Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

(1) Nhà nước và tư bản trong bộ Tư bản của Mác

Bác Trần Hải Hạc là PGS trường Đại học Paris 13, Pháp, bác chuyên nghiên cứu về Mác và kinh tế chính trị học Mác Xít. Năm 1998 khi tôi đặt vấn đề mời bác về nước thuyết trình các nghiên cứu của bác về chủ đề trên tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), rất nhiều cán bộ Việt Nam ngạc nhiên, họ cứ tưởng các nhà nghiên cứu kinh tế phương Tây không quan tâm và không hiểu gì về Mác và kinh tế chính trị học Mác Xít. Thực ra họ nhầm, các nhà nghiên cứu kinh tế phương Tây rất trân trọng các đóng góp của Mác, nhất là những đóng góp của Mác trong học thuyết giá trị thặng dư, trong phân tích nguyên nhân chu kỳ kinh tế và những mâu thuẫn chết người trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nhờ những khám phá của Mác, các nước tư bản đã kịp thời điều chỉnh chính sách phát triển để ngày càng hoàn thiện hơn. các nhà nghiên cứu kinh tế phương Tây đặt tư tưởng kinh tế của Mác ngang hàng với các tư tưởng kinh tế vĩ đại khác của loài người. Chính vì vậy mà các thuyết trình của bác Trần Hải Hạc năm đó rất mới đối với chúng ta và được đông đảo cán bộ tham dự hoan nghênh.
Nhà nước và tư bản trong trình bày của bộ Tư bản[1]
Trần Hải Hạc
Nhận xét ngày nay trở thành khá thông thường là Marx không hề có một phân tích về nhà nước tương ứng với phân tích của ông về tư bản, là người ta không thể tìm thấy trong toàn bộ tác phẩm của Marx lý thuyết về nhà nước tư bản chủ nghĩa mà nhiều người gán cho ông.[2] Trong một dàn bài năm 1858, tác giả của bộ Tư bản có dự kiến một quyển thứ tư tựa đề là “Về nhà nước”, song ông không hề soạn thảo nó [1845-1895, tr. 86].[3] Marx cũng không đưa nội dung dự kiến cho quyển này vào Quyển I của bộTư bản: ông nói rõ điểm này trong một bức thư năm 1862 và nhấn mạnh rằng đề tài duy nhất mà nội dung Quyển I của bộ Tư bản không cho phép xử lý, chính là “mối tương quan giữa các hình thái khác nhau của nhà nước và các cấu trúc kinh tế khác nhau của xã hội” [1862-1874, tr. 30].
Trái lại, điều ít người làm là nhận xét hệ quả của sự thiếu vắng phân tích tương quan giữa tư bản và nhà nước trong nội dung của bộ Tư bản. Làm như là vấn đề này không mấy gì quan trọng hoặc không ảnh hưởng đến công trình lý thuyết hóa tư bản của Marx ở các cấp độ phân tích khác nhau, đó là: quan hệ hàng hóa và khái niệm về tiền tệ, quan hệ làm công và khái niệm về sức lao động hay quan hệ đất đai và khái niệm về địa tô tuyệt đối. Như người ta đều biết, đây là những phân tích và khái niệm đặc thù của Marx, là nền tảng từ đó ông tiến hành phê phán kinh tế chính trị học. Nhưng mặt khác, những cuộc thảo luận về cách đọc bộ Tư bản cho thấy các khái niệm này có phần bất định, hay chí ít là các phân tích đó có phần nào nhập nhằng, khiến lý thuyết của Marx có nguy cơ ngả theo kinh tế chính trị học mà chính ông phê phán.


Giả thuyết thứ nhất mà bài viết của chúng tôi khảo sát, trong phần I - Hình thái tư bản và nhà nước, là: sự bất định và nhập nhằng của các phạm trù tiền tệ và sức lao động trong trình bày của bộ Tư bản bắt nguồn từ chỗ Marx dường như không kể đến nhà nước khi ông khái niệm hóa quan hệ hàng hóa và quan hệ làm công.[4]
Karl Marx (1818-1883)
Hẳn là trước khi tiến hành phê phán kinh tế chính trị học, Marx đã dành nhiều văn bản các năm 1843-1846 để phân tích mối tương quan của nhà nước hiện đại với xã hội dân sự tư sản và, trên nền tảng đó, đã phê phán triết học chính trị của Hegel (Phê phán triết học pháp quyền của Hegel) và phái tân Hegel (Về vấn đề Do Thái, Gia đình thần thánh, Hệ tư tưởng Đức). Đây quả là những văn bản mang tính qui chiếu, nhưng được Marx soạn thảo trước khi ông nêu lên trong bản thảo của bộ Tư bản – và dưới một dạng còn chung chung – cách đặt vấn đề nhà nước tư bản chủ nghĩa: ”Hình thái kinh tế đặc thù” của quan hệ bóc lột trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa quyết định “hình thái chính trị đặc thù” của quan hệ chủ quyền và phụ thuộc trong nhà nước tư bản chủ nghĩa, và hình thái nhà nước này “tác động trở lại một cách quyết định” trên hình thái tư bản [1864-1865, t. 3, tr.172].











Ngoài ra và song song với công trình về Tư bản, Marx đã công bố nhiều tập sách (Tuyên ngôn đảng cộng sản, Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848-1850, Ngày 18 tháng Sương mù của Louis Bonaparte, Cuộc nội chiến ở Pháp 1871, Phê phán cương lĩnh Gotha) và bài báo (trênNeue Rheinische Zeitung, New York Daily Tribune) luận bàn về lịch sử chính trị đương đại, đặc biệt về những chế độ chính trị khác nhau mà giai cấp tư sản đã thiết lập ở châu Âu và châu Mỹ. Đây là những văn bản trong đó Marx nêu lên nhận xét của ông về nhiều hình thái của nhà nước tư bản chủ nghĩa, trong khi tính chất của nhà nước này chưa được ông lý thuyết hóa một cách có hệ thống. Từ đó mà có nhận định tương đối phổ biến cho rằng các công trình của Marx không hề chứa đựng một lý luận thống nhất về nhà nước, mà chỉ trình bày nhiều lý luận khác nhau về mối tương quan của nhà nước với giai cấp tư sản, và lập trường của tác giả của bộ Tư bản thì dường như dao động giữa các lý luận đó.
Vượt lên tính tản mạn và tạp nham của những văn bản bàn về nhà nước tư sản trong các tác phẩm của Marx, bài viết của chúng tôi sẽ khảo sát, trong phần II - Hình thái nhà nước và tư bản, một giả thuyết thứ hai, theo đó: tư bản và nhà nước được khái niệm hóa cùng lúc, bởi không thể quan niệm tư bản mà không có nhà nước. Về mặt khái niệm, tư bản và nhà nước hình thành trong một mối quan hệ đối cực. Tương tự lý thuyết của Marx về tư bản, được ông trình bày theo các cấp độ trừu tượng hóa khác nhau –  đi từ quan hệ hàng hóa đến quan hệ làm công –, lý thuyết về nhà nước tư bản chủ nghĩa phát triển theo một trình tự cấp độ trừu tượng hóa tương ứng; và cũng như việc lý thuyết hóa tư bản đòi hỏi Marx tiến hành một phân tích về hình thái phân biệt hình thái giá trị với các hình thái của giá trị, việc lý thuyết hóa nhà nước tư bản chủ nghĩa cũng cần phân biệt giữa hình thái nhà nước – đặc thù của xã hội tư sản so với các xã hội tiền tư sản – với các hình thái của nhà nước – đặc trưng cho các chế độ chính trị khác nhau của xã hội tư sản.[5]

I

Hình thái tư bản và nhà nước

Marx không đơn giản định nghĩa tư bản như là quan hệ bóc lột qua đó một giai cấp xã hội chiếm hữu lao động thặng dư của một giai cấp khác. Tư bản, đối với ông, chỉ định một hình thái bóc lột đặc thù trong đó một giai cấp chiếm hữu lao động thặng dư của một giai cấp khác không thông qua những quan hệ phụ thuộc trực tiếp, như trong các hình thái bóc lột tiền tư bản chủ nghĩa, mà thông qua những quan hệ trao đổi hàng hóa hay, nói cách khác, dưới hình thái tiền tệ. Chính vì quan hệ hàng hóa, với khái niệm tiền tệ, thể hiện đặc trưng của quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa mà, đối với tác giả của bộ Tư bản, nó là khởi điểm của việc phân tích tư bản như là hình thái đặc thù và là đối tượng nghiên cứu của Phần thứ nhất, Quyển I (“Hàng hóa và tiền tệ”). Trong trình bày của bộ Tư bản, quan hệ hàng hóa là cấp độ trừu tượng hóa thứ nhất của hình thái tư bản, một cấp độ không kể đến quan hệ làm công, quan hệ này chỉ “giả định có trước” (présupposé) chứ chưa có “đề ra” (posé) [1857-1858, t. 1, tr. 166].[6]

Tính đối cực giữa hàng hóa và tiền tệ

Lý thuyết của Marx về hàng hóa và tiền tệ là đối tượng tranh luận giữa hai cách diễn giải đối lập nhau: một bên là các cách đọc truyền thống cho rằng tiền tệ là hàng hóa, và suy diễn khái niệm tiền tệ như là sự phát triển tự thân của khái niệm hàng hóa; bên kia là các cách đọc phi chính thống theo đó tiền tệ không phải là hàng hóa mà tồn tại trước nó, theo nghĩa hàng hóa giả định tiền tệ có trước nó không chỉ về mặt lịch sử mà cả về mặt lô-gích.
Đọc chăm chú các văn bản về hình thái của giá trị – tức hình thái biểu hiện giá trị hay giá trị trao đổi – ở Chương 1 (“Hàng hóa”) và Chương 2 (“Bàn về trao đổi”) Quyển I của bộ Tư bản, cho phép vạch ra một lời giải khác, thay thế song đề nói trên[7]. Theo phân tích của Marx, hình thái của giá trị là một tương quan “đối cực” giữa hình thái tương đối của giá trị và hình thái ngang giá, là “hai mặt tương can, không tách rời nhau” đồng thời là “những thái cực đối lập, loại trừ lẫn nhau”, tức là “những cực của cùng một biểu hiện giá trị” [1867/1890a, tr. 115 và 159; 1872-1875, t.1, tr. 63]. Chính tính đối cực này giữa hai mặt vừa đối lập với nhau, vừa làm tiền đề cho nhau là quan hệ mà Marx xác lập giữa hàng hóa và tiền tệ. Mối quan hệ này dẫn đến một quá trình tuyển chọn - loại trừ: hình thái biểu hiện giá trị đòi hỏi thế giới hàng hóa phải “đề ra”, phải tuyển chọn trong nội bộ thế giới này một hàng hóa làm vật ngang giá. Bị “loại trừ” ra khỏi hàng ngũ các hàng hóa, tiền tệ trở thành hình thái đối cực của hàng hóa và “chỉ tồn tại trong sự đối lập đó” [1890, tr. 98-99].
David Ricardo (1772-1823)
Đối với trào lưu phê phán phi chính thống – do Carlo Benetti và Jean Cartelier [1980; 1998] khởi xưởng –, sự ra đời của tiền tệ, như nó được trình bày trong phân tích hình thái của giá trị, là một sự thất bại lô-gích: bởi nếu tiền tệ quả là hàng hóa thì không một hàng hóa nào có thể tồn tại.[8] Phê phán này chỉ đúng trong trường hợp tiền tệ được Marx sát nhập vào lý luận về giá trị như thể nó là hàng hóa.[9] Hay nói cách khác, phê phán phi chính thống là xác đáng nếu Marx, theo chân của Ricardo, xây dựng mối quan hệ hàng hóa – tiền tệ một cách đơn giản như là quan hệ hàng hóa – hàng hóa, tức là một sự đổi chác, trao đổi trực tiếp sản phẩm với nhau[10]. Nhưng đó không phải là lý luận của Marx bởi, trong phân tích hình thái của giá trị, ông định nghĩa tiền tệ “một cách đối lập” với hàng hóa, như là đối lập của hàng hóa [1867/1890a, tr. 85].
Điều không sai là trình bày của bộ Tư bản đôi khi gây lẫn lộn giữa vàng-hàng hóa và vàng-tiền tệ. Lô-gích của phân tích hình thái giá trị là phân biệt rõ rệt hai phạm trù này: vàng là hàng hóa nhưng không còn là hàng hóa khi trở thành tiền tệ, bởi tiền tệ được xác định như là cái đối lập với hàng hóa. Thật vậy, kể từ khi nó được tuyển chọn làm vật ngang giá, vàng từ bỏ cương vị hàng hóa của nó: vàng để qua một bên giá trị của nó, vì nó không có gì phải trị giá nữa; vàng cũng để qua một bên giá trị sử dụng riêng của nó như là kim loại, để đảm nhận chức năng xã hội là độc quyền đại biểu giá trị của hàng hóa (ngược lại, khi nó từ bỏ chức năng xã hội này, vàng trở vào hàng ngũ của hàng hóa với giá trị và giá trị sử dụng riêng của nó).[11]
Karl Polanyi (1886-1964)
Trong chừng mực vàng bị loại khỏi hình thái tương đối của giá trị, nó không có giá cả. Và trong chừng mực vàng được dùng làm vật biểu hiện giá trị của hàng hóa, nó không có giá trị phải biểu hiện: cái gọi là “giá trị của tiền tệ” thật ra là giá trị mà tiền tệ đại biểu. Vì nó không có giá cả lẫn giá trị, tiền tệ không thể là hàng hóa, cho dù là một hàng hóa ”ảo” theo nghĩa của Karl Polanyi[12]. Có thể nói rằng tiền tệ không phải là hàng hóa, cũng không phải là “phi hàng hóa”[13] mà là “phản hàng hóa” theo nghĩa tiền tệ là cực đối lập của thế giới hàng hóa [1867/1890a, tr. 81]. Tiền tệ và hàng hóa là hai phạm trù đối cực của quan hệ hàng hóa, cái này không thể tồn tại mà không có cái kia, cho nên đó là hai phạm trù có tính cùng thời về mặt lô-gích[14].

