Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Chi 230 tỷ để người Việt ham đọc sách: Oái oăm, nghịch lý...

Chi 230 tỷ để người Việt ham đọc sách: Oái oăm, nghịch lý...
(Tin tức thời sự) - Cán bộ lười đọc sách hơn người đi chợ buôn bán, giới trẻ đến thư viện chỉ tìm Tiểu thuyết, Nhật ký tình yêu... Hiện nay, thư viện các tỉnh thành trên cả nước, lượng độc giả đến đọc sách vô cùng ít ỏi, nếu so sánh với số lượng dân trên địa bàn.

Thư viện các tỉnh không có người đọc
Vĩnh Long: Đọc giả chủ yếu là người già về hưu
Trao đổi với Đất Việt, ngày 19/8, bà Dương Thị Ngọc Lệ - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Số lượng độc giả tìm đến thư viện hiện nay, ít hơn so với những năm 2005 rất nhiều, đây cũng là tình hình chung ở các thư viện, không riêng tỉnh Vĩnh Long. Cụ thể, nếu như trước đây lượng người đọc hàng ngày khoảng 200 người thì bây giờ chỉ còn 30 người/ngày.

Hơn thế, trên địa bàn, sinh viên nghèo thì mới đến còn sinh viên khá giả không bao giờ thấy đến thư viện vì có thể đọc sách trên mạng hoặc được mua sách về nhà tham khảo".

Hiện nay, lượng người đọc chủ yếu của thư viện, theo bà Lệ là người lớn tuổi, đã về hưu có đam mê đọc sách, họ đến đọc tiểu thuyết, sách về tâm lý, y học, còn những loại sách phục vụ cho việc học tập của học sinh - sinh viên cũng có, nhưng lượng này vô cùng ít ỏi; nguồn sách chính trị, khoa học nghiên cứu thì lại càng ít người mượn.

Số lượng đến đọc sách so với trước đây giảm rất nhiều, nói chung chỉ còn những độc giả, mấy bác về hưu, đam mê đọc sách giết thời gian, còn học sinh - sinh viên thì không đến thư viện vì trường trang sách về chuyên ngành rất đầy đủ. Còn sách chuyên ngành thì thư viện tỉnh đơn giản hơn, nhưng chủ yếu bây giờ ai cũng lười đọc sách.

Chính vì thế, có tăng thêm lượng đầu sách cũng như mở rộng cơ sở vật chất để người dân đến đọc sách, mà người dân vốn đã lười đọc thì có cố gắng cũng khó.

Dễ hiểu một phần, do người dân Vĩnh Long nghèo, chủ yếu lao động chân tay nên ít có thời gian rảnh rỗi để tìm đến thư viện mà đọc sách. Rồi đến lực lượng đi làm công nhân, làm cho các công ty nước ngoài, xí nghiệp, giờ giấc vô cùng căng thẳng nên không có thời gian đọc sách.

Chỉ có giới học sinh - sinh viên, chừng nào có các cuộc thi, thì lại tập trung mượn sách rất nhiều, để thấy cứ có nhu cầu thì người dân mới tìm đến thư viện. Nên có đầu tư thêm cơ sở vật chất cũng như đầu sách mà người dân không có nhu cầu thì cũng không thay đổi được thói quen đọc sách của dân.

Hiện nay, bà Lệ cho hay: "Trên địa bàn tỉnh chúng tôi vẫn tổ chức phối hợp với các cơ quan ban ngành, giới thiệu sách đến các huyện, xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong các ngày lễ lớn, còn thực tế tại chỗ chỉ cho mượn đọc còn không tổ chức hoạt động nào khác".

Theo bà Lệ, điều quan trọng cần đầu tư là nhu cầu của người đọc, bởi sách của thư viện ngày càng được chọn lọc, không mua đại trà, sách quý thì nhiều, nhưng bạn đọc lại không có nhu cầu nghiên cứu. Chứ không phải là sắm xe lưu động, vận chuyển sách về các địa phương huyện, xã hay chi thêm tiền mua đầu sách, tất cả đều lãng phí.

Bắc Giang: Giới trẻ đến chỉ đọc Tiểu thuyết, Nhật ký tình yêu
Trong khi đó, cũng chia sẻ với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Mừng - Phó Phòng Phục vụ người đọc - Thư viện tỉnh Bắc Giang cho biết: "Lượng người đọc đến với thư viện tỉnh Bắc Giang hiện nay vô cùng ít ỏi, 1 ngày chỉ có khoảng 40 người đến đọc sách, chủ yếu là người đã nghỉ hưu đến mượn sách về nhà đọc là chính, thêm vào đó là đối tượng thiếu nhi đến đọc truyện.

Còn đối tượng học sinh- sinh viên, đọc sách nghiên cứu là vô cùng ít ỏi, thi thoảng làm bài tập hay làm luận văn thì đối tượng này mới đến".

Người cao tuổi là đối tượng đến mượn sách thường xuyên, một người có thể 1 tuần đến vài lần mượn về nhà đọc. Đầu sách trong thư viện thì nhiều, rất phong phú, chỉ là người dân chưa có nhu cầu đến tìm đọc.

Dù thư viện mở cửa cả chủ nhật, chỉ thứ 7 là đóng cửa, phục vụ tận dụng thời gian nghỉ của người dân, nhưng vẫn không có người.

Về loại sách được ưa chuộng, tìm kiếm nhiều, ông Mừng cho hay: "Ít đến thư viện nhưng các đối tượng trẻ thì chỉ đến tìm đọc tiểu thuyết, nhật ký tình yêu".

Để nâng cao chất lượng hoạt động, theo ông Mừng, địa phương vẫn tuyên truyền qua báo, đài, tổ chức nói chuyện ở các trường, nhưng cũng chỉ tác động một phần.

Còn chi tiền ra dù con số đó nhiều hay ít thì để dân thích đọc sách hơn là khó. Bởi người dân hiện nay cũng lao vào vòng xoáy công việc, học hành, gia đình, nên thời gian dành cho đọc sách là quá khó.

Nên việc nâng cao thói quen đọc sách của dân thì không thể chỉ dựa vào cơ sở vật chất cũng như chất lượng sách.

Gia Lai: Cán bộ lười đọc sách hơn người đi buôn!

Đưa ra nghịch lý của tỉnh Gia Lai, ông Trần Tiến Sỹ - Phó Giám đốc thư viện tỉnh Gia Lai kể: "Lượng người đọc đến với thư viện hiện nay cũng bình bình không đông, 1 năm cũng chỉ có khoảng 2.000 người.

Độc giả thì có ngày tới, có ngày không tới, những tháng đỉnh điểm như tháng 5,6,7, những ngày đó sẽ có khoảng 200 người, chủ yếu học sinh tới đông. Đa phần 2/3 là học sinh, sinh viên, còn người lớn đến đọc thì hạn chế, còn giới học sinh phổ thông chiếm 1/10, tầng lớp lớn tuổi thì lại ít hơn tầng lớp còn trẻ".

Bên cạnh đó, theo ông Sỹ, thông thường học sinh chủ yếu chỉ đến đọc truyện nhật ký, truyện tranh, truyện cổ tích. Một đối tượng khác trong độ tuổi học sinh thì đọc sách văn học, tự nhiên tham khảo là chủ yếu.

Còn những cuốn Tiểu thuyết tình yêu thì có một đối tượng hay đến mượn đọc, đó là đối tượng phổ thông, làm công việc mua bán ngoài chợ hay đến mượn đọc.

"Loại sách tình yêu, lá cải thì nói chung người buôn bán khi nào rảnh là họ lại đến mượn sách, người buôn bán còn chăm đọc sách, chăm đến thư viện hơn cả cán bộ. Vì sao tôi lại nói như vậy, bởi vì, chỉ có phục vụ bên ngoài, đưa đến tận các phường, xã thì cán bộ mới đọc, còn không bao giờ tự giác đến thư viện tìm sách đọc.

Đó chính là nghịch lý cán bộ còn lười đọc sách hơn người buôn bán ngoài chợ, dù bận buôn bán nhưng họ vẫn siêng đọc, có sách mới về là họ đã tới để mượn ngay".

Tất nhiên để thu hút người đọc thư viện cũng đã làm hết cách, cũng tờ rơi, áp phích duy trì thường xuyên nhưng do bây giờ nhiều loại hình tiếp cận thông tin, nên không lôi kéo được các đối tượng đến đọc sách.

Nhưng dù có thế nào, theo ông Sỹ cũng phải xuất phát từ thói quen đọc sách, những năm trước thư viện cũng đã thực hiện những phiếu thăm dò, các đối tượng hay đến thư viện thì họ thích văn hóa đọc, thích đọc sách hơn, cố gắng sắp xếp có thời gian để đọc.

Có một số đối tượng thì ý thức thông tin trên mạng bị nhiễu, nên quay lại tìm đọc sách, nhưng số lượng này vô cùng ít ỏi.

Ông Sỹ cho rằng: "Để nâng cao thói quen đọc sách cho người dân, thì phải có môi trường thân thiện, như các thư viện công cộng tình trạng chung chật hẹp, không có khuân viên, đặc biệt là do người dân không có nhu cầu.

Hàng năm chúng tôi vẫn tổ chức hội nghị vận động, tổ bạn đọc yêu thích cùng một nội dung, để đọc giả giao lưu với nhau, chia sẻ sở thích đọc sách. Con đường nâng cao văn hóa đọc cho người dân được xác định là một con đường giai truân, phải giải quyết từng bước một, chứ không thể giải quyết ngay tức thì.

Trước đây, không có sách thì nhiều người dành một cuốn để đọc, còn bây giờ nhiều loại sách đáp ứng nhu cầu lại không có người đọc".

Cao Bằng: Tỷ lệ đọc sách chỉ 0,2 cuốn/người/năm

Là một tình vùng cao, thư viện tỉnh Cao Bằng cũng không thể tránh khỏi tình trạng không có người đọc đến thư viện.

Bà Hoàng Lan Hương - Giám đốc thư viện tỉnh Cao Bằng chia sẻ: "Số lượng người đọc từ những năm qua vẫn giữ mức như vậy, lượng người đến thư viện trung bình một ngày với ngày hè thì khoảng 200 lượt người đọc, còn ngày thường thì gần 100 người.

Đối tượng đại đa số là học sinh đến đọc những sách tham khảo, giải trí, sách giải trí chủ yếu là truyện".

Theo bà Hương thì một năm thư viện tỉnh lại họp 1 lần để biết nhu cầu của độc giả là gì, rồi mua đầu sách theo yêu cầu.

Nhưng so với tỷ lệ người dân thì tỷ lệ đọc sách là vô cùng thấp, nó chỉ đạt 0,2-0,3 bản sách/người/năm.

Bởi vì đọc sách cũng là thói quen, nhu cầu của từng người, nên khó có thể ép buộc, còn đọc giả không đến thư viện thì phải đưa sách đến tận các cơ quan, các trường học.

Đối với một tỉnh vùng cao, bà Hương bày tỏ: "Kinh phí của những tỉnh như Cao Bằng rất khó khăn, không có đầu tư bổ sung nên cũng ảnh hưởng đến phát triển thư viện".
Bảo Bảo
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chi-230ty-de-nguoi-viet-ham-doc-sach-oai-oam-nghich-ly-3282550/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét