Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

(1) Ổn định về lượng, trì trệ về chất, chưa rõ tương lai

Bài viết của tôi. Hình không lên được, thứ 2 tới sẽ xử lý.
Kinh tế vĩ mô 2014:
Ổn định về lượng, trì trệ về chất, chưa rõ tương lai
Trong một bài viết đầu năm 2014 trên tạp chí nghiên cứu kinh tế (xem ở cuối bài), tôi đã đề nghị trong năm 2014 và 1-2 năm tiếp theo, Chính phủ cần kiên trì mục tiêu tăng trưởng GDP chỉ khoảng 5,5-6% để dành tâm sức nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng thể chế kinh tế thị trường phù hợp, đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền sản xuất, xử lý tốt thị trường bất động sản, làm sạch tình trạng nợ xấu, ổn định tỷ lệ thu, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách, đảm bảo cân bằng ngoại thương, giữ vững được những cân đối vĩ mô, mạnh mẽ đấu tranh chống tham nhũng, cải cách bộ máy nhà nước và công tác cán bộ theo hướng tận tâm phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân... 
Ảnh chủ Blog chụp tại đồn biên phòng xã 
Loong Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Làm được những điều đó thì hoàn toàn có thể năng cao hơn nữa tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn để từ những năm 2017-2020 có thể đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế về 7-7,5%/năm như đã có trong suốt 20 năm đầu đổi mới (1989-2009). Nguyên tắc tối cần thiết đặt ra trong suốt năm 2014 là: Kiên định không chạy theo tăng trưởng nhanh; lấy ổn định vĩ mô và phát triển hài hòa làm đại cục, ra sức nâng cao chất lượng tăng trưởng để chấm dứt hoàn toàn cục diện "tăng trưởng nhanh - khủng hoảng lớn" luân phiên kéo dài hàng chục năm qua. Một năm đã trôi qua, dưới đây xin điểm lại một số kết quả đã đạt được trong năm 2014 và những định hướng lớn cho năm 2015.

1) Nền kinh tế tăng trưởng ổn định ở mức thấp so với tiềm năng; chất lượng tăng trưởng tiếp tục trì trệ
Nhìn lại lịch sử phát triển trong suốt 4 chục năm gần đây (1975-2014), có thể thấy rõ nền kinh tế nước ta đã liên tục có những bước thăng trầm khá lớn qua mỗi giai đoạn chỉ khoảng 5 năm. Đặc biệt, trong mỗi thập niên tính từ các mốc 1980, 1990 và 2000, tốc độ tăng trưởng GDP thường liên tục tăng nhanh trong nửa đầu rồi suy giảm khá mạnh trong nửa sau. Riêng khoảng 10 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP đã gần như liên tục đi xuống trong giai đoạn 2006-2009, chỉ tăng trở lại vào năm 2010 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với trước năm 2007. Nhìn chung giai đoạn 8 năm 2008-2015 (tính cả kế hoạch tăng trưởng 6,2% của năm 2015), tốc độ tăng trưởng GDP tương đối ổn định, giao động trên dưới 1% so với mức trung bình 5,7%. Như vậy, đây là ổn định ở mức thấp so với tiềm năng (tiềm năng khoảng 7,5-8% như đã đạt được trong các 5 năm đầu của 3 thập kỷ kể trên).
Như vậy, nếu như quá trình tăng trưởng của nền kinh tế nước ta từ năm 2010 về trước có các pha đi lên – đi xuống khá rõ ràng, mang tính cơ cấu, dễ dự báo thì từ năm 2011 đến nay đang trong giai đoạn ổn định trì trệ dưới tiềm năng nên rất khó dự báo cho một vài năm tới. Sự trì trệ kéo dài đã gần 3 năm đòi hỏi phải có sự thay đổi nhưng thay đổi thế nào trong bối cảnh hiện nay là điều khó dự báo.
Hai khả năng đều rất dễ xảy ra: Hoặc tiếp tục phục hồi chậm chạp và ổn định dưới mức tiềm năng, chất lượng tăng trưởng tiếp tục trì trệ, hoặc tăng tốc tương đối mạnh để sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng tiềm năng như đã nhiều lần xảy ra trước đây. Dự báo khả năng đầu sẽ xảy ra trong năm 2015, năm đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2016, nhưng diễn biến tiếp theo thế nào thì chưa thể nói trước được.
Đồ thị 1: Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2000-2014 (%)

Tăng trưởng ổn định dưới tiềm năng không chỉ diễn ra trong toàn nền kinh tế mà còn diễn ra ở tất cả các khu vực. Trước hết hãy nhìn  khu vực nông lâm ngư nghiệp. Mặc dù tăng trưởng năm 2014 đã lên tới xấp xỉ 3,5% nhờ mưa thuận gió hòa, nhưng vẫn kém xa các năm 2005-2008. Tình hình tương tự diễn ra trong khu vực tiếp theo là công nghiệp. Riêng khu vực dịch vụ, xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng vẫn liên tục kéo dài từ năm 2005 tới nay; điều này rất đáng quan tâm vì nó phản ánh nhu cầu vẫn chưa thoát khỏi trì trệ và do đó sẽ hạn chế sự phục hồi, từng bước đi lên vững chắc của toàn nền kinh tế. Đáng tiếc nếu như năm 2013 khu vực dịch vụ đã có bước bứt phá về tốc độ tăng trưởng, dấu hiệu cho thấy cầu bắt đầu được cải thiện, thì năm 2014 điểm sáng này đã không phát huy lên được, thậm chí bị thụt lùi.
Hậu quả là cơ cấu kinh tế có những chuyển dịch theo hướng tiến bộ nhưng quá chậm chạp: Tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ trong GDP đều tăng không đáng kể sau gần 10 năm phát triển (2006-2014). Tính chung tỷ trọng khu vực nông nghiệp sau gần 10 năm chỉ giảm được 1,2%.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế quá chậm gắn liền với tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động cũng rất chậm. Đến hết năm 2014, vẫn còn tới 46,6% lực lượng lao động đang làm việc trong khu vực nông nghiệp. Tính chung sau 10 năm, tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp chỉ giảm được 8,6%. Riêng năm 2014, nhìn vào dòng cuối của bảng dưới đây, có thể thấy hầu như không có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động so với năm 2013.
Đồ thị 2: Tốc độ tăng trưởng của các khu vực giai đoạn 2000-2013 (%)

Bảng 1: Tỷ trọng các khu vực trong nền kinh tế (%)

Cơ cấu GDP (%)
Cơ cấu lao động (%)
Nông nghiệp
Công nghiệp
Dịch vụ
Nông nghiệp
Công nghiệp
Dịch vụ
2005
19,30
38,14
42,56
55,2
17,6
27,2
2006
18,73
38,59
42,68
54,1
18,0
27,9
2007
18,66
38,52
42,82
53,0
18,9
28,1
2008
20,42
37,08
42,50
52,3
19,3
28,4
2009
19,17
37,38
43,45
51,5
20,0
28,5
2010
18,89
38,23
42,89
49,6
20,9
29,5
2011
20,08
37,90
42,00
48,3
21,3
30,4
2012
19,67
38,63
41,69
47,3
21,3
31,4
2013
18,38
38,31
43,32
46,8
21,2
32,0
2014
18,12
38,50
43,38
46,6
21,4
32,0

Để hiểu rõ hơn thực trạng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hãy xem xét tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Trong năm 2014, cả nước có 74,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 432,2 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% về số doanh nghiệp và chỉ tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với năm 2013. Bên cạnh đó còn có 22,8 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 595,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2014 là 1027,9 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên trong năm 2004 có tới 67,8 nghìn doanh nghiệp phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp... Như vậy, một mặt số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới so với doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động không cao hơn đáng kể. Mặt khác, mặc dù số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm khá lớn nhưng đó mới là số vốn hứa hẹn trên sổ sách, trong khi những doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động đã và đang thực sự gây ra nhiều tổn thất cho nền kinh tế và toàn xã hội.
Thêm nữa, tình trạng tồn kho của các doanh nghiệp trong rất nhiều lĩnh vực còn khá lớn và tiếp tục tăng. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/12/2014 vẫn tăng tới 10% so với cùng thời điểm năm 2013 (cùng thời điểm năm 2013 tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 11 tháng đầu năm 2014 cũng rất cao (74,5%). Sự phục hồi của nền kinh tế đang rất mong manh, chủ yếu vẫn là nhờ những đóng góp của các doanh nghiệp FDI.
Về phía tiêu thụ, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2014 tăng 10,6%; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3%, cao hơn mức 5,5% của năm 2013. Do vậy tăng tiêu dùng là nhân tố quan trọng góp phần làm tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 tăng thêm 0,56% so với năm 2013. Nếu so sánh tốc độ tăng trưởng tiêu dùng (6,3%) và tốc độ tăng trưởng kinh tế (5,98%), có thể thấy tiếp tục có sự cân đối về tăng trưởng giữa hai chỉ tiêu này như đã thực hiện trong năm 203.
Tính chung tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 tiếp tục được cải thiện, chủ yếu từ một số cải thiện nhỏ về phía cầu; trong khi đó khu vực doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn; cung vẫn vượt cầu; khu vực dịch chưa thể phục hồi; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động hầu như không chuyển biến. Như vậy, tăng trưởng ổn định về lượng chưa đi đôi với những thay đổi mạnh mẽ về chất như mong đợi. Chất lượng tăng trưởng vẫn rất yếu kém.
2) Tỷ lệ đầu tư được giữ ở mức hợp lý; hiệu quả chậm được cải thiện
Đầu tư vừa là nhân tố cung, vừa là nhân tố cầu, và cũng là nhân tố chính tạo ra tốc độ tăng trưởng khá cao của nền kinh tế nước ta trong nhiều năm qua nhờ tỷ lệ đầu tư trên GDP đã tăng lên rất nhanh và liên tục đứng ở mức rất cao. Việc phát triển kinh tế thị trường và đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa đã tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn ra làm giàu, đóng góp vào quá trình phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy một khi vốn đầu tư đã trở nên quá dồi dào thì hiệu quả sử dụng vốn sẽ giảm xuống, tất yếu dẫn tới việc phải điều chỉnh lại chiến lược đầu tư.
Sau một số năm triển khai đầu tư ồ ạt (2006-2010) dẫn tới hai cuộc khủng hoảng lạm phát lớn 2008 và 2011 (xem đồ thị 6), từ năm 2011, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP đã giảm rất nhanh và liên tục; từ mức 42,7% năm 2007 và 38,5% năm 2010 xuống chỉ còn 33,3% năm 2011 và ổn định khoảng 30,5-31% năm 2013-2014, thấp nhất kể từ năm 2000. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thế giới, tỷ lệ đầu tư các năm 2013-2014 được xem là phù hợp với một nền kinh tế đang phát triển ở trình độ trung bình thấp như nước ta; nếu giữ ổn định được tỷ lệ đầu tư này dài hạn đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế sẽ cao hơn đáng kể.
Đồ thị 3: Tỷ lệ đầu tư trên GDP và tốc độ tăng trưởng GDP (%)

Điểm sáng chủ yếu về đầu tư năm 2014 là tỷ trọng vốn đầu từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã phục hồi trở lại sau hai năm giảm liên tiếp, trong khi tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực nhà nước sau hai năm tăng liên tiếp đã bắt đầu giảm xuống. Tình hình này đối ngược với năm 2013. Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm 2014 tiếp tục ổn định khoảng 22% trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Riêng trong khu vực kinh tế nhà nước, chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn đầu tư tiếp tục theo hướng hiệu quả hơn, tức là giảm tỷ trọng vốn tín dụng ưu đãi nhà nước và vốn của các doanh nghiệp nhà nước; đồng thời tăng tỷ trọng nguồn vốn ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội và thực hiện chiến lược xóa đói giảm nghèo.
Bảng 2: Cơ cấu vốn đầu tư theo thành phần kinh tế (%)

Tổng số
Kinh tế
Nhà nước
Kinh tế ngoài
nhà nước
Khu vực có vốn
đầu tư nước ngoài
2005
100,0
47,1
38,0
14,9
2006
100,0
45,7
38,1
16,2
2007
100,0
37,2
38,5
24,3
2008
100,0
33,9
35,2
30,9
2009
100,0
40,5
33,9
25,6
2010
100,0
38,1
36,1
25,8
2011
100,0
37,0
38,5
24,5
2012
100,0
40,3
38,1
21,6
2013
100,0
40,4
37,6
22,0
2014*
100,0
38,2
38,4
21,7
Chú thích (*): Riêng năm 2014 còn có nguồn vốn khác khoảng 20,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Điểm yếu nổi bật về đầu tư năm 2014 là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong năm có 1588 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,6 tỷ USD, tăng 24,5% về số dự án và tăng 9,6% về vốn so với năm 2013. Đồng thời có 594 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký bổ sung gần 4,6 tỷ USD vốn đầu tư. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 20,3 tỷ USD, giảm 6,5% so với năm 2013. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2014 ước tính đạt 12,4 tỷ USD, chỉ tăng 7,4% so với năm 2013. Như vậy so với năm 2013, hiệu quả công tác thu hút đầu tư nước ngoài đã giảm sút.
Thêm nữa, nếu như trong năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung chủ yếu vào ngành trọng điểm để phát triển kinh tế thì năm 2014, tình hình đã đảo ngược. Tỷ trọng vốn đăng ký vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo giảm từ 76,9% xuống còn 71,6%; ngược lại tỷ trọng vốn đầu tư vào bất động sản và xây dựng tăng lên tới 17,8%. Các ngành còn lại (kể cả sản xuất, phân phối điện, khí đốt) chỉ chiếm 10,6%.
Hơn nữa, nếu như trong năm 2013 nhiều quốc gia công nghiệp phát triển đã tăng cường đầu tư trở lại vào nước ta, thì năm 2014 hầu hết chỉ là những nước trong khu vực hoặc các nước có công nghệ khá. Trong 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam năm 2014, tốp dẫn đầu đều từ nội bộ khu vực châu Á: Hàn Quốc với 6,1 tỷ USD, chiếm 39,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu Hành chính Hồng Công với 2,8 tỷ USD, chiếm 17,9%; Singapo 2,3 tỷ USD, chiếm 14,8%; Nhật Bản 1,2 triệu USD, chiếm 7,7%; Đài Loan 0,5 tỷ USD, chiếm 3,3%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 0,4 tỷ USD, chiếm 2,5%...
Đồ thị 4: Tiến triển của hệ số ICOR

Về sử dụng, các nguồn đầu tư xã hội năm 2014 được tập trung hơn cho những mục tiêu tái cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao hiệu quả sản xuất, dự báo trong 1-2 năm tới đây sẽ phát huy hiệu quả tới tăng trưởng. Nguồn vốn ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ hơn nhờ triển khai thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ. 2014 cũng là năm thứ 3 thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư đi đôi với giảm dần tỷ lệ đầu tư công, giảm tỷ trọng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, hoàn thiện thể chế về đầu tư nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Đặc biệt Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư công, chuyển sang quản lý đầu tư theo kế hoạch trung hạn, áp dụng từ 1/7/2015, chắc chắn sẽ tạo thêm thuận lợi để nâng cao chất lượng đầu tư phát triển.
Những cố gắng xiết chặt đầu tư công và tăng cường huy động đầu tư ngoài nhà nước trong 2 năm 2013-2014 đã mang lại kết quả thiết thực: Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được cải thiện dù chưa nhiều. Hệ số ICOR đã giảm mạnh từ 7,26 năm 2009 xuống khoảng 5,9 trong 3 năm 2010-2012, rồi 5,61 năm 2013 và 5,18 năm 2014. Hệ số này so với các nước trong khu vực thì không còn quá cao, song so với trình độ phát triển hiện nay của nền kinh tế nước ta thì cần phải tiếp tục hạ xuống nhiều nữa để nâng cao hiệu quả sử dụng, qua đó nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, ICOR năm 2014 vẫn cao hơn mốc 2005 và những năm đầu thập kỷ 2000 nên tiềm năng giảm xuống còn lớn.

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, trong lĩnh vực đầu tư, đang nổi lên một số khó khăn cần khẩn trương tháo gỡ trong năm 2015. Cơ chế và chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư chưa có bước tiến đột phá; luật pháp không ổn định, các văn bản dưới luật quá nhiều và thường xuyên thay đổi; môi trường đầu tư chậm được cải thiện và nhiều rủi ro; phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế vẫn lớn, chưa đủ hấp dẫn đối với thành phần kinh tế ngoài nhà nước nên tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước trong 10 năm qua không thể tăng lên được, thậm chí có nhiều năm giảm mạnh. Các khu vực trọng điểm, có lợi thế hoặc còn nhiều tiềm năng chưa được quan tâm hỗ trợ thích đáng nên hiệu quả đem lại thấp. Cải cách hành chính liên quan đến đầu tư nhìn chung vẫn chậm trễ; tham nhũng gây khó dễ cho nhà đầu tư vẫn tràn lan... Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng nhà nước chưa thật sự phát huy vai trò là vốn mồi để thu hút các nguồn vốn khác nhằm dẫn dắt hình thành cơ cấu đầu tư hợp lý, có hiệu quả, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh hơn. Việc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng chưa nghiêm...
Xem các phần khác ở đây:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét