Bầu Kiên xử xong, câu hỏi còn lại
(TBKTSG Online) - Vụ án xử ông Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm đã kết thúc, các bản án đã được tuyên vì thế bài viết này không bình luận gì về kết quả phiên tòa nữa. Thế nhưng vẫn còn những câu hỏi gián tiếp từ phiên tòa đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp chưa có câu trả lời thỏa đáng – những câu hỏi có thể sẽ quyết định sự sôi động hay trầm lắng của hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Ở đây chúng ta chỉ tập trung vào một câu hỏi nội cộm nhất: thế nào là kinh doanh trái phép?Theo điều 159 Bộ luật Hình sự thì người nào kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký thì phạm tội kinh doanh trái phép, có thể bị phạt tù đến hai năm.
Vấn đề ở chỗ kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu, nói chung là mua bán chứng khoán có phải là hoạt động kinh doanh cần đăng ký và phải ghi vào giấy chứng nhận kinh doanh thì doanh nghiệp mới được tiến hành?
Trước nay và có lẽ cả về sau này, không ai nghĩ việc mua bán trái phiếu, cổ phiếu, góp vốn vào doanh nghiệp khác là hoạt động kinh doanh cần đăng ký. Thực tế bộ phận đăng ký kinh doanh ở các địa phương đã trả lời với những ai đặt ra vấn đề xin đăng ký kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu là không thể đăng ký những hoạt động này.
Trong điều hành doanh nghiệp, ban giám đốc thường giao cho bộ phận tài chính của doanh nghiệp làm sao tối ưu hóa dòng tiền vô ra, không để tiền mặt nằm yên không sinh lời. Từ đó mới có hoạt động mua bán cổ phiếu trái phiếu hàng ngày, từ đó mới hình thành thị trường chứng khoán.
Nay trong vụ án Bầu Kiên, Hội đồng xét xử cho rằng giấy phép kinh doanh của các công ty của ông Kiên không có ghi kinh doanh cổ phần, cổ phiếu mà vẫn tiến hành mua bán cổ phần, cổ phiếu thì như vậy là đã phạm tội kinh doanh trái phép.
Có thể 6 công ty mà ông Kiên có vai trò là chủ tịch hội đồng quản trị hoặc chủ tịch hội đồng thành viên được thành lập chỉ nhằm mục đích kinh doanh cổ phần, cổ phiếu, các công ty này không có hoạt động kinh doanh nào ngoài hoạt động kinh doanh cổ phần, cổ phiếu như nhận định của Hội đồng xét xử.
Nhưng như vậy thì phải có một tuyên bố, một giải thích hay một khẳng định nào đó từ một hay nhiều cơ quan hữu quan để trấn an cộng đồng doanh nghiệp.
Ngay tại phiên tòa cuối cùng để tuyên án, Hội đồng xét xử cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát các quy định pháp luật, bổ sung các văn bản tháo gỡ vướng mắc hoạt động của ngân hàng thương mại, tạo cơ chế thông suốt từ trung ương đến địa phương, hướng dẫn kịp thời, nâng cao chất lượng nhân sự ngân hàng. Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư rà soát các quy định pháp luật, hướng dẫn doanh nghiệp trong các lĩnh vực đầu tư.
Điều đó có nghĩa hoặc NHNN hoặc Bộ KHĐT phải lên tiếng, rằng mua bán trái phiếu, cổ phiếu hay góp vốn tại doanh nghiệp khác không phải là hoạt động kinh doanh cần đăng ký mới được tiến hành. Nếu cần thì lưu ý thêm doanh nghiệp thành lập ra chỉ nhằm mục đích mua bán cổ phiếu hay trái phiếu thì sẽ bị điều chỉnh như thế nào để vừa không trái luật, vừa không bị lợi dụng như các công ty trong vụ án vừa xử.
Còn nhiều câu hỏi tương tự, cần các cơ quan hữu quan trả lời hay giải thích cho cộng đồng doanh nghiệp như khi luật đã quy định mà chưa có nghị định hay thông tư hướng dẫn thì làm như thế nào là đúng, làm theo luật hay không làm theo luật vì phải chờ hướng dẫn…
Việc giải tỏa những thắc mắc này mà cũng là tâm tư băn khoăn của giới doanh nhân là cách cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay để doanh nghiệp yên tâm làm ăn lâu bền.
Nguyễn Vũ
Định hướng xã hội chủ nghĩa là vậy, còn hỏi làm gì nữa.
Trả lờiXóa