Nhà nước cấu thành quan hệ hàng hóa

Trào lưu phê phán phi chính thống cho thấy một sự bất định trong trình bày của Marx về các hình thái của giá trị. Đặc biệt là hình thái chung của giá trị (Hình thái III): nó hình thành không phải bằng cách đảo ngược hình thái phát triển của giá trị (Hình thái II), mà đòi hỏi một ”quá trình xã hội”, bởi – theo lời của Marx – chỉ có một “hành vi xã hội” mới có thể bầu chọn một hàng hóa nào đó vào cương vị vật ngang giá chung và đồng thời loại trừ những hàng hóa khác [1890, tr. 98-99]. Tuy nhiên, các chương 1 và 2 của Quyển I không hề nói rõ tính chất của quá trình xã hội này. Cho nên người đọc có thể lầm tưởng rằng tiền tệ là kết quả tự nhiên của quá trình phát triển trao đổi hàng hóa, trong khi quan hệ hàng hóa chỉ có thể là quan hệ tiền tệ, một quan hệ tức khắc có tính chất tiền tệ[15]: đó là điều Marx phê phán kinh tế chính trị học vì nó tìm cách suy diễn tiền tệ từ sự phát triển của quan hệ đổi chác, quan hệ trao đổi trực tiếp giữa những sản phẩm lao động với nhau[16].
Phải đến Chương 3 (“Tiền tệ hay lưu thông hàng hóa”) thì thuyết trình của Marx về những hình thái và chức năng của tiền tệ – đơn vị kế toán, phương tiện lưu thông, phương tiện dự trữ, phương tiện thanh toán – mới cho phép xác định rằng “hành vi xã hội”, qua đó một hàng hóa nắm lấy độc quyền đại biểu giá trị trong xã hội, chỉ có thể là hành vi của nhà nước với tư cách là đại diện của xã hội.[17] Chủ quyền chính trị cấu thành chủ quyền tiền tệ qua “việc qui định bản vị của tiền tệ” và “việc đúc tiền”, hai nhiệm vụ mà nhà nước đảm nhận [1890, tr. 113 và 141]: vàng đúc thành tiền “chỉ được công nhận là tiền tệ khi ở phía sau nó có quyền lực của nhà nước” [1859, tr. 193-194]. Theo hướng diễn giải này, chúng ta có thể triển khai một số nhận xét bổ sung.
Trước hết, trong chế độ tiền tệ bản vị vàng, việc ấn định tỷ giá chính thức của vàng là thủ tục qua đó một sản phẩm lao động tư nhân – vàng – được công nhận có tính xã hội bằng một quyết định của nhà nước, và từ đó được chấp nhận là vật ngang giá chung.[18] Cần làm rõ lập luận tĩnh lược của Marx khi ông nói đến lao động cụ thể sản xuất vật ngang giá chung: ví dụ, khi ông viết rằng lao động sản xuất vàng trở thành lao động mang tính “trực tiếp” xã hội, và biểu hiện “trực tiếp” trong một sản phẩm được xã hội công nhận và khả dĩ trao đổi với mọi hàng hóa [1867/1890a, tr. 85-87]. Từ “trực tiếp” ở đây có nghĩa: không qua trung gian của thị trường, không thông qua thủ tục trao đổi sản phẩm lao động. Thật vậy, lao động sản xuất ra vàng trở thành lao động xã hội theo quyết định của xã hội và nhà nước của nó: chính là thông qua thủ tục qui định bản vị của tiền tệ và đúc tiền mà vàng-hàng hóa trở thành vàng-tiền tệ, tức là sản phẩm mà khả năng trao đổi trực tiếp được thể chế hóa. Để nhấn mạnh thêm, có thể nói rằng qui trình tiền tệ hóa vàng không phải là một hành vi trao đổi: người mang vàng-kim loại đến ngân hàng nhà nước không phải bán vàng mà chuyển đổi nó ra vàng đúc thành tiền. Trong trường hp của tiền tín dụng thì đó là qui trình tiền tệ hóa những trái quyền tư nhân thông qua thủ tục chiết khấu của các ngân hàng thương mại và thủ tục tái chiết khấu ở cấp sau cùng của ngân hàng trung ương, “mấu chốt” của toàn bộ hệ thống tín dụng [1864-1865, t. 2, tr. 232].
Như vậy, không thể qui quan hệ hàng hóa vào mối tương quan trao đổi giữa các tác nhân tư nhân với nhau: mối tương quan này chỉ cấu thành một trong hai cực của quan hệ hàng hóa; cực thứ hai thành hình do mối tương quan giữa tác nhân tư nhân và nhà nước. Tính đối cực này lại phản tư vào trong chính tiền tệ với mối tương quan giữa tiền tệ nhà nước và tiền tệ tạo ra với tư cách tư nhân là tín dụng. Dùng phép ẩn dụ, Marx nói về mối tương quan giữa tiền tín dụng “theo đạo Tin lành” và tiền tệ nhà nước “theo đạo Công giáo”, trong đó “hệ thống tín dụng vẫn chưa thoát khỏi được cái cơ sở của hệ thống tiền tệ, cũng như đạo Tin lành vẫn chưa thoát khỏi được những nền tảng của đạo Công giáo” [1864-1865, t. 2, tr. 252]. Có thể nói rằng thế giới hàng hóa là một cấu trúc đối cực gồm: quan hệ chiều ngang và phi tập trung của các tác nhân trao đổi giữa họ với nhau; và quan hệ chiều dọc và tập trung của nhà nước với các tác nhân trao đổi, thể hiện qua chế độ tiền tệ và chính sách tín dụng. Theo nghĩa đó, không thể tư duy quan hệ hàng hóa nếu không có nhà nước. Do đó, người ta không thể không ngạc nhiên rằng: tuy đã vạch ra tính đối cực hàng hóa – tiền tệ, và hình thái phái sinh của nó là tính đối cực tín dụng – tiền tệ, tác giả bộ Tư bản lại không khái niệm hóa tính đối cực giữa tác nhân trao đổi với nhà nước cấu vốn thành quan hệ hàng hóa.
Tính đối cực của quan hệ hàng hóa – tiền tệ không chỉ buộc phía các hàng hóa phải thể hiện giá trị của chúng trong một vật ngang giá được thể chế hóa. Nó còn đòi phía tiền tệ phải có tính chính đáng để đại biểu giá trị của hàng hóa, tức sự tin tưởng từ các tác nhân trao đổi rằng định chế phát hành tiền tệ có năng lực đảm bảo sự ổn định của tiền tệ: tính chính đáng này, Marx gọi – nhưng không triển khai nó – là “tín nhiệm quốc gia” hay “tín nhiệm nhà nước” [1864-1865, t. 2, tr. 68 và 185]. Như vậy, tiền tệ chỉ một thực tại hai mặt và đối cực: một bên là quyền lực của chủ quyền chính trị nhờ đó nhà nước áp đặt tiền tệ đối với các tác nhân tư nhân; và một bên là sự tin tưởng của các tác nhân trao đổi tạo nên tính chính đáng của tiền tệ do nhà nước phát hành. Với ý nghĩa đó, tiền tệ, về cơ bản, có tính chất hai chiều, vừa có tính xã hội, vừa mang tính tư nhân, vừa có tính tập trung vừa mang tính phi tập trung, vừa có tính nhà nước, vừa mang tính hàng hóa.[19] Cũng có thể nói rằng tính nhập nhằng (ambiguïté) trong cách trình bày phạm trù tiền tệ của bộ Tư bản là sự biểu hiển của tính hai chiều (ambivalence) đó khi nó chưa được khái niệm hóa thật thỏa đáng.
Cách đọc bộ Tư bản đề xuất ở đây có những điểm tương đồng với cách đọc phi chính thống, nhưng khác biệt về một điểm cơ bản: đó là tính đối cực giữa tiền tệ và hàng hóa. Với quan niệm về tiền tệ duy danh, trào lưu phi chính thống loại bỏ mọi giải thích về tiền tệ xuất phát từ hàng hóa và lấy nhà nước làm nền tảng duy nhất cho tiền tệ. Trong quan điểm này, tiền tệ là một quan hệ xã hội tách rời khỏi hàng hóa, nhà nước là một thực thể nằm ở ngoài quan hệ hàng hóa. Với cách tiếp cận đó, không thể nào hiểu được rằng tiền tệ chính là cực khác của quan hệ hàng hóa, rằng nhà nước vừa gắn liền với xã hội hàng hóa, vừa đối lập với nó. Cách diễn giải phi chính thống như dựa vào sự ngụy biện: xuất phát từ nhận xét rằng tiền tệ là một vật thể được xã hội công nhận không thông qua thủ tục thị trường – một điều chính xác –, nó suy diễn rằng tiền tệ nhất thiết tồn tại trước hàng hóa – một điều không đúng. Vận dụng phép loại suy về nhà vua và thần dân mà Marx dùng để trình bày tính đối cực tiền tệ – hàng hóa, người ta có thể nói rằng: nhà vua không thể tồn tại mà không có thần dân, cũng như thần dân không thể tồn tại mà không có nhà vua [1890, tr. 65]. Tương tự như vậy, tiền tệ và hàng hóa làm tiền đề cho nhau: không cái nào tồn tại trước cái nào.[20]
Cách diễn giải truyền thống, với quan niệm về tiền tệ duy kim loại (métallisme), cũng dựa vào một sự ngụy biện, theo đó: vàng-tiền tệ nhất thiết phải có giá trị và nó trùng hp với giá trị của vàng-kim loại, nếu không thì tiền tệ không thể có quan hệ với hàng hóa.[21] Trong cách tiếp cận này, không thể hiểu rằng quan hệ đối cực giữa tiền tệ và hàng hóa có nghĩa là tiền tệ không thể có giá trị. Nếu nó hoàn chỉnh thì lý thuyết tiền tệ của Marx phải đề ra một khái niệm phi duy kim loại (non métalliste) về tiền tệ kim loại. Thật vậy, trong chế độ bản vị vàng, không phải vàng-kim loại mà vàng đúc thành tiền mới là tiền tệ. Nói cách khác, điều xác định chế độ tiền tệ kim loại không phải là thể nền vật chất của nó, mà là thủ tục đúc tiền chuyển đổi kim loại thành đồng tiền lưu thông hợp pháp.[22] Nói khái quát hơn, điều phân biệt những chế độ tiền tệ khác nhau không phải là sự phi vật chất hóa tiền tệ – như người ta thường nói – mà là phương thức đúc tiền đặc thù của mỗi chế độ, tức là một quan hệ xã hội: mối quan hệ nối kết những tác nhân trao đổi với định chế nhà nước phát hành tiền tệ.[23] 

Sức lao động, một hàng hóa giả tưởng

Với sự chuyển hóa của tiền tệ thành tư bản trình bày trong Phần thứ hai Quyển I của bộ Tư bản, Marx đề cập cấp độ thứ hai trong phân tích hình thái tư bản, cấp độ của “tư bản nói chung”, tức là tư bản như là quan hệ giai cấp giữa nhà tư bản và người lao động làm thuê hay quan hệ làm công – không kể đến quan hệ cạnh tranh giữa các nhà tư bản với nhau.[24]Bước phát triển lý thuyết này đã được diễn giải theo nhiều cách khác nhau, vấn đề tranh luận là mối tương quan giữa quan hệ làm công với quan hệ hàng hóa có trước nó trong trình tự của bộ Tư bản. Một bên là những cách đọc truyền thống cho rằng quan hệ làm công là sự khái quát hóa quan hệ hàng hóa: họ quan niệm sức lao động là hàng hóa và xác định giá trị của nó như là giá trị của một rổ hàng hóa. Ngược lại, những cách đọc phi chính thống phê phán lập luận qui quan hệ làm công vào quan hệ hàng hóa: họ phủ nhận sức lao động là hàng hóa và xác lập quan hệ làm công như là một quan hệ phụ thuộc có tính chất chính trị.
Trước hết, có thể nhận xét rằng cách đọc truyền thống gạt qua một bên tất cả các chỉ dẫn của Marx về những gì phân biệt sức lao động với hàng hóa thực sự.[25] Chẳng hạn, rằng việc tái sản xuất sức lao động tiêu hao hàng hóa, nhưng không sản xuất ra hàng hóa. Rằng, khác với hàng hóa, sức lao động không phải là sản phẩm của một quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, việc tái sản xuất nó không tạo ra giá trị thặng dư mà người lao động phải chiếm hữu với tư cách là chủ sức lao động.[26] Nói một cách khái quát hơn, việc tái sản xuất sức lao động không hề tạo ra một giá trị mới cộng thêm vào giá trị của các hàng hóa do tư bản sản xuất ra. Vả chăng, Marx không hề nói rằng sức lao động là hàng hóa vì nó là kết quả của một quá trình sản xuất hàng hóa. Điều mà ông viết rất khác: “Sức lao động xuất hiện như hàng hóa trên thị trường chỉ trong chừng mực và chỉ vì người sở hữu nó mang nó ra bán như là hàng hóa” [1890, tr. 188]. Qua sự trao đổi với tiền tệ, sức lao động có một hình thái giá cả, tức là một giá trị trao đổi, mặc dù không hề có cái gọi là giá trị của sức lao động: đó là một thứ “giá cả không thể qui thành giá trị” [1864, tr. 284].
Cách đọc thay thế, được nêu lên ở đây, là sức lao động thuộc một phạm trù mà Marx đề ra ở Phần thứ nhất Quyển I của bộ Tư bản, song không đích danh áp dụng cho sức lao động: đó là những vật mà đứng về hình thức có thể có giá cả, nhưng không có giá trị”. Đó là phạm trù về những vật mà, ”nói đúng ra, không phải là hàng hóa”, như đất đai, song được người sở hữu nó mang ra đổi lấy tiền, và qua giá cả mà người ta định cho nó, có được “hình thái hàng hóa”. Nói cách khác, sức lao động không phải là hàng hóa, nó chỉ có “hình thái hàng hóa” [1890, tr. 116]. Tuy nhiên, cũng không thể nói rằng sức lao động là phi hàng hóa[27], bởi nó có cùng chung với các hàng hóa “hình thái giá cả”. Chỉ có điều là, trong trường hợp của sức lao động, giá cả hay giá trị trao đổi không phải là một hình thái biểu hiện giá trị, hình thái hiện tượng của giá trị, như Bruno Lautier và Raymond Tortajada có phân tích.[28] Marx gọi đó là một hình thái “giả tưởng” [1864, tr. 284]: có thể nói rằng sức lao động là một hàng hóa giả tưởng hay hàng hóa ảo[29], một thứ giả hàng hóa. Nếu cách đọc này đích đáng thì một số mệnh đề trong bộ Tư bản cần được diễn đạt lại.
Điều mà Marx gọi là sự chuyển hóa sức lao động thành hàng hóa không hề biến sức lao động thành một hàng hóa thực sự: nó chỉ khoác cho sức lao động “hình thái hàng hóa”. Thật thế, quan hệ trao đổi hàng hóa giữa người có sức lao động và người nắm đồng tiền mang một tính chất rất đặc biệt: người lao động mang bán sức lao động của mình chỉ vì họ không có hàng hóa để bán. Đây là một quan hệ giữa hai giai cấp xã hội: giai cấp của người nắm tiền tệ và do đó sở hữu toàn bộ hàng hóa; và giai cấp của người không có hàng hóa nên, để có được tiền, phải biến sức lao động của họ thành một giả hàng hóa. Nói cách khác, hình thái hàng hóa của sức lao động là phương cách gia nhập quan hệ hàng hóa của những người không có hàng hóa để bán.
Cụm từ “giá trị của sức lao động” mà Marx thường dùng phải được hiểu như là chỉ “giá trị trao đổi” hay “giá cả” của nó. Nói đến giá trị trao đổi của sức lao động trong khi nó không phải là giá trị, có nghĩa là hình thái giá cả “che giấu” ở đây “một quan hệ giá trị” khác hơn là quan hệ trao đổi hàng hóa [1890, tr. 116]. Trong văn bản Lao động làm thuê và tư bản, Marx nhận xét rằng, ”tóm lại, tiền công được qui định không chỉ bởi lượng hàng hóa mà [người lao động] nhận trong trao đổi”. Cả tiền lương danh nghĩa lẫn tiền lương thực tế đều không nói lên hết các mối quan hệ chứa đựng trong giá trị trao đổi của sức lao động: điều qui định “trước hết” giá trị trao đổi của sức lao động là tương quan của nó với giá trị thặng dư. Theo nghĩa đó, tiền công mang tính chất “tương đối” và nói lên sự chia cắt giá trị mới mà sức lao động tạo nên giữa hai giai cấp tư bản và lao động làm thuê [1849/1865, tr. 33]. Cho nên, giá trị trao đổi của sức lao động trỏ sự phân chia giá trị gia tăng dưới tác động của đấu tranh giai cấp – tức là tỷ suất giá trị thặng dư, tỷ suất bóc lột tư bản chủ nghĩa – trước khi nó chỉ giá trị trao đổi của rổ hàng tiêu dùng mà người làm công mua.[30]

Các chuẩn xã hội về sử dụng và tái sản xuất sức lao động

Hệ quả là, khác với kinh tế chính trị học, Marx không quan niệm một cơ chế kinh tế xác định giá trị trao đổi của sức lao động: tiền lương chỉ có những “giới hạn” kinh tế khi nó giảm hay tăng, vượt những giới hạn này thì tư bản không thể tái sản xuất được nữa [1890, tr. 695]. Bên trong những giới hạn đó, “có chỗ cho một khoảng biến thiên bao la”, như văn bản Tiền công, giá cả và lợi nhuận nhấn mạnh. Trong những điều kiện đó, mức lương cũng như mức giá trị thặng dư “chỉ do cuộc đấu tranh không ngừng giữa tư bản và lao động quyết định”: cho nên “sự việc qui vào vấn đề tương quan lực lượng đấu tranh”. Điều này không có nghĩa là việc xác định giá trị trao đổi của sức lao động không hề có điểm qui chiếu nào cả: trong một nước nhất định, vào một thời điểm nhất định, vẫn có một chuẩn xã hội về tái sản xuất sức lao động mà sự hình thành mang tính lịch sử: đó là “mức sống truyền thống”, kết quả của sự phát triển sức sản xuất và của đấu tranh giai cấp trong quá khứ. Nhưng bao giờ tương quan lực lượng xã hội ở một thời điểm cũng quyết định mức giá trị trao đổi của sức lao động, tức là việc duy trì hay thay đổi mức sống của người lao động. [1849/1865, tr. 106-107] Người ta có thể nhận rõ điều này trong lý luận về giá trị thặng dư tương đối, chí ít nếu ta không diễn giải nó theo kiểu Ricardo, tức nếu ta không biến nó thành một mối tương quan máy móc và nghịch biến giữa giá trị trao đổi của sức lao động và năng suất lao động xã hội. Tht vậy, chỉ sự gia tăng năng suất lao động mà thôi thì không đủ để tạo nên giá trị thăng dư tương đối. Cùng lúc, phải có một tương quan lực lượng giữa người làm công và nhà tư bản cho phép giai cấp tư bản ngăn chặn tiền lương thực tế gia tăng tương đương với mức gia tăng năng suất lao động xã hội. Tỷ lệ theo đó sự gia tăng năng suất lao động chuyển thành giá tr thặng dư tương đối hay tăng lương thực tế tùy thuộc vào tình hình đấu tranh giai cấp: nó “tùy thuộc vào trọng lượng tương đối mà sức ép của tư bản một bên, và sự kháng cự của công nhân một bên, ném vào cán cân” [1890, tr. 585].[31]
Qui trình xác định các chuẩn xã hội về sử dụng sức lao động, tức thời gian và cường độ của ngày lao động, cũng mang tính chất tương tự. Marx nhắc rằng ngày lao động là “cái có thể qui định được, nhưng bản thân nó thì bất định”: các giới hạn thể chất và xã hội của ngày lao động đều “rất co dãn và để cho con người ta phạm vi tự do rộng nhất” [1890a, tr. 258-259]. Chính là “tính chất của sự trao đổi hàng hóa” giữa chủ tư bản và chủ sức lao động không cho phép ấn định một chuẩn mực cho ngày lao động và, do đó, cho giá trị thặng dư: nhà tư bản được quyền đòi hỏi mức tối đa của sức lao động mà họ đã mua, còn người làm công cũng có quyền hạn chế giá trị thặng dư ở mức tối thiểu. Trong xung đột “quyền đối lập với quyền” thì sức mạnh là quyết định [1890, tr. 261-262].
Khi Marx phân tích sự thâu gồm (subsomption) lao động vào tư bản[32] – và phân biệt sự thâu gồm hình thức trong sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối với sự thâu gồm thực sự trong sản xuất giá trị thăng dư tương đối [1890, tr. 571-572; 1862-1863, t.1, tr. 455-456; 1864, tr. 196] –, ông xác lập rằng, trong hành vi mua bán sức lao động, điều mà người lao động bán cho nhà tư bản không phải là một hàng hóa mà là sự phục tùng chủ tư bản của người làm công trong quá trình lao động; cũng như điều mà nhà tư bản mua của người lao động không phải là một hàng hóa mà là quyền chỉ huy người làm công trong suốt ngày lao động. Trong những điều kiện đó, quan hệ làm công chỉ có thể là một quan hệ xung đột và sự phục tùng chủ tư bản của người làm công chỉ thực hiện được thông qua những thỏa hiệp xã hội thừa nhận trạng thái nhất thời của tương quan lực lượng giữa hai giai cấp. Các thỏa hiệp này liên quan đến những chuẩn xã hội chi phối tỷ suất bóc lột tư bản chủ nghĩa: chuẩn về sử dụng sức lao động là thời gian và cường độ của ngày lao động, và chuẩn về tái sản xuất sức lao động là giá trị trao đổi của sức lao động.
Tỷ suất bóc lột này vừa là một tỷ suất “chung”, vừa là một tỷ suất “quốc gia” [1890, tr. 628]. Tính cách chung của nó thể hiện sự tồn tại của tư bản nói chung như là quan hệ giai cấp, và sự hình thành của các chuẩn xã hội về sử dụng và tái sản xuất sức lao động như là đối tượng tranh chấp của đấu tranh giai cấp. Tính cách quốc gia của tỷ suất bóc lột có nghĩa là các chuẩn xã hội đó được xác lập ở trong khuôn khổ của nhà nước quốc gia, và những thỏa hiệp xã hội có tính chu kỳ trong đấu tranh giai cấp được thể chế hóa bởi luật lao động và qui ước lao động tập thể. Marx nhấn mạnh: “Lịch sử công nghiệp hiện đại dạy cho chúng ta rằng, chỉ với nỗ lực riêng, một công nhân không thể kìm hãm những đòi hỏi vô độ của tư bản, mà cuộc đấu tranh từ đầu phải mang hình thái đấu tranh giai cấp, khiến quyền lực nhà nước phải can thiệp” [1861-1863, tr. 189].

Nhà nước cấu thành quan hệ làm công

Nếu có gì nghch lý trong lý luận về quan hệ làm công và sức lao động của bộ Tư bản thì đó là chỗ đứng nó dành cho đấu tranh giai cấp và sự điều tiết của nhà nước. Trong một số văn bản trình bày giá trị trao đổi của sức lao động, đấu tranh giai cấp hầu như hoàn toàn vắng mặt – đó là trường hợp của những văn bản qui chiếu như “Mua và bán sức lao động” hay “Khái niệm giá trị thặng dư tương đối” ở Quyển I. Trong những văn bản khác, như Tiền công, giá cả và lợi nhuận, tuy có mặt nhưng đấu tranh giai cấp không có tính quyết định, tác động của nó chỉ là đưa tiền công trở lại mức của giá trị trao đổi sức lao động, sau khi tư bản đã hạ tiền công dưới mức này, hoặc sau khi người làm công đã đẩy tiền công vượt lên mức đó. Chí ít, đây là một cách đọc truyền thống đã khơi nguồn cho quan niệm duy kinh tế về quan hệ làm công và sức lao động. Tuy nhiên, với một quan niệm đặt đấu tranh giai cấp trong ngoặc đơn thì không thể xác định tỷ suất bóc lột tư bản chủ nghĩa được nữa, bởi giá trị thặng dư tương đối, như ta đã thấy ở trên, trở nên bất định.
Trong trình bày của bộ Tư bản, tính chất chính trị và thể chế của qui trình xác định ngày lao động và giá trị thặng dư tuyệt đối càng làm lộ ra nghịch lý của một qui trình xác định giá trị trao đổi sức lao động và giá trị thặng dư tương đối có vẻ như mang tính thuần túy kinh tế và hoàn toàn hàng hóa. Mặt khác, tác giả bộ Tư bản không mấy rõ ràng khi nói về vai trò của nhà nước trong sự xác định tiền công. Đề cập đến “luật về tiền công”, Marx hình như cho rằng sự điều tiết tiền công bởi nhà nước chỉ cần thiết cho tư bản trong giai đoạn tích lũy ban đầu mà thôi; còn khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã xác lập thì yêu cầu duy trì tiền lương ở mức tư bản đòi hỏi được thực hiện qua “sự cưỡng bức câm lặng của những quan hệ kinh tế” [1890, tr. 829]. Thật ra, nếu đọc kỹ văn bản này của Quyển I thì nó trình bày những thay đổi về thể chế đã tác động lên chuẩn về giá trị trao đổi sức lao động ở Anh từ thế kỷ 15 cho đến thời điểm xuất bản của bộ Tư bản. Và thay vì cho thấy nhà nước không còn điều tiết chuẩn về tiền công trong phương thức sản xuất đặc thù tư bản chủ nghĩa, Marx nhấn mạnh vai trò của nhà nước liên tục can thiệp vào quan hệ làm công, như quyết định hủy bỏ lương hợp pháp tối đa, bãi bỏ luật cấm những hành động tập thể của công nhân hay, ngược lại, thừa nhận chính thức các công đoàn [1890, tr. 832-833].
Trong một văn bản khác viết về “luật công xưởng”, Marx nhận xét rằng việc đại công nghiệp sử dụng lao động phụ nữ và trẻ em, nhằm giảm tiền công và sản xuất giá trị thặng dư tương đối, đã khiến cho nhà nước Anh can thiệp vào chế độ công xưởng, đảo lộn quan hệ pháp lý giữa kẻ mua và người bán sức lao động “đến nỗi toàn bộ giao dịch giữa họ mất cả bộ mặt của một hợp đồng giữa những người tự do”. Khái quát hơn nữa, Marx nhận định: không có gì đặc trưng cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hơn là “sự cưỡng bức nhân danh nhà nước của những đạo luật” dùng để áp đặt các chuẩn về sử dụng và tái sản xuất sức lao động.[1890, tr. 446; 541] Cho nên, muốn chống lại tư bản, những người làm công “phải tập hợp thành một đội quân duy nhất và, với tinh cách là giai cấp, giành lấy một đạo luật nhà nước” – tức là người lao động phải dựng lên “một chướng ngại xã hội ngăn cản họ tự bán mình cho tư bản bằng một hợp đồng tự do” [1890, tr. 338]. Các chủ tư bản cũng thông qua nhà nước và pháp luật mà khẳng định lợi ích của họ với tính cách là giai cấp đối với các bộ phận tư bản có những lợi ích khác nhau.
Theo hướng lý giải này, nhà nước biểu lộ ra là một quan hệ xã hội cấu thành quan hệ làm công, mà cấu trúc gồm một tương quan hàng ngang của các giai cấp xã hội với nhau và một tương quan hàng dọc của các giai cấp với nhà nước, biểu hiện trong chế độ làm công và chính sách xã hội. Như vậy, không thể thu tóm quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa trong những xung đột và đấu tranh giữa chủ tư bản và người làm công: nó còn bao gồm nhà nước qua đó các giai cấp này thể chế hóa những thỏa hiệp của họ về các chuẩn sử dụng và tái sản xuất sức lao động. Nói cách khác, không thể quan niệm mối quan hệ làm công chỉ đơn giản là tương quan song phương người làm công – chủ tư bản mà không có mặt của nhà nước là tương quan nối kết hai giai cấp đối lập trong tương quan song phương. Theo nghĩa đó, không thể tư duy tư bản nếu không có nhà nước.
Điều này đi ngược lại một truyền thống mác-xít định nghĩa nhà nước và hoạt động chính trị nói chung như là kiến trúc thượng tầng, nằm ngoài quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa. Từ đó, đã thành hình quan niệm duy kinh tế về quan hệ làm công, và không có gì cơ bản phân biệt nó với kinh tế chính trị học mà Marx phê phán. Phản ứng lại chủ nghĩa duy kinh tế này, đã hình thành quan niệm duy chính trị về quan hệ làm công, loại bỏ những phân tích về hình thái hàng hóa của sức lao động và chỉ giữ lại phân tích về hình thái thể chế của nó.[33] Song, hai cách đọc Marx đối lập nhau này lại gặp nhau ở tính đơn phương của chúng, khiến cho cả hai chỉ có thể quan niệm mâu thuẫn giữa quan hệ hàng hóa và quan hệ làm công theo thế đôi ngả: đồng nhất hoặc loại trừ. Tuy nhiên, trong phương pháp luận phân tích hình thái của Marx, cần tránh cả cạm bẫy của sự đồng nhất đơn thuần, tức sự lẫn lộn mà không có tính phân biệt; lẫn cạm bẫy của sự loại trừ đơn thuần, tức sự đối lập mà không có tính bao hàm. Theo cách đặt vấn đề của Marx, quan hệ làm công và quan hệ hàng hóa phải được tư duy trong mâu thuẫn của chúng, tức vừa đối lập nhau, vừa thống nhất nhau: quan hệ hàng hóa và quan hệ làm công không tồn tại ngoài mâu thuẫn đó.

II

Hình thái nhà nước và tư bản

Khi xét tất cả các khía cạnh của nó, lý luận về quan hệ làm công của Marx để lộ ra một sự bất định hay nhập nhằng giống như lý luận về quan hệ hàng hóa trước đó: trình bày của bộ Tư bản, ít hay nhiều, có xu hướng nắm lấy cả hai mối quan hệ xã hội này như là những quan hệ hàng ngang và phi tập trung của các tác nhân trao đổi với nhau, mà không kể đến quan hệ hàng dọc và tập trung của các tác nhân này với nhà nước. Từ đó, có thể nghĩ rằng những khó khăn của Marx khi xây dựng các khái niệm về tiền tệ và về sức lao động, ít hay nhiều, gắn liền với những vấn đề mà ông gặp phải khi khái niệm hóa nhà nước tư bản chủ nghĩa. Vấn đề có liên quan trước tiên là lý luận về nhà nước hiện đại và tương quan của nó với xã hội dân sự tư sản, do Marx đề ra trong những tác phẩm triết học các năm 1843-1846, từ Phê phán triết học pháp quyền của Hegel cho đến Hệ tư tưởng Đức: có thể đối chiếu những khó khăn trình bày trong các tác phẩm này với khó khăn trình bày khái niệm tiền tệ và quan hệ hàng hóa trong bộ Tư bản. Vấn đề có liên quan sau đó là lý luận về nhà nước tư bản chủ nghĩa và tương quan của nó với các giai cấp xã hội, do Marx nêu ra trong những văn bản đi từ Hệ tư tưởng Đức đến các tác phẩm chính trị bàn về chủ nghĩa Bonaparte: có thể liên hệ những bất định trong cách lý giải các văn bản này với sự bất định của lý luận về quan hệ làm công và khái niệm sức lao động trong bộ Tư bản.

Tính đối cực giữa nhà nước hiện đại và xã hội dân sự tư sản

Ludwig Feuerbach (1804-1872)
Mối quan hệ của nhà nước hiện đại với xã hội dân sự tư sản được Marx cấu trúc hóa tương tự như mối quan hệ của tiền tệ với hàng hóa. Tính đẳng cấu này có từ những văn bản của “Marx thời trẻ” các năm 1843-1844, khi ông còn vận dụng sơ đồ triết học của Feuerbach về sự tha hóa tôn giáo để phê phán song song tiền tệ [1844-1881, tr. 17-18; 28] và nhà nước hiện đại. Trong Phê phán triết học pháp quyền của Hegel, phân tích mối quan hệ giữa xã hội dân sự - lĩnh vực của các lợi ích riêng, và nhà nước - lĩnh vực của lợi ích chung, Marx vạch ra tính huyễn hoặc của học thuyết Hegel khi nó đảo ngược tương quan quyết định giữa hai vế này và lấy nhà nước hiện đại làm thành chân lý của xã hội dân sự tư sản.
Tuy nhiên, khi phê phán quan niệm duy tâm của Hegel và tiến hành lật đổ nó, Marx dường như bỏ mất điều làm nên tính chất hiện đại của học thuyết Hegel là sự phổ quát của nhà nước, vượt lên những lợi ích cá biệt, làm cho không thể qui nhà nước vào xã hội dân sự được – đó là điều đối lập Hegel với những lý luận về nhà nước căn cứ vào quyền tự nhiên và khế ước. Người ta có thể tìm thấy cách tiếp cận văn bản của Marx theo hướng này ở những nhà bình luận bộ Tư bản như Jacques Bidet, khi ông này cho rằng tác giả bộ Tư bản “bị mắc kẹt trong xã hội dân sự” vì quan niệm nhà nước như là biểu hiện của sở hữu tư, như là “nhà nước của xã hội dân sự”, đại biểu cho các lợi ích riêng[34]. Đó cũng là cách diễn giải của Louis Dumont và Pierre Rosanvallon khi họ cho rằng Marx đã không nắm bắt được “khía cạnh tổng thể” của nhà nước trong học thuyết Hegel, cho nên, khi lật ngược Hegel, Marx không khác nào “trở về với Smith”, tức là với một phương pháp luận cá thể về xã hội dân sự tư sản, thành hình từ những cá nhân tự chủ[35].
Thật ra, nếu xét toàn bộ các văn bản của Marx cùng thời kỳ, lập luận của ông phức tạp hơn nhiều, chứ không hề đơn giản như vậy: đặc biệt, trong Phê phán triết học pháp quyền của Hegel và trong Về vấn đề Do thái, Marx đưa ra hai luận điểm khác nhau. Một mặt, chỉ có sự tha hóa nhà nước mới làm cho người ta tưởng rằng nhà nước quyết định, chi phối xã hội dân sự, trong khi ngược lại chính xã hội dân sự sinh ra, tạo nên nhà nước: Marx phê phán ở đây việc Hegel đảo ngược các mối tương quan, “cái chi phối trở thành điều bị chi phối, cái quyết định thành điều được quyết định, cái tạo sinh trở thành cái sản phẩm” [1843a, tr. 40]. Mặt khác, nhà nước hiện đại và xã hội dân sự tư sản thành hình cùng lúc với nhau, cái này đối lập với cái kia, và không tồn tại nếu cái kia không có: theo Marx, “s hình thành của nhà nước chính trị và sự tan rã của xã hội dân sự thành những cá nhân độc lập (…) được thực hiện trong cùng một hành vi” [1843b, tr. 372]. Hai luận điểm này hẳn không ăn khớp với nhau, bởi nếu là cùng một hành vi khai sinh đồng thời xã hội dân sự tư sản và nhà nước hiện đại, thì không thể cho rằng xã hội dân sự tạo sinh nhà nước hoặc ngược lại. Marx nói đến “sự phân đôi” xã hội hiện đại thành một xã hội dân sự và một xã hội chính trị [1843b, tr. 358]. Hoặc: “mối tương quan thật” giữa nhà nước hiện đại và xã hội dân sự là sự chia cách, “sự tách biệt của chúng” [1843a, tr. 129]. Nói rõ hơn, ông cho rằng chính cuộc cách mạng chính trị, mà Cách mạng Pháp 1789 là điển hình, đã tước hết tính cách chính trị của xã hội dân sự, và biểu hiện lợi ích chung của xã hội trong một nhà nước tách biệt ra khỏi xã hội dân sự. Cuộc cách mạng chính trị đã đồng thời giải phóng xã hội dân sự, cho nó một sự tồn tại tự chủ, và trong xã hội đó con người tư nhân có thể theo đuổi lợi ích riêng của mình mà thôi. Marx cho rằng nhà nước hiện đại hoàn thành khi con người cá nhân có hai cuộc sống, đời sống của con người tư nhân và đời sống của con người công dân. Do sự phân đôi này mà có sự phân biệt giữa một bên là các quyền con người theo nghĩa con người tư nhân, tức là những quyền tự do dân sự liên quan đến sở hữu tư; và một bên là các quyền công dân, tức là những quyền tự do dân chủ liên quan đến nhà nước.
Mặt khác, mâu thuẫn giữa lợi ích tư và lợi ích chung không chỉ chia cách xã hội dân sự và nhà nước hiện đại. Nó còn có mặt – như Marx nhấn mạnh – ngay trong nhà nước mà sự vận hành đòi hỏi một bộ máy nhà nước, một chế độ quan liêu có xu hướng lấy lợi ích của bản thân nó làm thành lợi ích chung mà nhà nước đại diện: “Lợi ích của nhà nước trở thành một mục đích tư đặc biệt bên cạnh các mục đích tư khác”. Theo nghĩa đó “chế độ quan liêu là nhà nước đã thực tế trở thành xã hội dân sự tư sản”. Chế độ quan liêu, theo Marx, là nhà nước “duy hình thức”. Cho nên trong nhà nước hiện đại, tất cả đều có “hai nghĩa”, một nghĩa thực sự và một nghĩa quan liêu. [1843a, tr. 91-93] Trong xã hội tư sản, không những có tính đối cực giữa xã hội dân sự và nhà nước hiện đại, mà nhà nước còn mang tính hai chiều.
Như vậy, các văn bản 1843-1844 không chỉ nêu vấn đề phê phán sự tha hóa nhà nước và lật ngược mối tương quan giữa nhà nước với xã hội dân sự mà Hegel xác lập. Chúng còn phân tích hình thái nhà nước như là mối quan hệ thống trị chính trị đặc thù của xã hội hiện đại. Marx nhấn mạnh điều phân biệt xã hội hiện đại với các xã hội thời trước, đặc biệt là xã hội phong kiến mà đặc trưng là “tính đồng nhất” giữa xã hội dân sự và xã hội chính trị [1843a, tr. 124]. “Xã hội thời trước có một tính chất chính trị trực tiếp, tức là những yếu tố cấu thành đời sống dân sự, như là sở hữu, gia đình hay phương thức lao động, được đưa lên thành yếu tố của nhà nước, dưới hình thái của lãnh địa, đẳng cấp và phường hội [1843b, tr. 370]”. Cho nên, “mỗi lĩnh vực tư đều có tính chính trị hay, nói cách khác, là một lĩnh vực chính trị”. Khái niệm về nhà nước thuần chính trị, tách khỏi xã hội dân sự, do đó, là một “sản phẩm hiện đại”, cũng như khái niệm về một xã hội dân sự thuần tư nhân: “Nhà nước với tư cách như thế, s trừu xuất đó, chỉ thuộc về thời hiện đại, bởi vì cuộc sống tư, sự trừu xuất này, chỉ thuộc về thời hiện đại” [1843a, tr. 71; 1841-1861, tr. 1001]. Tương t như vậy, khái niệm về con người vị kỷ, thành viên của xã hội dân sự cũng như khái niệm con người công dân, thành viên của nhà nước chính trị đều là những sự trừu xuất thuộc về thời kỳ hiện đại. Khác với những xã hội thời trước, hình thành từ những hệ thống đẳng cấp xã hội - chính trị có tôn ti thứ bậc, xã hội chính trị hiện đại thành hình với hệ thống bầu cử và đại biểu mang tính dân chủ: Chính là qua “quyền bầu cử cũng như quyền ứng cử không có hạn chế” mà nhà nước hiện đại khẳng định nó là cộng đồng của những công dân chính thức tự do và bình đẳng. Marx nói rằng phổ thông đầu phiếu là “mối tương quan trực tiếp, không chỉ trong tưởng tượng mà tồn tại thực”, của xã hội dân sự với nhà nước chính trị. Cho nên chế độ đại biểu dân chủ vừa biểu hiện sự tách biệt, chia cách giữa nhà nước chính trị và xã hội dân sự, vừa nói lên “sự thống nhất chỉ có thể là lưỡng thể của chúng”. [1843a, tr. 183-184; 1841-1861, tr. 1010]

Nhà nước hiện đại, bản chất giai cấp và hình thức dân chủ

Có thể cho rằng những luận điểm 1843-1844 của Marx không ăn khớp với nhau là do ông sử dụng, trong những văn bản thời trẻ, triết học về tha hóa của Feuerbach để phê phán Hegel. Hay nói cách khác, là do Marx còn vận dụng một cách đặt vấn đề xuất phát từ “bản chất con người” và “giả định trước một con người cá nhân trừu tượng, cô lập”, mà về sau Luận cương về Feuerbach của ông phê phán [1846, tr. 3]. Bởi, đến Hệ tư tưởng Đức năm 1846, Marx thiết lập cách đặt vấn đề mới và đặc thù của ông, là khởi đi từ các quan hệ xã hội về sản xuất và các giai cấp xã hội. Từ đó, Marx có thể trình bày lại các luận điểm thiếu mạch lạc trước đây thành một luận đề thống nhất: “Chính mâu thuẫn giữa lợi ích cá biệt và lợi ích chung đã khiến cho lợi ích chung – với tư cách là nhà nước – mang một hình thái độc lập, tách biệt khỏi những lợi ích thực, cá thể hay tập thể, và lợi ích chung đó đồng thời đóng vai trò của một cộng đồng hão huyền (…); cũng từ đó mà mọi giai cấp mong muốn trở thành thống trị phải chiếm lấy trước tiên quyền lực chính trị để, đến lượt nó, biểu thị lợi ích của bản thân như là lợi ích phổ quát” [1846, tr. 31; 1841-1861, tr. 1064]. Luận đề này phác họa đặc tính kép của nhà nước tư sản. Một mặt, là biểu hiện của mâu thuẫn lợi ích riêng - lợi ích chung, nhà nước chỉ một hình thái xã hội tách biệt xã hội dân sự, khác với các lợi ích cá thể và tổng của chúng. Mặt khác, trong một xã hội phân chia thành giai cấp, nhà nước là hình thái qua đó những cá nhân thuộc giai cấp thống trị đưa ra lợi ích cá biệt của họ như là lợi ích chung, khiến lợi ích chung đó trở thành hão huyền.
Đặc tính thứ nhất nối kết Hệ tư tưởng Đức với những phân tích nhà nước hiện đại như là hình thái đặc thù trong Phê phán triết học pháp quyền của Hegel. Đặc tính thứ hai khơi mào cho những phân tích về bản chất giai cấp của nhà nước mà Marx triển khai trong các văn bản chính trị mà ông viết sau tác phẩm 1846, nhưng không dựa vào phân tích hình thái nhà nước hiện đại của các văn bản triết học 1843-1844. Theo nghĩa đó, Hệ tư tưởng Đức có một chỗ đứng bản lề, với những nhập nhằng của nó. Song, các văn bản chính trị viết sau đó đã áp đặt một cách tiếp cận Hệ tư tưởng Đức có xu hướng bỏ qua sự phân tích hình thái nhà nước hiện đại và chỉ giữ lại hướng lý giải một chiều về nhà nước như là công cụ của giai cấp thống trị. Như vậy, lợi ích chung là “hão huyền” bởi vì chỉ có những lợi ích cá biệt mới là thực. Tính độc lập của nhà nước đối với xã hội dân sự chỉ là một hình thức huyễn hoặc che đậy quan hệ phụ thuộc của nhà nước đối với giai cấp thống trị. Điều biến mất trong cách lý giải này chính là quan hệ tách biệt nhà nước chính trị và xã hội dân sự và, do đó, là khả năng phân tích hình thái nhà nước hiện đại như là điều kiện tồn tại của tư bản và của sự phân chia xã hội tư bản thành giai cấp.[36]
Jacques Bidet (1935-)
Có thể nhận xét rằng việc khái niệm hóa nhà nước hiện đại nêu lên những vấn đề cùng loại với vấn đế chúng ta đã gặp khi xem xét khái niệm tiền t. Bởi những sự nhập nhằng khi khái niệm hóa mối quan hệ giữa nhà nước hiện đại và xã hội dân sự tư sản trong các văn bản triết học của Marx không thể không ảnh hưởng đến phân tích của ông về mối quan hệ giữa tiền tệ và hàng hóa trong trình bày của bộ Tư bản. Jacques Bidet có đề xuất một cách đọc vạch rõ vấn đề nhà nước trong Phần thứ nhất Quyển I. Nhà bình luận này phê phán cách diễn giải mác-xít truyền thống theo đó phạm trù nhà nước chỉ có mặt trong phân tích về tư bản, tức chỉ ở Phần thứ hai Quyển I, nơi nhà nước xuất hiện như là quan hệ thống trị của một giai cấp. Ông nhận xét chính xác rằng vấn đề nhà nước được nêu lên sớm hơn trong trình tự của bộ Tư bản, ngay từ quan hệ hàng hóa mà Marx không thể tư duy nếu không có nhà nước qui định tiền tệ và pháp luật.  Đây là nhà nước với tư cách là đại diện xã hội và tách biệt với các tác nhân tư, nhà nước như hiện thân của cái phổ quát đối diện với các lợi ích cá biệt. Nhưng, theo Bidet, việc Marx phê phán sự tha hóa về nhà nước khiến cho ông không thừa nhận quan niệm về nhà nước của Hegel, cho nên tác giả bộ Tư bản không thể vạch ra được “cái phổ quát cụ thể” (universel concret) trong việc phân tích quan hệ hàng hóa, khiến quan hệ này chỉ đơn giản là mối quan hệ giữa các tác nhân tư với nhau. Điều đó cũng giải thích vì sao lý thuyết mác-xít về nhà nước chỉ hình thành khi phân tích mối quan hệ giữa các giai cấp và như là nhà nước của tư bản, tức là một nhà nước không biểu hiện sự phổ quát mà chỉ đại biểu cho những lợi ích cá biệt.[37]
Tuy góp phần làm sáng tỏ vấn đề của nhà nước trong trình bày của Quyển I của bộ Tư bản, cách diễn giải của Bidet vấp phải hai nhận xét phê phán. Một mặt, Marx không hề lý thuyết hóa nhà nước cả trong Phần thứ nhất bàn về các phạm trù hàng hóa và tiền tệ lẫn trong các phần sau bàn về phạm trù tư bản: vả lại, sự tồn tại của một lý thuyết về nhà nước trong bộTư bản là điều đáng ngờ vực. Mặt khác, phân tích của Marx về hàng hóa và tiền tệ trong Phần thứ nhất Quyển I đưa đến cái phổ quát cụ thể là tiền tệ: đó chính là đối tượng của trình bày về hình thái của giá trị, bất luận những thiếu sót của nó. Từ những nhận xét này, có thể rút ra hai điều liên quan đến việc khái niệm hóa nhà nước hiện đại.
Khi khái niệm hóa tiền tệ trong bộ Tư bản, Marx xác lập hình thức biểu hiện tính trừu tượng của lao động xã hội, là hình thái giá trị. Cùng lúc, ông làm sáng tỏ đối tượng của việc khái niệm hóa nhà nước hiện đại là xác lập hình thức biểu hiện tính trừu tượng của con người xã hội, là hình thái công dân. Ở Phần thứ nhất Quyển I, định nghĩa về hàng hóa và tiền tệ còn mang tính hình thức, nó tương ứng với một cấp độ trừu tượng hóa vốn còn phải căn cứ vào việc phân tích tư bản xét như là quan hệ giai cấp. Tương tự như vậy, định nghĩa về xã hội dân sự và nhà nước hiện đại còn phải đặt trên cơ sở phân tích quan hệ thống trị của giai cấp tư sản.[38]
Marx không định nghĩa tư bản như là quan hệ bóc lột trong đó một giai cấp chiếm hữu sản phẩm thặng dư của một giai cấp khác, mà như là một quan hệ bóc lột đặc thù – bóc lột qua quan hệ hàng hóa –, như là sự chiếm hữu sản phẩm thặng dư dưới hình thái đặc thù, hình thái tiền tệ. Tương tự như vậy, Marx không đơn giản định nghĩa nhà nước hiện đại như là một nhà nước giai cấp, là sự thống trị chính trị của giai cấp thống trị: nó là một nhà nước giai cấp đặc thù – nhà nước công dân –, là sự thống trị chính trị dưới hình thái đặc thù, hình thái dân chủ. Lý thuyết về tư bản bắt đầu từ phân tích hình thái giá trị với sự tách đôi lao động xã hội thành lao động cụ thể và lao động trừu tượng, và việc tách biệt hàng hóa và tiền tệ. Cũng như vậy, một lý thuyết về nhà nước hiện đại phải khởi đi từ sự tách đôi con người xã hội thành cá nhân cụ thể (con người tư) và cá nhân trừu tượng (công dân), và việc tách biệt xã hội dân sự và xã hội chính trị, tức là phải đi từ sự phân tích “nhà nước đại biểu dân chủ”. Đó là chỉ dẫn của Marx khi ông phác họa dàn bài của đề án quyển sách về nhà nước năm 1845.[39]
Còn nữa
http://www.phantichkinhte123.com/2016/02/nha-nuoc-va-tu-ban-trong-trinh-bay-cua.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét