Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Tại sao giá vàng lại giảm?

Tại sao giá vàng lại giảm?
Nguồn: “Why the gold price is falling”, The Economist, 20/07/2015.
Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Giá vàng, chạm đáy thấp nhất trong vòng 5 năm vào ngày 20 tháng 7 vừa qua, phản ánh thực tế cung và cầu hiện tại và kỳ vọng về tương lai. Kim loại màu vàng này phục vụ hai mục đích: nó là một loại hàng hóa (ví dụ như sử dụng trong đồ điện tử, nữ trang và nha khoa) và là nơi tích trữ giá trị – đặc biệt như một loại bảo hiểm đề phòng các biến động chính trị. Nhưng vàng không giống như những tài sản khác: nó không đem lại thu nhập, và phải mất chi phí để tích trữ nó. 

Vào thời điểm hiện tại, thứ kim loại ánh vàng này và những nhà đầu tư trung thành với nó đang gặp rắc rối. Giá vàng phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng tài chính, nhưng chạm đỉnh vào năm 2011 và kể từ đó liên tục giảm. Một số người tin rằng giá vàng có thể xuống dưới mức 1.000 đô-la Mỹ một ounce trong năm nay.

Lý do trực tiếp nhất cho nỗi buồn của vàng là đồng đô-la mạnh. Vàng được định giá bằng đô-la, do đó nếu đồng tiền của Mỹ tăng giá, các nhà đầu tư sẽ hạ giá vàng xuống tương ứng

Một nguyên nhân khác là đồng đô-la đang tăng giá do sự hồi sinh của nền kinh tế Hoa Kỳ, điều sẽ đem đến viễn cảnh về việc tăng lãi suất ngân hàng. Đó lại là tin xấu với vàng. Lãi suất ngân hàng làm tăng chi phí cơ hội của việc giữ những tài sản không sinh lời: tiền bị giữ lại một cách vô ích trong những thỏi vàng lẽ ra đã có thể kiếm được một khoản lãi nếu được đầu tư vào kỳ phiếu kho bạc (Treasury bill)[1] hoặc các tài sản ghi nợ khác. Lợi nhuận cao của các tập đoàn cũng có tác động tương tự: khi cổ tức dồi dào, cái giá của việc bỏ qua cơ hội đầu tư này rõ ràng là đáng kể.

Diễn biến giá vàng trong những năm gần đây. Nguồn: The Economist.

Hy vọng lớn của những người yêu thích vàng chính là việc Trung Quốc, khi nước này hướng đến việc đưa đồng Nhân dân tệ (NDT) trở thành một trong những đồng tiền dự trữ[2], sẽ đẩy mạnh tích trữ vàng tới ngưỡng kỷ lục ngang bằng với các ngân hàng trung ương tại phương Tây, nhằm tạo ra hình ảnh đáng tin cậy của đồng NDT đối với giới quan sát quốc tế. Nhưng dường như điều này lại đang không xảy ra. Trung Quốc đã tăng mức dự trữ vàng lên một chút. Nhưng kho vàng này vẫn còn rất nhỏ, và nếu tính theo tỷ lệ trên tổng dự trữ của nước này, việc tích trữ vàng của Trung Quốc đang thực sự giảm.

Vàng cũng đang gặp nhiều khó khăn do sự gia tăng đột biến của những tin tức chính trị tốt. Kế hoạch giải cứu của khu vực đồng euro đối với Hy Lạp đã làm giảm nguy cơ của một cuộc vỡ nợ hỗn loạn, và về việc nước này chia tay đồng tiền chung. Thỏa thuận hạt nhân với Iran làm giảm rủi ro chiến tranh (sự kiện thường đẩy giá vàng lên). Nó cũng tăng cơ hội có một thỏa thuận rộng hơn về các vấn đề Trung Đông khác như Syria. Như vậy chỉ còn có sự bi quan mới là nguyên nhân chính để giữ vàng.

Một số người sành về vàng tin rằng quy mô mà các ngân hàng trung ương đang tạo ra tiền không có cơ sở (được gọi là “Nới lỏng định lượng” – Quantitative easing – trong thuật ngữ của chính sách tiền tệ) sau cùng sẽ làm sụp đổ tài chính quốc tế. Nhưng vào thời điểm hiện tại, niềm tin của công chúng đối với các loại tín tệ (fiat money – tức tiền được đảm bảo bởi những lời hứa, chứ không phải bởi kim loại quý) là vẫn nguyên vẹn
.

Và, trớ trêu là, nếu nền kinh tế thế giới thực sự sụp đổ hoàn toàn, kim loại chì (dưới dạng những viên đạn) sẽ rất có thể còn hữu dụng hơn cả vàng.

[1] Treasury bill (T-bill) là kỳ phiếu ngắn hạn được đảm bảo bởi chính phủ Hoa Kỳ với thời hạn thường dưới 1 năm.

[2] Trung Quốc đang cố gắng theo đuổi việc đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dùng để tính giá trị tài sản dự trữ của Quỹ Tiền tệ Tuốc tế (IMF), được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Hiện tại, rổ tiền tệ này bao gồm đồng euro, đồng yên Nhật, đồng bảng Anh, và đồng đô la Mỹ. IMF dự kiến biểu quyết về vấn đề này vào tháng 10/2015 – ND

http://nghiencuuquocte.net/2015/08/02/tai-sao-gia-vang-lai-giam/#sthash.FiL2ehaH.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét