Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Thiên nhiên trả thù: Cảnh sạt lở tại Lạng Sơn

Cảnh sạt lở nguy hiểm tại Lạng Sơn
Sáng 31/7, khu Hòa Bình (Đồng Mỏ, Lạng Sơn) dù nước đã rút nhưng khung cảnh khá tan hoang. Bên sườn đèo, các lớp đất đá dầy bị lở rơi xuống gây nguy hiểm cho người đi đường.

Đêm 28 rạng sáng ngày 29/7, trận mưa lớn trút xuống Lạng Sơn khiến cho thị trấn Đồng Mỏ (Chi Lăng) ngập sâu 40 cm trong nước.


Cầu Ngầm (cầu dân sinh nối hai bên bờ sông Thương, cách cầu Đồng Mỏ mới khoảng 100 m) chìm sâu trong dòng nước lên cao, người dân không thể qua lại được.


Sau khi mưa lớn, nước tràn về ngập toàn thị trấn, người dân vội vã đến trường mầm non đón con về nhà.


Hầu hết các ngôi nhà hai bên đường tại khu Hoà Bình 1 (thị trấn Đồng Mỏ) bị nước tràn vào. Đoạn phố này đã khiến một ông cụ 70 tuổi thiệt mạng sau khi hụt chân tụt xuống cống và bị nước lũ cuốn đi.


Sáng 31/7, mưa tạnh, nước rút nhưng tại chân đèo Bén (nối liền thị trấn Đồng Mỏ với quốc lộ 1B), đất đá do mưa lớn làm sạt lở đổ ngổn ngang tràn xuống mặt đường khá nguy hiểm.


Hàng chục khối đá lớn ngổn ngang dọc theo dốc đèo chưa được chính quyền địa phương di chuyển. Với độ dốc lớn, bất cứ lúc nào những khối đá này cũng có nguy cơ lăn, rơi xuống khu vực ngã tư chợ cách đó chưa đến 100, gây nguy hiểm cho người dân.


Tại khu dân cư Thống Nhất 1 nằm ngay sát lưng đèo, hàng chục tấn đất đá sạt lở từ trên núi theo dòng nước cuốn tràn xuống mặt đường dày gần nửa mét.


"Sáng 29/7, mưa lớn liên tục, nước lên nhanh cuốn theo đất đá tràn vào nhà cao quá đầu gối. Chúng tôi chỉ kịp đóng cửa, tận dụng các hòn đá lớn đắp thành bờ chặn dòng nước ngay trước cửa nhà mình không cho bùn đất tràn vào", ông Triệu Viết Văn, người dân sống trong khu dân cư Thống Nhất 1 kể lại.


Nhà chị Hoàng Bích Phượng bị dòng nước trên đèo xối thẳng vào tường nhà phía sau, vỡ tường rào, bùn và nước ngập trong nhà phía sau cao khoảng 1 m.


Sau hai ngày dọn dẹp tát nước và bùn ra khỏi nhà, chiều 31/7 chị Phượng mới có thể chuẩn bị được bữa cơm trọn vẹn cho gia đình. Mọi đồ đạc trong bếp đều được kê lên cao hơn 1m, mặt sàn vẫn còn đọng nước đến cổ chân.


Một số gia đình gần đó còn dùng đá chặn chăn bông trước cửa nhà để ngăn dòng nước. Cũng có nhiều người khác lo sợ đã khoá cửa vào thị trấn tá túc nhà người thân.


Khi nước đã rút gần như toàn bộ đã để lại mặt đường đầy bùn đất.


Máy xúc, ô tô tải đã được huy động để dọn dẹp mặt đường trong thị trấn giúp các phương tiện giao thông và người dân đi lại thuận tiện.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, trong hai ngày 31/7 và 1/8 Bắc Bộ có mưa diện rộng, Lạng Sơn có mưa rất to, đặc biệt là các huyện có địa hình thấp, dân cư nằm rải rác dọc sông Thương.

Người dân vùng rốn lũ chen chúc nơi di tản

Gần 200 người dân ở rốn lũ Mông Dương (Quảng Ninh) vẫn đang phải đi ở nhờ, chưa thể về do nguy cơ mưa lụt vẫn còn có thể xảy ra. Nhà của nhiều gia đình đã bị chôn vùi dưới đất đá.


Trạm y tế phường Mông Dương trở thành nơi tá túc của 42 hộ dân với gần 200 người. Họ đến từ các tổ 1, tổ 2 (khu 4, Mông Dương, Cẩm Phả), nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau trận lụt lịch sử.


Hành lang trạm y tế chật kín do mọi người ăn ở, sinh hoạt chung nhau. Hiện tại nhu yếu phẩm cần thiết như nước uống, mì tôm đã được cung cấp đầy đủ.


Nhiều người liên tục nhận được điện thoại hỏi thăm tình hình của người thân. Nhà anh Hải (tổ 1, khu 4, Mông Dương) bị thiệt hại nặng nề. Toàn bộ căn hộ 2 tầng của gia đình anh chìm trong đống sỉ than.

Cánh đàn ông mấy hôm nay quá mệt mỏi do phải chạy đi chạy lại thường xuyên lo cơm nước cho vợ con. Nhiều người đã tâm sự, rất lo âu cho tương lai sắp tới.


"San phẳng rồi, không còn gì cả", một người dân thốt lên khi có nhà hảo tâm đến chia sẻ.


Ông Lê Văn Cương đến nói chuyện và trấn an tinh thần người dân. Vị tổ trưởng tổ 1, khu phố 4 cho biết, nhà mình cũng bị ảnh hưởng nhưng không bằng hàng xóm. "Tôi sẽ làm mọi cách để giúp bà con đỡ khổ", ông tuyên bố.


Trong căn phòng 20 m2 thường có từ 20-30 người ở, khá chật chội và ồn ào.


Ở một góc khác, bé Vũ Hải Anh (6 tuổi) chăm chú đọc truyện do mẹ mới nhận được từ các nhà hảo tâm. Chị Thu - mẹ bé cho biết, từ ngày không còn nhà cửa, Hải Anh cứ đòi mua sách vở để ngày 1/8 đi khai giảng cùng bạn bè.


Chung tâm trạng, bà Tô Thị Tảo (tổ trưởng tổ 2, khu 4) như thất thần trước đống quần áo, chăn gối mới được người nhà chuyển tới. Bà cho biết, nhà không bị ảnh hưởng nặng nhưng nằm trong vùng nguy hiểm nên vẫn phải di tản. "Tôi lo vì nếu một trận mưa lớn nữa là không còn gì, cả nhà tôi cũng sẽ bị cuốn trôi", bà tâm sự.


Dưới tầng 1, ông Nguyễn Văn Dung tranh thủ tìm kiếm quần áo vừa được chuyển tới. Do khu vực đồi núi, mưa nhiều nên thời tiết Mông Dương hiện tại khá lạnh. Theo trung tâm khí tượng thủy văn TW, khu vực Cẩm Phả sẽ còn mưa đến hết ngày 3/8.

Hơn 1.000 du khách xếp số chờ lên tàu rời Cô Tô
Sáng 31/7, hàng trăm du khách mắc kẹt xếp hàng bốc số thứ tự lên tàu hải quân về cảng Cái Rồng. Chuyến đầu dự kiến chở hơn 300 người phải rút đi 1/3 do tàu không cập được bờ.

Chị Thu Hồng, một du khách cho biết, từ tờ mờ sáng, hàng trăm du khách tập trung trước trụ sở Ban quản lý cảng Cô Tô xếp hàng lấy số thứ tự lên tàu. Dòng người lẫn lượt thay nhau vào xếp số. Ngoài trời mưa vẫn không ngớt.

Là phụ nữ, chị được ưu tiên xếp được số 145 cùng một vài người thân khác. Chị đã lên tàu chuyến đầu tiên trong ngày lúc 9h30 cùng hơn 300 người khác. Tàu đã rời cảng và di chuyển về Cửa Đối.


Hàng trăm du khách xếp hàng bốc số thứ tự lên tàu tại trụ sở cảng Cô Tô. Ảnh: Thu Hồng.

Trao đổi với Zing.vn, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, sáng sớm, lãnh đạo huyện đảo Cô Tô đã tổ chức bốc thăm số thứ tự cho hơn 1.000 du khách còn lại để lần lượt chờ lên tàu hải quân 634 về đất liền.

Tàu 634 do lữ đoàn 170 hải quân điều khiển có sức chứa 500-600 người. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết mưa gió, sóng lớn, mỗi chuyến chỉ chở từ 250-300 người. Số lượng khách ở đảo Cô Tô lớn, ai cũng có nhu cầu về sớm với gia đình, ổn định công việc, do đó lãnh đạo tỉnh nhất trí phương án bốc thăm số thứ tự để tránh tình trạng người dân tranh nhau lên tàu. Ưu tiên người già, phụ nữ và trẻ em.


Trưa 31/7, hành khách được cán bộ chiến sĩ đưa sang tàu khách Ka Long, tiếp tục hành trình vào đất liền. Ảnh: Tuổi trẻ.

Theo lịch trình, tàu hải quân 634 sẽ chở du khách vào Cửa Đối, các tàu cao tốc chở khách tại cảng Cái Rồng tiếp đón đưa vào bờ. Du khách sẽ được Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh sử dụng xe buýt, xe khách đưa ra bến xe Bãi Cháy lên xe khách về quê.

“UBND tỉnh hỗ trợ hơn 200 triệu đồng mua vé xe. Du khách ở Cô Tô về được miễn phí hoàn toàn”, ông Hậu nói.

Trong khi đó, báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Đỗ Văn Hùng - Phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn hải quân 170 - cho biết, sáng nay, do mực nước tại cảng Cô Tô xuống thấp nên tàu không thể cập cảng mà phải đón từ xa, du khách phải chuyển tải từ tàu nhỏ hơn để lên tàu trong điều kiện mưa to, sóng mạnh nên số lượng khách lên được tàu chỉ hơn 200 người.

Đến khoảng hơn 11h trưa cùng ngày, tàu khách do tỉnh Quảng Ninh bố trí đã tiếp cận được với tàu hải quân 634 tại vùng biển Cửa Đối và bắt đầu công tác di chuyển hành khách sang.

Sóng gió dập dềnh kèm mưa lớn nên du khách một lần nữa phải chật vật di chuyển sang tàu khách.


Phiếu sắp xếp số thứ tự chị Hồng bốc được. Ảnh: Thu Hồng.

Về phương án phòng ngừa vỡ đập 790, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, tới thời điểm hiện tại cơ bản đã nắn dòng lũ bùn tràn từ bãi thải Đông Cao Sơn xuống đập 790. Bờ đập được hàng trăm công nhân Tập đoàn than khoáng sản phối hợp lực lượng cứu hộ, bộ đội và hàng chục máy xúc, ôtô chở đất, đá bồi đắp gia cố thân đập. Các vị trí trọng yếu được kè đắp rọ đá, bao cát ở xung quanh. Đồng thời, lực lượng cứu hộ xử lý nắn dòng lũ bùn đất sang sườn bờ đập xuống khu vực núi đá không có dân cư.

“Nếu mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài, bùn cát vẫn có nguy cơ rò rỉ, tràn qua đập do khối lượng quá lớn”, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh lo ngại.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hảo, Chánh văn phòng TP Cẩm Phả cho biết, hiện khu vực Mông Dương trời vẫn mưa. Lực lượng cứu hộ vẫn túc trực 24/24 tại bờ đập 790. Công an thành phố bảo thay phiên vệ tài sản người dân đi tránh lũ. Khối lượng bùn cát lớn tràn ngập khu 4, phường Mông Dương sẽ phải mất nhiều ngày thu dọn.

Sau mưa lũ, các khu dân cư ở phường Hà Khánh, Cao Thắng, Mông Dương, Cẩm Phú, Cửa Ông có nguy cơ đối mặt với dịch bệnh. Đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng y, bác sĩ sẵn sàng.

“Phương án lâu dài, thành phố sẽ đề xuất di cư các hộ dân tại đây tới nơi khác sinh sống”, ông Hảo nói.

Tin tổng hợp từ các báo mạng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét