Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Nên phạt nặng những người đặt trà đá từ thiện vỉa hè

Đọc để biết. Tôi hoàn toàn không tán thành quan điểm nêu trong bài này. Không thể so sánh thực tế ở Mỹ hay ở Na Uy với ở Việt Nam. Ở hai nước kia, chính phủ thu thuế của dân và dùng tiền đó đảm bảo cuộc sống cho tất cả mọi người, kể cả người vô gia cư đến người thất nghiệp hoặc người chỉ ngồi nhà ăn trợ cấp xã hội. Ở ta thì khác, tiền ngân sách cực nhiều, nhưng tiêu thế nào thì ai cũng rõ. Ngược lại, Chính phủ và cũng không có ai đảm bảo cuộc sống cho dân nghèo cả; họ phải tự bươn trải để mưu sinh, thu nhập thì quá thấp nên phải tiết kiệm từng xu. Khi mà nhà nước không lo được cho cuộc sống của người dân thì cũng không nên đẩy người dân vào chỗ chết, nhất là cấm họ hành nghề tại những nơi công cộng (trừ nơi có thể nguy hiểm đến tính mạng). Những người bán hàng rong, dừng lại xin cốc nước miễn phí giữa đường không thể nào giàu được; họ chỉ mong kiếm được tiền để sống qua ngày là tốt lắm rồi. Do đó, chính quyền đừng tàn nhẫn thêm với họ nữa; quan chức chính quyền nên thương dân nghèo, hãy mở lòng để họ có được cốc nước giữa cơn khát trên con đường mưu sinh của mình. Một thùng nước không phải là những quán rượu bia lấn chiếm vỉa hè đang tồn tại nhan nhản khắc nơi mà không có quan chức nào quan tâm để phạt.
Nên phạt nặng những người đặt trà đá từ thiện vỉa hè
Chung Nguyên - Bạn Ami Nguyễn mới có bài viết về trà đá từ thiện, cho rằng công an đã thực thi luật một cách cứng nhắc, và rằng việc buộc những người giúp đỡ dân nghèo phải xin phép là hành động quan liêu. Có bạn còn quy kết rằng tịch thu bình trà đá như vậy là “tịch thu lòng tốt”.
Tất nhiên, đó là góc nhìn của riêng các bạn. Tôi thì lại cho rằng cần phải xử lý đúng pháp luật những người đặt bình trà từ thiện ở vỉa hè, nếu tái phạm, hãy phạt nặng hơn.

Những người chủ cửa hàng đặt bình nước lý luận rằng bình nước không quá lấn chiếm vỉa hè là nói cùn. Thế nào là không quá lấn chiếm? Thực thi pháp luật thì không được tạo ra tiền lệ, ngày nay các bạn đặt bình nước, ngày mai là một quán nước, rồi dần dần sẽ là cái chợ chăng? Chưa kể, bạn đặt được thì người bên cạnh cũng đặt được, và cả phố cũng sẽ làm theo, lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm? Là công an, dân phòng, trật tự đô thị, họ sẽ hứng búa rìu dư luận các bạn ạ, họ bị ném đá khi tịch thu bình trà, và cũng bị ném đá khi xảy ra tình trạng hỗn loạn nếu không tịch thu, thật khôi hài.

Nếu 4, 5 người dừng xe ở lòng đường chen nhau uống nước vào giờ tan tầm, thì việc xảy ra tai nạn thương tâm chỉ là điều sớm muộn. Chưa kể với thời tiết nóng bức như những ngày qua, việc 1.000 cái miệng uống chung một bình nước, sẽ là một ổ dịch tiềm năng của các bệnh tiêu chảy, hô hấp.

Bạn Ami Nguyễn có cái tên hơi Tây, không biết bạn đã từng ở Tây chưa? Hồi tôi còn ở San Francisco (Mỹ), tôi cùng vài gia đình muốn lắp đặt một chiếc ghế bench gỗ trên vỉa hè khuất sâu trong phố phục vụ người đi bộ thì được chính quyền hỗ trợ cho một mẫu đơn, họ yêu cầu chúng tôi chụp ảnh, vẽ sơ đồ chi tiết rồi gửi lên phòng Công trình Công cộng (DPW) kèm với đơn theo mẫu, việc được duyệt hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định chủ quan của giám đốc DPW. Đừng tưởng xứ tự do có nghĩa là thích làm gì cũng được, kể cả là việc công ích.

Ở Mỹ, DPW kiểm soát từ thu gom rác, cào tuyết, phạt xe cho đến chống graffiti (vẽ tường), bạn muốn đặt thùng rác ra vị trí khác thuận tiện hơn cũng phải xin phép, nếu chống đối thì tùy mức độ bạn sẽ bị phạt tiền hoặc vài giờ lao động.

Ở Na Uy, việc cho tiền ăn xin có thể đối mặt với án tù. Luật là luật và không có ngoại lệ. Lý do tốt đẹp (theo cảm tính chủ quan của cá nhân) không thể dùng để bào chữa cho việc vi phạm luật pháp, vì luật pháp phục vụ toàn dân chứ không phục vụ cá nhân, cho dù là cá nhân nghèo, lang thang hay đang trong trạng thái khát nước giữa trưa hè 40 độ của thủ đô Hà Nội.

Có lý do mà tượng thần Libra luôn bịt mắt, tay cầm cân tay cầm kiếm xử phạt công minh bất kể người phạm tội đáng thương đến mức nào. Để có công bằng, thì luật pháp không thể duy tình.

Các bạn nghĩ rằng việc (cố tỏ ra) thương người nghèo chứng tỏ mình văn minh? Khi đặt tình lên trên lý, lấy hoàn cảnh biện minh cho việc phá hoại kỷ cương xã hội, thì các bạn chưa văn minh được đâu.

• Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người làm trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội

http://m.thanhnien.com.vn/story/nen-phat-nang-nhung-nguoi-dat-tra-da-tu-thien-via-he-sid-990530

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét