Dự Tết ở nhà R với Đại sứ mới Phạm Quang Vinh
Hiệu Minh - Như thường lệ hàng năm, năm nay (2015) Đại sứ quán Việt Nam tại DC tổ chức đón Tết cho đồng bào quanh vùng DC (Washington DC, Maryland, và Virginia). Nhà R (trên phố R nên gọi là nhà R), nơi ở của gia đình Đại sứ Phạm Quang Vinh và phu nhân, chật cứng chỗ đứng.
Sau khi chúc Tết và chào mừng bà con, thông điệp của Đại sứ cũng ngắn gọn, chưa đầy 2 trang. Ông có nhắc tới thành tựu 20 năm quan hệ Việt Mỹ. Về thương mại năm 2014, hai bên đã đạt 35 tỷ đô la trao đổi hàng hóa, gấp 70 lần so với năm 1995.
Đại sứ cho biết, lễ kỷ niệm 20 năm sẽ ở tầm quốc gia vì thế sẽ có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra hai bên bờ Thái Bình Dương. Sẽ có ngày Việt Nam tại Hoa Kỳ tại thủ đô DC.
Hiện có khoảng 16.500 sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ, đứng đầu Đông Nam Á và thứ 8 trên thế giới. So với thời du học Đông Âu và Liên Xô, con số này chỉ khoảng 10 ngàn. TPP cũng là điều đang mong đợi vì đó là cơ hội cho cả hai nước, nhất là Việt Nam vẫn đang chật vật “nuôi con gì, trồng con gì”.
Cuối bài phát biểu, Đại sứ có dành một phần nói về sự tâm huyết, chân thành của mình, trong việc kết nối với cộng đồng người Việt tại Mỹ, hiện có khoảng gần 2 triệu mà hầu hết đến Hoa Kỳ sau cuộc chiến.
Ông cho rằng công tác cộng đồng là một nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên hàng đầu của tòa Đại sứ. Ông hứa sẽ luôn lắng nghe, trân trọng những ý kiến đóng góp và tình cảm của bà con.
Đại sứ Vinh cũng cảm ơn những tấm lòng nhân ái, những đóng góp cho quê hương, bao gồm đóng góp thiện nguyện, nhân đạo, đóng góp xây dựng chủ trương, chính sách cũng như bảo vệ chủ quyền và biển đảo.
Có hai ca sỹ Trọng Tấn và Ngọc Anh tới phục vụ. Thấy một số người hát theo bài Việt Nam quê hương tôi.
Bạn Vân Linh của WB lẩm nhẩm tất cả các bài của Trọng Tấn, mắt rưng, dù ngoài hành lang bà con nói chuyện riêng như cái chợ vỡ. Một thói quen xấu mà năm nào cũng lặp lại, HM Blog tiếp tục nhắc tới khi nào mấy trăm người tôn trọng ca sỹ, người phát biểu, chú ý lắng nghe.
Phòng ăn có đủ các món từ bánh chưng đến bún chả, giò, nem cuốn, hoa quả, rượu bia, nước ngọt. Có món đặt ở nhà hàng, có món do các bà các chị tự biên tự diễn.
Các cháu nhà này (Bin và Luck) đến từ sớm và tuyên bố nhịn đói cả ngày để chén cỗ chiều nhà bác Đại sứ, nghe nói to lắm. Trong khi nghe phát biểu, rồi ca hát, vì phần lớn không biết tiếng Việt, các cháu đợi sẵn ở cửa phòng ăn, chỉ đợi tháo khoán là vào, chắc do đói quá.
Mới sang nhậm chức được 2 tháng, tuy bận tiếp khách, nhưng Đại sứ Vinh cũng dành 15 phút tiếp Cua Times, vì nghe nói blog Hiệu Minh khá nổi tiếng ở DC. Trong chuyện này, tôi tin Đại sứ tiền nhiệm Nguyễn Quốc Cường đã làm công việc bàn giao về truyền thông nhân dân rất tuyệt.
Với cách giao tiếp thân thiện, người được tiếp không có cảm giác là đang nói chuyện với nhà ngoại giao có hàm Thứ trưởng. Đại sứ Vinh nói đến vài nhiệm vụ nặng nề trước mắt: làm quen với nơi mới, gặp gỡ các quan chức chính phủ, chuẩn bị lễ trình quốc thư, kỷ niệm 20 năm quan hệ Mỹ Việt (1995-2015).
Ông cũng không dám hứa là khi nào thì mời được Obama sang thăm Hà Nội, nhất là lúc đang tại vị (in seat president). Đợi năm cuối thành con vịt què mới sang như Bill Clinton hay George Bush thì chán.
Việc đối xử với cộng động người Việt tại Mỹ là vấn đề phức tạp và cần một tư duy đổi mới và khéo léo. Tôi tóm tắt lại bài phát biểu trên trong entry này có ý cho bà con không được mời biết về ý định của vị Đại sứ mới. Những ai có khúc mắc gì, góp ý ra sao, xin mời comment trên blog. Tôi tin tòa đại sứ sẽ theo dõi kỹ.
Về đối nội, nếu nhân dịp Tết, an ninh Việt Nam thả nhà văn Nguyễn Quang Lập và một số blogger khác thì có lẽ gần 100% khách mời trong nhà R sẽ hoan hô, nói chi đến người gốc Việt ở California hay Atlanta.
Tôi cũng dự cảm, các vị đại sứ công cán, hội đàm với nước sở tại, chắc không muốn thấy tin về bắt ai, thả ai vì những lý do lãng xẹt. Ngoại giao là giữ hình ảnh đất nước tin cậy trong lòng bạn bè. Thời hội nhập không có tín chỉ nói chi tới chuyện làm ăn lâu dài. Mỗi vị đại sứ công cán đều phải đương đầu với công luận về thể chế hiện hành của quốc gia.
Thật ra những người được mời hôm qua là số rất nhỏ so với vài triệu kiều bào sống bên Mỹ. Nếu đến với họ bằng sự chân thành thì tôi tin tự thân nó sẽ lan tỏa mà chẳng cần những mỹ từ.
Đại sứ Vinh từng có những năm công tác nhiệm kỳ trong phái đoàn VN tại Liên hợp quốc ở New York. Từ 1996 đến 1999, ông còn giữ vị trí Tham tán Công sứ, Phó trưởng Đại diện thường trực Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc. Thời gian đó, ông chứng kiến đoàn ngoại giao bị biểu tình ngăn chặn như thế nào.
Nhà R này tôi cũng ra vào dự lễ nhiều lần, và 5-6 năm về trước vẫn còn biểu tình. Giờ đây tình hình đã khác.
Ngoại giao Việt Nam có nhiều tiến bộ, tiếng Anh tốt hơn, kể cả phu nhân. Nhiều đại sứ đi công cán 3 năm không phải là hưởng ưu đãi trước khi về vườn. Nếu còn trẻ, họ sẽ phấn đấu để có một nhiệm kỳ khác tốt hơn. Nếu đại sứ đợi ngày về hưu thì chắc chắn không thể có đột phá trong quan hệ tầm quốc gia.
Trước khi chia tay, tôi có kể về bác Nguyễn Túc, cựu thư ký của tòa đại sứ của chính quyền Sài Gòn, vào sáng 30-4-1975 mà từng viết trong blog. Sau khi thảo bức điện cuối cùng gửi về dinh Độc Lập, ông khóa cửa ra đi một mình vì các nhân viên đã rời trước đó.
Tôi từng gặp bác Nguyễn Túc tại nhà riêng, một nhân chứng lịch sử. Bác có kể, sau khi khóa tất cả các cửa của tòa Đại sứ, bác không biết làm gì với chùm chìa khóa, liền bỏ túi mang về nhà và biết chắc không bao giờ quay lại đó nữa.
Tôi nói với Đại sứ Vinh, thử tưởng tượng vào sáng sớm thức dậy, một người bỗng thấy quê hương đất nước không còn là của mình, biết đi đâu về đâu với hai bàn tay trắng, thất vọng và vô vọng. Đặt mình vào vị trí đó sẽ hiểu được bà con lưu lạc xứ người.
Không hiểu sao, tôi tin là Đại sứ Vinh rất chân thành, không phải nhà ngoại giao nói chuyện với blogger.
Chúc Đại sứ, phu nhân và anh chị em trong đoàn ngoại giao tại Hoa Kỳ thành công trong nhiệm kỳ của mình.
HM. 7-2-2015
Vài hình ảnh về tiệc đón xuân tại ĐSQ Việt Nam tại DC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét