nước hiện đại như là hình thái hiện tượng.
Đó là điều mà nhiều nhà bình luận Cuộc nội chiến ở Pháp 1871 đã không nắm bắt được trong văn bản này mà họ thường trích dẫn như là minh họa cho quan niệm “duy công cụ” về nhà nước của Marx. Tác phẩm này trình bày những “chế độ”, những “hình thái cai trị” đã tiếp nối ở Pháp từ Đệ nhất đến Đệ nhị đế chế (quân chủ chính đáng, quân chủ hợp hiến, cộng hòa đại nghị). Nó cho thấy nhà nước tư sản có thể biểu hiện trong nhiều chế độ chính trị khác nhau, tùy theo tương quan lực lượng xã hội và sự tranh đua giữa những phe nhóm nắm quyền. Trong tình trạng cường độ đấu tranh giai cấp gia tăng, và đối mặt với nguy cơ giai cấp vô sản nổi dậy, giai cấp tư sản vận dụng chủ nghĩa Bonaparte như là “hình thái cuối cùng” của chế độ chính trị tư sản, trong đó nhà nước không còn chịu sự kiểm soát trực tiếp của giai cấp tư sản mà dường như là đặt ở ngoài và ở trên các giai cấp xã hội [1871, tr. 60-62]. Có thể nói rằng luận điểm về “sự độc lập của nhà nước”, cũng như luận điểm về nhà nước “duy công cụ”, lẫn lộn bản chất của nhà nước hiện đại với chế độ chính trị là hình thái biểu hiện của nó.
Cách diễn giải Marx mà Barbier đề ra cũng không phân biệt được trong lý luận của Marx hai cấp độ phân tích “tính độc lập của nhà nước” khác nhau: “sự độc lập của nhà nước đối với xã hội”, tức sự tách biệt giữa nhà nước hiện đại và xã hội dân sự, là nét đặc trưng thuộc về khái niệm chung của nhà nước tư sản; và “sự độc lập của nhà nước đối với các giai cấp xã hội”, như trong chủ nghĩa Bonaparte, là một hình thái cá biệt về chế độ chính trị trong xã hội tư sản. Từ đó mà có ý kiến phê phán Marx khi thì lý giải tính độc lập của nhà nước như “một hiện tượng khái quát”, khi thì giải thích nó bởi “những điều kiện đặc biệt và nhất thời”.[43]Mới rõ là, khi đọc các văn bản chính trị của Marx, cần phân biệt nhà nước và chế độ chính trị. Hay nói cách khác, phải tránh lẫn lộn sự phân tích nhà nước hiện đại, như là hình thái xã hội, với sự phân tích những hình thái tồn tại của nhà nước là các chế độ chính trị – cũng như trong trình bày của bộ Tư bản, phải phân biệt việc phân tích giá trị như là hình thái xã hội, với việc phân tích giá trị trao đổi như là hình thái hiện tượng của giá trị, tức là giá cả với các hình thái chuyển hóa của nó.[44]
Những phân tích hình thái giá trị và nội dung giai cấp của nó, mà Marx triển khai từ Phần thứ hai Quyển I của bộ bộ Tư bản, giúp soi sáng hình thái dân chủ của nhà nước hiện đại và bản chất tư sản của nó. Cũng như hình thái giá trị che lấp quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa, hình thái dân chủ che khuất quan hệ thống trị chính trị của giai cấp tư sản. Nói rằng các hình thái này là hão huyền không có nghĩa rằng chúng không có tính thiết yếu. Hình thức ở đây hiện thực như là nội dung, theo nghĩa dân chủ là hình thái tồn tại của nhà nước hiện đại. Từ đó có thể lý giải vì sao Marx, một mặt, cảnh báo người lao động về tính “hão huyền” của những cuộc đấu tranh thuần chính trị ở bên trong nhà nước tư sản [1846, tr. 36]; đồng thời ông khẳng định tầm quan trọng của “những đấu tranh vì hình thái của nhà nước” và kêu gọi thiết lập “hình thái về nhà nước tốt nhất (…), hình thái trong đó các mâu thuẫn xã hội không bị làm mờ nhạt đi, không bị sức mạnh ngăn chặn (…), hình thái trong đó các mâu thuẫn đi vào đấu tranh công khai và tìm ra giải pháp” [1848-1849, t. 3, tr. 184]. Vả chăng, Hệ tư tưởng Đức nhận xét rằng chính yêu sách dân chủ, tức việc khẳng định sự tự do và bình đẳng trên hình thức, là điều “thống nhất” những người lao động đối mặt với giai cấp tư sản và kết hợp họ thành giai cấp xã hội. [1846, tr. 320]
Đồng thời, Marx cũng nhận xét rằng phổ thông đầu phiếu thuộc phạm trù về dân chủ hình thức và, trong xã hội tư sản, nó đã biểu lộ như là “bộ máy hữu hiệu nhất trên thế giới để thiết lập một chế độ chuyên chế” [1859b]. Ngày 18 tháng Sương mù của Louis Bonaparte Cuộc nội chiến ở Pháp 1871 luôn nhắc nhở rằng chế độ Bonaparte đã được xác lập với “dấu thị thực của phổ thông đầu phiếu”. [1871, tr. 61] Điều này xác nhận rằng chế độ chuyên chế chính trị hoàn toàn có thể lồng vào hình thái dân chủ của nhà nước hiện đại.

Qui chế hai mặt của người lao động tự do

Lý luận về hình thái của Marx đưa đến định nghĩa tư bản như là một hình thái đặc thù về bóc lột, là quan hệ tước đoạt lao động thặng dư dưới hình thái giá trị, tức hình thái tiền tệ. Vấn đề cơ bản đặt ra cho lý thuyết về tư bản là vì sao sự tước đoạt lao động thặng dư này không hiện ra trực tiếp như nó là, mà cần biểu hiện dưới hình thái của một quan hệ hàng hóa. Lý luận về hình thái cũng đưa đến định nghĩa nhà nước tư bản chủ nghĩa như là một hình thái đặc thù về sự thống trị chính trị, là quan hệ chủ quyền và phụ thuộc mang hình thái công dân. Vấn đề cơ bản đặt ra cho lý thuyết về nhà nước tư bản chủ nghĩa là vì sao sự thống trị chính trị này không hiện ra trực tiếp như nó là, mà phải biểu hiện dưới hình thái nhà nước của công dân. Trong Quyển III của bộ Tư bản, Marx kết nối hai vấn đề nói trên: “Hình thái kinh tế đặc thù qua đó lao động thặng dư của người sản xuất trực tiếp bị tước đoạt, quyết định (…) hình thái chính trị trong đó quan hệ chủ quyền và phụ thuộc biểu hiện” [1864-1865, t.3, tr. 72]. Nói cách khác, vấn đề thứ nhì dẫn người đọc trở lại vấn đề thứ nhất mà câu trả lời nằm trong Quyển I: đó là sự tồn tại của sức lao động như là một phạm trù đặc thù của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.[45]
Khái niệm về sức lao động xuất hiện trong trình bày của bộ Tư bản với sự hình thành nhân vật “người lao động tự do”, khác với nhân vật người nô lệ. Người lao động làm thuê có đặc tính tự do theo hai nghĩa khác nhau: một mặt, họ có quyền quyết định trên bản thân, cho nên là chủ sở hữu sức lao động của mình và, với tư cách đó, trong quan hệ làm công, họ là con người tự do và bình đẳng về pháp lý với người nắm đồng tiền; mặt khác, người lao động làm thuê bị tách ra khỏi những điều kiện lao động, nên không thể làm ra hàng hóa để bán và, để có được tiền tệ, phải chuyển hóa sức lao động của mình thành một giả hàng hóa. Đó là tính hai mặt xác định nội dung và hình thức của lao động làm thuê mà, trong Bản thảo 1857-1858, Marx còn gọi là “lao động tự do”. Hai mặt đối lập đó không tách rời nhau được, bởi sự cưỡng bức lao động làm thuê không hề bãi bỏ tính tự do và bình đẳng về hình thức của người làm công. Sự tự do và bình đẳng này nằm trong khuôn khổ của quan hệ trao đổi giữa sức lao động và tiền tệ: “Hệ thống tiền tệ thực ra là hệ thống của bình đẳng và tự do” [1857-1858, t. 1, tr. 188]. Marx nói rõ là tự do và bình đẳng của quan hệ hàng hóa “hoàn toàn đối lập với tự do và bình đẳng thời cổ đại mà cơ sở không phải là giá trị trao đổi đã phát triển; trái lại, chính sự phát triển của giá trị trao đổi này đã tống khứ tự do và bình đẳng của thời cổ đại”. Đó là vì nền tảng của phương thức sản xuất cổ đại không phải là lao động tự do mà là “lao động cưỡng bức”. [1857-1858, t. 1, tr. 185]
Tất nhiên, hành vi mua bán sức lao động chỉ mua bán một giả hàng hóa: người lao động cho thuê sức lao động của mình thực ra bán cho chủ tư bản sự phục tùng của cá nhân mình trong quá trình lao động, cho nên tính bình đẳng và tự do của quan hệ hàng hóa che khuất bản chất của quan hệ làm công là “bất bình đẳng và phi tự do”. [1857-1858, t. 1, tr. 189] Tuy vậy, người làm công vẫn hành xử “với tư cách là chủ thể”, “như một người độc lập” đối với chủ tư bản. [1857-1858, t. 1, tr. 403-404] Theo Marx, người ta thường quên rằng người làm công “được xác định chính thức là một con người, rằng ở ngoài hoạt động lao động [người làm công] còn là một cái gì đó vì mình”. Khi họ chi xài tiền lương, tức là trong quá trình tái sản xuất bản thân, người lao động làm thuê “có nhiều khả năng chọn lựa tùy ý và như vậy có được tự do hình thức”, đặc biệt khi người làm công “dự phần vào hoạt động văn hóa, là điều phân biệt họ với người nô lệ”. [1857-1858, t. 1, tr. 230; 228]. Từ đó mà người lao động làm thuê – như Marx nhấn mạnh –  “có thể có một hành động lịch sử khác hẳn” người nô lệ. [1844-1881, tr. 377]
Phân tích sự tách biệt xã hội dân sự với nhà nước hiện đại cho phép xác định tính hai mặt của khái niệm người lao động tự do: đó không chỉ là sự tự do và bình đẳng trong quan hệ hàng hóa của người làm công với tư cách là người bán sức lao động, mà còn là sự tự do và bình đẳng chính trị của người làm công với tư cách là công dân. Và bởi vì trong đấu tranh thuần kinh tế, tư bản bao giờ cũng “mạnh hơn”, quan hệ làm công đòi hỏi người lao động làm thuê phải hành động “từ bên ngoài”, tức là với tư cách là công dân, họ phải có “một hành động chính trị chung” lên nhà nước và các thiết chế của nó [1849-1865, tr. 108]. Những phân tích của bộ Tư bản cho thấy qui chế bán hàng của người lao động làm thuê tùy thuộc vào qui chế công dân của mình, và chỉ có cuộc đấu tranh nhằm mở rộng các quyền chính trị (quyền bỏ phiếu, quyền lập hội, quyền đình công …) mới cho phép hạn chế tính chuyên chế của tư bản trong quan hệ làm công (thời gian lao động hợp pháp, tiêu chuẩn vệ sinh và đào tạo, tiền công tối thiểu …). Khái quát hơn, thực hành quyền tự do hợp đồng đòi hỏi người làm công có những quyền tự do công dân, cho nên việc xác định những chuẩn xã hội về sử dụng và tái sản xuất sức lao động bao giờ cũng dựa trên một tương quan đối cực giữa hợp đồng và luật pháp.
Chính vì cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động làm thuê được tiến hành thông qua hình thái dân chủ của nhà nước hiện đại, qua “tư cách công dân tích cực”, mà các quyền tự do và thiết chế chính trị hợp thành, với những chuẩn xã hội về sử dụng và tái sản xuất sức lao động, đối tượng của đấu tranh giai cấp. Do đó mà, ngược lại với những ý kiến cho rằng “những người vô sản thờ ơ với tư cách công dân”, Marx nhấn mạnh: “Các công nhân coi trọng tư cách công dân, tức tư cách công dân tích cực, cho nên ở những nơi công nhân có tư cách đó như tại Mỹ họ giương cao nó, và ở những nơi công nhân không có tư cách công dân đó thì họ muốn giành được nó” [1846, tr. 211].
Marx nắm bắt tính đặc thù của chủ nghĩa tư bản như là xã hội giai cấp qua hai đặc điểm của nó: một mặt, quan hệ bóc lột người lao động làm thuê mang hình thái hàng hóa và, mặt khác, quan hệ thống trị chính trị của giai cấp tư sản mang hình thái công dân. Song, nếu Marx gắn hai hình thái hàng hóa và công dân một cách hữu cơ, ông không rút ra hết hệ lụy của mối tương quan phụ thuộc lẫn nhau giữa hai hình thái đó khi ông phân tích lao động làm thuê. Hệ quả là một khái niệm về tư bản trong đó các yếu tố hàng hóa và công dân xem ra như là thuần túy hình thức, tức như là một điều gì hời hợt, thậm chí mất dần. Đó là trường hợp của các phân tích quan hệ tư bản chủ nghĩa chỉ quan tâm nắm bắt nội dung mà bỏ qua hình thức của nó. Người lao động khi đó bị đồng nhất hóa với sức lao động của mình, và việc tái sản xuất sức lao động này bị đồng nhất hóa với tái sản xuất một rổ hàng hóa. Tương tự như tư liệu lao động, người lao động trở thành “sở hữu của tư bản”, và tái sản xuất sức lao động trở thành “một momen của sự tái sản xuất tư bản”. Cũng như người nô lệ, người làm công “bị trói buộc vô chủ của mình”, không phải là một nhà tư bản cá biệt mà là giai cấp tư bản. Do đó, người làm công thuộc về tư bản trước khi họ bán sức lao động cho một chủ tư bản nào đó, và chỉ có “ảo tính  pháp lý của hợp đồng” mới tạo ra “vẻ bề ngoài là họ độc lập”. [1872-1875, t. 3, tr. 16; 1890, tr. 644]
Đối với Marx, những văn bản phân tích tái sản xuất tư bản ở trên cho thấy rằng có sự đảo ngược nội dung tư bản trong hình thái hàng hóa, rằng quan hệ hàng hóa che khuất quan hệ giai cấp. Song không có nghĩa là nội dung xóa bỏ hình thức, là có thể nắm lấy quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa độc lập với hình thái hàng hóa của nó; cũng như điều đó không có nghĩa rằng có thể nắm bắt nhà nước tư sản độc lập với hình thái dân chủ của nó, rằng hình thái dân chủ này chỉ là một thứ ảo ảnh quang học. Lối đọc Marx một chiều này đánh mất tính đặc thù của người làm công so với người nô lệ hay người nông nô, tức là đặc tính người lao động tự do. Người ta quên rằng điều phân biệt phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa với các hình thái xã hội có trước nó là “người công nhân không thuộc về những điều kiện sản xuất khách quan nữa”, là “tư bản không chiếm hữu người lao động” [1864, tr. 77; 1857-1858, t. 1, tr. 436].  
Bởi vì người làm công vừa là chủ thể quyền dân sự và quyền chính trị, họ không chỉ tồn tại như là người sở hữu sức lao động. Bởi vì người làm công không chỉ có qui chế bán hàng mà còn có qui chế công dân, sức kháng cự của họ đối với giai cấp tư bản – và phần tự chủ của họ trong quan hệ làm công – không thể thủ tiêu được, bất luận thể thức thâu gồm lao động vào tư bản. Do đó mà hình thái nhà nước hiện đại có một nội dung kép. Một mặt, nó là một phạm trù sùng bái hóa, hình thái hão huyền của cái phổ quát, có hiệu ứng che lấp các quan hệ bất bình đẳng và sự chuyên chế của xã hội tư sản và, với ý nghĩa đó, nhà nước hiện đại tham gia vào quá trình tái sản xuất của tư bản. Nhưng mặt khác, bởi vì nội dung không bao giờ thâu gồm hình thức một cách hoàn toàn và mãi mãi, tự do và bình đẳng hình thức mà nhà nước hiện đại xác lập giữa các công dân cũng là cái qua đó người lao động tự do – dù chỉ là “tiềm tàng” [1857-1858, t. 1, tr. 439-440] – phủ định tư bản và vượt lên nhà nước giai cấp của nó.

Thư mục

Tác phẩm của Marx

(theo thứ tự của năm xuất bản văn bản gốc hoặc của năm viết bản thảo)
1841-1861: Œuvres III.  Philosophie, Gallimard, 1982 / Tác phẩm III. Triết học.
1843a: Critique du droit politique hégelien, Editions sociales, 1975 /Phê phán triết học pháp quyền của Hegel.
1843b: “A propos de la Question juive”, in Œuvres III. Philosophie,Gallimard, 1982 / Về vấn đề Do Thái.
1844-1881: Œuvres II. Economie, Gallimard 1968 / Tác phẩm II. Kinh tế.
1845-1995: Lettres sur Le Capital (avec Friedrich Engels), Editions sociales, 1972 / Những lá thư viết về bộ Tư bản.
1846: L’idéologie allemande (avec Friedrich Engels), Editions sociales, 1976 / Hệ tư tưởng Đức.
1848: Manifeste du parti communiste (avec Friedrich Engels), Editions sociales, 1972 /Tuyên ngôn đảng cộng sản.
1848-1849: La Nouvelle Gazette Rhénane, vol. 3, Editions sociales, 1971 / Nhật báo Neue Rheinische Zeitung.
1849/1865: Travail salarié et capital suivi de Salaire, prix et profit, Editions sociales, 1969 /Lao đng làm thuê và tư bản và Tiền lương, giá cả và lợi nhuận.
1852: Le 18 Brumaire de Louis Bonaparte, Editions sociales, 1969 / Ngày 18 tháng Sương mù của Louis Bonaparte.
1857-1858: Manuscrits de 1857-1858, Editions sociales, 1980 / Bản thảo 1857-1858.
1859a: Contribution à la critique de l’économie politique, Editions sociales, 1957 / Góp phần phê phán kinh tế chính trị học.
1859b: “Louis Napoleon and Italy”, New York Daily Tribune 29.8 1859 / Louis Napoleon và Ý.
1861-1863: Manuscrits de 1861-1863, Editions sociales, 1980 / Bản thảo 1861-1863.
1862-1863: Théories sur la plus-value, Editions sociales, 1974-1976 /Các học thuyết về giá trị thặng dư.
1862-1895: Lettres à Kugelmann, Editions sociales, 1971 / Những lá thư viết cho Kugelmann.
1864: Un chapitre inédit du Capital, UGE, 1971 / Một chương chưa xuất bản của bộ Tư bản.
1864-1865: Le Capital, Livre III, Editions sociales, 1965-1967 / Tư bản, Quyển III.
1867/1890a: “Le Chapitre 1 du Capital”, 1e et 4e éditions allemandes, in Paul-Dominique Dognin (ed), Les sentiers escarpés de Karl Marx, t. 1, Editions du Cerf, 1977 / Chương 1 của bộ Tư bản (các bản tiếng Đức xuất bản lần thứ nhất và lần thứ tư).
1870-1878: Le Capital, Livre II, Editions sociales, 1968 / Tư bản, Quyển II.
1871: La guerre civile en France 1871, Editions sociales 1971 / Cuộc nội chiến ở Pháp 1871.
1875: Le Capital, Livre I, édition française, Editions sociales, 1962 /Tư bản, Quyển I (phiên bản tiếng Pháp).
1890: Le Capital, Livre I, 4e édition allemande, Editions sociales, 1983 / Tư bản, Quyển I(bản tiếng Đức xuất bản lần thứ tư).

Các tác phẩm khác

AGLIETTA, Michel và  André ORLEAN [1982], La violence de la monnaie, PUF.
AGLIETTA, Michel và André ORLEAN [2002], La monnaie entre violence et confiance, Odile Jacob.
ARTOUS, Antoine [1999], Marx, l’Etat et la politique, Syllepse.
BARBIER, Maurice [1992], La pensée politique de Karl Marx, L’Harmattan.
BENETTI, Carlo và Jean CARTELIER [1980], Marchands, salariat et capitalistes, Maspéro - PUG.
BENETTI, Carlo và Jean CARTELIER [1988] “Money, Form and Determination of Value”, in Riccardo BELLAFIORE (ed.), Marxian Economics. A Reappraisal, vol. 1, MacMillan.
BIDET, Jacques [1990], Théorie de la modernité suivi de Marx et le marché, PUF.
BOYER-XAMBEU, Marie-Thérèse, Ghislain DELEPLACE và Lucien GILLARD [1990], “Vers une topologie des régimes monétaires”, Cahiers d’économie politique n° 18.
BRUNHOFF, Suzanne de [1973], La monnaie chez Marx, Editions sociales.
BRUNHOFF, Suzanne de [1976], Etat et capital, Maspéro - PUG.
BRUNHOFF, Suzanne de [1979], Les rapports d’argent, Maspéro - PUG.
CARTELIER, Lysianne [1980], “Contribution à l’étude des rapports entre Etat et travail salarié”, Revue économique n° 1, janvier.
CASTORIADIS, Cornelius [1979], Capitalisme moderne et révolution, UGE.
DELEPLACE, Ghislain [1985], “Sur quelques difficultés de la théorie de la monnaie - marchandise chez Ricardo et Marx”, Economie appliquée n°1.
DELEPLACE, Ghislain [1999], Histoire de la pensée économique, Dunod.
DENIS, Henri [1980], L’ “économie” de Marx, PUF.
DRUGMAN, Bernard [1981], “Travail, force de travail et salariat: au-delà de l’économie politique du capital, in Jean-Paul GAUDEMAR (éd.), Réexamens de la théorie du salariat, PUL.
DRUGMAN, Bernard [1983], “Le concept du rapport salarial: genèse, enjeu et perspectives”,Cahiers de l’ IREP-Développement n°4.
DUMONT, Louis [1985], Homo aequalis, Gallimard.
ELSTER, Jon [1989], Karl Marx. Une interprétation analytique, PUF.
ENGELS, Friedrich [1891], L’origine de la famille, de la propiété privée et de l’Etat, Editions sociales, 1972.
FACCARELLO, Gilbert [2000], “Karl Marx et la critique de l’économie politique: Le purgatoire du temps présent”, in Alain BERAUD et Gilbert FACCARELLO (ed.), Nouvelle histoire de la pensée économique, vol. 2, La Découverte.
HILFERDING, Rudolf [1970], Le capital financier, Editions de Minuit.
HILFERDING, Rudolf [1987], “Monnaie et marchandise”, Cahiers d’économie politique n°13.
LAUTIER, Bruno [1985], “L’objet du rapport salarial”, communication au colloque Formes de mobilisation salariale et théorie du salariat, Université de Picardie.
LAUTIER, Bruno và Ramon TORTAJADA [1978], Ecole, force de travail et salariat, Maspéro - PUG.
LENINE, Vladimir Illitch [1917], L’Etat et la révolutionEditions en langues étrangères, 1967.
MATHIAS, Gilberto và Pierre SALAMA [1983], L’Etat surdéveloppé, La Découverte.
POLANYI, Karl [1983], La grande transformation, Gallimard.
ROSANVALLON, Pierre [1979], Le capitalisme utopique, Seuil.
SALAMA,  Pierre [1975], Sur la valeur, Maspéro.
SALAMA, Pierre [1979], “Etat et capital. L’Etat capitaliste comme abstraction réelle”, Critique de l’économie politique n° 7-8.
TRẦN Hải Hạc [2003], Relire Le Capital. Marx, critique de l’économie politique et objet de la critique de l’économie politique, Page Deux.
TRẦN Hải Hạc [2005], “Marx et le marché: la question de l’Etat dans les analyses de la monnaie et de la force de travail, in Guy BENSIMON (ed.), Histoire des représentations du marché, Michel Houdiard.
TRẦN Hải Hạc [2014], “Marx et le concept de la force de travail”, Contre Temps n° 21.
VROEY, Michel de [1984], “Marchandise, société marchande, société capitaliste. Un réexamen de quelques définitions”, Cahiers d’économie politique n°9.



[1] Bài viết sau đây là bản dịch văn bản tiếng Pháp tựa đề “Etat et capital dans l’exposé du Capital”, xuất bản năm 2015 trong tác phẩm nhiều tác giả (Antoine Artous, José Luis Solis Gonzalez, Pierre Salama, Trần Hải Hạc) Nature et forme de l’Etat capitaliste, nxb Syllepse (Paris) và nxb M. Editeur (Québec). Tác giả tự chuyển ngữ và có bổ sung một số chú thích đặc biệt cho phiên bản Việt Nam. Cám ơn Trần Hữu Quang đã đọc lại và cải thiện bản dịch tiếng Việt.

[2] Những tác giả cho rằng Marx có lý thuyết về nhà nước tư bản chủ nghĩa thường gán cho ông lý thuyết về nhà nước của Engels. Đó là trường hợp của Lénine trong Nhà nước và cách mạng khi ông trình bày “học thuyết về nhà nước của Marx” nhưng chỉ trích dẫn văn bản của Engels, đặc biệt là Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước [Lénine, 1917, chương 1: Xã hội giai cấp và nhà nước]. Họ không thấy rằng tác phẩm năm 1891 này của Engels đề ra một lý thuyết về nhà nước nói chung, nhà nước xét như là thiết chế phát sinh từ xã hội giai cấp tiền tư bản chủ nghĩa. Trong khi vấn đề mà Marx đặt ra trong bộ Tư bản là lý thuyết hóa hình thái đặc thù của nhà nước tư bản chủ nghĩa, tức là sự khác biệt của nó với các hình thái tổ chức quyền lực chính trị của những xã hội tiền tư bản chủ nghĩa. Xem chú thích 36.

[3] Trong bài viết này, các văn bản của Marx được dẫn từ bản dịch tiếng Pháp. Trong thân bài, những chú dẫn không nêu tên tác phẩm mà chỉ ghi năm xuất bản văn bản gốc hoặc năm viết bản thảo, và số trang trong văn bản dịch. Xem chú dẫn đầy đủ trong thư mục: Tác phẩm của Marx.

[4] Vấn đề đặt ra bởi quan hệ đất đai và địa tô tuyệt đối sẽ không được xem xét trong khuôn khổ của bài viết này. Xem Trần Hải Hạc [2003, t.2, phần III].

[5] Bài viết này triển khai một bài thuyết trình tiếng Pháp tại Hội thảo lần thứ 10 của Hội Charles Gide về tư tưởng kinh tế (Grenoble, Pháp, 2003), có tựa đề là “Marx và thị trường: vấn đề nhà nước trong những phân tích về tiền tệ và sức lao động”. Xem Trần Hải Hạc [2005].

[6] Khi Marx xuất phát từ phạm trù hàng hóa để nghiên cứu tư bản thì đó là hàng hóa với tính cách là phạm trù của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa – như ông nói rõ trong mệnh đề mở đầu Phần thứ nhất Quyển I của bộ Tư Bản –, chứ không phải hàng hóa như là phạm trù tiền tư bản chủ nghĩa. Theo Marx, phải giả định trước sự tồn tại của tư bản thì các phạm trù hàng hóa và tiền tệ mới hiện ra như là điểm xuất phát của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa: “Trong hệ thống tư sản đã hoàn tất, mỗi quan hệ kinh tế giả định trước sự tồn tại của quan hệ khác dưới hình thái kinh tế tư sản của nó và (…) mỗi từ được đề ra (posé), đồng thời, là giả định có trước (présupposition) của một từ khác” [1857-1858, 1, tr. 219]. Theo nghĩa đó, có thể nói rằng cả ba từ hàng hóa, tiền tệ và tư bản đều có tính cùng thời.

[7] Khuôn khổ của bài viết này không cho phép đề cập vấn đề lao động trừu tượng tuy rằng không thể tách biệt nó với vấn đề tiền tệ. Có thể nói rằng chúng ta chỉ hiểu thấu các phạm trù lao động trừu tượng và lao động cụ thể của Marx khi chúng cho phép ta thấu hiểu khái niệm tiền tệ. Rằng phân tích hình thái của giá trị, với trình tự các Hình thái I - II - III - IV, chỉ là phân tích những mô-men lý luận của sự hình thành tiền tệ như là biểu tượng cụ thể của lao động trừu tượng. Cần nhắc lại rằng Marx xác định lý luận của ông tách biệt kinh tế chính trị học cổ điển, và lý luận về giá trị - lao động của nó, ở điểm nào: “Khi ta nói đến hàng hóa như là vật chất hóa lao động hàm chứa trong nó – theo nghĩa của giá trị trao đổi –, chúng ta chỉ quan niệm một sự tồn tại tưởng tượng của hàng hóa mà thôi, không liên quan gì hết với hiện thực vật chất của nó cả: ta phải hình dung nó như một lượng lao động xã hội hay một lượng tiền tệ” [1862-1863, t. 1, tr. 184-185].

[8] Sự phê phán mà C. Benetti và J. Cartelier khởi xướng được hai tác giả tiến hành trên cơ sở xây dựng lại hình thái đơn giản của giá trị (Hình thái I) như là một “trao đổi thực thụ” (échange effectif) và một “quan hệ phản xạ” (relation réflexive) trong nghĩa toán học. Đó là một cách diễn giải phản nghĩa đối với Marx. Một mặt, hình thái của giá trị không hề chỉ một trao đổi thực thụ, nó là “hình thái của tính có thể trao đổi” (forme de l’échangéabilité) của hàng hóa, hình thái qua đó một hàng hóa có thể trao đổi được với các hàng hóa khác [1867/1890a, tr. 125 và 133]. Có sự nhầm lẫn giữa hai cấp độ mà Marx đã phân biệt rõ rệt là “sự chuyển hóa có tính ý niệm” (transformation idéelle) của hàng hóa thành tiền tệ trong hình thái tiền tệ của giá trị, và “sự chuyển hóa thực sự” (transformation réelle) của hàng hóa thành tiền tệ trong quan hệ trao đổi H – T [1857-1858, t. 1, tr. 125].
Mặt khác, hình thái của giá trị không hề chỉ một quan hệ phản xạ, nó là một hình thái đối cực, “một quan hệ qua đó hai mặt đối lập, là giá trị sử dụng và giá trị của một hàng hóa, được phân ra trên hai mặt hàng như thể là hai cực” [1867/1890a, tr. 145]. Có sự nhầm lẫn, ở đây, giữa quan hệ tương đương (équivalence) có thuộc tính phản xạ trong lô-gích hình thức với phạm trù tương đương hay ngang giá (équivalence) của Marx, hiểu theo ý nghĩa đặc thù: “Ngang giá thật ra là giá trị của một hàng hóa biểu hiện trong giá trị sử dụng của một hàng hóa khác” [1859, tr. 17; 1867/1890a, tr. 127]. Tác giả của bộ Tư bản còn vạch rõ rằng hình thái của giá trị là một mối quan hệ có tính chất phi phản xạ [1867/1890a, tr. 129], phi đối xứng [tr.119], phi bắc cầu [tr. 79-81].

[9] Đó là cách đọc của Ghislain Deleplace [1999, tr. 132] khi trình bày các hình thái của giá trị mà bỏ qua vấn đề biểu hiện của giá trị: đối với một hàng hóa, hình thái của giá trị được tác giả định nghĩa như là lượng hàng hóa khác mà hàng hóa nói trên “trao đổi” được, còn vật ngang giá chung thì được ông định nghĩa là “đơn vị đo lường chung” của các hàng hóa.

[10] Đó là cách đọc của Gilbert Facarello [2000, t.1, tr. 126] khi tác giả cho rằng lô-gích phân tích hình thái của giá trị là đi “từ đổi chác đến đối lập của đổi chác”, tức trao đổi phi tiền tệ đến trao đổi có tính tiền tệ: thật vậy, trong Hình thái I, “sự trao đổi đầu tiên không theo thể thức H – T mà là H – H’”. Cần nhắc lại rằng, đối với Marx, “hàng hóa không trao đổi với hàng hóa, trong chừng mực nó trao đổi với tiền tệ”. Đổi chác “chính là bỏ qua sự khác biệt đặc thù giữa hàng hóa và tiền tệ”: đó là quan điểm của kinh tế chính trị học bởi đối với nó “không có khác biệt giữa tiền tệ và hàng hóa” [1857-1858, t.1, tr. 125].

[11] Những điểm nhập nhằng, nước đôi trong trình bày của bộ Tư bản phải được nêu lên và giải tỏa. Chẳng hạn, trong Góp phần phê phán kinh tế chính trị học, người ta đọc rằng tiền tệ có “hai” giá trị sử dụng: “Ngoài giá trị sử dụng riêng của nó với tính cách là hàng hóa, nó có một giá trị sử dụng chung”; trong khi đó, chính Marx là người viết rằng giá trị sử dụng của tiền tệ “chỉ tồn tại như là thể nền của giá trị trao đổi và như vậy đó là một giá trị sử dụng mang tính hình thức, không liên quan đến một nhu cầu cá nhân thực tế nào cả” [1859, tr. 25 và 60]. Hoặc trong Quyển I của bộ Tư bản, người ta đọc rằng, “với tính cách là hàng hóa”, tiền tệ có một giá trị: “giá trị của nó do thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra nó quyết định, và biểu hiện trong lượng hàng hóa khác hàm chứa cùng lượng lao động”; trong khi đó chính Marx là người nhấn mạnh rằng “hình thái ngang giá của một hàng hóa không chứa đựng một qui định định lượng về giá trị nào cả” [1890, tr. 14 và 64].

[12] Trong phân tích của K. Polanyi, tiền tệ là một “hàng hóa ảo”, theo nghĩa tiền tệ khác các hàng hóa thực sự ở điểm nó không được sản xuất ra để đem bán trên thị trường. Nhưng, do tác giả của The Great Transformation không nắm bắt được mối quan hệ đối cực giữa hàng hóa và tiền tệ, nên ông hiểu sai nghĩa lý luận của Marx về hình thái của giá trị và sự sùng bái nó: “Nhận định của Marx về sự sùng bái giá trị của hàng hóa liên quan đến giá trị trao đổi của các hàng hóa thực sự, và không dính dáng với các hàng hóa ảo” [Polanyi, 1983, tr. 107-106]. Sự hiểu lầm này bắt nguồn từ chỗ Polanyi gán cho Marx quan niệm tiền tệ của kinh tế chính trị học cổ điển, đặc biệt là quan niệm của Ricardo: “Das Kapital bao hàm thuyết của Ricardo về tiền tệ như là hàng hóa” [sách đã dẫn, tr. 48].

[13] Trong sự phân loại của Michel de Vroey [1984, tr. 116-118], tiền tệ thuộc phạm trù “phi hàng hóa”, theo nghĩa tiền tệ khác hàng hóa ở chỗ nó không phải thực hiện cái mà Marx gọi là bước “nhảy lộn nhào” của hàng hóa, tức là không phải bán được nó trên thị trường thì xã hội mới công nhận nó, bởi tiền tệ có tính xã hội trực tiếp do quyết định của nhà nước sản xuất nó ra. Theo De Vroey, tính phi hàng hóa của tiền tệ chính là điều kiện để hàng hóa tồn tại, nhưng ông không khái niệm hóa mối tương quan đối cực này.

[14] Đó là tính cùng thời trên bình diện lô-gích, chứ không phải trên bình diện lịch sử. Về mặt lịch sử, hàng hóa không hề biểu hiện giá trị của nó tuần tự theo những Hình thái I, II, III, IV của sự phát sinh tiền tệ về mặt lý thuyết trong Chương 1, Quyển I của bộ Tư bản. Ở Chương 2, người ta có thể đọc rằng, ngay khi sản phẩm lao động chuyển hóa thành hàng hóa thì tức khắc hình thái qua đó hàng hóa biểu hiện giá trị của nó là “hình thái ngang giá chung hay hình thái ngang giá của xã hội” [1890, tr. 101]. Vả lại, Marx viết rằng sự hình thành của tiền tệ về mặt lịch sử không thuộc về sự phân tích phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa: chủ nghĩa tư bản “thừa kế” tiền tệ bằng vàng hay bằng bạc từ những phương thức sản xuất có trước nó; cho nên “câu hỏi vì sao là vàng hay bạc, chứ không phải một hàng hóa khác, được dùng làm chất liệu cho tiền tệ, câu hỏi đó không đặt ra trong khuôn khổ của hệ thống tư sản” [1859, tr. 204]. Ở Chương 3, Marx còn ghi nhận rằng trong các phương thức sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa, sự tồn tại của tiền tệ không hề gắn liền với phạm trù hàng hóa; và tiền tệ, với tính cách là phương tiện thanh toán, tồn tại “độc lập với lưu thông hàng hóa” [1890, tr. 153].

[15] Mặc dù vậy, lập luận cho rằng tiền tệ là kết quả tự nhiên của quá trình phát triển trao đổi hàng hóa vẫn được Rudolf Hilferding [1970, tr. 71] hay Suzanne de Brunhoff [1973, tr. 61] chấp nhận, có lẽ vì trong bộ Tư bản họ có thể đọc rằng: “Tiền tệ là một sản phẩm xã hội tự sinh ra từ những quan hệ do các cá nhân thiết lập trong lưu thông” [1869, tr. 236].

[16] Pierre Salama [1975, tr. 216] và S. de Brunhoff [1979, tr. 61] đã nhấn mạnh điều đó.

[17] S. de Brunhoff [1976, tr. 31] quan niệm tiền tệ gắn với nhà nước, nhưng do không nắm bắt chỗ đứng của nhà nước trong sự hình thành của tiền tệ như là vật ngang giá chung, bà chỉ nêu vai trò của nhà nước trong quản lý tiền tệ. R. Hilferding [1970, tr. 72] cũng có một quan niệm hạn chế tương tự.

[18] Trong một văn bản viết sau Tư bản tài chính, R. Hilferding [1987, tr. 179] nhận xét rằng điều trọng yếu trong việc đúc tiền không phải là chế tạo đồng tiền mà là nhà nước “ấn định đồng tiền vàng như là một trọng lượng vàng nhất định, và ngân hàng nhà nước chấp nhận mua tất cả vàng theo ‘giá vàng’ cố định đó”.

[19] Như Michel Aglietta và André Orléan [1982, tr. 46; 2002] đã vạch ra.

[20] Một hình thức khác của sự ngụy biện này (Deleplace [1985, tr. 129]): xuất phát từ chỗ tiền tệ không phải là hàng hóa – là điều chính xác –, người ta kết luận rằng không hề có hàng hóa trở thành tiền tệ – là điều không đúng. Nói rằng nhà vua không phải là thần dân không có nghĩa là không hề có thần dân trở thành nhà vua.

[21] Một phiên bản khác của sự ngụy biện đó (Karl Kautsky – được S. de Brunhoff [1979, tr. 43-44] trích dẫn và tán thành): nếu tiền tệ thoát khỏi qui luật giá trị của các hàng hóa, qui luật này sẽ mất tính phổ quát của nó. Cần nhắc lại rằng, trong phân tích hình thái của giá trị, loại trừ vật ngang giá chung ra khỏi hàng ngũ của các hàng hóa chính là điều kiện để giá trị của hàng hóa đạt đến hình thái phổ quát của nó.

[22] Boyer-Xambeu, Deleplace, Gillard [1990, tr. 37]

[23] Theo một đoạn văn của Góp phần phê phán kinh tế chính trị học [1869, tr. 75-76], đúc tiền là một “thao tác thuần kỹ thuật” và “sự khác biệt giữa vàng thoi và vàng đúc thành tiền chỉ là sự khác biệt giữa tên của tiền đúc và trọng lượng vàng của nó mà thôi”. Chương 3 Quyển I của bộ Tư bản [1890, tr. 141] không lập lại đoạn văn này mà còn chú thích rằng “lợi ích tài chính của quyền đúc tiền” khiến tiền đúc bao giờ cũng đại biểu cho một lượng giá trị cao hơn vàng thoi cùng trong lượng.

[24] “Tư bản nói chung” là một phạm trù của Marx chỉ bản chất chung của tư bản, là một quan hệ xã hội bóc lột lao động làm thuê. Xét tư bản nói chung là xét nó trong mối quan hệ của “một giai cấp đối lập với một giai cấp khác”, tức là tư bản trong tương quan đối lập của nó với lao động làm thuê hay với tư hữu đất đai [1867-1868, t. 1, tr. 286; t. 2, tr. 345]. Nói cách khác, đó là cấp độ phân tích tư bản mà không kể đến tư bản “như là số nhiều”, tức là không kể đến những tư bản cá biệt hóa và khác biệt nhau trong cạnh tranh. Marx nhấn mạnh sự cần thiết của cấp độ “trừu tượng hóa” này mà việc phân tích phải được tiến hành trước khi phân tích sự cạnh tranh giữa tư bản với nhau: “Tương quan của các tư bản như là số nhiều sẽ được lý giải sau khi xem xét điều mà chúng có cùng chung: bản thể tư bản” [1867-1868, t. 1, tr. 388; t. 2, tr. 143 và 10].

[25] Trong một vài văn bản, cách diễn đạt của Marx có thể gây lầm tưởng rằng ông đã triển khai lý luận xác định giá trị của hàng hóa cho sức lao động – như Cornelius Castoriadis [1979, tr. 85] hay Henri Denis [1980, tr. 182], chẳng hạn, đã khẳng định. Thật ra, giá trị trao đổi của sức lao động không hề được xác định, như giá trị của mọi hàng hóa, bởi lao động xã hội cần thiết để sản xuất nó: “Sức lao động có vừa đúng giá trị của những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho người vận dụng sức lao động” [1875, tr. 174]. Về mặt này, sự tái sản xuất sức lao động của con người hoàn toàn có thể so sánh được với việc sản xuất gia súc: “Trong lao động cần thiết để sản xuất gia súc người ta không hề tính đến lao động mà chúng hao tổn trong hành vi ăn, uống, hấp thụ thức ăn. Đối với sức lao động cũng vậy” [1862-1863, t. 3, tr. 376]. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt cơ bản giữa sản xuất thú nuôi, vốn là một quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, với tái sản xuất sức lao động, vốn là một quá trình không hề sản xuất ra giá trị thặng dư.

[26] Marx bác bỏ mọi phân tích đồng hóa sức lao động với tư bản, và người lao động làm thuê với chủ tư bản. [1864-1865, t. 1, tr. 191; t. 2, tr. 91] Ông nhấn mạnh sự khác biệt về chỗ đứng của chủ tư bản và của người lao động làm thuê trong lưu thông, tức là vị trí của họ đối với tiền tệ: “Về phía nhà tư bản là sự vận động T – H – T (…). Trái lại, người công nhân đại biểu cho lưu thông H – T – H”. Đối với chủ tư bản, tiền tệ vận hành như là tư bản, còn trong tay của người làm công nó vận hành như là thu nhập. [1862-1863, t. 1, tr. 373]

[27] Theo cách phân loại sản phẩm “phi hàng hóa” của M. de Vroey [1984, tr. 109 và tiếp theo].

[28] B. Lautier và R. Tortajada [1978, tr. 98]. Trong một bài viết sau đó, Lautier [1985] nêu lên một quan điểm triệt để hơn, theo đó sức lao động không phải là một hàng hóa mà đặc điểm là có giá cả tuy không có giá trị: “Nó hoàn toàn không phải là hàng hóa”.

[29] Marx nhận xét rằng “tiền lương tương đối” đó có thể giảm trong lúc cả tiền lương danh nghĩa lẫn tiền lương thực tế đều tăng, nếu tỷ lệ tăng lương danh nghĩa và lương thực tế thấp hơn tỷ lệ tăng của giá trị thặng dư. [1849/1865, tr. 36]. Xem Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 1, 497]: “Vị trí của các giai cấp do tiền lương tương đối hơn là tiền lương tuyệt đối quyết định”.

[30] Marx nhận xét rằng “tiền lương tương đối” đó có thể giảm trong lúc cả tiền lương danh nghĩa lẫn tiền lương thực tế đều tăng, nếu tỷ lệ tăng lương danh nghĩa và lương thực tế thấp hơn tỷ lệ tăng của giá trị thặng dư. [1849/1865, tr. 36]. Xem Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 1, 497]: “Vị trí của các giai cấp do tiền lương tương đối hơn là tiền lương tuyệt đối quyết định”.

[31] Marx nêu thêm một nhận xét có ý nghĩa. Một mặt, sản xuất giá trị thặng dư tương đối hoàn toàn tương hợp với sự gia tăng tiền lương thực tế: “Giá trị thặng dư tương đối có thể tăng liên tục, và do đó giá trị của sức lao động có thể giảm liên tục, (…) trong khi phạm vi các tư liệu sinh hoạt của công nhân, và do đó phạm vi hưởng thụ của họ, không ngừng mở rộng” [1861-1863, tr. 255]. Mặt khác, tăng lương thực tế trở thành điều kiện phát triển giá trị thặng dư: “Sản xuất giá trị thặng dư tương đối (…) đòi hỏi phạm vi tiêu dùng phải mở rộng theo phạm vi sản xuất” [1857-1858, t. 1, tr. 347].

[32] Trong văn bản của Marx, khái niệm “subsomption” chỉ một tương quan thứ bậc giữa hai thực thể, trong đó thực thể này bao hàm thực thể kia như là một thực thể phụ thuộc nó. Trong mối quan hệ xã hội cấu thành bởi hai thực thể A và B, sự thâu gồm thực thể B vào thực thể A chỉ sự thống trị của A trên B, qua đó A qui B thành hình thái tồn tại của nó. Hay nói cách khác, trong quan hệ đó, B không tồn tại như nó là, mà chỉ tồn tại như là hình thái của A. Đó là trường hợp của tương quan giữa lao động và tư bản. Đối với tư bản, lao động không trỏ hoạt động thể lực và trí lực do người lao động tiến hành trong mọi phương thức sản xuất, mà chỉ một hoạt động đặc thù của người làm công trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là tạo nên giá trị thặng dư cho chủ tư bản. Theo nghĩa đó, tư bản thâu gồm lao động như một hình thái tồn tại của nó.
Trong bản dịch tiếng Việt của nhà xuất bản Sự Thật, cụm từ “subsomption du travail sous le capital” được chuyển ngữ là “sự lệ thuộc của lao động vào tư bản” (Quyển I của bộ Tư bản) hay “sự phục tùng của lao động đối với tư bản” (Bản thảo kinh tế những năm 1861-1863, tức chỉ là một phần nội dung trong khái niệm của Marx. Muốn diễn tả hết nội dung đó có lẽ cần tạo ra một từ mới như là “sự hàm nhiếp” (hàm: bao hàm; nhiếp: thu, lấy) đã xuất hiện trong từ điển Trung Quốc. Tạm thời, chúng tôi sử dụng cách dịch đơn giản của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn là “sự thâu gồm” (Phê phán lý tính thuần túy của I. Kant, nxb Văn học, tr. 1231).

[33] Xem Lysianne Cartelier [1980]. Hoặc Bernard Drugman [1983, tr. 51] mà luận đề là nhà nước mang tính nội tại trong quan hệ làm công, nên “sự phục tùng vốn xác định chế độ làm công chỉ có thể là một sự phục tùng có tính nhà nước”. Bởi, khi đã thừa nhận rằng sức lao động không phải là hàng hóa và không có giá trị, thì khái niệm giá trị thặng dư – xác định như là chênh lệch giữa giá trị do sức lao động tạo ra và giá trị mua bán sức lao động – mất tính xác đáng của nó. Khái niệm sức lao động trở nên không cần thiết để lý giải chế độ làm công. Từ đó mà quan hệ làm công được khái niệm hóa như là “hình thái quyền lực chính trị” thay vì là hình thái bóc lột. [Drugman, 1981, tr. 102]

[34] J. Bidet [1990, tr. 290-291].

[35] L. Dumont [1985, tr. 148]; P. Rosavallon [1979, tr. 183]

[36] Trong cách đọc văn bản của Marx, cũng như trong cách đặt vấn đề nhà nước tư bản chủ nghĩa, bài viết của chúng tôi gần với những quan điểm của Antoine Artous trong Marx, l’Etat et la politique. Các công trình của A. Artous và của chúng tôi gặp nhau ở cách biểu đạt vấn đề mà Marx nêu lên để khái niệm hóa nhà nước tư bản chủ nghĩa là: “xác lập mối tương quan” giữa cái đặc thù của nhà nước hiện đại và cái đặc thù của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, “suy diễn một cách lô-gích” hình thái đặc thù của nhà nước hiện đại từ hình thái đặc thù của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa [Artous, 1999, tr. 19; 241].
Do nó nhấn mạnh tính đặc thù của nhà nước tư sản so với những hình thái tổ chức quyền lực chính trị của các xã hội tiền tư bản chủ nghĩa, cách đặt vấn đề nói trên chú ý trước tiên đến những văn bản của Marx các năm 1843-1846 về sự tách biệt giữa nhà nước hiện đại và xã hội dân sự tư sản. Nó khước từ những phân tích về sự “phát sinh lịch sử” của nhà nước như Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước của Engels mà chủ ý là xây dựng lý thuyết về nhà nước giai cấp nói chung: trong văn bản năm 1891 này, Engels tiếp cận nhà nước như một thiết chế xuyên lịch sử, phát sinh từ thời cổ đại Hy Lạp cùng với sự phân hóa giai cấp do phát triển phân công lao động trong xã hội tạo nên. Cách tiếp cận này có xu hướng tẩy xóa những khác biệt về hình thái lịch sử và “phóng chiếu lên quá khứ những phạm trù hiện đại”. Như sự tách biệt quan hệ thống trị về chính trị với những quan hệ xã hội về sản xuất: Engels tìm thấy nó trong mọi xã hội giai cấp, trong khi Marx cho rằng đó là đặc tính cơ bản phân biệt xã hội tư sản với các xã hội nô lệ hay phong kiến. Hiểu như là một thiết chế xã hội tách biệt khỏi các quan hệ xã hội khác, “nhà nước là một sáng chế của chủ nghĩa tư bản”. [Artous, 1999, tr. 242-243]

[37] J. Bidet [1990, tr. 293]

[38] Xác định nội dung giai cấp của nhà nước hiện đại đưa đến xác định lại tính chất của tiền tệ: tiền tệ là cái phổ quát cụ thể có tính hão huyền. Dưới vỏ bề ngoài của lợi ích chung, tiền tệ che khuất sự thống trị của một số lợi ích tư trên những lợi ích khác. Chế độ và chính sách tiền tệ là sự thể chế hóa tương quan lực lượng xã hội giữa các nhóm lợi ích trong sự tái sản xuất tư bản.

[39] Vào năm 1845, Marx có cam kết soạn một tác phẩm gồm hai tập có tựa là “Phê phán chính trị và kinh tế chính trị học”. Về tập thứ nhất, Marx chỉ phác họa có một dàn bài gồm 11 điểm: 1/ Sự phát sinh của nhà nước hiện đại với Cách mạng Pháp và sự tách đôi xã hội thành con người dân sự và con người chính trị; 2/ Tuyên ngôn nhân quyền và hiến pháp nhà nước xác lập tự do và bình đẳng của các cá nhân; 3/ Nhà nước và xã hội dân sự tư sản; 4/ Nhà nước đại biểu dân chủ và Hiến chưong 1830; 5/ Sự phân quyền; 6/ Quyền lập pháp và các cơ quan lập pháp; 7/ Quyền hành pháp và bộ máy hành chính; 8/ Quyền tư pháp và pháp luật; 9/ Quốc tịch và dân tộc; 10/ Các đảng chính trị; 11/ Quyền bầu cử và cuộc đấu tranh nhằm bãi sự bỏ tách biệt giữa nhà nước và xã hội dân sự. [1844-1881, tr. 1027-1028]

[40] M. Barbier [1992, tr. 9, 175 và 328]

[41] J. Elster [1989, tr. 541, 549 và 566]

[42] M. Barbier [1992, tr. 92]

[43] M. Barbier [1992, tr. 197-198]

[44] Sự cần thiết phân biệt nhà nước và chế độ chính trị đã được P. Salama nêu lên và liên hệ với lý luận của Marx phân biệt giá trị và hình thái biểu hiện của nó. [Salama, 1979, tr. 243-245; Mathias và Salama, 1983, tr. 13-14]
Về mặt thuật ngữ, sự phân biệt giữa “hình thái giá trị” (giá trị với tính cách là hình thái xã hội, như là quan hệ xã hội đặc thù) và “hình thái của giá trị” (hình thái biểu hiện của giá trị, hình thái hiện tượng của nó hay là giá trị trao đổi) không phải lúc nào cũng rõ ràng trong trình bày của bộ Tư bản. Marx thừa nhận điều này ở Chương 1 Quyển I khi phân biệt rõ rệt “giá trị” và “giá trị trao đổi” [1875, t.1, tr. 74]. Ngoài ra, thuật ngữ “Werthform” mà Marx dùng trong chương này để chỉ hình thái biểu hiện của giá trị hay giá trị trao đổi không được chuyển ngữ một cách thống nhất trong các bản dịch tiếng Pháp. Trong bản dịch tiếng Pháp năm 1875 của Quyển I của bộ Tư bản mà chính tay Marx chỉnh sửa, thuật ngữ này được dịch là “forme de la valeur” [1875, t. 1, tr. 62]; còn trong bản dịch tiếng Pháp của phiên bản tiếng Đức xuất bản lần thứ tư năm 1890, nó được chuyển ngữ là “forme-valeur” [1890, tr. 53], làm cho khó phân biệt giữa khái niệm “hình thái của giá trị” với khái niệm “hình thái giá trị”.
Marx bắt đầu khảo cứu hình thái của giá trị với phạm trù giá cả như hình thái tiền tệ của giá trị ở Quyển I của bộ Tư bản, là cấp độ phân tích tư bản nói chung. Ở Quyển III, ông triển khai hình thái của giá trị ở cấp độ tư bản như là số nhiều, tức là trong cạnh tranh tư bản chủ nghĩa, với phạm trù giá cả sản xuất. Rồi ông khảo cứu cấp độ cạnh tranh tư bản trong nội bộ ngành với phạm trù giá cả sản xuất chung, và cấp độ cạnh tranh tư bản liên ngành với phạm trù giá cả thị trường. Về các hình thái chuyển hóa này của giá cả, xem Trần Hải Hạc [2003, t.2, phần 2 và 3]

[45] Sức lao động không chỉ là phạm trù đặc thù của Marx đối với kinh tế chính trị học mà những phân tích không phân biệt lao động với sức lao động. Nó còn là phạm trù đặc thù của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa so với những hình thái sản xuất không có sự tách biệt giữa người lao động và sức lao động. Marx nhận xét chủ nghĩa tư bản khác những hình thái sản xuất có trước nó ở chỗ “người thợ không còn thuộc về những điều kiện sản xuất khách quan nữa (chế độ nô lệ, chế độ nông nô)” [1864, tr. 77]. Khái niệm sức lao động sinh ra từ sự tách biệt, trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, giữa người lao động với khả năng thể lực và trí lực của mình, bởi chỉ khả năng này mới có thể làm đối tượng cho nhà tư bản chiếm hữu. Đúng ra, đó là một sự mâu thuẫn bởi khái niệm sức lao động trỏ sự tách biệt khả năng lao động – không thể tách biệt được – ra khỏi người lao động, vì “khả năng này không tồn tại ở ngoài người lao động” [1857-1858, t. 1, tr. 224].
Cho nên người lao động cho thuê sức lao động của mình vẫn bị ràng buộc vào nó về thể chất, và cái mà người lao động bán cho chủ tư bản đó là sự phục tùng của cá nhân trong quá trình lao động. Sức lao động là khái niệm của một sự tách biệt giả tưởng của người lao động với những khả năng thể lực và trí lực của mình; tuy nhiên, chính sự tách biệt giả tưởng này cho p
hép người lao động bán sự phục tùng cá nhân mà vẫn khẳng định sự tự do của mình như là con người. [1857-1858, t. 1, tr. 230]. Theo nghĩa này, sức lao động là một khái niệm đặc thù của người lao động tự do trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Xem Trần Hải Hạc [2014, tr. 214-216].

http://www.phantichkinhte123.com/2016/02/nha-nuoc-va-tu-ban-trong-trinh-bay-cua.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét